Khâu vòng cổ tử cung dự phòng sinh non

Nhật Mai

09-04-2025

goole news
16

Khâu vòng cổ tử cung là một phương pháp can thiệp nhẹ nhàng, an toàn và hiệu quả, đặc biệt phù hợp với những thai phụ mắc hở eo tử cung. Theo các chuyên gia sản khoa, kỹ thuật này giúp củng cố cổ tử cung, từ đó bảo vệ thai nhi, giảm nguy cơ sảy thai và sinh non, góp phần duy trì thai kỳ ổn định đến khi đủ tháng.

Khâu vòng cổ tử cung

Cổ tử cung (CTC ) là phần thấp nhất của tử cung, cơ quan nối âm đạo và tử cung. Cổ tử cung có hình trụ, kênh cổ tử cung dài khoảng 3 cm đến 4 cm. Trong thai kỳ cổ tử cung đóng kín, lúc chuyển dạ và sinh con, cổ tử cung mở rộng để bé qua đường sinh.

Suy yếu cổ tử cung là tình trạng cổ tử cung không có khả năng giữ lại thai nhi tới đủ tháng mặc dù không có cơn co tử cung. Suy yếu cổ tử cung xảy ra khoảng 0,1% đến 1% trong tất cả các trường hợp mang thai, có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương cổ tử cung sau sang chấn sản khoa hoặc sau khoét chóp cổ tử cung. Đây là nguyên nhân dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non tự phát vào ba tháng giữa hoặc đầu ba tháng cuối của thai kỳ.

Khâu vòng cổ tử cung (cervical cerclage): Thủ thuật này lần đầu tiên được thực hiện vào giữa những năm 1950 bởi bác sĩ Shirodkar và McDonald được thực hiện để dự phòng sinh non ở những phụ nữ suy yếu cổ tử cung. Đây là 1 thủ thuật sử dụng 1 chỉ khâu đặc biệt để khâu vòng quanh cổ tử cung nhằm mục đích đóng kín lỗ cổ tử cung.

Khâu vòng cổ tử cung dự phòng sinh non cho phụ nữ suy yếu cổ tử cung

Khâu vòng cổ tử cung dự phòng sinh non cho phụ nữ suy yếu cổ tử cung

Thời điểm khâu vòng cổ tử cung

Thời điểm khâu vòng CTC: thường 12-24 tuần, lý tưởng nhất là sau sàng lọc trước sinh ba tháng đầu.

Khâu vòng CTC cấp cứu: là khi cổ tử cung đã mở, để giúp ngăn ngừa sẩy thai to hoặc sinh non. Loại khâu CTC này có rủi ro cao hơn và không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Khuyến cáo khâu vòng CTC: Có dấu hiệu suy yếu CTC như tiền căn sinh non, sảy thai to, và chiều dài cổ tử cung ngắn dựa trên siêu âm.

  • Tiền sử sảy thai 3 tháng giữa hoặc sinh non trước 28 tuần với đặc điểm chuyển dạ nhanh, không đau.
  • Có yếu tố nguy cơ hở eo CTC như: khoét chóp hoặc sinh thiết lõi CTC, cắt đoạn CTC, tổn thương CTC do nong nạo thai kèm theo tiền sử sinh non trước 36 tuần.
  • Đo chiều dài CTC ngắn dưới 25mm ở tuổi thai dưới 24 tuần kèm theo yếu tố nguy cơ hở eo CTC hoặc sinh non trước 34 tuần.
  • Thai kỳ lần trước có thực hiện khâu CTC, đặc biệt là khâu CTC cấp cứu. (Đối với các trường hợp đa thai không có tiền căn sinh non, các nghiên cứu cho thấy lợi ích hơn khi khâu vòng CTC nếu chiều dài CTc dưới 15mm)
    • Khâu vòng CTC qua đường âm đạo: phổ biến hơn, bác sĩ sẽ đặt dụng cụ vào âm đạo để bộc lộ CTC sau đó dùng chỉ chuyên dụng để khâu buộc CTC lại. Thủ thuật nhanh gọn, thai phụ cần được theo dõi 24 giờ sau thủ thuật. Chỉ khâu vòng sẽ được cắt khi có dấu hiệu chuyển dạ hoặc thai đủ tháng.
    • Khâu vòng CTC qua đường bụng: Khâu vòng cổ tử cung đường bụng được chỉ định trong các trường hợp đã thất bại với khâu vòng cổ tử cung đường âm đạo trước hoặc khâu qua đường âm đạo không khả thi do những biến đổi cấu trúc giải phẫu của cổ tử cung.

Mẹ bầu bị hở eo tử cung nên khâu vòng cổ tử cung giúp giảm nguy cơ sảy thai và sinh non

Mẹ bầu bị hở eo tử cung nên khâu vòng cổ tử cung giúp giảm nguy cơ sảy thai và sinh non

  • Không có chỉ định khâu vòng:
    • Có dấu hiệu chuyển dạ sinh non (tử cung có cơn gò).
    • Đang có xuất huyết từ tử cung.
    • Có tình trạng nhiễm trùng ở tử cung, viêm màng ối hoặc viêm âm đạo cấp.
    • Thai nhi có dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
    • Đã vỡ ối hoặc túi ối sa vào âm đạo.
  • Nguy cơ sau khâu vòng:
    • Chảy máu: thường cầm máu (trừ trường hợp bị bệnh về máu không phát hiện trước) sau khi chèn gạc từ 3 – 4 giờ.
    • Nhiễm trùng: do thủ thuật tiến hành không vô trùng, hoặc do ổ nhiễm trùng đường sinh dục chưa điều trị ổn định.
    • Gây sẩy thai hoặc đẻ non.
    • Vỡ ối hoặc rỉ ối.
    • Rách CTC, tổn thương bàng quang,...
  • Theo dõi sau khâu vòng CTC:
    • Theo dõi tối thiểu 24 giờ sau khâu vòng CTC: Tình trạng ối vỡ, nhiễm trùng, chuyển dạ,... một số triệu chứng có thể gặp như: Ra huyết âm đạo lượng ít, đau âm ỉ bụng dưới, đau khi đi tiểu. Các triệu chứng này là bình thường và sẽ hết sau vài ngày. Bạn có thể uống thuốc giảm đau thông thường để giảm đau.
    • Quay lại tái khám nếu có bất kể dấu hiệu bất thường, cắt chỉ khâu vòng nếu cần thiết, nếu bình thường sẽ cắt chỉ khi thai đủ 37 tuần.

Khâu vòng CTC là một biện pháp hữu hiệu trong dự phòng sinh non, có những nghiên cứu cho thấy khâu vòng CTC giúp giảm 30 % nguy cơ sinh non trước 35 tuần, giúp giảm tỷ lệ tử cung chu sinh, tỉ lệ suy hô hấp sơ sinh và tỉ lệ nhập NICU.

Nếu Quý khách cần thêm thông tin chi tiết có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 19001806 hoặc Đặt lịch khám để được nhân viên hỗ trợ nhanh chóng.

54

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám