U mềm lây (Molluscum contagiosum) là một bệnh da do virus lành tính. Bệnh hay gặp ở trẻ em, với diễn biến lây lan nhanh và tổn thương có thể mọc ở vùng đầu mặt ảnh hưởng thẩm mỹ do vậy dẫn đến tâm lý lo lắng cho nhiều phụ huynh. Vậy bệnh lý này thực chất có nguy hiểm không? Và biện pháp điều trị cũng như phòng tránh ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các câu hỏi trên và giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ, rõ ràng hơn về bệnh lý này.
Tác nhân gây bệnh u mềm lây?
Do virus thuộc nhóm Pox virus gây nên (virus Molluscum contagiosum). Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở trẻ em.
Nhóm Virus Pox là tác nhân gây bệnh u mềm lây
Bệnh u mềm lây lây truyền như thế nào?
Các cơ chế lây nhiễm bệnh:
- Do tiếp xúc da lành với vị trí mang tổn thương virus
- Tiếp xúc gián tiếp qua đồ vật như khăn mặt, đồ chơi...
- Do cào gãi làm lây lan virus sang các vị trí da lành
- Qua hoạt động tình dục ở người lớn
Thời gian ủ bệnh thường từ 2 tuần đến 6 tháng.
Biểu hiện bệnh u mềm lây
Tổn thương là các sẩn chắc có mày hồng nhạt, trắng đục hoặc vàng, đôi khi như màu da bình thường; đường kính từ 2-6mm, lõm giữa, đứng riêng rẽ hoặc thành từng đám.
U mềm lây cũng có thể gây viêm vùng da xung quanh làm vùng da xung quanh trở nên hồng, khô và ngứa.
Ở trẻ em, vị trí hay gặp là vùng da hở như mặt, cổ, nếp gấp. Ở người lớn vị trí hay gặp là vùng bụng dưới, phía trong đùi, xương mu, sinh dục.
Hình ảnh các vị trí u mềm lây thường xuất hiện: các nếp gấp, vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục
Chẩn đoán bệnh u mềm lây
Đa phần dựa vào hình ảnh lâm sàng là đủ để kết luận bệnh nhân bị u mềm lây. Các tổn thương không rõ cần thêm soi da bằng dermoscopy hoặc xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học.
Bệnh u mềm lây có gây biến chứng gì không?
Bệnh lành tính, ít biến chứng. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp nhiễm trùng thứ phát do cào gãi, chàm phản ứng hoặc sẹo rỗ tự phát/ do biến chứng điều trị (VD: chấm thuốc)
Bệnh u mềm lây được điều trị ra sao?
Bệnh có thể tự khỏi. Ở trẻ khỏe mạnh, thường cần thời gian 9 tháng đề tự thoái lui hoặc có thể lâu hơn đến hàng năm.
Một số biện pháp điều trị có thể làm sạch nhanh tổn thương nhưng cần cân nhắc về các vấn đề như: đau, tái phát, để lại sẹo,...
- Chấm thuốc: dung dịch KOH 10%, kẽm sulfat, mỡ salicylic 12-50%, kem imiquimod 5%: cần chấm gọn tổn thương và theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa tránh bị tác dụng phụ như loét, sẹo, tăng sắc tố sau viêm.
- Nạo tổn thương bằng curette: nhanh chóng nhưng đau, chảy máu, dễ tái phát.
- Các phương pháp khác: liệu pháp lạnh, đốt laser.
Phòng bệnh u mềm lây như thế nào?
Các biện pháp hạn chế lây virus:
- Giữ tay sạch sẽ
- Tránh cào gãi
- Che các tổn thương bằng quần áo hoặc băng gạc
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, quần áo
- Người lớn: tình dục an toàn
Bệnh lành tính nên trẻ em và người lớn bị u mềm lây không cần thiết phải nghỉ học, vui chơi hay nghỉ làm. Với sự nhận thức và hành động phù hợp, chúng ta có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh u mềm và bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như cộng đồng xung quanh.