Viêm phúc mạc là gì? Chẩn đoán và điều trị viêm phúc mạc

Trần Hồng Nụ

10-06-2021

goole news
16

Viêm phúc mạc được xem là một bệnh lý ngoại khoa nặng cần được điều trị kịp thời. Nếu như bệnh được khắc phục muộn, tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan ra toàn bộ cơ thể và để lại những di chứng nặng nề, thậm chí là gây tử vong. Bởi vậy, bạn cần nắm rõ những thông tin liên quan tới viêm phúc mạc để chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh.

Viêm phúc mạc là gì?

Phúc mạc chính là một lớp màng mỏng bao phủ bên trong cơ thể, có tác dụng bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng. Như vậy, viêm phúc mạc chính là tình trạng lớp phúc mạc bị viêm nhiễm. Nguyên nhân thường là do nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc nấm.

Viêm phúc mạc được đánh giá là một bệnh lý ngoại khoa rất nặng. Nếu không xử trí kịp thời, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân có thể lên tới 60 – 70%.

Viêm phúc mạc là bệnh lý ngoại khoa cực nguy hiểm
Viêm phúc mạc là bệnh lý ngoại khoa cực nguy hiểm

Biến chứng của viêm phúc mạc

Theo các bác sĩ ngoại khoa, những biến chứng tiềm ẩn của bệnh viêm phúc mạc bao gồm:

  • Cơ thể bị mất nước dẫn đến rối loạn điện giải.
  • Xuất hiện triệu chứng áp xe ổ bụng.
  • Dính phúc mạc làm tăng nguy cơ tắc ruột.
  • Nhiễm trùng máu.
  • Bệnh não gan (Đây là biến chứng thường xảy ra ở người bệnh suy gan mãn tính sau khi bị viêm phúc mạc).
  • Sốc nhiễm trùng.
  • Hội chứng gan thận.
  • Suy đa cơ quan.
  • Tử vong.

Có thể thấy, viêm phúc mạc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy nên người bệnh cần chẩn đoán sớm và điều trị bệnh kịp thời để hạn chế nguy cơ tử vong đến mức tối đa.

Nguyên nhân viêm phúc mạc

Bệnh viêm phúc mạc được chia thành hai dạng nguyên phát và thứ phát, mỗi dạng lại khởi phát do những nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân viêm phúc mạc nguyên phát

Viêm phúc mạc nguyên phát còn có tên gọi khác là viêm phúc mạng do vi khuẩn tự phát. Những người mắc dạng bệnh này hầu như không có triệu chứng gì nổi bật.

Vi khuẩn Escherichia coli là tác nhân gây ra viêm phúc mạc nguyên phát
Vi khuẩn Escherichia coli là tác nhân gây ra viêm phúc mạc nguyên phát

Bệnh viêm phúc mạc nguyên phát có thể lây nhiễm qua:

  • Đường máu.
  • Đường bạch huyết.
  • Vi khuẩn trong lòng ruột di chuyển ra ngoài qua thành ruột.

Trong xét nghiệm bệnh phẩm đối với những người bị viêm phúc mạc nguyên phát, có khoảng 90% trường hợp có kết quả dương tính với một tác nhân. Trong đó, vi khuẩn gram âm chúng là tác nhân thường gặp nhất, bao gồm: Escherichia coli, Bacteroides, Klebsiella pneumoniae,... Ngược lại, các vi khuẩn gram dương như Streptococcus pneumoniae lại hiếm gặp hơn.

Nguyên nhân viêm phúc mạc thứ phát

So với viêm phúc mạc nguyên phát, thì viêm phúc mạc thứ phát có nhiều người mắc phải hơn. Đa số các trường hợp bệnh đều là biến chứng của một số bệnh lý ngoại khoa xảy ra trong khoang màng bụng, chẳng hạn như:

  • Thủng một hoặc nhiều cơ quan rỗng: Gồm loét túi thừa, loét dạ dày, viêm hoại tử túi mật.
  • Viêm các cơ quan tại ổ bụng: Gồm viêm ruột thừa, túi thừa hay viêm tụy hoại tử.
  • Biến chứng sau khi thực hiện phẫu thuật: Gồm nhồi máu tạng hay sang chấn thủng tạng.
  • Chấn thương: Các chấn thương nặng, xuyên thấu vào ổ bụng có thể dẫn đến viêm phúc mạc thứ phát.
  • Áp xe tạng lân cận bị vỡ: Các áp xe tạng ở những khu vực lân cận bị vỡ lan vào ổ bụng có thể dẫn tới bệnh viêm phúc mạc thứ phát.

Vỡ túi mật gây viêm phúc mạc thứ phát
Vỡ túi mật gây viêm phúc mạc thứ phát

Theo các bác sĩ ngoại khoa, nguồn nhiễm bệnh viêm phúc mạc thứ phát khá đa dạng. Bởi vậy, khi nuôi cấy bệnh phẩm sẽ thường cho kết quả dương tính nhiễm trùng hỗn hợp, bao gồm cả các loại vi khuẩn:

  • Vi khuẩn hiếu khí: E. coli, Enterobacter, Klebsiella, Streptococci, Enterococci.
  • Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides, Clostridia, Eubacteria,...

Nguyên nhân khác

Ngoài ra, bệnh viêm phúc mạc cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như:

  • Cơ thể bị ức chế miễn dịch do mắc bệnh HIV/AIDS.
  • Tác nhân hóa học trong cơ thể: Các chất hóa học trong cơ thể sở hữu đặc tính kích thích như máu, mật, nước tiểu bị rò rỉ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc.
  • Tác nhân hóa học ngoại sinh: Thuốc bari tương phản khi chụp ống tiêu hóa bị tràn vào khoang màng bụng gây viêm phúc mạc.

Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phúc mạc

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm phúc mạc bao gồm:

  • Lọc màng bụng: Khảo sát sơ bộ cho thấy, bệnh viêm phúc mạc thường gặp phổ biến ở những bệnh nhân đang thực hiện liệu pháp lọc màng bụng.
  • Người có tiền sử viêm phúc mạc: Nếu như bạn đã từng bị viêm phúc mạc thì có thể bệnh này có thể tái phát trở lại không lâu sau.
  • Bệnh lý khác: Xơ gan, bệnh Crohn, viêm ruột thừa, loét dạ dày hay viêm túi thừa và viêm tụy đều là các bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc viêm phúc mạc.

Các bệnh lý về gan cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm phúc mạc
Các bệnh lý về gan cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm phúc mạc

Triệu chứng viêm phúc mạc

Những triệu chứng điển hình của bệnh viêm phúc mạc mà bạn có thể dễ dàng nhận biết là:

  • Đau bụng, co cứng thành bụng.
  • Chướng bụng.
  • Thân nhiệt tăng gây sốt.
  • Nôn hoặc buồn nôn.
  • Mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy.
  • Lượng nước tiểu ít.
  • Thường xuyên khát nước.
  • Khó đại tiện hoặc trung tiện.

Ngoài ra, trong trường hợp bạn đang trị liệu bằng lọc màng bụng thì một số triệu chứng viêm phúc mạc khác cũng có thể xuất hiện gồm:

  • Dịch lọc đục bất thường.
  • Có những đốm trắng, sợi hoặc nốt trong dịch lọc.

Chẩn đoán bệnh viêm phúc mạc

Để chẩn đoán chính xác viêm phúc mạc, bác sĩ sẽ hỏi bạn những thông tin về tiền sử mắc bệnh và tiến hành thăm khám ngay sau đó. Khi bệnh lý này có sự liên quan tới lọc màng bụng thì chỉ cần dấu hiệu dịch lọc đục là đã có thể đủ để kết luận chính xác.

Chụp Xquang bụng là một trong những phương pháp chẩn đoán viêm phúc mạc
Chụp Xquang bụng là một trong những phương pháp chẩn đoán viêm phúc mạc

Trong trường hợp viêm phúc mạc khởi phát do một số bệnh lý nhiễm trùng khác hoặc nhiễm trùng dịch báng thì bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như sau:

  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ lấy mẫu máu của người bệnh và gửi tới phòng thí nghiệm. Tại đây, các kỹ thuật viên sẽ kiểm tra sự gia tăng của bạch cầu. Ngoài ra, cấy máu cũng có thể được thực hiện nếu như bác sĩ phát hiện trong máu có vi khuẩn.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Người bệnh được chụp X-quang để kiểm tra các lỗ thủng trong ống tiêu hóa. Bên cạnh đó, kỹ thuật siêu âm ổ bụng cũng có thể được sử dụng để phát hiện những tổn thương bên trong. Trong vài trường hợp khác, bác sĩ còn áp dụng phương pháp chụp cắt lớp điện toán thay cho chụp X-quang.
  • Phân tích dịch phúc mạc: Bác sĩ sử dụng một cây kim nhỏ để lấy mẫu dịch trong khoang phúc mạc bằng cách chọc màng bụng. Kỹ thuật này thường được áp dụng khi người bệnh đang trong quá trình trị liệu lọc màng bụng hay có dịch trong ổ bụng do mắc bệnh lý gan. Nếu có hiện tượng viêm phúc mạc, khi kiểm tra dịch phúc mạc bác sĩ có thể thấy được sự gia tăng bạch cầu, đây chính là dấu hiệu điển hình cho tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm. Ngoài ra, cấy dịch phúc mạc cũng cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn.

Cách điều trị viêm phúc mạc

Mục đích điều trị viêm phúc mạc chính là kiểm soát tốt tình trạng nhiễm trùng bằng kháng sinh.

Điều trị viêm phúc mạc nguyên phát

Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị trong viêm phúc mạc nguyên phát khi thấy bệnh nhân có biểu hiện:

  • Sốt trên 37,8°C.
  • Số lượng bạch cầu đa nhân trung tính có trong dịch cổ trướng đạt từ 250 tế bào/μL.
  • Có dấu hiệu thay đổi tri giác.

Thuốc kháng sinh được chọn để điều trị viêm phúc mạc nguyên phát là loại kháng sinh phổ rộng cephalosporin thế hệ 3, chẳng hạn như cefotaxime hay ceftriaxone.

Điều trị viêm phúc mạc thứ phát

Cách điều trị viêm phúc mạc thứ phát chính là loại bỏ nguồn lây nhiễm bằng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh cũng cần khắc phục triệt để.

Piperacillin kết hợp cùng tazobactam giúp điều trị viêm phúc mạc thứ phát
Piperacillin kết hợp cùng tazobactam giúp điều trị viêm phúc mạc thứ phát

Ngoài ra, do hệ tiêu hóa đã bị tổn thương nặng nề nên người bệnh viêm phúc mạc thứ phát cần phải được nhịn ăn. Thay vào đó, họ sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng thông qua việc tiêm đường tĩnh mạch cùng các biện pháp chăm sóc hỗ trợ khác.

Kháng sinh phổ rộng được sử dụng để điều trị viêm phúc mạc thứ phát là:

  • Piperacillin kết hợp cùng tazobactam
  • Ampicillin kết hợp cùng sulbactam và gentamicin
  • Ciprofloxacin kết hợp metronidazole
  • Trong trường hợp viêm phúc mạc nặng, người bệnh sẽ cần dùng thuốc kháng sinh nhóm carbapenems, chẳng hạn như imipenem hoặc meropenem.

Ngoài việc sử dụng thuốc, chỉ định phẫu thuật cũng được bác sĩ chỉ định sớm khi sức khỏe bệnh nhân cho phép. Mục đích là để bóc tách, dẫn lưu ổ nhiễm đồng thời làm sạch ổ bụng, qua đó có thể soát hiệu quả tình trạng nhiễm trùng.

Cách phòng ngừa viêm phúc mạc hiệu quả

Thông thường, bệnh viêm phúc mạc thường có sự liên quan tới lọc màng bụng do vi khuẩn ở gần catheter. Trong trường hợp bạn đang thực hiện lọc màng bụng thì hãy phòng tránh bệnh này như sau:

  • Rửa tay sạch sẽ, nhất là phần bên dưới móng tay và giữa các ngón tay trước khi chạm vào ống thông.
  • Làm sạch vùng da ở khu vực xung quanh ống thông với chất diệt khuẩn mỗi ngày.
  • Lưu trữ các dụng cụ lọc màng bụng ở vị trí sạch sẽ.
  • Đeo khẩu trang y tế sát khuẩn trong lúc thay dịch lọc.
  • Tuyệt đối không ngủ với thú nuôi.
  • Tham khảo ý kiến đội ngũ y, bác sĩ chạy thận về cách chăm sóc, vệ sinh ống thông thẩm phân phúc mạc.

Viêm phúc mạc là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra rất nhiều biến chứng, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng. Bởi vậy hãy chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh lý này để có thể bảo vệ mình trong mọi tình huống.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,672

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám