Vỡ ối non trong thai kỳ: Những lưu ý quan trọng cho sức khỏe mẹ và bé

Doan Nguyen

15-03-2023

goole news
16

Hiện tượng vỡ ối non của mẹ bầu là tình trạng vô cùng nguy hiểm. Đây là một trong những biến chứng cho thai nhi. Để có thể hiểu hơn và nắm được nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết của tình trạng này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé.

Vỡ ối non là tình trạng gây nguy hiểm cho mẹ và biến chứng cho con
Vỡ ối non là tình trạng gây nguy hiểm cho mẹ và biến chứng cho con

Tổng quan về bệnh Vỡ ối non ở thai phụ

Trong suốt quá trình mang thai thì em bé được nuôi dưỡng và bảo vệ bên trong một cái túi màng và chứa đầy chất lỏng (là nước ối), được gọi là túi ối. Túi ối còn là nơi giúp em bé cử động và di chuyển dễ dàng trong bụng mẹ, tránh đi những tổn thương hoặc là va đập từ bên ngoài. Đồng thời nó cũng là màng chắn ngăn chặn mọi sự xâm nhập cũng như tấn công của vi khuẩn đi vào bào thai. Khi màng ối bị rách ra thì nước ối sẽ bị rò rỉ ra ngoài thông qua cổ tử cung và âm đạo. 

Premature rupture of membranes - vỡ ối non là một hiện tượng mà màng ối bị vỡ trước khi mẹ bầu khởi phát sự chuyển dạ. Nếu sau một giờ mẹ vỡ ối mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì đó có thể gọi đó là bị vỡ ối non.

Vỡ ối non và những điều mẹ bầu cần biết
Vỡ ối non và những điều mẹ bầu cần biết

Nguyên nhân gây ra tình trạng vỡ ối non

Thai nhi bất thường

Phần lớn những trường hợp bị  ối vỡ non là do tình trạng của thai nhi bất thường, ngôi thai thường sẽ gặp các tình trạng như ngôi ngang và ngôi mông,hoặc là sản phụ mang đa thai, đa ối, nhau tiền đạo, khung chậu hẹp,...

Nhiễm trùng sinh dục

Sản phụ có tình trạng nhiễm trùng đường sinh dục dưới như là viêm cổ tử cung, âm hộ,… sẽ có nguy cơ bị các loại vi khuẩn tấn công và gây viêm màng ối, dẫn đến bị vỡ ối non. Vì thế, các bác sĩ sản khoa khuyến cáo sản phụ phải cần điều trị sớm khi phát hiện bản thân mắc các bệnh lý nhiễm trùng đường sinh dục dưới.

Hút thuốc lá 

Hút thuốc lá trong quá trình mang thai rất có thể sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cùng với sự phát triển bình thường của thai nhi và có nguy cơ vỡ ối trong thai kỳ.

Ngoài ra, cũng còn rất nhiều các nguyên nhân khác gây ra tình trạng vỡ ối non, tương đối hiếm gặp như: hở eo tử cung, sản phụ thiếu chất dinh dưỡng, động thai,...

Hút thuốc lá khi mang thai là một trong những nguyên nhân gây vỡ ối non
Hút thuốc lá khi mang thai là một trong những nguyên nhân gây vỡ ối non

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của bệnh

Khi nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng sau đây, sản phụ cần nghĩ ngay đến hiện tượng vỡ ối non và đến ngay các cơ sở y tế để có thể được thăm khám và can thiệp y khoa kịp thời:

  • Rỉ nước âm đạo: Thông thường thì nước ối có thể rỉ một chút ít, nhưng cũng từng có nhiều trường hợp rỉ nước ối ồ ạt. Hiện tượng rỉ nước ối cũng khác với hiện tượng són tiểu, nước ối sẽ chảy chậm hơn, không màu và cũng không mùi, nồng độ PH khác xa so với nước tiểu nên có thể kiểm tra ngay bằng giấy quỳ.
  • Rỉ ối kèm xuất huyết: Ngay khi gặp tình trạng ối chảy ồ ạt và kèm theo xuất huyết thì sản phụ cần đến ngay các cơ sở y tế có can thiệp sản khoa để có thể được can thiệp kịp thời.
  • Rỉ ối có màu, mùi bất thường: Trong những trường hợp nước ối chảy ra mà có mùi và có các màu lạ như là màu vàng, màu xanh,… sản phụ cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời và xác định chính xác, bởi đây có thể là những dấu hiệu của tình trạng nước ối bị nhiễm trùng hoặc là có lẫn phân su.

Dấu hiệu vỡ ối non mà mẹ bầu cần biết
Dấu hiệu vỡ ối non mà mẹ bầu cần biết

Vỡ ối non nguy hiểm như thế nào?

Tùy thuộc vào sức khỏe của thai nhi và thời điểm bị vỡ ối sớm so với khi thai nhi đủ tháng mà có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và khác nhau, trong đó nguy hiểm nhất chính là nhiễm trùng và sinh non.

Trong những trường hợp mà sản phụ bị vỡ ối non kèm theo nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng, các bác sĩ sản khoa có thể yêu cầu là phẫu thuật lấy thai nhi ra ngay lập tức và nếu điều kiện sinh ngả âm đạo tiến triển không được thuận lợi, càng kéo dài thời gian vỡ ối thì hiện tượng nhiễm trùng sẽ ngày càng nặng thêm.

Về vấn đề thai nhi được đưa ra ngoài trong điều kiện chưa đủ 37 tuần của thai kỳ, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tình trạng sức khỏe của bé  về sau như là: mắc các bệnh lý về hô hấp, thị giác hoặc nhiễm trùng,…

Túi ối có vai trò sẽ bảo vệ thai nhi khỏi những sự xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn, vi trùng gây hại cho bé. Và khi màng ối vỡ, nước ối rỉ ra ngoài khiến lớp bảo vệ này yếu đi, từ đây các loại vi sinh vật có hại sẽ từ bên ngoài xâm nhập vào và làm tổn thương thai nhi. Khi đã bị nhiễm trùng thì thai nhi có nguy cơ cao bị suy hô hấp khi vừa chào đời.

Trong trường hợp bị nhiễm trùng ối khi ngôi thai còn chưa ổn định thì sẽ dẫn đến hiện tượng sa dây rốn, thậm chí còn gây rụng rốn khiến em bé không nhận được các chất dinh dưỡng và oxy.

Sản phụ bị vỡ ối non có nguy cơ sẽ bị nhiễm trùng máu hoặc viêm phúc mạc,…

Biện pháp chẩn đoán bệnh vỡ ối non

Nên chẩn đoán xác định vỡ ối non để có hướng xử lý thích hợp. Chẩn đoán ối vỡ sớm không khó khăn, nhưng trong một vài trường hợp việc chẩn đoán ối đã vỡ hay chưa thì khá khó xác định.

Hầu hết các ca vỡ ối, sản phụ sẽ ra nước đột ngột từ âm đạo, tiếp tục ra nước rỉ rả ngay sau đó. Khi thăm khám vùng âm đạo, bác sĩ sẽ thấy nước ối được chảy ra từ cổ tử cung tự nhiên hoặc là sau mỗi lần sản phụ ho hoặc rặn. Bác sĩ sẽ khám âm đạo bằng tay và khi cổ tử cung đã mở, bác sĩ có thể xác định được lúc này màng ối đã bị rách, từ đây nước ối sẽ chảy ra theo tay bác sĩ.

Ngoài ra, cũng có thể xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán:

  •  Soi ối: thủ thuật này sẽ sử dụng ống soi ối và xác định được màng ối rách, thấy phần thai nhi tương ứng với ngôi thai, thấy nước ối chảy ra.
  •  Chứng nghiệm Nitrazine: dùng giấy quỳ để xác định ối vỡ non. Vì pH âm đạo có dạng acid nhẹ, mà pH nước ối là dạng kiềm nên khi dùng sẽ đổi màu quỳ. Tuy nhiên, trong những trường hợp mà ối đã vỡ lâu, hoặc có tình trạng viêm âm đạo, hay là trong âm đạo có nước tiểu,… những trường hợp này đều có thể gây sai lệch kết quả chứng nghiệm Nitrazine.
  •  Test dương xỉ: trong nước ối chứa Natri Clorua, nên khi sử dụng tăm bông thấm dịch nước ối lên tấm kính chuyên dụng( lam kính) và soi chúng dưới kính hiển vi, khi lam kính khô lại sẽ thấy hình ảnh giống như lá dương xỉ. Kết quả này sẽ không chính xác nếu như nước ối có lẫn máu.
  •  Tìm các thành phần bị lẫn trong nước ối: có thể tìm thấy tóc hoặc chất gây của thai nhi khi quan sát trực tiếp mẫu nước ối dưới nền kính hiển vi, hoặc có thể dựa vào phương pháp nhuộm để xác định tế bào biểu bì của thai.
  •  Định lượng Diamin oxidase: phương pháp này giúp xác định chính xác đến 90%.

Tình trạng vỡ ối non dễ nhầm với tình trạng són tiểu. Tuy nhiên, hiện tượng són tiểu sẽ ra ít nước và sẽ không ra liên tục giống như trong vỡ ối.

Trường hợp viêm âm đạo và khí hư loãng, sản phụ cũng sẽ thấy ra nước âm đạo nhiều. Nên khám cẩn thận vì rất có thể kết hợp viêm âm đạo và vỡ ối non.

Phương pháp điều trị vỡ ối non của thai phụ

Điều trị vỡ ối non: điều trị theo tuổi tuần thai.

Thai được 22-31 tuần: thai non tháng quá lớn, do đó cần phải giữ thai càng lâu càng tốt.

  •  Sử dụng thuốc giúp thai thành phôi sớm
  • Đề phòng bị nhiễm khuẩn
  • Sản phụ cần phải nghỉ ngơi, hạn chế vận động nhiều, đóng khố vô trùng và theo dõi lượng nước ối bị chảy ra
  • Thuốc giảm ít có tác dụng, nhưng vẫn có hiệu quả trong một vài trường hợp chưa có chuyển dạ thật sự.
  • Theo dõi thai nhi là điều hết sức quan trọng. Siêu âm để theo dõi tình trạng thai, nhau và ối, phát hiện sớm các điều bất thường về thai.

Thai được 32-33 tuần: 

  • Cần kiểm tra kỹ chỉ số sức khỏe của thai nhi như: thai bị chậm phát triển, có dấu hiệu suy thai chưa để có thể có hướng theo dõi sao cho phù hợp.
  •  Nên tiêm corticoid theo khuyến cáo của bác sĩ cho sản phụ, giúp trưởng thành phổi, giảm thiểu hội chứng màng trong khi sơ sinh non tháng.
  • Thời điểm này, các biện pháp được sử dụng phòng nhiễm trùng cho cả mẹ và em bé hoặc thuốc giảm co bóp tử cung thì vẫn được áp dụng giống như thai 22-31 tuần.
  •  Khi biện pháp giữ thai thất bại, nếu phát hiện thấy tình trạng suy thai và nhiễm khuẩn hay có thể đã xác định phổi thai nhi đã trưởng thành thì bác sĩ nên khởi phát chuyển dạ đẻ.

Thai được 34-36 tuần:

  • Thời điểm này không còn khuyến cáo sử dụng thuốc corticoid để giúp trưởng thành phổi nữa.
  • Cần xác định tình trạng của thai nhi ở thời điểm nhập viện và tư vấn cho thai phụ về những hệ lụy khi vỡ ối đã lâu. Nếu xác định được phôi đã trưởng thành thì cần được theo dõi để chuyển dạ đẻ.
  • Trong trường hợp gia đình muốn giữ lại thai thì cần phải phòng nhiễm trùng, theo dõi sản phụ và thai nhi tương tự như với các tuổi thai nhỏ hơn.

Thai được 37 tuần trở lên:

  • Nếu thai được trên 37 tuần vỡ ối non  thì cần tiến hành kết thúc thai kỳ ngay, để tránh những biến chứng gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai. Cần khởi phát chuyển dạ ngay trong 6 đến 12 giờ sau khi vỡ ối hoặc càng sớm thì càng tốt.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn.
  • Trường hợp nếu không thuận lợi đẻ thường qua âm đạo thì cần phải tiến hành mổ lấy thai ra ngoài.
  • Theo dõi sơ sinh sát sao và liên tục, cần phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bị nhiễm khuẩn, bị suy hô hấp và chuyển khoa sơ sinh hoặc các đơn vị chăm sóc sơ sinh tốt.

Mẹ cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi mang thai
Mẹ cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi mang thai

Biện pháp phòng ngừa vỡ ối non

  • Để tránh tình trạng vỡ ối non thì thai phụ cần phải được theo dõi thai định kỳ, nên khám phụ khoa trước và trong quá trình mang thai để có thể phát hiện sớm nhất những bất thường về ối hay viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,… cần điều trị kịp thời những tình trạng bị viêm nhiễm và theo dõi sát sao các bất thường liên quan đến thai. 
  • Trong thai kỳ, sản phụ cần có một chế độ ăn uống dinh dưỡng và đầy đủ, lành mạnh và cần nghỉ ngơi hợp lý.
  • Bác sĩ cần cân nhắc về việc khởi phát chuyển dạ vào những thời điểm thích hợp nhất.
  • Nếu sử dụng kháng sinh thì cần có sự hướng dẫn của y khoa, tránh hiện trạng  tự ý sử dụng bừa bãi, gây ra các tình trạng vi khuẩn kháng lại kháng sinh, nếu không may bị nhiễm trùng thì sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai.

Siêu âm thai nhi định kỳ
Siêu âm thai nhi định kỳ

Khi nhận thấy những dấu hiệu như bài viết trên chia sẻ, các mẹ bầu đừng vội lo lắng. Hãy luôn giữ tinh thần bình tĩnh và đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác nhất. Mẹ nên để ý và sử dụng những biện pháp phòng ngừa phía trên để tránh tình trạng vỡ ối non, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Mong bài viết này sẽ giúp mẹ và gia đình hiểu và nắm được những kiến thức cơ bản khi mang thai nhé!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

2,195

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám