Cảm giác đau nhói ở xương hàm trên dưới, chán ăn, mất ngủ, không nói rõ chữ có thể báo hiệu hoại tử xương hàm, răng và xương bị tiêu biến do các mạch máu nuôi dưỡng bị tắc nghẽn. Đây là bệnh lý phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt để hạn chế các rủi ro nghiêm trọng hơn về mặt sức khoẻ.
Hoại tử xương hàm là gì?
Hoại tử xương hàm mặt là tình trạng xương hàm trên hoặc hàm dưới bị chết mòn, tiêu biến do không được cung cấp đủ máu. Bất thường này có thể khiến người bệnh đau đớn, không ăn uống, giao tiếp được bình thường và thậm chí nặng hơn là mất xương hàm gây biến dạng mặt. Nguyên nhân sâu xa gây ra hoại tử ở xương hàm có thể là tắc nghẽn hoặc tổn thương mạch máu ảnh hưởng từ quá trình điều trị Covid 19, xạ trị cho bệnh nhân ung thư, virus Herpes,...

Minh hoạ hình ảnh xương hàm bị hoại tử
5 Dấu hiệu hoại tử xương hàm thường gặp
Đây là bệnh lý dễ phát hiện với các triệu chứng hoại tử xương hàm điển hình dưới đây:
- Đau ở hàm hoặc miệng: Các cơn đau này thường kéo dài âm ỉ khiến người bệnh lầm tưởng với dấu hiệu của các bệnh lý nha khoa thông thường hay tác dụng phụ sau khi lấy cao răng, nhổ răng khôn,....
- Sưng viêm ở mí mắt trên hoặc cả 2 mí mắt
- Sưng to, viêm đỏ ở vùng trán
- Khó nhai, khó nói chuyện, đau nhiều ngay cả khi cử động nhẹ
- Khó thở, phù nề niêm mạc mũi
Ngoài ra, cá biệt ở một số trường hợp người bệnh có thể cảm thấy tê hoặc thay đổi cảm giác ở hàm do tổn thương dây thần kinh. Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, người bệnh có thể nhận thấy một số dấu hiệu khác của bệnh lý như:
- Lộ xương hàm
- Nướu quanh xương hàm bị sưng, viêm to
- Răng ở khu vực bị hoại tử bị lung lay, lỏng lẻo

Hoại tử khiến xương hàm bị lộ ra ngoài, nướu bị viêm và sưng to
Các nguyên nhân dẫn đến hoại tử xương hàm mặt
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các tế bào ở vùng hàm không nhận đủ máu dẫn đến tiêu cơ, xương yếu dần và mất khả năng hoạt động. Dưới đây là một số lý do phổ biến:
Xạ trị
Xạ trị vùng đầu và cổ là liệu pháp điều trị quen thuộc dành cho bệnh nhân ung thư thanh quản, ung thư vòm mũi họng, ung thư khoang miệng,... Tuy nhiên, vì cơ chế của xạ trị là ức chế sự tổn thương của tất cả các tế bào trong đó có cả tế bào bình thường nên bệnh nhân có thể phải chịu các tác dụng phụ không mong muốn.
Và hoại tử xương hàm mặt là một trong số đó. Các tia xạ có thể làm tổn thương hoặc tắc nghẽn mạch máu dẫn đến xương hàm, dẫn đến chết mô xương. Trung bình khoảng 3 - 10% bệnh nhân K thuộc nhóm này.

Bệnh nhân xạ trị xong có thể bị hoại tử xương hàm
Covid 19
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy mối liên hệ giữa COVID-19 và hoại tử xương hàm. Cụ thể ở những người Covid 19 diễn biến nặng hoặc có bệnh lý nền có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn bình thường. Số ít bệnh nhân ghi nhận các triệu chứng đầu tiên sau khoảng 5 - 6 tuần xét nghiệm dịch ngoáy họng âm tính với COVID 19.
Tác dụng phụ của thuốc Bisphosphonate
Có thể bạn chưa biết, các loại thuốc như Bisphosphonate được sử dụng trong điều trị bệnh loãng xương, đa u tuỷ, ung thư di căn vào xương cũng được xếp vào các nhân tố tăng rủi ro mắc bệnh. Nguyên lý của loại thuốc này là giảm hoạt động huỷ cốt bào và tăng trưởng nội mô thành mạch, do đó, nó hạn chế quá trình tạo mao mạch trong xương và tăng nguy cơ hoại tử xương.
So với bệnh nhân tiếp nhận thuốc qua đường uống thì những người truyền thuốc qua đường tĩnh mạch dễ gặp các tác dụng phụ hơn.
Ngoài các bệnh lý kể trên, một số nguyên nhân khác cũng được xem xét là lý do gây bệnh, bao gồm:
- Viêm tủy xương hàm: Bệnh nhân bị sâu răng nhưng không can thiệp sớm làm vi khuẩn xâm nhập vào tuỷ, gây viêm tuỷ và nhiều biến chứng nguy hiểm
- Virus Herpes: Đây là loại virus luôn tồn tại trong cơ thể con người. Bình thường chúng ở trạng thái ngủ đông nhưng đến thời điểm thích hợp, chúng sẽ hoạt động mạnh mẽ và gây ra bệnh Zona thần kinh. Nếu bệnh nhân không điều trị Zona thần kinh đúng cách, có thể dẫn đến biến chứng hoại tử ở xương hàm

Virus Herpes có thể dẫn đến biến chứng hoại tử xương
Các phương pháp điều trị hoại tử xương hàm
Tuỳ vào tình trạng hoại tử của xương hàm, điều kiện sức khỏe của bệnh nhân,... mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị phù hợp, có thể kể đến như:
- Điều trị triệu chứng:
- Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng tăm nước và dung dịch vệ sinh sau khi ăn uống, lấy cao răng và khám nha khoa định kỳ
- Dùng thuốc giảm đau và kháng sinh theo liều của bác sĩ
- Phẫu thuật nạo vét xương bị hoại tử , dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau cho các bệnh nhân được chỉ định can thiệp ngoại khoa.
- Phẫu thuật loại bỏ xương hoại tử, răng, xử lý phần nướu bị ảnh hưởng kết hợp dùng thuốc theo chỉ định và chăm sóc răng miệng tại nhà.
Phòng ngừa hoại tử xương hàm như thế nào
Mặc dù hoại tử xương là bệnh lý hết sức nguy hiểm nhưng chúng ta có thể bảo vệ bản thân bằng các biện pháp chăm sóc sức khoẻ như:
- Rèn thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách: Bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày kết hợp súc miệng và dùng tăm nước để làm sạch mọi ngóc ngách của khoang miệng sau khi ăn.
- Ăn uống theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học: Hãy ưu tiên uống nước ép trái cây, ăn nhiều ngũ cốc nguyên chất, các loại hạt, rau củ tươi và hạn chế các món thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ. Các loại đồ ngọt và các món muối chua cũng nên hạn chế vì chúng có thể bào mòn men răng gây sâu răng
- Khám nha khoa, lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần: Chỉ bản thân chăm sóc là chưa đủ, bạn cần sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa để phát hiện các vấn đề về răng miệng và hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng theo từng thời điểm

Hãy tập thói quen vệ sinh răng miệng cẩn thận hàng ngày
Câu hỏi thường gặp
Hoại tử xương hàm có chữa được không?
Có, hoại tử xương hàm có thể được điều trị, đặc biệt nếu phát hiện sớm. Nhiều trường hợp cải thiện với các phương pháp không phẫu thuật như kháng sinh và chăm sóc răng miệng. Tuy nhiên, các trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật, và việc phục hồi hoàn toàn có thể khó khăn
Hoại tử xương hàm có nguy hiểm không?
Có. Hoại tử xương hàm là bệnh lý nguy hiểm, không chỉ gây cảm giác đau đớn dai dẳng, chán ăn, hạn chế giao tiếp cho người bệnh mà còn có thể gây mất răng, méo lệch gương mặt nếu không điều trị kịp thời.
Về mặt sức khoẻ tinh thần, bệnh có thể khiến người bệnh luôn phải đeo khẩu trang kín mít khi đi ra ngoài, không tự tin giao tiếp hay thể hiện bản thân trong công việc và cuộc sống. Do đó, bất kể vì lý do gì, bệnh nhân có xương hàm đang có triệu chứng hoại tử cần sắp xếp thời gian thăm khám và thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Có thể nói, hoại tử xương hàm ở giai đoạn sớm có thể khiến người bệnh đau nhức nhiều không ăn uống và nói chuyện được và biến dạng khuôn mặt nếu bệnh diễn biến nặng. Để kịp thời xử lý, hạn chế đau đớn và tiết kiệm chi phí điều trị, hãy chủ động thăm khám sức khỏe nha khoa 2 lần/ năm và đến bệnh viện ngay nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở xương hàm.