Sùi mào gà tái phát không chỉ là nỗi ám ảnh về mặt sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh nghiêm trọng. Dù đã điều trị, virus HPV vẫn có thể âm thầm tồn tại và bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nếu không được kiểm soát đúng cách. Tái phát nhiều lần còn làm tăng nguy cơ biến chứng, lây nhiễm cho bạn tình và thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Vậy làm cách nào để phòng tránh sùi mào gà hiệu quả? Câu trả lời sẽ có trong nội dung dưới đây.
Sùi mào gà có tái phát không? Bao lâu thì tái phát?
Ngay cả khi đã được điều trị, bệnh sùi mào gà vẫn có thể quay trở lại (tái phát) trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Điều này là do một số tế bào ở da và niêm mạc bộ phận sinh dục trông bình thường có thể vẫn bị nhiễm virus HPV (nhiễm virus mà chưa có biểu hiện bệnh, thường ví dụ như “gieo hạt mà chưa nảy mầm”). Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị nào có thể loại virus HPV bỏ vĩnh viễn trong tất cả các tế bào bị nhiễm bệnh, hầu hết bệnh nhân sẽ loại bỏ virus bằng chính hệ thống miễn dịch của họ trong vòng hai năm.
Sùi mào gà tái phát do virus HPV vẫn còn trong cơ thể
Tỷ lệ tái phát sau khi điều trị khá cao. Đối với liệu pháp lạnh, tỷ lệ tái phát là 12 – 42% sau 1 – 3 tháng và có thể lên đến 59% sau sạch tổn thương khoảng 12 tháng. Còn với phương pháp phẫu thuật hoặc thủ thuật như laser CO2, đốt điện điện,...tỷ lệ tái phát là 19 – 29% và có nguy cơ để lại sẹo, thay đổi màu da ở vùng hiển thị, tổn thương cơ thắt hoặc nứt hậu môn.
Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh sùi mào gà tái phát?
Có rất nhiều nguyên nhân cũng như yếu tố làm tăng nguy cơ khiến bệnh sùi mào gà tái phát. Bao gồm:
- Khi HPV tấn công, cơ thể không có kháng thể kháng lại virus này và cũng không thể kích thích sản sinh kháng thể. Vì vậy, hiện đa số các phương pháp điều trị là loại bỏ triệu chứng bên ngoài của sùi mào gà, nhưng không loại bỏ được hoàn toàn virus HPV;
- Nếu không loại bỏ tận gốc trong quá trình đốt sùi mào gà , các tế bào bệnh còn sót lại trên da và xung quanh mụn sùi. Sau một thời gian, chúng sẽ phát triển trở lại và tái phát bệnh;
- Bệnh tái phát do hệ miễn dịch bị suy giảm. Trong đó bao gồm những đối tượng bị HIV, các bệnh mạn tính suy gan, suy thận, đái tháo đường, ung thư,...sẽ có tỷ lệ tái phát cao hơn hẳn. Khi này diện tích của các nốt sùi và lượng virus cũng tăng lên đáng kể;
- Người bệnh có những thay đổi tiêu cực về tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống như: Ăn uống không ngon miệng, căng thẳng, lo lắng, rối loạn giấc ngủ,...khiến cho sức đề kháng bị suy giảm. Tạo điều kiện cho các nốt sùi mọc lại;
- Do sử dụng các chất kích thích thường xuyên như hút thuốc, bia rượu,...cũng là nguyên nhân khiến bệnh sùi mào gà tái phát. Các chuyên gia cho biết, các chất kích thích này ảnh hưởng đến sự sản sinh tế bào lympho, là tế bào liên quan đến khả năng miễn dịch của cơ thể, tạo điều kiện thích hợp để bệnh quay lại.
- Do người bệnh giao hợp, quan hệ bằng đường hậu môn hoặc đường miệng bừa bãi. Không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ;
Cách nhận biết dấu hiệu tái phát sùi mào gà?
Bệnh sùi mào gà xuất hiện với những nốt sùi mềm, tạo ra dưới dạng một cụm có hay chỉ một mụn riêng lẻ.
Ở giai đoạn đầu, những nốt mụn này rất nhỏ, khó nhìn bằng mắt thường. Càng về sau, các nốt mụn mọc dày lên, có hình dáng giống súp lơ hoặc mào gà, khi chạm vào có cảm giác nhẵn hoặc hơi gồ ghề.
Ngoài vùng kín, bệnh lý sùi mào gà cũng có khả năng hình thành trên miệng, môi, lưỡi, cổ họng ở người quan hệ bằng miệng với “đối tác” mắc virus HPV.
Đối với nam giới
Sùi mào gà có khả năng xuất hiện ở các vị trí sau: Bộ phận sinh dục, bìu, háng, đùi, bên trong hoặc xung quanh vùng hậu môn.
Nếu các nốt sùi này lan rộng ra, có thể gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc thậm chí là đau đớn, chảy máu khi quan hệ.
Đối với nữ giới
Sùi mào gà có thể xuất hiện ở các vị trí sau: Bên trong và ngoài vùng kín/vùng hậu môn, trên cổ tử cung.
Kể cả khi nốt sùi rất nhỏ không thể quan sát bằng mắt thường, chúng vẫn có khả năng dẫn đến các tình trạng như tăng tiết dịch vùng kín, nóng rát, ngứa, chảy máu khi quan hệ.
Ở nữ giới những dấu hiệu tái phát thường gặp ở vùng kín, âm đạo hoặc cổ tử cung
Tham khảo:
Nên làm gì khi bệnh sùi mào gà tái phát?
Khi sùi mào gà tái phát, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp quan trọng sau:
Tái khám sớm tại cơ sở y tế chuyên khoa: Ngay khi phát hiện tổn thương sùi quay trở lại, người bệnh cần đến bác sĩ để được kiểm tra và đánh giá mức độ tái phát. Tự ý điều trị tại nhà bằng thuốc bôi không đúng cách có thể làm tổn thương lan rộng hoặc gây viêm loét.
Lựa chọn lại phương pháp điều trị phù hợp
Không phải phương pháp nào cũng hiệu quả với lần tái phát sau. Các kỹ thuật hiện đại như đốt laser CO₂, áp lạnh nitơ lỏng, đốt điện, phẫu thuật cắt bỏ sùi hoặc điều trị bằng dung dịch acid trichloroacetic (TCA) sẽ được bác sĩ cân nhắc tùy theo vị trí, kích thước và số lượng sùi.
Theo nghiên cứu đăng trên Journal of Clinical Medicine (2021), đốt laser CO₂ kết hợp với điều trị tăng cường miễn dịch giúp giảm tỷ lệ tái phát đáng kể so với chỉ dùng đơn trị liệu.
Tăng cường miễn dịch cơ thể: Vì HPV hoạt động mạnh hơn khi miễn dịch suy giảm, người bệnh nên chú trọng cải thiện thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng và hạn chế rượu bia. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc tăng cường miễn dịch (như Imiquimod, Interferon) để hỗ trợ phòng tái phát.
Kiểm tra và điều trị đồng thời cho bạn tình: Việc điều trị đơn lẻ có thể khiến HPV tiếp tục lây qua lại giữa hai người. Do đó, khi bị tái phát, bạn tình cũng cần được xét nghiệm và điều trị đồng thời, kể cả khi không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng.
Kiểm tra và điều trị đồng thời cho bạn tình giúp giảm nguy cơ tái phát và lây nhiễm
Không quan hệ tình dục cho đến khi khỏi hoàn toàn: Virus HPV có thể lây truyền qua tiếp xúc da – da hoặc dịch tiết dù chưa có tổn thương rõ. Việc kiêng quan hệ tình dục cho đến khi bác sĩ xác nhận đã khỏi hoàn toàn là cách giúp tránh lây nhiễm và làm bệnh tái phát nặng hơn.
Xem xét tiêm vắc-xin HPV nếu chưa tiêm: Dù đã nhiễm HPV, vắc-xin HPV (Gardasil 9) vẫn có thể giúp phòng ngừa tái nhiễm các chủng virus khác và giảm nguy cơ biến chứng lâu dài như ung thư hậu môn – sinh dục – miệng – họng. Vắc-xin này được FDA phê duyệt sử dụng cho cả nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi.
Biện pháp đề phòng bệnh sùi mào gà tái phát
Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ tái phát sùi mào gà sau điều trị dao động từ 20–30%, đặc biệt ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu hoặc không tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau điều trị. Do đó, để phòng ngừa tái phát sùi mào gà hiệu quả, người bệnh cần kết hợp nhiều biện pháp chủ động, từ điều chỉnh lối sống đến chăm sóc y tế định kỳ. Cụ thể:
- Duy trì quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su đúng cách để giảm thiểu nguy cơ lây lan và tái nhiễm HPV. Tránh quan hệ tình dục trong và sau quá trình điều trị ít nhất 6 tuần, hoặc theo chỉ định cụ thể từ bác sĩ, để niêm mạc có thời gian phục hồi hoàn toàn và giảm nguy cơ tái nhiễm.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Chế độ ăn uống giàu vitamin A, C, E, kẽm và selen là các vi chất hỗ trợ miễn dịch nên được bổ sung thường xuyên.
- Tránh rượu bia, thuốc lá, giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc: Giúp cải thiện khả năng chống lại virus của cơ thể. Một số nghiên cứu từ cho thấy, bệnh nhân có hệ miễn dịch khỏe mạnh ít có nguy cơ tái phát sùi mào gà hơn đáng kể so với nhóm suy giảm miễn dịch.
- Thực hiện tái khám định kỳ: Để theo dõi sát diễn tiến của bệnh, phát hiện sớm nếu có tổn thương mới. Việc xét nghiệm HPV DNA định kỳ hoặc soi cổ tử cung (với nữ) và soi niệu đạo (với nam) là cần thiết, đặc biệt nếu có tiền sử tái phát nhiều lần.
- Tiêm phòng vắc-xin HPV: Đây là một trong những biện pháp dự phòng lâu dài hiệu quả nhất, kể cả đối với những người đã từng nhiễm virus. Mặc dù vắc-xin không điều trị được tổn thương hiện tại, nhưng có khả năng giúp ngăn ngừa lây nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao khác và hỗ trợ giảm nguy cơ tái phát. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vắc-xin HPV có thể phòng ngừa đến 90% các chủng virus gây sùi mào gà và ung thư cổ tử cung nếu thực hiện đúng độ tuổi và liệu trình.
Sùi mào gà tái phát là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch chưa kiểm soát tốt virus HPV, từ đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm và biến chứng. Việc điều trị đúng cách, kết hợp chăm sóc sức khỏe tổng thể và duy trì lối sống lành mạnh chính là chìa khóa ngăn ngừa tái phát hiệu quả. Sự cảnh giác và phòng ngừa chủ động sẽ giúp bạn cũng như mọi người xung quanh biết cách bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, quý khách hàng có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được hỗ trợ sớm nhất.