Gãy xương sườn là một trong số các bất thường khá thường gặp ở khoa Cơ Xương khớp. Người bệnh có thể dễ dàng phát hiện qua các cơn đau dữ dội, đau nhiều khi vận động. Vậy gãy xương sườn bao lâu lành? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây để được đội ngũ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ giải đáp.
Gãy xương sườn là gì?
Gãy xương sườn là tình trạng một hoặc nhiều xương sườn trong tổng số 12 cặp xương sườn ở lồng ngực bị nứt, vỡ hoặc gãy hoàn toàn do chấn thương mạnh. Trên thực tế, xương sườn là bộ phận có vai trò bảo vệ các cơ quan quan trọng như tim, phổi, và gan nên gãy xương sườn có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng bên trong và các mảnh xương vỡ có thể đâm thủng, rách các mô xung quanh.
Một số trường hợp gãy xương sườn ở khung xương kém vững chắc, khung xương di chuyển có thể gây ra các biến chứng như xẹp phổi, viêm phổi,...

Minh hoạ hình ảnh xương sườn bị gãy
Gãy xương sườn bao lâu lành?
Trong đa số các trường hợp bị gãy xương, người bệnh có thể tự phục hồi sau 1 - 6 tháng, Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian lành thương đối với các ca bệnh không biến chứng, nếu bạn bị chấn thương nghiêm trọng hơn có thể mất nhiều thời gian hồi phục hơn.
Dưới đây là thông tin tham khảo giải đáp cho thắc mắc “gãy xương sườn bao lâu lành” dành cho bệnh nhân, bao gồm:
- Gãy 1-2 xương, không di lệch có thể lành trong 4-6 tuần nếu chăm sóc và nghỉ ngơi cẩn thận
- Gãy nhiều xương hoặc di lệch có thể mất 6-12 tuần để khôi phục sức khỏe, đôi khi lâu hơn nếu cần can thiệp y tế.
- Gặp biến chứng bên cạnh chấn thương xương như gãy hở, tổn thương nội tạng, bệnh nhân nên nghỉ ngơi trong ít nhất 3-6 tháng hoặc hơn.

Nếu bị gãy nhiều xương và có di lệch thì người bệnh sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi
Các hình thức gãy xương sườn
Tuỳ vào mức độ chấn thương, số lượng xương bị gãy và khả năng di lệch mà có thể chia chấn thương xương sườn ra làm các hình thức khác nhau như sau:
- Gãy xương hoàn toàn và gãy xương không hoàn toàn: Xương bị gãy lìa ra khỏi khung xương sườn hoặc chỉ xuất hiện các vết rạn nhỏ trên xương
- Gãy xương kín và gãy xương hở: Xương gãy nhưng da vẫn còn nguyên, mảnh xương không đâm xuyên ra ngoài được gọi là xương gãy kín
- Gãy xương di lệch và không di lệch: Các đầu xương gãy có thể lệch hoặc không lệch nhau
- Gãy ngang, gãy chéo, gãy xoắn, gãy cắm gân,...
Nguyên nhân của gãy xương sườn
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng xương sườn bị gãy, có thể kể đến như:
- Chấn thương như té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chấn thương khi chơi thể thao,....
- Do chịu áp lực từ lực mạnh liên tục trong khoảng thời gian dài khiến phần nó yếu hơn phần xương còn lại, thường gặp ở vận động viên thể thao
- Ảnh hưởng do các bệnh lý như loãng xương, u di căn xương, loạn sản xơ xương, viêm tủy xương,... khiến xương tự gãy dù không chấn thương
Dấu hiệu gãy xương sườn rất điển hình, đặc trưng bởi các triệu chứng dưới đâu:
- Đau nhức nhiều ở phần gãy xương
- Cơn đau tăng dần khi hít thở, ho, hắt hơi, cúi gập người, nằm nghiêng
- Đau nhiều hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm
- Khó thở, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi,...

Người bị chấn thương xương sườn có thể cảm thấy đau nhức nhiều
Chẩn đoán xương sườn bị gãy như thế nào?
Để thăm khám chuyên sâu các vấn đề về xương khớp, bạn có thể được chỉ định một số các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm như sau:
- Chụp X Quang phát hiện gãy đơn, đa đoạn, hoặc di lệch xương sườn. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể được ứng dụng để kiểm tra bệnh nhân có gặp các biến chứng sau gãy xương như viêm xẹp phổi, tràn dịch màng phổi,... hay không
- Siêu âm thành ngực và màng phổi kiểm tra xương sườn có bị gãy kín và có dấu hiệu của tràn dịch/ máu ở màng phổi, màng tim, dịch ổ bụng,... hay không
- Chụp MRI được sử dụng trong gãy xương và tổn thương của xương, phát hiện di căn xương hoặc mô mềm
- Chụp xạ hình xương cho các ca bệnh bị chấn thương lặp đi lặp lại, gãy xương do áp lực, ho kéo dài,...
Điều trị gãy xương sườn như thế nào?
Có rất nhiều phương pháp điều trị gãy xương sườn. Thông thường, nếu chấn thương chỉ ở mức nhẹ, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng và tập hít thở sâu để hạn chế các rủi ro về mặt sức khoẻ.
Chỉ định phẫu thuật sẽ được đưa ra nếu bệnh nhân bị gãy xương sườn ở mức độ di lệch nhiều, cảm thấy đau đớn và nghi ngờ gặp biến chứng ở các cơ quan xung quanh. Bác sĩ sẽ can thiệp sâu để điều chỉnh ổ gãy, nẹp lại bằng vít, sắp xếp lại vị trí xương và hướng dẫn dùng thuốc, thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp.
Với chế độ ăn, người mới bị gãy xương sườn nên bổ sung đầy đủ các loại vitamin và các dưỡng chất sau để đẩy nhanh quá trình lành thương:
- Canxi từ sữa, phô mai, sữa chua,...
- Magie từ chuối, trái bơ, rau lá xanh, cá thu, cá bơn, socola đen, đậu hũ,....
- Kẽm từ hạt mè, dứa, củ cải đường, bông cải xanh,...
- Vitamin K từ bắp cải, rau chân vịt, củ dền, súp lơ trắng,...
Có thể nói, bài viết trên đã giải đáp chi tiết về “gãy xương sườn bao lâu lành”. Trung bình, người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn sau khoảng nửa năm và có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau vài tháng nghỉ dưỡng.