Rát lưỡi là gì? Các biểu hiện thường gặp
Rát lưỡi là biểu hiện nóng, đau râm ran hoặc khó chịu ở bề mặt lưỡi, có thể chỉ xảy ra trong vài giờ hoặc kéo dài nhiều ngày, khiến người bệnh chán ăn và gặp khó khăn khi giao tiếp. Thống kê cho thấy khoảng 5–10% người trưởng thành từng gặp phải cảm giác rát lưỡi ít nhất một lần trong đời, phổ biến hơn ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh.

Rát lưỡi báo hiệu nhiều tình trạng sức khoẻ bất thường
Bạn có thể chủ động nhận biết bất thường này tại nhà qua các triệu chứng như sau:
- Đau rát, khó chịu ở đầu lưỡi, hai bên cạnh hoặc lan khắp lưỡi.
- Miệng khô, ngứa, tê nhẹ hoặc có vị lạ như đắng hoặc kim loại.
- Lưỡi đỏ hơn bình thường, nổi mụn li ti hoặc có mảng trắng bất thường
Lưu ý: Rát lưỡi không phải là một bệnh lý cụ thể mà có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề khác nhau – từ chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng chưa hợp lý đến các bệnh như viêm lưỡi, nấm miệng, hoặc hội chứng miệng bỏng rát (BMS). Nếu triệu chứng này kéo dài hoặc tái đi tái lại, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Các nguyên nhân khiến lưỡi bị rát
Cảm giác lưỡi bị rát, nóng, khó chịu có thể cản trở việc ăn uống, trò chuyện hằng ngày. Trên thực tế, có khá nhiều lý do gây ra bất thường về lưỡi kể trên như:
Ảnh hưởng từ thói quen ăn uống không khoa học
Thức ăn cay nồng, nóng hổi hoặc quá chua là “kẻ thù truyền kiếp” của niêm mạc lưỡi. Khi ăn quá nhiều ớt, tiêu, dưa muối, cà chua hay các loại trái cây có vị chua như chanh, lựu... lưỡi dễ bị kích ứng và nóng rát.

Thói quen ăn nhiều loại ớt, tiêu, các món cay nóng có thể khiến bạn bị rát, tê lưỡi
Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 60% trường hợp rát lưỡi liên quan đến các món ăn chứa nhiều axit. Thêm vào đó, việc uống rượu bia, cà phê quá nhiều cũng có thể khiến các mô ở lưỡi bị tổn thương mà bạn không hay biết.
Các bệnh lý về lưỡi
Những đốm nhiệt miệng cũng có thể khiến bạn có cảm giác rát trên lưỡi. Đồng thời, tình trạng nấm miệng (tưa lưỡi) do nhiễm nấm Candida albicans cũng có thể khiến niêm mạc bị tổn thương, gây ra các mảng trắng trên lưỡi hoặc má trong.
Các bệnh lý khác ở lưỡi như viêm lưỡi, lichen phẳng miệng,... cũng có thể khiến bạn cảm thấy rát, tê lưỡi.
Vệ sinh răng miệng chưa đúng cách
Một số thói quen vệ sinh răng miệng dưới đây có thể khiến bạn cảm thấy rát trên lưỡi như:
- Cạo lưỡi quá nhiều
- Dùng bàn chải quá cứng, kem đánh răng có chất tẩy mạnh như sodium lauryl sulfate…
Đây đều là những nguyên nhân âm thầm gây kích ứng lưỡi. Theo ghi nhận, có không ít người bị rát lưỡi có liên quan đến việc vệ sinh miệng chưa đúng cách.

Cạo lưỡi quá nhiều có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu ở lưỡi
Tổn thương dây thần kinh
Khi các dây thần kinh vùng lưỡi bị tổn thương hoặc rối loạn chức năng có thể khiến người bệnh cảm thấy lưỡi nóng rát kéo dài.
Thiếu chất dinh dưỡng
Lưỡi có thể là một trong những nơi đầu tiên báo hiệu rằng cơ thể bạn đang thiếu hụt vitamin B12, sắt hay kẽm. Khi thiếu các vi chất này, niêm mạc miệng yếu đi dễ bị kích ứng hơn bình thường.

Thiếu vitamin B12 có thể gây ra các vấn đề về niêm mạc miệng
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư hoặc thuốc điều trị cao huyết áp, có thể gây khô miệng, rát lưỡi. Không chỉ vậy, phản ứng dị ứng với một số loại thuốc cũng có thể khiến lưỡi bị sưng, nóng và đau.
Hội chứng miệng bỏng rát (Burning Mouth Syndrome – BMS)
Những người phụ nữ mãn kinh, người trên 60 tuổi có thể cảm thấy lưỡi bỏng rát, khô miệng, mất vị. Đây là tình trạng bỏng rát miệng mãn tính hoặc tái phát không rõ nguyên nhân rõ ràng, cảm giác rác này không chỉ dừng lại ở lưỡi mà còn có thể lan sang lưỡi, nướu, vòm miệng, môi,...
Rát lưỡi có nguy hiểm không?
Trong nhiều trường hợp, rát lưỡi chỉ là phản ứng tạm thời khi bạn ăn đồ quá cay, nóng hoặc do vệ sinh răng miệng chưa đúng cách và sẽ tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài trên 7 ngày, hoặc đi kèm với các triệu chứng khác như lưỡi sưng to, đau dữ dội, khó thở hoặc khó nuốt thì bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, rát lưỡi kéo dài đôi khi có thể là biểu hiện sớm của những bệnh lý nghiêm trọng như ung thư miệng (dù rất hiếm gặp), hoặc liên quan đến các bệnh mạn tính như tiểu đường, thiếu máu, viêm dây thần kinh,…
Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên thăm khám sớm để được xác định đúng nguyên nhân và kịp thời điều trị.
Cách xử lý tại nhà khi bị rát lưỡi
Nếu cảm giác rát lưỡi khiến bạn khó chịu, đừng lo lắng. Trong nhiều trường hợp, bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng này ngay tại nhà bằng những cách đơn giản và dễ thực hiện dưới đây.
Chăm sóc răng miệng đúng cách
Việc vệ sinh răng miệng hàng ngày không chỉ giúp hơi thở thơm mát mà còn hỗ trợ làm dịu lưỡi rát hiệu quả. Hãy đánh răng đều đặn 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm, chọn kem đánh răng dịu nhẹ, tránh loại chứa sodium lauryl sulfate (chất dễ gây kích ứng).
Ngoài ra, bạn nên vệ sinh nhẹ nhàng phần lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng – việc này giúp loại bỏ vi khuẩn, mảng bám, góp phần giảm cảm giác rát và khô.

Giữ vệ sinh răng miệng là cách đơn giản nhất để phòng chống các vấn đề răng miệng
Súc miệng mỗi ngày
Bạn có thể chọn nước muối sinh lý hoặc loại có chứa chlorhexidine – súc miệng 2 đến 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 30 giây. Cách này giúp sát khuẩn nhẹ nhàng và làm dịu vùng lưỡi đang bị tổn thương.
Lưu ý: nên tránh các loại nước súc miệng chứa cồn vì có thể khiến lưỡi trở nên khô và xót hơn.
Điều chỉnh lại chế độ ăn uống
Như đã nhắc đến ở trên, chế độ ăn cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bạn, do đó, bạn nên lưu ý:
- Hạn chế ăn đồ cay, nóng, chua hoặc uống rượu bia, cà phê quá nhiều.
- Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2 lít) để giữ ẩm cho khoang miệng.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu Vitamin B12 (như trứng, cá hồi, gan động vật)

Hãy chủ động uống đủ nước mỗi ngày
Áp dụng các mẹo dân gian
Bên cạnh các gợi ý trên, bạn có thể áp dụng các mẹo sau để giảm nhẹ cảm giác rát ở lưỡi:
- Thoa khoảng 1 thìa nhỏ mật ong lên lưỡi, giữ khoảng 5 phút rồi nuốt hoặc nhổ bỏ. Thực hiện 1-2 lần mỗi ngày. Mật ong có đặc tính kháng viêm và làm dịu rất tốt.
- Pha ½ thìa muối với 1 cốc nước ấm (200ml), súc miệng nhẹ nhàng để sát khuẩn và giảm đau.
- Uống trà hoa cúc hoặc bạc hà ấm mỗi ngày có thể giúp dịu niêm mạc lưỡi và mang lại cảm giác dễ chịu hơn.
Khi nào cần đi khám? Điều trị y tế khi bị rát lưỡi như thế nào?
Nếu tình trạng rát trên lưỡi kéo dài trên 7 ngày, kèm sưng, chảy máu, hoặc khó nuốt cần đi khám ngay.
Về phương hướng điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu hụt dinh dưỡng hoặc nội soi miệng để phát hiện bệnh lý lưỡi. Điều trị y tế bao gồm thuốc kháng nấm (fluconazole) cho nhiễm nấm, thuốc giảm đau (lidocaine) cho BMS, hoặc bổ sung Vitamin B12 nếu thiếu hụt.
Có thể nói, rát lưỡi có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng đến những vấn đề bệnh lý tiềm ẩn. Việc nhận biết sớm, chăm sóc đúng cách tại nhà và điều chỉnh lối sống sẽ giúp cải thiện hiệu quả tình trạng này. Tuy nhiên, nếu cơn rát kéo dài, kèm theo các dấu hiệu bất thường, bạn nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.