Bạch hầu là căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng từ người này qua người khác qua đường hô hấp. Các triệu chứng bạch hầu dễ nhầm với cảm lạnh nên rất khó nhận biết.
Tổng quan về bệnh
Bệnh bạch hầu có tên tiếng anh là diphtheria. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản hoặc mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở cả trên da, các màng niêm mạc khác, chẳng hạn như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – Corynebacterium diphtheria gây ra. Ở những người không được tiêm phòng, hoặc không được điều trị kịp thời, khoảng 10% trường hợp người bệnh sẽ tử vong mặc dù họ đã được dùng kháng sinh và sử dụng thuốc chống huyết thanh.

Bạch bạch hầu khởi phát do ngoại độc tố của Corynebacterium diphtheria
Bệnh bạch hầu được Hippocrates - ông tổ của ngành y học phương Tây mô tả lần đầu tiên vào thế kỷ V trước Công nguyên. Một số tài liệu Y học cũng đã nhắc đến sự hoành hành của bệnh bạch hầu ở nước Syria và Ai Cập cổ đại. Các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và tìm ra vi khuẩn gây bệnh này vào khoảng năm 1883-1884. Tiếp theo, kháng độc tố của loại vi khuẩn này đã được phát minh vào cuối thế kỷ XIX.
Ở Việt Nam, bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện nhiều tại những tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk… Từ rải rác xuất hiện một, hai trường hợp ở một số vùng nhất định, gần đây liên tiếp hàng chục bệnh nhân nhiễm bệnh đã được Bộ y tế ghi nhận.
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh bạch hầu chính là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae - một loài thuộc họ Corynebacteriaceae. Loại vi khuẩn này có 3 tuýp là Gravis, Mitis và Intermedius. Chúng có khả năng tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu có thể nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn.
Bệnh bạch hầu khởi phát cấp tính gây ra các biểu hiện đặc trưng là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ. Độc tố của vi khuẩn làm cho màng mô chết đi và tích tụ trên cổ họng và amidan, từ đó việc thở và nuốt trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết
Bệnh bạch hầu ở giai đoạn khởi phát giống như đợt cảm lạnh thông thường với các triệu chứng đặc trưng là viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản hoặc nhiễm trùng da. Tiếp theo các biểu hiện khác sẽ xuất hiện tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh.
- Bệnh bạch hầu mũi: Dạng bạch hầu này chiếm 4 - 12%. Người bệnh có triệu chứng sổ mũi; mũi chảy ra chất mủ nhầy, đôi khi có lẫn máu kèm mùi hôi. Nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ, dễ điều trị do độc tố ít thâm nhập vào máu.
- Bệnh bạch hầu họng - Amydale: Dạng bạch hầy này chiếm tới 40 - 70%. Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 1 - 3 ngày sẽ xuất hiện màng giả mạc dai và dính chắc vào amidale hoặc bao phủ cả vùng hầu họng, dễ chảy máu. Khi quan sát, lớp giả mạc có màu trắng ngà/ trắng xanh, xám hoặc đen.
- Bệnh bạch hầu thanh quản: Dạng bạch hầu này chiếm tới 20 - 30%. Người bệnh có biểu hiện sốt, khan tiếng, ho ông ổng, giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Ngoài ra bệnh cũng gây cảm giác khó thở dữ dội, xuất hiện tiếng rít thanh quản, khàn giọng. Nếu không xử trí kịp thời, các giả mạc này hoàn toàn có thể gây tắc đường thở làm người bệnh suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh bạch hầu
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu bao gồm:
- Trẻ em và người lớn không được tiêm đầy đủ vắc-xin bạch hầu.
- Những người sống trong điều kiện môi trường đông đúc hoặc mất vệ sinh.
- Người đi du lịch đến một khu vực đang có dịch bạch hầu hoành hành.
Đường lây nhiễm
Bệnh bạch hầu lây lan nhanh chóng do sự tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi khi ai đó tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Bởi vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan của rất nhanh chóng, thậm chí nó có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh đã có thể lây nhiễm cho người khác.
Biến chứng của bệnh
Bệnh bạch hầu có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng hướng. Cụ thể:
- Tắc nghẽn đường hô hấp: Việc chẩn đoán và điều trị muộn có thể khiến màng giả mạc lan rộng và dày, từ đó làm tắc đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời, người bệnh sẽ tử vong nhanh chóng.
- Viêm cơ tim: Biến chứng này có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, đặc biệt là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố. Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm, ngay từ những ngày đầu tiên của bệnh hoặc trễ hơn vào khoảng tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Tỷ lệ viêm cơ tim của người mắc bệnh bạch hầu là 10 - 25% và tỷ lệ tử vong do biến chứng này là 50 - 60%. Có thể thấy, đây là biến chứng nghiêm trọng, người bệnh chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực.
- Biến chứng thần kinh: Biến chứng này thường xuất hiện muộn hơn. Người bệnh bị liệt khẩu cái cả hai bên (thường là liệt vận động), liệt phần mềm của lưỡi gà vào tuần thứ 3 và liệt cơ vận nhãn vào tuần thứ 5. Tuy nhiên, liệt cơ vận nhãn cũng có thể xuất hiện trong tuần đầu, đây là nguyên nhân khiến người bệnh nhìn mờ và lác. Viêm dây thần kinh cơ hoành, gây liệt cơ hoành thường xuất hiện vào tuần thứ 5 đến tuần thứ 7. Hầu hết các biến chứng thần kinh đều có khả năng phục hồi hoàn toàn trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
Biện pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh bạch hầu, bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt.
Chẩn đoán xác định:
- Lâm sàng: Người bệnh bạch hầu có dấu hiệu nhiễm độc nặng/sốt nhẹ; cổ bạnh, bạch cầu tăng, xuất hiện màng giả đặc hiệu của vi khuẩn bạch hầu
- Dịch tễ: Xung quanh khu vực sống của người thăm khám người mắc bệnh, có tiếp xúc bệnh nhân, ổ dịch, vụ dịch.
- Xét nghiệm: Bao gồm: Soi tươi, cấy có vi khuẩn bạch hầu tại họng, trên môi trường Terullit kali hoặc gây bệnh trên chuột lang.
Chẩn đoán phân biệt:
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác cũng có màng giả như viêm họng do tụ cầu, liên cầu; viêm họng Vincent; viêm họng do virus, Herpes, nấm Candida, viêm họng hoại tử. Với bệnh bạch hầu, lượng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn sẽ tăng đáng kể.
- Phân biệt bệnh bạch hầu với các bệnh gây khó thở thanh quản: Viêm thanh quản cấp, nguyên phát do virus sởi, dị vật thanh quản, áp xe thành sau họng,...
Phương pháp điều trị
Các biện pháp điều trị bệnh bạch hầu được áp dụng phổ biến hiện nay là dùng thuốc kháng độc tố, kháng sinh và liệu pháp oxy,...
- Kháng độc tố: Để giảm nguy cơ tử vong, người bệnh có thể dùng ngay 40.000 đơn vị kháng độc tố bạch hầu (TB hoặc TM). Chú ý, cần test trong da trước để phát hiện dấu hiệu quá mẫn, sốc phản vệ. Bởi dù có một nguy cơ nhỏ cũng sẽ gây nên hiện tượng phản vệ nặng với huyết thanh ngựa trong kháng độc tố.
- Kháng sinh: Trường hợp nghi ngờ bạch hầu cần được tiêm bắp sâu mỗi ngày với procaine benzylpenicillin liều 50mg/kg (tối đa 1,2g/ ngày) trong 10 ngày. Chú ý, thuốc này không nên tiêm tĩnh mạch.
- Liệu pháp oxy: Được áp dụng cho các bệnh nhân có triệu chứng khó thở.
- Mở khí quản/đặt nội khí quản: Khi có dấu hiệu của tắc nghẽn đường thở hoàn toàn bởi các biểu hiện như thở rút lõm ngực nặng và bứt rứt sẽ thì phương pháp mở khí quản sẽ được chỉ định. Đặt nội khí quản qua miệng là thủ thuật thay thế, tuy nhiên cách này có thể làm bong tróc giả mạc và không thể giải phóng sự tắc nghẽn.
- Điều trị hỗ trợ: Các biện pháp hỗ trợ để điều trị bạch hầu bao gồm: Dùng paracetamol khi người bệnh bị sốt (≥ 39 độ C); tăng cường ăn uống, tránh thực hiện thủ thuật xâm lấn khi có thể.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Để phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế luôn luôn khuyến cáo người dân cần thực hiện đồng thời các biện pháp sau:
- Tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Che miệng khi ho hoặc lúc hắt hơi.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng mỗi ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.
- Đảm bảo nhà ở, môi trường học tập và làm việc luôn thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh, chủ động cách ly và đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch bạch hầu cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bệnh bạch hầu dù nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy đến trung tâm chủng ngừa để được tiêm vaccine nếu chưa được tiêm. Bên cạnh đó những triệu chứng của bệnh, cần chủ động cách ly y tế và liên hệ bác sĩ ngay để được tư vấn thăm khám.