Bệnh mạch vành là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Nguyễn Thu Hà

06-05-2021

goole news
16

Trong các bệnh lý về tim mạch, bệnh mạch vành đang là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do bệnh mạch vành khá cao, chiếm từ 11% - 36% và đang có dấu hiệu tăng dần mỗi năm. Đây là dạng bệnh tim mạch phổ biến nhất ở người lớn và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng tim mạch nguy hiểm. Hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng bệnh mạch vành giúp chúng ta dễ dàng phát hiện sớm và chủ động điều trị bệnh. 

Định nghĩa bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành là tình trạng các mạch máu lớn cung cấp máu nuôi tim (động mạch vành) bị tổn thương hoặc bị xơ cứng và thu hẹp lại. Các động mạch trong cơ thể chúng ta vốn dĩ mềm mại và đàn hồi, nay trở nên hẹp và cứng hơn do sự xuất hiện của các mảng bám qua thời gian như cholesterol và các chất khác bám trên thành mạch máu, gọi là chứng xơ vữa động mạch. Kết quả là cơ tim không nhận được đủ lượng máu hay oxy cần thiết để hoạt động. Do đó, bệnh gây ra triệu chứng đau ở lồng ngực hoặc những cơn đau thắt ngực.

bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành gây ra do sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch

Hầu hết các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi một cục máu đông đột ngột di chuyển đến đoạn hẹp của mạch máu, gây tắc mạch và chấm dứt nguồn cung cấp máu cho tim, gây tổn thương tim vĩnh viễn. Với diễn tiến nặng dần theo thời gian, bệnh mạch vành khiến cho cơ tim hoạt động nhiều hơn và trở nên suy yếu dần, dẫn đến tình trạng suy tim và loạn nhịp tim. Chính vì thế, bệnh mạch vành còn có một số tên gọi khác là bệnh động mạch vành, bệnh tim mạch vành hay thiếu máu cơ tim cục bộ. Sự hiểu biết đầy đủ về bệnh sẽ giúp cho việc chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn. 

Nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ

bệnh mạch vành

Lối sống không lành mạnh là nguyên nhân chính của bệnh mạch vành.

Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh mạch vành là do có các mảng bám tích tụ ở bên trong thành động mạch và các mạch máu khác của cơ thể. Mảng bám này tạo thành từ sự lắng đọng của cholesterol và các chất khác có trong máu, chẳng hạn như tế bào viêm, tế bào chết, protein và canxi. Theo thời gian, kích thước của mảng bám ngày càng lớn dần khiến lòng động mạch bị thu hẹp lại, ngăn chặn một phần hoặc toàn bộ lưu lượng máu chảy qua. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Nếu bề mặt mảng bám vỡ ra, các tiểu cầu trong máu sẽ kết dính với nhau tại vị trí đó để cố gắng chữa lành thương tổn ở động mạch. Tuy nhiên, khối tiểu cầu này có thể kích thích hình thành cục máu đông gây tắc mạch, dẫn đến cơn đau thắt ngực, nghiêm trọng hơn là dẫn đến nhồi máu cơ tim. Các yếu tố nguy cơ chính làm tăng xơ vữa động mạch bao gồm: 

- Bệnh đái tháo đường

- Tăng huyết áp

- Rối loạn lipid máu

- Hút thuốc lá quá nhiều

Đối tượng nào dễ mắc bệnh mạch vành?

bệnh mạch vành

Tuổi càng cao càng tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch

Bệnh mạch vành thường được xem là bệnh lý về tim mạch ở người già. Những người có các yếu tố dưới đây dễ tăng nguy cơ bị bệnh mạch vành: 

- Tuổi cao: những đối tượng nam trên 50 và nữ trên 55 tuổi càng tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và hẹp các động mạch.

- Giới tính: thông thường thì nam là đối tượng có nguy cơ cao hơn nữ trong các bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên, nữ giới sau mãn kinh lại có nguy cơ bệnh động mạch vành cao hơn.

- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm: nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nếu trong gia đình có cha, anh em trai mắc bệnh mạch vành trước 55 tuổi; hoặc mẹ hay chị em gái bạn có bệnh này trước 65 tuổi.

- Thừa cân – béo phì: những người béo phì, thừa cân hay người có chỉ số BMI > 23 sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch chuyển hóa, trong đó có bệnh mạch vành.

- Lối sống ít vận động: Những người thường xuyên ngồi một chỗ, không luyện tập thể dục đều đặn, ít di chuyển sẽ tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa như tăng huyết áp, tăng đường huyết, béo bụng, rối loạn mỡ máu và tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

- Thường xuyên stress: căng thẳng quá mức sẽ gây tổn hại cho động mạch, tăng quá trình viêm, tăng xơ vữa mạch máu, thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh

- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, không lành mạnh: tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, thịt mỡ, thức ăn chiên xào, thức ăn đóng hộp, nhiều muối và đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

- Chứng ngưng thở lúc ngủ: một trong những yếu tố thuận lợi của bệnh mạch vành là nồng độ oxy trong máu giảm đột ngột xảy ra khi ngưng thở lúc ngủ làm tăng huyết áp và gây stress trên hệ thống tim mạch. 

- Có bệnh lý nền: những người mắc một số bệnh nội khoa như suy thận mạn, bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, xơ cứng bì....), rối loạn lipid máu gia đình... cũng làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.

Triệu chứng của bệnh mạch vành

bệnh mạch vành

Đau thắt ngực, khó thở là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh mạch vành

Khi các động mạch vành bị thu hẹp lại, chúng không thể cung cấp đủ lượng máu giàu oxy đến cho tim, đặc biệt trong những lúc tập thể dục, làm việc nặng tim sẽ cần hoạt động mạnh. Giai đoạn đầu khi lưu lượng máu giảm có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Thế nhưng, khi mảng bám tích tụ và lớn dần trong lòng động mạch vành, bạn có thể gặp phải những triệu chứng hẹp động mạch vành như sau:

- Nặng nề vùng ngực, đau ran, tê vùng ngực, đau ngực âm ỉ

- Cảm giác nén ép tim hay cảm giác tim bị bóp chặt lại, hồi hộp tim đập không đều, rối loạn nhịp tim

- Đầy bụng

- Thở nông, thở hụt hơi

- Chóng mặt, mệt mỏi

Theo các bác sĩ khoa Tim mạch, cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức là dấu hiệu thường gặp nhất trong bệnh mạch vành. Sau khi làm việc quá sức hay đi bộ leo dốc, căng thẳng, stress, cơn đau có thể kéo dài trong vài phút (3 - 5 phút), thường dưới 15 phút và hiếm khi xảy ra chỉ vài giây. Cơn đau thường lan lên cổ, hàm, hai vai, cánh tay trái hoặc lan sau lưng. Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút, xảy ra lúc nghỉ ngơi, có khả năng người bệnh đã bị nhồi máu cơ tim cấp, cần đến bệnh viện ngay để được điều trị tích cực sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng triệu chứng của bệnh mạch vành ở nữ giới thường nhẹ hơn so với nam giới. 

Phương pháp điều trị bệnh mạch vành

Để điều trị bệnh mạch vành, các chuyên gia khuyên người bệnh nên kết hợp việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc nếu cần. Với trường hợp nặng, bác sĩ có thể cần can thiệp bằng một thủ thuật y khoa. 

Thay đổi lối sống

bệnh mạch vành
Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch

Khi bạn cố gắng thực hiện một lối sống lành mạnh sẽ thúc đẩy cải thiện sức khỏe của các động mạch trong cơ thể, đồng thời giúp phòng ngừa và làm chậm diễn tiến của bệnh mạch vành. Tuy nhiên đây là một quá trình dài và cần được duy trì liên tục. Những điều bạn cần làm bao gồm: 

- Bỏ hút thuốc lá và tránh khói thuốc.

- Nói không với rượu bia.

- Chế độ ăn uống hợp lý: Nên chọn và tiêu thụ các loại “thực phẩm vàng” cho trái tim như các loại ngũ cốc thô, rau quả xanh, trái cây, các loại đậu, các loại hạt… Tránh các loại thức ăn nhanh, chế biến nhiều dầu mỡ và thực hiện chế độ ăn ít muối, ít đường. 

- Luyện tập thể dục đều đặn: Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, người có tiền sử bệnh tim nên trao đổi với bác sĩ để lựa chọn hình thức tập thể dục và cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. 

- Giảm cân, duy trì cân nặng hợp lý

- Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo: Khi được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, người bệnh cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý liên quan đến bệnh mạch vành như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường...

- Xây dựng lối sống tích cực, thanh thản, vui vẻ, tránh tính trạng stress, căng thẳng quá mức, thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý, làm việc điều độ, quản lý thời gian hiệu quả.

Điều trị bằng thuốc

Với những trường hợp nặng, việc thay đổi lối sống là không đủ để điều trị bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp dựa trên tiên lượng bệnh nhân. Có rất nhiều loại thuốc khác nhau thường được chỉ định trong việc điều trị bệnh này, bao gồm: 

- Thuốc có tác dụng làm giảm cholesterol: Bác sĩ có thể lựa chọn các thuốc nhóm statin, niacin, fibrat hay chất gắn kết với axit mật (bile acid sequestrants).

- Aspirin: Bác sĩ có thể khuyến cáo dùng aspirin hàng ngày để ngăn ngừa hình thành cục máu đông có khả năng làm tắc nghẽn động mạch vành.

- Thuốc chẹn beta: Những thuốc này có tác dụng làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, giảm nhu cầu sử dụng oxy của tim. Nếu bạn có cơn đau thắt ngực, sử dụng thuốc chẹn beta giúp phòng ngừa các cơn đau tim sau này.

- Thuốc chẹn kênh canxi: Thuốc có tác dụng cải thiện các triệu chứng đau ngực. Nhóm thuốc này có thể phối hợp sử dụng với thuốc chẹn beta hoặc thay thế thuốc chẹn beta ở người không sử dụng được. 

- Ranolazine: thường dùng để điều trị triệu chứng đau ngực.

- Nitroglycerin: giúp kiểm soát cơn đau ở ngực bằng cách làm giãn tạm thời các mạch màu và giảm nhu cầu nhận máu ở tim.

- Thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II: giúp làm giảm huyết áp, ngăn ngừa tiến triển của bệnh mạch vành.

Các phương pháp y học hiện đại

bệnh mạch vành

Nong và đặt stent động mạch vành

- Phẫu thuật đặt stent: Bác sĩ sẽ luồn một ống dài, mảnh và dễ điều khiển đến phần động mạch bị hẹp. Sau đó, một quả bóng dẹt được đưa đến vị trí đó và bơm phồng lên, ép các mảng bám sát vào thành động mạch. Tiếp đến, một ống lưới bằng thép không gỉ gọi là stent được bung ra để giữ động mạch luôn mở rộng.

- Sử dụng chất sinh mạch: Phương pháp này áp dụng các tính chất liên quan đến tế bào gốc và các vật liệu di truyền khác. Chất sinh mạch được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc đưa trực tiếp vào mô tim đang bị tổn thương;

- Phương pháp phản xung động ngoại biên tăng cường: Đây là phương pháp sử dụng vòng ở chân thổi phồng và làm xẹp, nhằm làm tăng sự cung cấp máu cho động mạch vành.

- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ phẫu thuật sẽ nối một đoạn mạch máu lấy từ bộ phận khác của cơ thể để nối qua đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn. Kết quả là máu có thể chảy xung quanh vị trí động mạch bị chặn hoặc thu hẹp để đến tim. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một phẫu thuật hở nên thường chỉ thực hiện ở những bệnh nhân có nhiều nhánh động mạch bị hẹp.

Trên đây là những chia sẻ về vấn đề bệnh mạch vành. Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch là điều bất kỳ ai cũng đều nên thực hiện. Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành như cholesterol cao, tăng huyết áp hay đái tháo đường thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Nếu kiểm tra định kỳ và phát hiện sớm, bạn sẽ dễ dàng điều trị và thay đổi lối sống để duy trì sức khỏe tim mạch tốt hơn. Hãy liên hệ hotline 19001806 để được tư vấn. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,828

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám