Dung dịch kali clorid đường tiêm truyền được sử dụng trong các cơ sở y tế cho chỉ định điều trị hạ kali máu, mất cân bằng điện giải và để bổ sung kali ngoài đường tiêu hóa trong các trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình sử dụng kali clorid (sai đường dùng, không pha loãng, truyền quá nhanh,...) có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân dẫn đến ngừng tim và tử vong [11]. Bài viết dưới đây đưa ra một số khuyến cáo trong pha truyền kali clorid an toàn trong thực hành lâm sàng để giảm thiểu các sai sót gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Khuyến cáo ANSM: Ngăn ngừa sai sót trong tiêm truyền kali clorid.
Theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sinh phẩm y tế Pháp (ANSM), các trường hợp sai sót trong quá trình sử dụng kali clorid đã được báo cáo chủ yếu liên quan đến kĩ thuật tiêm truyền: tiêm truyền trực tiếp qua đường tĩnh mạch, truyền quá nhanh hoặc không pha loãng trước khi truyền. Tất cả các sai sót này đều có thể dẫn đến ngừng tim và tử vong ở bệnh nhân [11]. Ngày 26/12/2022, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sinh phẩm y tế Pháp đã đăng tải hướng dẫn sử dụng dung dịch tiêm truyền kali clorid được thiết kế riêng cho các nhân viên y tế.
Hình 1: Kali clorid pha loãng cho tiêm truyền [11].

Hướng dẫn pha truyền theo các tài liệu tham khảo khác.
Quy đổi đơn vị kali clorid:
mEq=mmol x hóa trị, Kali hóa trị 1 ⇒ 1 mEq (K+) = 1 mmol.
1 mmol tương đương với khoảng 75 mg kali clorid.
1g kali clorid = 13,4 mmol = 13,4 mEq [7].
1 g kali clorid
|
2 g kali clorid
|
3 g kali clorid
|
4 g kali clorid
|
13,4 mEq
|
26,8 mEq
|
40,2 mEq
|
53,6 mEq
|
Bảng tóm tắt nồng độ pha loãng, tốc độ truyền theo đường dùng cụ thể:
Đường dùng
|
Nồng độ pha loãng
|
Tốc độ truyền
|
Tĩnh mạch ngoại vi
|
Nồng độ tốt nhất là:
40 mEq/L (~3g/L) [2, 5, 8].
Theo dõi điện tâm đồ liên tục ở trẻ em nếu dùng với nồng độ
> 40 mEq/L (~3g/L).
Nếu cần hạn chế dịch đưa vào cơ thể, nồng độ tối đa có thể pha loãng:
40 mEq/500ml (~3g/500ml), truyền qua tĩnh mạch ngoại vi và cần giám sát nghiêm ngặt [5, 9].
|
Người lớn:
Tốc độ thông thường ≤ 10 mEq/giờ
(≤ 0,75g/giờ)
Tối đa có thể lên 20 mEq/giờ
(~1,5g/giờ) nhưng cần theo dõi điện tâm đồ liên tục [3, 4, 9].
Nhi khoa:
Truyền ngắt quãng trong trường hợp hạ kali nghiêm trọng.
Khuyến cáo tốc độ thông thường:
0,2 mEq/kg/giờ (~15mg/kg/giờ),
Nên ≤0,5 mEq/kg/giờ
(không quá 10 mEq/giờ ~ 0,75g/giờ) [4].
Theo dõi điện tâm đồ liên tục nếu truyền >0,05 mEq/kg/giờ
(không quá 20 mEq/giờ ~ 1,5g/giờ) [4, 9].
|
Tĩnh mạch trung tâm
|
Nồng độ pha loãng tối đa có thể đạt là:
40 mEq/100ml (~3g/100ml) nhưng hạn chế sử dụng, quản lý trong khu vực chăm sóc đặc biệt [5, 6, 9].
|
Tối đa 40 mEq/giờ (~3g/giờ) trong trường hợp hạ kali máu đe dọa tính mạng, cần theo dõi điện tâm đồ liên tục [4, 6].
|
Khuyến cáo về lựa chọn dung môi pha truyền.
Dung môi tương hợp
|
Tương kỵ
|
Natri clorid 0,9%;
Glucose 5%;
Glucose 10%;
Lactat Ringer’s;
Lactat Ringer’s & Dextrose [10].
|
Manitol, máu, các chế phẩm máu và các dung dịch chứa amino acid hoặc lipid, vì kali clorid có thể làm kết tủa những chất này hoặc gây tan hồng cầu truyền vào [2].
|
Ở liều khởi đầu, khuyến cáo nên sử dụng natri clorid 0,9% pha truyền kali clorid thay dung dịch glucose, vì glucose kích thích giải phóng insulin, thúc đẩy kali ngoại bào vào tế bào. Điều này có thể gây giảm tạm thời 0,2 đến 1,4 mEq/L nồng độ kali huyết thanh, đặc biệt nếu dịch truyền chỉ chứa 20 mEq/L kali. Việc giảm tạm thời kali huyết thanh có thể gây loạn nhịp tim ở những bệnh nhân nhạy cảm, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị với digitalis (ví dụ: digoxin) [5].
Một số khuyến cáo về đường dùng, cách dùng và chống chỉ định của kali clorid.
Khuyến cáo về đường dùng: Không tiêm bắp, không tiêm dưới da, không dùng thuốc kali clorid đường tiêm truyền khi không pha loãng, vì tiêm kali clorid đậm đặc có thể gây ngừng tim, dẫn tới tử vong [4].
Lưu ý khi pha loãng: Kali clorid dễ bị phân lớp sau khi pha loãng nếu không được trộn đều. Nếu không lắc và trộn đều dung dịch kali clorid sau pha loãng, có thể xuất hiện một lớp kali clorid đậm đặc bám ở đáy chai/túi dịch truyền, điều này có thể dẫn đến quá liều khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Vì vậy, sau khi pha loãng kali clorid, nhân viên y tế phải lắc kỹ và đảo ngược chai dịch truyền ít nhất 10 lần trước khi thực hiện thuốc cho bệnh nhân [9].
Chống chỉ định: Với các trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, tăng clorid huyết, tăng kali huyết khi nồng độ kali huyết lớn hơn 5 mmol/L (vì nồng độ kali cao có thể gây ngừng tim) [2].
Tác dụng không mong muốn của kali clorid tại vị trí tiêm truyền.
Đau và viêm tĩnh mạch tại vị trí tiêm truyền có thể xảy ra trong quá trình truyền kali clorid qua đường tĩnh mạch ngoại vi, có liên quan đến nồng độ và tốc độ truyền. Điều này chủ yếu xảy ra khi truyền với tốc độ trên 10 mEq/giờ và cũng có thể xảy ra ở tốc độ thấp hơn. Tốc độ truyền trên 20 mEq/giờ có thể gây kích ứng mạnh khi truyền qua đường tĩnh mạch ngoại vi [5]. Ngoài ra, nguy cơ đau và viêm tắc tĩnh mạch ngoại vi cao hơn khi truyền dung dịch kali clorid pha loãng ở nồng độ > 30 mEq/L [8].
Theo dõi và giám sát khi sử dụng kali clorid đường tĩnh mạch.
Trường hợp hạ kali máu có biến đổi trên điện tâm đồ, theo dõi điện tâm đồ liên tục trên máy cho đến khi điện tâm đồ trở về bình thường. Theo dõi xét nghiệm kali máu: Hạ kali mức độ nặng 3 giờ/lần, mức độ vừa 6 giờ/lần, mức độ nhẹ 24 giờ/lần cho đến khi kali máu trở về bình thường [1]. Phải theo dõi điện tâm đồ liên tục, nếu có rối loạn chức năng thận, đặc biệt là là suy thận cấp như có dấu hiệu thiểu niệu và/hoặc tăng creatinin huyết xảy ra trong khi truyền kali clorid, cần ngừng truyền ngay [1, 3].
Một vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra khi truyền kali nồng độ cao trong thời gian ngắn như sau: Vì tổng lượng kali ngoại bào thường trong khoảng 50 - 70 mEq, nên nếu truyền nhanh 40 - 60 mEq kali có thể làm tăng kali máu nghiêm trọng [5]. Ngoài ra, nếu ghi nhận bệnh nhân đau hoặc viêm tại vị trí tiêm truyền, cần giảm tốc độ truyền hoặc tốt nhất là giảm nồng độ kali. Tốc độ truyền trên 20 mEq/giờ nên được truyền vào tĩnh mạch trung tâm do có thể gây kích ứng khi truyền qua tĩnh mạch ngoại vi [5].
Biên soạn: DS. Chu Ngọc Diệp - Đơn vị Dược lâm sàng & Thông tin thuốc