AIDS được mọi người gọi với cái tên là "căn bệnh thế kỷ" bởi nó gây ra bởi virus gây suy giảm miễn dịch ở người và hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu trị bệnh. Có nhiều người vẫn chưa hiểu đúng hoặc hiểu chưa hết về bệnh này. Do đó, BVĐK Phương Đông cung cấp một cách đầy đủ nhất những vấn đề về bệnh để mọi người nắm đúng và đủ.
Tổng quan về bệnh
AIDS là viết tắt của cụm từ Acquired Immunodeficiency Syndrome là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus gây suy giảm miễn dịch ở người bằng cách giết chết hoặc phá hủy các tế bào miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể không còn khả năng chống lại virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh.
Virus gây bệnh AIDS
Người bệnh dễ bị một số loại ung thư và nhiễm trùng cơ hội mà người có đề kháng bình thường có thể kháng được. Do đó, người bị AIDS có nguy cơ tử vong cao do những nhiễm trùng cơ hội gây ra nhiều biến chứng khó lường.
AIDS có mấy giai đoạn? Đến giai đoạn AIDS tức là người bệnh đã trả qua 4 giai đoạn gồm: sơ nhiễm, nhiễm trùng không triệu chứng, giai đoạn liên quan đến AIDS và giai đoạn AIDS.
Nguyên nhân gây bệnh
AIDS là một bệnh mạn tính gây ra bởi HIV. Bệnh nhân bị nhiễm HIV có thể là do các nguyên nhân như quan hệ tình dục, sử dụng kim tiêm bị nhiễm HIV trước đó hoặc truyền máu bị nhiễm HIV, lây truyền từ mẹ sang bào thai hoặc truyền qua em bé mới sinh đang bú sữa mẹ.
Người bị HIV chuyển sang giai đoạn AIDS khi hệ miễn dịch suy yếu tới mức không thể chống lại những nhiễm trùng thông thường. Giai đoạn AIDS có thể diễn ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi người bệnh nhiễm HIV.
Một số nguyên nhân khiến bệnh trở nên nặng hơn phải kể đến như là:
- Uống thuốc không đúng liều hướng dẫn và không đi tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Tự ý ngưng dùng thuốc trong liệu trình bởi cảm thấy khỏe hơn, sử dụng quá nhiều rượu bia hoặc ma túy.
- Sử dụng chung kim tiêm, tiêm chích ma túy.
- Ăn thực phẩm như trứng sống, hàu sống hoặc sữa chưa tiệt trùng (chứa các vi khuẩn có hại).
- Hiến máu, tinh trùng hoặc các bộ phận khác.
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết
Mặc dù virus vẫn đang hoạt động nhưng hầu hết người bệnh AIDS không có triệu chứng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Đây có thể coi là bệnh suy giảm miễn dịch ở người lớn.
Triệu chứng của bệnh được chia thành nhóm triệu chứng chính và phụ. Cụ thể như sau:
-
Nhóm triệu chứng chính
- Sụt trên 10% cân nặng.
- Tiêu chảy kéo dài 1 tháng trở lên.
- Sốt kéo dài trên 1 tháng.
-
Nhóm triệu chứng phụ
- Ho dai dẳng trên 1 tháng.
- Ban đỏ, ngứa da toàn thân.
- Nổi mụn rộp toàn thân hay còn gọi là bệnh Herpes.
- Bệnh Zona tái phát nhiều lần.
- Nhiễm nấm ở hầu, họng, kéo dài và tái phát.
- Nổi hạch ở ít nhất là 2 nơi trên cơ thể (không gồm hạch bẹn) và tình trạng này kéo dài trên 3 tháng.
* Chẩn đoán AIDS: Khi có ít nhất 2 triệu chứng chính + 1 triệu chứng phụ, mà không phải là do các nguyên nhân ngoài HIV như: ung thư, suy dinh dưỡng, thuốc ức chế miễn dịch,... thì bác sĩ sẽ chẩn đoán người bệnh bị AIDS.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Những người nằm trong đường lây truyền thì bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh như:
- Quan hệ tình dục không an toàn như giao hợp âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng với người bị nhiễm HIV mà không dùng bao cao su.
- Dùng chung bơm tiêm với người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, nếu dùng kim tiêm bẩn để xăm hình hoặc xỏ lỗ trên cơ thể cũng có thể làm lây bệnh.
- Nhận máu từ người nhiễm HIV/AIDS.
- Em bé cũng có thể bị nhiễm HIV nếu bú sữa từ người mẹ nhiễm bệnh..
Đường lây nhiễm
Bệnh AIDS có thể lây nhiễm từ người này qua người khác qua những đường sau:
-
Lây qua đường máu
- Lây qua các dụng cụ xuyên chích qua da như dùng chung: kim tiêm, nhất là người tiêm chích ma túy, kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, mày, lưỡi dao cạo râu,... dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh có xuyên cắt qua da nhưng chưa được tiệt khuẩn đúng cách.
- Lây truyền qua vật dụng dính máu của người bệnh trong như chung bàn chải đánh răng.
- Các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây xát tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV.
- Lây truyền qua truyền máu, các sản phẩm của máu hoặc ghép mô, ghép tạng,... người bị nhiễm HIV hoặc qua dụng cụ lấy máu, truyền máu không được tiệt trùng đúng cách.
-
Lây truyền qua đường tình dục
- Tất cả các hình thức quan hệ tình dục dương vật với hậu môn; dương vật với âm đạo hay dương vật với miệng với người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm. Các dịch thể như máu, dịch tiết sinh dục của người nhiễm HIV sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV.
- Mức độ nguy cơ là khác nhau, nguy cơ cao nhất là qua đường hậu môn, đến đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Người nhận tinh dịch sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
-
Lây truyền từ mẹ sang con
- Khi mang thai: HIV từ máu người mẹ nhiễm bệnh HIV qua nhau thai vào cơ thể thai nhi.
- Khi sinh: virus HIV có trong nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ tấn công vào trẻ qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da xây xát của trẻ trong quá trình đẻ.
- Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc vết nứt ở núm vú, nhất là khi trẻ đang bị tổn thương ở niêm mạc miệng.
Biến chứng của bệnh
Bệnh AIDS làm hệ miễn dịch suy yếu dẫn tới tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và một số loại ung thư như:
- Bệnh lao (TB): là bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất liên quan đến HIV và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người bị AIDS.
- Vi rút Cytomegalovirus: hệ thống miễn dịch suy yếu do bị AIDS làm virus xuất hiện gây tổn thương mắt, đường tiêu hóa, phổi hoặc các cơ quan khác.
- Bệnh nấm candida: là nhiễm trùng phổ biến liên quan đến HIV gây viêm với một lớp phủ dày, trắng trên màng nhầy của miệng, lưỡi, thực quản hoặc âm đạo.
- Viêm màng não do cryptococcus: đây là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương phổ biến liên quan đến bệnh HIV.
- Nhiễm độc tố: Toxoplasma gondii là một loại ký sinh trùng lây lan chủ yếu ở mèo tấn công vào cơ thể gây nhiễm trùng và có khả năng tử vong. Ký sinh trùng lan đến não sẽ gây động kinh.
- Cryptosporidiosis: ký sinh trùng đường ruột thường xuất hiện trên các loại động vật, nó phát triển trong ruột và ống mật, dẫn đến tiêu chảy nặng, mãn tính ở người bị AIDS.
- Ung thư Kaposi: hiếm gặp ở người không bị nhiễm HIV, nhưng phổ biến ở những người dương tính với HIV. Ung thư này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, bao gồm đường tiêu hóa và phổi.
- Ung thư hạch: bắt đầu trong các tế bào bạch cầu với du hiệu sớm phổ biến là sưng hạch không đau ở cổ, nách hoặc háng.
- Hội chứng suy mòn: là giảm ít nhất 10% trọng lượng cơ thể, thường đi kèm với tiêu chảy, suy nhược mãn tính và sốt.
- Biến chứng thần kinh: gây ra các triệu chứng thần kinh như nhầm lẫn, hay quên, trầm cảm, lo lắng và khó đi lại.
- Bệnh thận: xuất hiện tình trạng viêm ở các bộ lọc nhỏ trong thận, tác động xấu đến việc loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải từ máu chuyển thể thành nước tiểu.. Người nhiễm HIV bị biến chứng này nên bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.
Biện pháp chẩn đoán
Triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên phương pháp chẩn đoán xác định AIDS là dựa vào xét nghiệm.
- Xét nghiệm axit nucleic (NAT): xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định xem virus HIV thực sự có trong máu không và lượng virus là bao nhiêu. Xét nghiệm này khá chính xác trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh tuy nhiên chi phí khá tốn kém và chỉ sử dụng khi người bệnh có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc khi xuất hiện các triệu chứng sớm.
- Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể: xét nghiệm này tìm được cả kháng nguyên và kháng thể HIV.
- Xét nghiệm kháng thể: hầu hết các test nhanh, xét nghiệm tại nhà là xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm này sử dụng máu tĩnh mạch thì sẽ phát hiện HIV sớm hơn so với sử dụng mẫu dịch tiết cơ thể.
Khi có kết quả dương tính với bất kỳ xét nghiệm kháng thể nào thì người bệnh cần xét nghiệm theo dõi để khẳng định kết quả.
Phương pháp điều trị
Hiện tại, chưa có vaccine phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS cũng như chưa có phương pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV ra khỏi cơ thể mà chỉ là giúp bệnh chậm tiến triển. Việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS khá phức tạp và tốn kém, tuy nhiên cũng cần bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi được chẩn đoán nhiễm HIV.
- Điều trị kháng virus (ART): thuốc ART có tác dụng làm chậm sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể, làm tăng cường hệ miễn dịch, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Điều trị bằng thuốc còn giúp giảm nguy cơ truyền HIV cho người khác.
- Sử dụng các loại thuốc khác để điều trị triệu chứng bệnh.
- Duy trì chế độ, thói quen sinh hoạt điều độ, khoa học cũng góp phần giúp bệnh giảm diễn biến nặng.
Khi phương pháp điều trị đạt hiệu quả, tải lượng virus không thể phát hiện được qua xét nghiệm nhưng người bệnh vẫn còn virus trong cơ thể. Do đó, nếu ngừng liệu pháp kháng vi-rút, tải lượng vi-rút sẽ tăng trở lại và có thể lại bắt đầu tấn công các tế bào CD4.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Hiểu rõ cách thức lây lan của bệnh để có được biện pháp phòng ngừa, tránh sự tiếp xúc của bản thân với con đường lây nhiễm. Dưới đây là những biện pháp ngăn ngừa bệnh mà mọi người nên nhớ và áp dụng:
- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng, cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV.
- Không quan hệ tình dục bừa bãi, trường hợp quan hệ tình dục với người chưa rõ có bị nhiễm HIV không thì cần sử dụng bao cao su đúng cách để bảo vệ bản thân. Nếu bạn tình là người bị nhiễm HIV thì phải quan hệ tình dục an toàn và thường xuyên xét nghiệm HIV.
- Tránh uống rượu, không sử dụng ma túy vì chúng ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và hành động, thúc đẩy những hành vi không an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm.
- Tránh chạm vào máu, chất dịch cơ thể như tinh dịch, dịch âm đạo, niêm mạc trực tràng, sữa mẹ, dịch ối,... của người khác.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV.
- Trường hợp phải nhận máu hoặc các chế phẩm máu phải đảm bảo đã xét nghiệm HIV và âm tính.
- Dùng riêng đồ dùng cá nhân như dao cạo, bấm móng tay, bàn chải đánh răng,...
- Phụ nữ nhiễm HIV/AIDS không nên mang thai vì tỷ lệ truyền bệnh cho con là 30%. Nếu có thai thì nên uống thuốc dự phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến căn bệnh AIDS, mong rằng những kiến thức bổ ích này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh cũng như cách phòng tránh an toàn. Nếu còn câu hỏi thắc mắc cần giải đáp hoặc đặt lịch khám, quý khách vui lòng liên hệ theo Hotline 1900 1806 để được hỗ trợ nhanh nhất.