Hoại tử xương hàm sau COVID 19 có phổ biến không? 4 dấu hiệu thường gặp

Ngọc Anh

17-07-2025

goole news
16

Mặc dù hoại tử xương hàm sau COVID 19 chỉ xảy ra với số ít bệnh nhân nhưng để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Tại Việt Nam, tình trạng này đã được ghi nhận, thậm chí có ca tử vong vì biến chứng này. Vậy hoại tử xương hàm là gì? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân hoại tử xương hàm sau COVID 19

Theo nhiều nguồn nghiên cứu, các nhân tố có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh hoại tử xương hàm sau COVID 19 bao gồm:

  • Hình thành huyết khối làm giảm máu nuôi đến xương hàm: Virus SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2 (tập trung ở niêm mạc mũi, miệng) có thể gây ra phản ứng viêm quá mức. Hậu quả là điều hoà miễn dịch bị rối loạn, huyết khối vi mạch hình thành, tăng động máu dẫn đến tắc vi mạch nuôi xương hàm, giảm oxy và chất dinh dưỡng, gây hoại tử.
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị COVID 19: Thuốc kháng viêm (corticoid) và một số các thuốc kháng viêm khác có thể được chỉ định để giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid đang bị khó thở trầm trọng. Tuy nhiên các loại thuốc này có tác dụng phụ, ví dụ corticoid có thể làm giảm mật độ xương và tăng tỷ lệ hoại tử xương hàm gây mất răng.
  • Suy giảm miễn dịch tại chỗ do bệnh nền: Những người có tiền sử bệnh lý như tiểu đường, bệnh về mạch máu có thể làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể. Điều này cũng làm tăng nguy cơ hoại tử xương hàm khi mắc COVID 19

 Có nhiều lý do dẫn đến xương hàm bị hoại tử sau khi mắc COVID 19

Có nhiều lý do dẫn đến xương hàm bị hoại tử sau khi mắc COVID 19

Các triệu chứng của xương hàm bị hoại tử

Dấu hiệu chung của bệnh hoại tử xương hàm sau COVID 19 là người bệnh đều cảm thấy đau đớn vùng mặt, răng, khẩu cái trong giai đoạn mắc bệnh. Tuỳ mức độ bệnh, cơ địa và nhiều yếu tố, bệnh nhân có thể có các biểu hiện khác nhau như sau: 

Dấu hiệu ít gặp

Số ít bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng hiếm gặp như sau:

  • Hoại tử xương hàm và chết xương hàm có tổn thương rỉ dịch, có mủ
  • Vùng xương gò má, xoang mũi cũng được ghi nhận là có bị ảnh hưởng khi xương hàm bị hoại tử
  • Xương hàm bị hoại tử đập liên tục, cảm giác giống như đang bị bong tróc trong khoang miệng
  • Răng nổi trong miệng có kèm vết loét ở mũi

Dấu hiệu thường gặp

  • Đau không rõ ở vùng xương hàm và còn đau ở vòm miệng, đau răng, đau vùng mặt kéo dài, không thuyên giảm kể cả sau khi khỏi bệnh
  • Sưng vùng sọ trán, hoại tử trong xương hàm quan sát rõ và hoại tử hốc mũi lan lên nền sọ. 
  • Sưng viêm mí mắt trên, mí mắt dưới hoặc cả 2 mí mắt
  • Khó khăn khi nhai, nuốt, nói, thậm chí khó thực hiện những cử động đơn giản của hàm

Bạn có thể bị đau nhiều ở vùng xương hàm

Bạn có thể bị đau nhiều ở vùng xương hàm

Hoại tử xương hàm sau COVID 19 có nguy hiểm không?

Có. Mức độ nguy hiểm của hoại tử xương hàm sau COVID-19 có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Cụ thể, nếu không can thiệp loại bỏ phần hoại tử kịp thời, ổ hoại tử sẽ trở thành ổ vi khuẩn, dẫn đến hoại tử sàn sọ và nhiễm trùng máu. Nếu tiếp tục diễn biến xấu, tình trạng nhiễm trùng sẽ lan rộng, diễn biến thành viêm màng não, áp xe não và tử vong.

Một số trường hợp kém may mắn hơn dù đã phẫu thuật nhưng vẫn ghi nhận các biểu hiện suy đa tạng và cứu chữa không thành công. Số ít các ca bệnh may mắn hơn được phẫu thuật thành công nhưng gặp phải biến chứng nhiễm nấm xoang, phá huỷ xương nên bị mù mắt hoặc phải nhổ bỏ hầu hết răng.  

Nhìn chung, đây là bệnh lý diễn biến nặng, cần chữa trị đến kiểm soát diễn biến và hạn chế các vấn đề về mặt sức khoẻ. 

Hoại tử xương hàm không điều trị có thể khiến bạn bị mù mắt

Hoại tử xương hàm không điều trị có thể khiến bạn bị mù mắt

Điều trị hoại tử xương hàm sau COVID 19

Như đã đề cập thoáng qua, một trong số các nguyên tắc khi điều trị hoại tử xương hàm sau COVID 19 là loại bỏ phần xương bị hoại tử, làm sạch mô viêm, đôi khi cần tái tạo xương bằng vạt da hoặc vật liệu ghép.

Sau đó, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm trong 3-6 tuần, tùy mức độ nhiễm trùng, để ngăn ngừa hoại tử tái phát. Các bác sĩ sẽ theo dõi quá trình phục hồi, nếu bệnh nhân đã ổn định, bác sĩ sẽ tiến hành tái tạo và phục hình xương.

Nhìn chung, tuỳ vào từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Để hạn chế các rủi ro về mặt sức khỏe, cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị, bệnh nhân nên tiến hành tái khám sau khi khỏi bệnh. 

Với các ca bệnh có triệu chứng đau hàm, sưng mặt sau khi lui bệnh COVID, bạn nên tiến hành chụp CT hoặc MRI để phát hiện bệnh lý sớm.

Có thể nói, hoại tử xương hàm sau COVID 19 là bệnh lý khó lường bởi các triệu chứng ban đầu có thể mờ nhạt, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cách phòng tránh tốt nhất là bạn nên đi thăm khám ngay khi phát hiện có các triệu chứng nhức đầu, sưng mặt, đau răng,... tại các Bệnh viện uy tín để được hỗ trợ y tế kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Phường Đông Ngạc, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

10

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

PGS.TS.BS Cao Cấp

NGUYỄN MAI HỒNG

Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp
19001806 Đặt lịch khám