Cắt Amidan - những điều cần làm trước và sau phẫu thuật cắt amidan

Trần Thị Hương Ngát

21-08-2020

goole news
16

Cắt amidan là phẫu thuật đơn giản, thời gian thực hiện ngắn, hồi phục nhanh. Trước và sau phẫu thuật cắt amidan, người bệnh cần lưu ý một số điều quan trọng dưới đây.

Cắt Amidan được thực hiện khi nào?

Amidan là một tổ chức lympho, nằm ở hai bên cuối đáy lưỡi, bên cạnh miệng. Chức năng chính của amidan là sản xuất kháng thể, bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của vi khuẩn, tiêu diệt các tác nhân gây nhiễm trùng khi hệ miễn dịch còn chưa hoàn chỉnh. Đến giai đoạn dậy thì, mức độ miễn dịch của amidan giảm, không còn hoạt động mạnh như trước nữa. 

Ở trẻ em, do sức đề kháng yếu, khi bị các vi khuẩn, nấm xâm nhập tấn công vào vùng mũi họng sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm amidan. Viêm amidan tái phát nhiều lần sẽ làm khả năng chống chọi vi khuẩn của amidan yếu đi. Các ổ viêm amidan lại trở thành nơi khởi phát viêm vùng họng.

Hình ảnh amidan bị viêm

Hình ảnh amidan bị viêm

Cắt amidan là phẫu thuật nhằm loại bỏ hoàn toàn tổ chức amidan bị viêm, không còn chức năng sinh lý ở hầu họng. Phẫu thuật này giúp giải quyết triệt để tình trạng viêm amidan tái phát. Đồng thời, hạn chế biến chứng lên các cơ quan hô hấp. 

Thông thường, các bác sĩ rất hạn chế chỉ định cắt amidan do cơ quan này đóng vai trò miễn dịch quan trọng, đặc biệt là ở trẻ em. Nếu chỉ viêm nhẹ, có thể điều trị bằng thuốc và chăm sóc hợp lý thì không cần cắt amidan.

Amidan được chỉ định cắt bỏ trong các trường hợp sau:

  • Viêm amidan mạn tính từ 7 lần/năm, 5 lần trong 2 năm hoặc 3 lần trên 3 năm;
  • Viêm amidan gây biến chứng như: viêm tai giữa, viêm xoang, nặng hơn là viêm khớp, viêm vi cầu thận… tái lại nhiều lần
  • Amidan quá to, gây khó nuốt, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc gây nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống;
  • Viêm amidan mạn tính điều trị nội khoa tích cực trong vòng 4-6 tuần vẫn đau họng, viêm hạch cổ, hơi thở hôi;
  • Bị áp-xe quanh amidan phải nhập viện;
  • Viêm amidan hốc mủ gây hôi miệng,làm mất tự tin trong giao tiếp;
  • Có sỏi amidan;
  • Nghi ngờ có khối u ác tính;
  • Đã có biến chứng lên các cơ quan hô hấp lân cận: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thanh quản, hoặc xa hơn là biến chứng lên tim, thận, khớp...

Ai là người cần cắt amidan?

Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể cắt amidan. Thông thường trẻ em trên 5 tuổi mới được chỉ định cắt. Tuy nhiên có những trường hợp trẻ nhỏ hơn phải cắt do amidan quá to, gây ngưng thở khi ngủ. 

Chống chỉ định tuyệt đối cắt amidan trong các trường hợp sau:

  • Người mắc bệnh mạn tính điều trị chưa ổn định: lao, tiểu đường, cường giáp, suyễn...;
  • Có tiền sử dị ứng thuốc gây tê, gây mê và các vật dụng phẫu thuật cắt amidan;
  • Người bị rối loạn đông cầm máu (Hemophilia A, B, C; suy tủy, xuất huyết giảm tiểu
  • cầu, ung thư máu…);
  • Người có bệnh lý về tim: suy tim nặng…

Thông thường trẻ em trên 5 tuổi mới được chỉ định cắt amidan

Thông thường trẻ em trên 5 tuổi mới được chỉ định cắt amidan

Chống chỉ định tương đối với những trường hợp sau:

  • Người đang bị nhiễm khuẩn toàn thân hoặc cục bộ;
  • Amidan đang trong thời kỳ viêm cấp;
  • Phụ nữ đang mang bầu hoặc hành kinh;
  • Người đang sinh sống trong vùng có dịch sốt xuất huyết, cúm, sởi;
  • Bệnh nhân < 5 tuổi và > 55 tuổi.

Cắt amidan có đau không?

Câu hỏi này cũng là một trong những băn khoăn phổ biến ở hầu hết người bệnh. Thực tế cắt amidan có đau không còn phụ thuộc vào phương pháp cắt và tay nghề của bác sĩ. Đối với những phương pháp truyền thống như bóc tách, người bệnh có thể bị đau trong vòng 1-2 ngày sau khi phẫu thuật. Trong khi với các phương pháp tiên tiến, áp dụng dao mổ plasma, coblator vừa cắt vừa cầm máu, người bệnh thường ít đau hơn. Mức độ đau tương đối nhẹ và thời gian đau chỉ kéo dài 3-4 tiếng.

Các phương pháp cắt amidan tốt nhất hiện nay

Khi điều trị nội khoa không mang lại kết quả như mong đợi, người bệnh có thể được chỉ định cắt amidan bằng các phương pháp sau.

Cắt amidan bằng dao plasma

Phương pháp cắt amidan bằng dao plasma sử dụng năng lượng sóng điện từ tần số cao (hay sóng radio) để phá hủy mô tế bào amidan ở nhiệt độ thấp (từ 70-140 độ C) mà không gây tổn thương các mô lân cận. Bằng việc sử dụng đầu dò đa chức năng, phương pháp này sẽ hạn chế tối đa tổn thương và nguy cơ biến chứng cho người bệnh.

Bác sĩ đang thực hiện cắt amidan bằng dao plasma cho bệnh nhân

Bác sĩ đang thực hiện cắt amidan bằng dao plasma cho bệnh nhân

Đây là một thủ thuật đơn giản, ít xâm lấn, thời gian thực hiện ngắn. Toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong vòng 15-20 phút tùy độ phức tạp của ca bệnh. Sau tiểu phẫu, bệnh nhân có thể ra về, nói chuyện và ăn uống như bình thường. Đối với những bệnh nhân nặng hoặc trẻ nhỏ, bác sĩ có thể yêu cầu nằm viện khoảng 1 ngày để theo dõi thêm.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã và đang áp dụng phương pháp cắt amidan bằng dao plasma thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại.

Cắt amidan bằng dao điện cực đơn hay lưỡng cực

Phương pháp này sử dụng dao cắt nối với nguồn điện để cắt bỏ khối amidan. Cắt amidan bằng dao điện hạn chế nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật nhưng tổn thương sâu, dễ để lại sẹo. Nhiệt dùng để cắt lên tới 400 độ C nên có thể gây bỏng cho bệnh nhân nếu không cẩn thận. Kỹ thuật cắt cũng đòi hỏi bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm để cắt đúng vị trí mà không gây tổn thương đến các vùng mô khác.

Cắt amidan bằng laser

Cắt amidan bằng laser sử dụng năng lượng từ sóng ánh sáng laser để cắt bỏ khối amidan bị viêm. Ưu điểm là ít gây đau đớn, ít gây chảy máu cả trong và sau phẫu thuật, hạn chế nhiễm trùng. Nhược điểm là có thể để lại sẹo, làm tổn thương dây thanh quản, ảnh hưởng đến giọng nói.

Cắt amidan bằng Sluder - Ballenger 

Phương pháp này sử dụng dụng cụ Sluder - Ballenger được sáng chế bởi giáo sư, bác sĩ Greenfield Sluder và cải tiến bởi Charles Ballenger, giáo sư Tai mũi họng tại Đại học Chicago. Nguyên tắc của phương pháp là cho toàn bộ khối amidan chui qua một lỗ cửa sổ của dụng cụ, sau đó dùng lưỡi dao đè chặt cuống amidan, phối hợp tốt 2 tay để tách khối amidan ra khỏi hố. Thời gian phẫu thuật ngắn, chỉ trong vài phút đồng hồ.

Dụng cụ Sluder - Ballenger dùng để cắt amidan

Dụng cụ Sluder - Ballenger dùng để cắt amidan

Điều kiện để thực hiện phương pháp này là khối amidan tương đối to, có chân cuống, di động dễ dàng, không dính hố amidan. Mặt khác, phương pháp này yêu cầu đòi hỏi kỹ thuật cao, phối hợp cả 2 bàn tay mới thực hiện thành công.

Phương pháp Sluder - Ballenger được chỉ định cho trẻ nhỏ và thiếu niên. Tuy nhiên hiện nay phương pháp này ít được sử dụng do dễ để lại sẹo, gây đau nhiều. Khả năng gây biến chứng hậu phẫu cao, thường gặp bao gồm choáng ngất do gây mê, nhiễm khuẩn, chảy máu. 

Cắt amidan bằng phương pháp bóc tách: thòng lọng (Anse)

Phương pháp bóc tách và thòng lọng giúp xử lý một số thể lâm sàng mà phương pháp Sluder không giải quyết được như: viêm amidan mạn tính, lâu ngày, có các tổ chức xơ dính quanh hố amidan, viêm amidan mạn tính teo xơ, amidan mạn tính thể ẩn. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là gây chảy máu nhiều, gây đau đớn sau mổ cho người bệnh, thời gian hồi phục lâu nên ít được sử dụng.

Cần chuẩn bị gì trước khi cắt amidan?

Trước khi cắt amidan, người bệnh cần thực hiện kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, thử nước tiểu, thử phản ứng gây mê, chụp Xquang tim phổi, siêu âm tim, điện tim… để đảm bảo thể trạng đáp ứng với điều kiện với phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân còn cần lưu ý một số điều sau:

  • Chủ động cung cấp thông tin bệnh sử, tiền sử gia đình có phản ứng dị ứng nào không.
  • Ngưng sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, chống đông máu như: aspirin, ibuprofen... trong ít nhất 10 ngày trước khi phẫu thuật cắt amidan.
  • Trong vòng 6-8 tiếng trước phẫu thuật, không được ăn bất cứ thứ gì để tránh trào ngược.
  • Thông báo cho người thân, bạn bè để được chăm sóc tốt hơn sau phẫu thuật.

Quy trình cắt amidan

Chuẩn bị

- Bộ dụng cụ cắt amidan tùy theo phương pháp sử dụng.

- Người bệnh được xét nghiệm cơ bản đầy đủ, bình thường, thể trạng bình thường, không có chống chỉ định.

Tiến hành

Đầu tiên, bệnh nhân nằm/ngồi đúng tư thế để gây mê nội khí quản hoặc gây tê tại chỗ. Sau đó, bác sĩ tiến hành cắt amidan tùy theo phương pháp đã lựa chọn.

Bác sĩ tiến hành cắt amidan bằng dao plasma

Bác sĩ tiến hành cắt amidan bằng dao plasma

Cắt amidan bằng Sluder - Ballanger:

  • Đưa dụng cụ vào từ cực dưới, cắt amidan bên nào cầm dụng cụ tay đó, ép cán dụng cụ vào mép môi đối diện bên cắt theo kiểu đòn bẩy. Lỗ dụng cụ đến sát khối amidan.
  • Ép khối amidan vào lỗ Sluder, đẩy hết khối amidan nhưng không để lọt cả trụ trước và trụ sau.
  • Dùng ngón trỏ vuốt đầu dụng cụ để tách rời khối amidan khỏi hố amidan, đưa dụng cụ tới để bóc tách hoàn toàn. Tiếp tục bóp dụng cụ để khối amidan vẫn dính vào lỗ dụng cụ, không rơi xuống họng.
  • Kiểm tra và cầm máu hố mổ.

Cắt amidan bằng phương pháp bóc tách: thòng lọng:

  • Tách cực trên amidan: dùng alice kẹp gần cực trên amidan kéo nhẹ vào trong, lấy dao 12 rạch nhẹ niêm mạc trụ trước cách bờ tự do khoảng 2mm. Dùng bóc tách bóc tách nhẹ niêm mạc tới bao amidan, tiếp tục bóc tách lên cực trên. Chú ý cực trên có một số động mạch dễ chảy máu.
  • Bóc tách khối amidan: Tách trụ trước ra khỏi amidan kế đến tách thành sau. Sau đó tách trụ sau đến phần cực dưới amidan. Cuối bước này bảo đảm amidan chỉ còn dính với hố mổ ở cuống.
  • Cắt cực dưới bằng thòng lọng: Lấy alice kẹp amidan qua thòng lọng, đưa đầu thòng lọng đến sát cực dưới, siết cán thòng lọng từ từ cho đến khi cực dưới bị đứt lìa. Lấy kẹp alice có khối amidan và thòng lọng ra ngoài.
  • Kiểm tra, cầm máu hố mổ. Nếu còn rỉ máu phải kẹp và cột hoặc đốt cầm máu. Tiến hành cắt amidan bên đối diện như trên.

Cắt amidan bằng dao plasma

  • Tương tự như cắt amidan bằng phương pháp bóc tách.
  • Cầm máu (đông điện/ đốt, buộc) đảm bảo hai hố amidan khô tốt.

Sau khi cắt amidan cần được chăm sóc như thế nào?

Theo dõi chảy máu

Người bệnh cần theo dõi tình trạng chảy máu trong vòng 2 tuần. Đặc biệt là ngày thứ nhất và ngày thứ 7 sau cắt amidan bởi đây là thời điểm bắt đầu bong tróc giả mạc phủ hố amidan.

Không được khạc nhổ, hắng giọng hay nuốt nước bọt mà chỉ lùa nước bọt ra ngoài vào giấy thấm đặt dưới khóe miệng. Nếu nước bọt trong hoặc có vài tia máu đỏ sẫm tức là không chảy máu. Nếu nước bọt lẫn máu đỏ tươi nghĩa là còn chảy máu sau phẫu thuật, phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế. 

Chế độ ăn hợp lý

Trong vòng 2 tuần đầu sau cắt amidan, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống hợp lý. Cụ thể như sau: 

Tuyệt đối kiêng ăn các thức ăn cứng - nóng - chua - cay, rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga.

  • Ngày 1-2: Uống sữa hoặc cháo loãng, súp nguội.
  • Ngày 2-7: Ăn cháo nguội loãng, bún, phở nguội. Uống sữa nguội, nước mát.
  • Ngày 8-15: Ăn cơm nhão, cháo đặc, thức ăn mềm. Uống sữa nguội, nước mát.
  • Sau 15 ngày: Ăn cơm bình thường.

Người bệnh cần được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng hợp lý

Người bệnh cần được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng hợp lý

Chế độ vệ sinh và sinh hoạt sau khi cắt amidan

Vệ sinh sau cắt amidan

  • Sau khi ăn, ngậm nước muối rồi đùn nước nhẹ ra khỏi miệng, không súc họng.
  • Đánh răng, vệ sinh mũi họng và thân thể hàng ngày.

Chế độ sinh hoạt sau cắt amidan

  • Nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát, đủ ánh sáng, có người chăm sóc, nói nhỏ nhẹ, không cần kiêng nói hoàn toàn.
  • Tù ngày 2 đến ngày 10: đi lại, nói chuyện và lao động nhẹ. Không nên đi đường xa, đường gồ ghề bằng phương tiện thô sơ, không đi máy bay.
  • Không hò hét, chạy nhảy, hoạt động gắng sức dưới nắng nóng. Không cố khạc nhổ khi thấy vướng họng nhằm tránh bong lớp giả mạc. 
  • Uống thuốc theo đơn ngoại trú do bác sĩ kê.
  • Tái khám đúng hẹn.

Sau khi cắt amidan kiêng gì?

Sau cắt amidan, người bệnh cần kiêng ăn một số thực phẩm gây kích thích như sau:

  • Đồ ăn cứng, thô ráp như bỏng ngô, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ) mía…. Những món ăn này có thể chà sát vào vết mổ chưa lành gây đau, chảy máu. 
  • Thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh: có thể kích thích niêm mạc amidan.
  • Thực phẩm muối chua (củ cải, dưa cải), nhiều gia vị cay (tiêu, tỏi, ớt). Các thực phẩm này sẽ gây nóng rát ở cổ họng, gây đau, khó chịu.
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ. Dầu mỡ có thể tích tụ ở vòm họng hoặc tại vị trí phẫu thuật gây nhiễm trùng. Những món ăn này cũng không tốt cho tim mạch, gây nóng trong, kích thích cổ họng gây khó chịu.
  • Rượu bia, thuốc lá, cà phê. Các chất kích thích này có thể làm nhiễm trùng vết mổ, tăng nguy cơ tái viêm amidan.
  • Thực phẩm sống, tái, gỏi: khiến vết mổ nhiễm trùng, không tốt cho cổ họng.
  • Đồ uống có gas có thể làm gắt cổ, kích thích ho không tốt cho người mới cắt amidan. Không chỉ vậy, món uống này còn làm giảm hiệu quả của nhiều loại thuốc như kháng sinh, chống viêm.

Người bệnh không nên ăn các loại hạt khô cứng

Người bệnh không nên ăn các loại hạt khô cứng

Ngoài ra, người bệnh còn cần kiêng khạc nhổ, hắng giọng, ho, nói chuyện lớn tiếng.

Sau khi cắt amidan nên ăn gì?

Dưới đây là một số thực phẩm nên ăn sau khi cắt amidan giúp nhanh lành vết mổ:

  • Thức ăn mềm như súp, cháo, phở, canh, sinh tố,... là lựa chọn tốt cho người sau cắt amidan. Những món ăn này cũng nên được để nguội để người bệnh dễ ăn, dễ nuốt, tránh kích thích làm chảy máu amidan.
  • Rau xanh và trái cây. Chất xơ, vitamin, muối khoáng trong rau quả sẽ làm tăng sức đề kháng, giúp người bệnh mau hồi phục. Tuy nhiên, nên tránh các loại quả nhiều axit như cam, quýt, bưởi,...
  • Thức ăn giàu đạm và kẽm như thịt, cá... giúp vết thương mau lành, tăng cường miễn dịch.
  • Uống nhiều nước để hỗ trợ trao đổi chất, đào thải độc tố. Lưu ý chỉ nên uống nước ấm, không uống nước lạnh hay nước ngọt có ga.

Người bệnh sau cắt amidan nên ưu tiên ăn thực phẩm mềm, lỏng như cháo, súp

Người bệnh sau cắt amidan nên ưu tiên ăn thực phẩm mềm, lỏng như cháo, súp

Một số câu hỏi về phẫu thuật cắt amidan

Việc phải cắt amidan có thể đem lại ít nhiều lo lắng cho bệnh nhân. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về phẫu thuật cắt amidan. Hy vọng những thông tin này sẽ giải đáp được thắc mắc của người bệnh. 

Nuốt vướng sau khi cắt amidan nguyên nhân do đâu?

Cảm giác nuốt vướng có thể do nhiều nguyên nhân như: viêm họng, viêm amidan, trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh lý tuyến giáp, có khối u vùng họng miệng,... Đã cắt amidan mà thấy nuốt vướng hay cảm giác có hạch ở cổ, người bệnh nên đi khám, nội soi tai mũi họng để kiểm tra.

Nhìn chung, nuốt vướng sau khi cắt amidan không quá nghiêm trọng. Nếu chăm sóc vết thương đúng cách, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý thì tình trạng này sẽ nhanh chóng cải thiện. Tuy nhiên cũng cần thận trọng bởi có nhiều trường hợp chảy máu kèm theo cần được xử trí sớm.

Để cải thiện tình trạng nuốt vướng sau cắt amidan, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Uống nhiều nước để họng luôn ẩm, làm loãng dịch đờm, mau lành vết thương, giảm nguy cơ chảy máu.
  • Ăn thức ăn lỏng, mềm, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Tuyệt đối không uống nước cam, bưởi hoặc nước ép trái cây nhiều acid...
  • Hạn chế ăn đồ cay nóng, cứng, nhiều cạnh sắc ngay cả khi đã hồi phục.
  • Tránh nói to, nói quá nhiều, gào thét hay khạc nhổ.

Cắt amidan bao lâu thì nói được?

Nhiều bệnh nhân cho rằng sau khi cắt bỏ amidan thì phải kiêng nói. Tuy nhiên các chuyên gia tai mũi họng đã khẳng định việc này là không cần thiết. Bởi đây chỉ là tiểu phẫu, nếu chăm sóc tốt vết mổ sẽ nhanh lành, không ảnh hưởng đến giọng nói, khả năng hát hay phát âm của người bệnh.

Vậy cắt amidan bao lâu thì nói được? Thực tế người bệnh không nhất thiết phải kiêng nói hoàn toàn. Bác sĩ chỉ khuyến cáo hạn chế nói to, hò hét, cố gắng không ho hoặc khạc nhổ.  Hơn nữa nhiều phương pháp tiên tiến hiện nay cho phép bệnh nhân nói chuyện được ngay sau phẫu thuật. Vì vậy, bạn không nên lo lắng quá về việc nói được hay không sau khi cắt amidan.

Người bệnh vẫn có thể nói chuyện bình thường sau cắt amidan

Người bệnh vẫn có thể nói chuyện bình thường sau cắt amidan

Cắt amidan bao lâu thì ăn được cơm?

Cắt amidan bao lâu thì ăn được cơm là thắc mắc của hầu hết người bệnh. Theo các chuyên gia, thời gian có thể ăn uống bình thường trở lại của mỗi người có thể khác nhau tùy khả năng hồi phục. Nhìn chung, khoảng 4-5 ngày sau phẫu thuật nên ăn các loại thức ăn mềm, lỏng. Lúc này người bệnh có thể ăn cơm nhưng chú ý chọn gạo dẻo, nấu cơm nát hơn bình thường. 

Sau 2-3 tuần, nếu không còn gặp vấn đề bất thường nào như đau, vướng cổ, người bệnh có thể ăn uống như bình thường.

Cắt amidan bao lâu lành?

Thời gian cắt amidan bao lâu lành ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố như: 

  • Phương pháp cắt: Cắt bằng kỹ thuật hiện đại như plasma,... có khả năng phục hồi nhanh hơn phương pháp cắt truyền thống.
  • Tay nghề của bác sĩ: Bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ thao tác chính xác, ít gây đau đớn hay chảy máu cho bệnh nhân, loại bỏ hết ổ viêm, giúp vết thương nhanh lành.
  • Độ tuổi: Người trung tuổi, người già thường chậm hồi phục hơn so với trẻ em, thanh thiếu niên.
  • Chăm sóc sau phẫu thuật: Vết mổ được chăm sóc tốt sẽ không bị viêm nhiễm và lành nhanh hơn.

Thông thường trong khoảng 3 ngày sau mổ, vết phẫu thuật cắt amidan có thể còn sưng và đau. Trong 7-10 ngày tiếp theo, các dấu hiệu như đau, sưng sẽ giảm dần. Sau khoảng 3 tuần, vết mổ sẽ lành hoàn toàn, người bệnh có thể ăn uống, sinh hoạt như cũ.

Trẻ em, thanh thiếu niên thường phục hồi sau phẫu thuật nhanh hơn người cao tuổi

Trẻ em, thanh thiếu niên thường phục hồi sau phẫu thuật nhanh hơn người cao tuổi

Cắt amidan hết bao nhiêu tiền

Cắt amidan hết bao nhiêu tiền còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cơ sở y tế, phương pháp cắt, mức độ viêm amidan, thời gian nằm viện, chi phí xét nghiệm, đơn thuốc, bác sĩ phẫu thuật, bảo hiểm y tế… Người bệnh nên thăm khám tại các bệnh viện uy tín để được tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Một số xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, thử phản ứng gây mê sẽ giúp bác sĩ đánh giá một cách chính xác tình trạng sức khỏe của người bệnh để ra chỉ định phù hợp khi phẫu thuật. Chi phí cho các xét nghiệm này dao động từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Nhìn chung, chi phí cắt amidan tại viện công từ 3-5 triệu đồng, tại các viện ngoài công lập từ 7-9 triệu đồng.

Chi phí cắt amidan có bảo hiểm y tế

Người bệnh có bảo hiểm y tế được chi trả 80% chi phí khi điều trị tại các bệnh viện công lập. Nếu đi đúng tuyến và được bác sĩ chỉ định, chi phí cắt amidan sẽ dao động trên dưới 1 triệu đồng. Trong khi đó, mổ theo yêu cầu sẽ có giá khoảng 3 triệu đồng.

Đối với bệnh viện ngoài công lập, người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả 50% chi phí nếu cơ sở khám chữa bệnh đó có xét bảo hiểm y tế.

Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ khi cắt amidan

Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ khi cắt amidan

Ngoài chi phí phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải trả thêm một số chi phí phát sinh như: giường nội trú, xét nghiệm sau phẫu thuật… tùy theo nhu cầu và chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay nhiều cơ sở y tế cung cấp các gói bảo hiểm với nhiều lợi ích cho khách hàng. Mỗi gói sẽ có điều kiện và mức hỗ trợ khác nhau. Để biết chính xác chi phí cắt amidan có bảo hiểm y tế của mình là bao nhiêu, bạn nên liên hệ các trung tâm bảo hiểm y tế hoặc bệnh viện để tìm hiểu mức hưởng bảo hiểm cho người bệnh.

Cắt amidan ở đâu tốt nhất Hà Nội?

Hiện nay có rất nhiều cơ sở y tế cung cấp dịch vụ cắt amidan. Tuy nhiên không phải cơ sở nào cũng đáp ứng đủ điều kiện về trang thiết bị, máy móc và trình độ chuyên môn để mang lại hiệu quả điều trị cao. Quý khách hàng cần tìm một địa chỉ uy tín, chất lượng về phẫu thuật cắt amidan tại Hà Nội có thể lựa chọn Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm).

Bệnh viện Phương Đông quy tụ đội ngũ y bác sĩ gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm công tác tại các bệnh viện tuyến trung ương nên có kinh nghiệm dày dặn trong khám chữa các bệnh lý tai mũi họng. Hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ là trang thiết bị, máy móc tiên tiến hàng đầu, nhập khẩu đồng bộ model đời mới nhất, có giá trị chẩn đoán cao.

Phòng mổ nội soi hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Phòng mổ nội soi hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Liên chuyên khoa Phương Đông dưới sự dẫn dắt của BSCKII Nguyễn Thị Thu Yến với trên 35 năm kinh nghiệm luôn cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật của nền y học hiện đại, giúp đưa ra những phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp với thể trạng của người bệnh. 

Không chỉ vậy, Liên chuyên khoa luôn phối hợp bài bản với các chuyên khoa Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm… mang đến dịch vụ chăm sóc toàn diện cho quý khách hàng.

Bệnh viện sở hữu hệ thống phòng nội trú tiện nghi, cơ sở vật chất hiện đại theo mô hình khách sạn. Tại khoa Nhi còn có không gian vui chơi giúp các bé vui chơi thoải mái. Trẻ không sợ hãi môi trường bệnh viện sẽ hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Trên đây là tổng hợp chi tiết những điều cần làm trước và sau phẫu thuật cắt amidan. Tuy là một tiểu phẫu không quá phức tạp nhưng nếu không được chuẩn bị và chăm sóc đúng cách, người bệnh dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, choáng, ngất, nhiễm trùng… Để được khám và làm phẫu thuật cắt amidan với bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm tại Phương Đông, quý khách hãy nhanh tay liên hệ hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
20,329

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám