Xốp xơ tai là nguyên nhân khá phổ biến làm mất thính giác ở người trẻ tuổi. Đây là tình trạng một trong 3 xương trong tai bị xơ hoá, dẫn đến gián đoạn quá trình dẫn truyền âm thanh. Bệnh có thể được di truyền từ gia đình và tiến triển xấu hơn khi mang thai, cơ thể bị thay đổi nồng độ hormone.
Xốp xơ tai là bệnh gì?
Xốp xơ tai, hay xơ cứng tai là tình trạng xương bàn đạp ở tai giữa bị cố định do sự phát triển bất thường của xương, cản trở sóng âm thanh truyền đến tai trong. Điều này dẫn đến suy giảm thính lực ở một hoặc cả hai tai, gây khó khăn trong giao tiếp và giảm chất lượng cuộc sống. Ở tai bình thường, các rung động âm thanh được truyền từ tai ngoài vào ống tai nơi chúng chạm vào màng nhĩ.

Xốp xơ tai là nguyên nhân khiến không ít bệnh nhân nghe kém
Nguyên nhân xốp xơ tai
Tình trạng xốp xơ tai có thể xảy ra khi một trong các xương ở tai giữa, xương bàn đạp bị kẹt tại chỗ. Tình trạng này khiến xương không thể rung, âm thanh không truyền qua thính lực được khiến khả năng nghe bị suy giảm.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến các xương tai giữa, xương bàn đạp bị kẹt. Một số nhân tố gây bệnh vẫn đang được xem xét bao gồm bệnh sởi, rối loạn miễn dịch, yếu tố di truyền, sự tương tác giữa các chất khác nhau trong đó có cytokine….
Trong đó, yếu tố di truyền được xem xét là một trong số các yếu tố tác động mạnh mẽ nhất. VD: Bạn có thể mắc bệnh này nếu bố và mẹ đều được chẩn đoán bị xốp xơ tai.
Triệu chứng bệnh xốp xơ tai
Bạn nên cảnh giác nếu phát hiện cảm thấy bản thân có các biểu hiện bất thường như sau:
- Nghe kém, càng ngày càng nặng tai
- Với các âm thấp, sâu và thầm thì gần như không nghe được
- Nghe dễ hơn khi có tiếng ồn xung quanh (khác biệt so với các loại mất thính lực khác)
- Ù tai, cảm thấy có các âm thanh vo ve, ù ù như phát ra từ bên trong tai
- Xuất hiện cơn chóng mặt

Bệnh có thể khiến bạn cảm thấy đau đầu, chóng mặt
Phương pháp chẩn đoán bệnh xốp xơ tai
Để đánh giá tình trạng xốp xơ tai, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các biện pháp kiểm tra như sau:
- Khám lâm sàng để xác nhận về mặt triệu chứng
- Kiểm tra thính lực để đo độ nhạy của thính giác (thính lực đồ) và dẫn truyền âm thanh ở tai giữa
- Chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, X Quang, siêu âm,....
Điều trị bệnh xốp xơ tai như thế nào?
Để giảm nhẹ triệu chứng của bệnh xốp xơ tai, bạn có thể được hỗ trợ điều trị theo các phương thức dưới đây:
Điều trị bằng thuốc
Bệnh nhân có thể được kê một số loại thuốc như chất bổ sung natri clorua hoặc bisphosphonat để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh xốp xơ tai.
Dùng máy trợ thính
Nếu bạn chỉ bị xốp xơ tai ở mức độ nhẹ thì có thể được gợi ý dùng máy trợ thính để khuếch đại âm thanh. Trong trường hợp có các triệu chứng chóng mặt, bệnh nhân cần thăm khám và thực hiện điều trị biểu hiện này trước khi phẫu thuật.

Nếu chức năng nghe của bạn suy giảm đến mức độ nhất định, bạn sẽ cần đeo máy trợ thính
Phẫu thuật cắt bỏ xương bàn đạp
Bác sĩ sẽ rạch 1 đường nhỏ trong ống tai trong để tạo một vạch ống tai bóc tách đến màng nhĩ và bóc tách bảo vệ thần kinh thừng nhĩ. Nếu xương thành sau ống tai được mở rộng, bác sĩ có thể quan sát cấu trúc xương con trong tai giữa, kiểm tra được tình trạng dính khớp xương bàn đạp với cửa sổ bầu dục. Theo đó, xương bàn đạp sẽ được bóc tách ra khỏi cửa sổ bầu dục trước khi cắt toàn bộ xương bàn đạp.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ bịt kín vết mổ bằng màng sụn nắp tai của bệnh nhân và di chuyển màng nhĩ tại vị trí cũ.
Cấy điện cực ốc tai
Trong các trường hợp bệnh lý tiến triển gây mất thính giác trong thì bên cạnh cắt bỏ xương bàn đẹp, bệnh nhân sẽ được thực hiện cấy ghép ốc tai điện tử.
Chăm sóc sau mổ xốp xơ tai như thế nào?
Để quá trình hồi phục sau mổ diễn ra nhẹ nhàng, suôn sẻ, bạn nên thực hiện theo các hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ như sau:
- Giữ vệ sinh tai sạch sẽ, tránh để nước hoặc bụi bẩn lọt vào tai sau mổ
- Nên dùng khăn khô lau nhẹ nhàng sau khi vệ sinh và hạn chế dùng vật cứng ngoáy tai
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định, không tự ý bỏ thuốc, dùng thuốc nếu không co chỉ định của bác sĩ
- Hạn chế gãi tai, đeo tai nghe hoặc đặt các vật nặng trên tai
- Thực hiện tái khám định kỳ

Hãy thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng liều lượng
Câu hỏi liên quan
Chi phí mổ xốp xơ tai bao nhiêu tiền?
Chi phí phẫu thuật nằm trong khoảng từ 8.000.000 - 10.000.000đ chưa tính các khoản phí thuốc thang, phí nằm giường,...
Lưu ý: Khoản phí trên chỉ mang tính chất tham khảo!
Phòng bệnh xốp xơ tai như thế nào?
Chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra nguyên nhân gây bệnh xốp xơ tai nên chưa có biện pháp nào để phòng tránh bệnh lý này. Cách tốt nhất là bạn nên đến các Bệnh viện uy tín để được thăm khám ngay khi phát hiện các triệu chứng như:
- Ù tai, chóng mặt, nghe kém không rõ nguyên nhân
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh xốp xơ tai
Mổ xốp xơ tai có phức tạp không?
Đây là một phẫu thuật ngoại khoa có độ khó cao, thực hiện dưới kính hiển vi và máy nội soi. Dù là phẫu thuật cắt bỏ xương bàn đạp hay cấy điện cực ốc tai thì các cuộc phẫu thuật này đều khá khó và có độ phức tạp cao. Bác sĩ sẽ phải bóc tách cấu trúc xương con, chèn vật liệu nhân tạo và đảm bảo bộ phận này hoạt động với chức năng dẫn truyền âm thanh hiệu quả.
Mổ xốp xơ tai có đau không?
Can thiệp ngoại khoa để điều trị bệnh được diễn ra dưới hình thức gây mê toàn thân nên bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn khi mổ. Tuy nhiên, sau khi thuốc mê tan hết, bạn sẽ cảm thấy hơi đau tai, ù tai và chóng mặt. Một số người bệnh ghi nhận tình trạng vị giác bị thay đổi trong vài ngày cho tới vài tuần.
Có thể nói, xốp xơ tai là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến giao tiếp, sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh. Để hạn chế nguy cơ bị giảm thính giác từ nhẹ đến nặng hoặc điếc hoàn toàn, bạn nên chú ý đến các triệu chứng bất thường của cơ thể và đi khám sức khỏe định kỳ để được điều trị kịp thời. \