U hỗn hợp tuyến nước bọt có khoảng 70 - 80% là khối u lành tính, có thành phần chính là biểu mô và biểu mô cơ. Khối u thường hình thành ở tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm, đây cũng là những vị trí khối u dễ biến đổi ác tính theo thời gian nếu không được can thiệp điều trị.
U hỗn hợp tuyến nước bọt là gì?
U hỗn hợp tuyến nước bọt hay u đa hình tuyến nước bọt là loại u thường gặp nhất trong các loại u tuyến nước bọt. Chiếm 70 - 80% các loại u lành tính tuyến nước bọt, phổ biến ở thùy nông tuyến nước bọt mang tai (84%).

U hỗn hợp tuyến nước bọt phần lớn là khối u lành tính
Tỷ lệ còn lại làm rải rác ở tuyến nước bọt dưới hàm (8%), các tuyến nước bọt khác chiếm 6,5%. Các loại u này có thành phần chính từ biểu mô và biểu mô cơ.
Thông thường, u đa hình tuyến là u lành tính, một số ít biến đổi thành ác tính. Trong đó tỷ lệ trở thành K tuyến nước bọt chiếm 50% ở nhóm u tuyến dưới hàm, 80% ở nhóm u tuyến phụ.
Nguyên nhân hình thành u hỗn hợp ở tuyến nước bọt
Hiện nay chưa có thông tin chính xác về nguyên nhân hình thành u hỗn hợp. Giới nghiên cứu đưa ra một số yếu tố nguy cơ, khuyến cáo người bệnh cần thận trọng khi tiếp xúc:
- Tiếp xúc với chất phóng xạ.
- Lạm dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử.
- Lạm dụng các chất chứa cồn như rượu, bia.
- Tiếp xúc, làm việc lâu ngày trong môi trường hóa chất, điển hình khai thác mỏ amian, sản xuất cao su, hàn, chế biến gỗ
- Nhiễm virus Epstein Barr, Polyoma virus, Cytomegalovirus.

Yếu tố nguy cơ hình thành u đa hình tuyến nước bọt
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra bức xạ ion hóa cũng có thể làm tăng trưởng khối u hỗn hợp tuyến dưới hàm, tuyến mang tai. Hoặc như chụp quá nhiều X-quang vùng đầu, cổ, một trong những nguyên nhân thứ phát làm hình thành khối u.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng của khối u đa hình tuyến nước bọt không quá rõ ràng, khó nhận biết. Đặc biệt với các vị trí dưới hàm, mang tai, thường gặp vấn đề trong nhận diện u lành hoặc u ác tính.
- Đối với u hỗn hợp lành tính: Bệnh nhân quan sát thấy u tròn, ranh giới rõ ràng, kết cấu chắc, có tính di động. Với một số u có thể nằm sâu, bị viêm xơ hóa dẫn đến việc di động hạn chế. Song có đặc điểm chung không ảnh hưởng đến thần kinh, xâm lấn da.
- Đối với u hỗn hợp ác tính: Qua khám ban đầu thấy khối u cứng, không rõ ranh giới, hạn chế khả năng di động.

Triệu chứng nhận biết u đa hình tuyến nước bọt thường không rõ ràng
Trường hợp khối u đã xâm lấn sâu vào xương hàm, cơ có thể làm người bệnh bị liệt nhẹ môi dưới, xâm lấn da, loét da, di căn hạch cổ, di căn phổi hoặc di căn xương. Khi này biểu hiện tác động lên cơ thể rõ ràng và nghiêm trọng hơn.
Phương pháp chẩn đoán
Về cơ bản, bước đầu trong chẩn đoán bệnh lý vẫn là khám lâm sàng. Bác sĩ tiến hành khai thác tiền sử bệnh, triệu chứng, dựa vào đây chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng:
- Siêu âm nhận biết u hỗn hợp thông qua hình ảnh khối giảm âm, giới hạn rõ, phân biệt các thùy tuyến. Có thể kết hợp chọc hút, sinh thiết cho hiệu quả chẩn đoán cao.
- Chụp CT-Scan cho phép đánh giá hình dáng, kích thước, phát hiện nốt vôi hóa, tình trạng khối u kèm mức độ xâm lấn vào mô mềm.
- Chụp MRI tương tự chụp CT nhưng cho kết quả chi tiết, hình ảnh không gian 3 chiều rõ nét giữa u tuyến và mô bình thường.
- Chọc hút tế bào được chỉ định chẩn đoán phân biệt viêm tuyến, khối u, hạch lympho lân cận, u lành tính với u ác tính, hình thái mô bệnh học, cho kết quả chính xác trên 90%.

Chẩn đoán cận lâm sàng giúp phân biệt chính xác loại u hỗn hợp tuyến nước bọt
Hướng can thiệp điều trị ngoại khoa
U hỗn hợp tuyến nước bọt có nguy cơ ác tính hóa sau thời gian tổn thương tại chỗ, tỷ lệ biến đổi 1,5% sau 5 năm đầu, 9,5% sau 15 năm. Phẫu thuật là phương pháp điều trị lý tưởng nhất, áp dụng với cả khối u lành tính, ngừa nguy cơ tái phát lên tới 7 - 15%.
Chỉ định cắt bỏ cũng được cân nhắc dựa trên các yếu tố nguy cơ như tuổi cao, từng xạ trị, kích thước u lớn, u dễ tái phát, đây là những đặc điểm có khả năng ác tính hóa cao. Bác sĩ sẽ dựa vào vị trí để lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Ví dụ:
- Khối u ở dưới hàm, dưới lưỡi: Tiến hành mổ cắt bỏ u, bảo tồn khu vực thần kinh lân cận (nhánh bờ hàm dưới, dây thần kinh hạ thiệt, dây thần kinh lưỡi).
- Khối u ở tuyến nước bọt phụ: Phẫu thuật cắt bỏ cách rìa khối u 5mm.
- Phẫu thuật u hỗn hợp tuyến nước bọt mang tai: Tiến hành cắt thùy nông tuyến mang tai, bảo tồn dây thần kinh số VII (khối u ≤ 3cm). Hoặc cắt toàn bộ tuyến mang tai, bảo tồn dây VIII (khối u ≥ 3cm).

U đa hình tuyến nước bọt phần lớn được can thiệp điều trị ngoại khoa
Biến chứng nguy hiểm
Hậu phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có những nguy cơ tái phát tiềm ẩn. Điển hình như chuyển ác tính với các khối u được chẩn đoán lành tính ban đầu. Bệnh nhân ngoài gặp hai biến chứng điển hình là chảy máu, nhiễm trùng, còn có thể đối mặt với các tính trạng nghiêm trọng khác như:
- Loại bỏ u tuyến mang tai: Tổn thương dây thần kinh tai lớn gây tê da vùng tai, liệt mặt, rò nước bọt, hội chứng Frey. Với biến chứng liên quan đến mắt, bệnh nhân cần được hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc mắt, sử dụng nước nhỏ mắt, hạn chế các tổn thương.
- Loại bỏ u tuyến dưới hàm: Có khả năng gây liệt nhánh bờ hàm dưới dây VII, XII, IX, rò nước bọt.
- Loại bỏ u tuyến nước bọt phụ: Rò nước bọt nhưng hiếm gặp, thủng màn hầu.

Biến chứng nguy hiểm của u đa hình tuyến nước bọt
U hỗn hợp tuyến nước bọt phần lớn được xác định lành tính, giảm thấp nguy cơ biến đổi ác tính khi đã phẫu thuật loại bỏ khối u. Song bệnh nhân không được chủ quan, cần định kỳ tái khám, tầm soát sức khỏe, phát hiện sớm các nghi ngờ tổn thương.