Bướu giáp lan tỏa là một trong những bệnh lý tuyến giáp phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 5% dân số toàn cầu, trong đó nữ giới có nguy cơ mắc cao gấp 4-5 lần so với nam giới (theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ). Dù không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp và chất lượng sống.
Bệnh bướu giáp lan tỏa là gì?
Bướu giáp lan toả là tình trạng tuyến giáp to đều cả hai thuỳ của tuyến. Đây là một bệnh lý có liên quan đến sự phát triển của tuyến giáp - một bộ phận quan trọng của hệ thống nội tiết.
Bướu giáp keo là tình trạng phì đại của tuyến giáp mà không kèm theo rối loạn chức năng, thường gặp hơn ở nữ giới
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh bướu giáp lan tỏa đều lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy vậy, nếu không theo dõi và thăm khám thường xuyên, bệnh vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng cho sức khoẻ như lồi mắt, mờ mắt, rối loạn nhịp tim,...nghiêm trọng hơn là phát triển thành ung thư nếu xuất hiện nhân tuyến giáp không được phát hiện và xử lý đúng cách.
Bướu giáp lan tỏa có nguy hiểm không?
Bệnh bướu giáp lan tỏa thường lành tính. Tuy nhiên, số ít trường hợp tình trạng bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng như:
- Xuất hiện khối u chèn ép gây giãn tĩnh mạch, khó nuốt hoặc khó thở, bướu to nặng nề ở cổ;
- Viêm nhiễm;
- Chảy máu tuyến giáp do loạn dưỡng. Bướu to bất thường ở một vùng, có thể hơi đau, sờ có cảm giác căng, chọc hút có máu không đông;
- Gây nên triệu chứng cường giáp như run tay, thèm ăn, khát nước, tiểu nhiều, tim mạch bất thường,...T3 T4 tăng, TSH giảm;
- Ung thư phát triển từ một nhân trong bướu giáp, gây chèn ép, có thể có hạch ngoài tuyến giáp;
- Hiếm gặp hơn, ở những người cao tuổi có thể bị suy giáp như ăn không ngon, giọng khàn, sa sút trí nhớ, táo bón, tăng cân,...T3 T4 giảm, TSH tăng;
Ghi chú:
- T3 T4: Chỉ số bình thường của hormon tuyến giáp.
- TSH: Hormon kích thích tuyến giáp, được sản xuất bởi tuyến yên trong não.
Phân loại các dạng bệnh bướu giáp lan toả
Cách nhận diện điểm khác nhau của bướu giáp lan toả
Có 2 loại bướu giáp lan toả, bao gồm:
Bướu giáp lan toả không độc (Simple diffuse goiter hay Nontoxic diffuse goiter)
Bướu giáp lan toả không độc xảy ra khi hormone tuyến giáp không sản xuất đủ và tuyến yên trong não sẽ thúc đẩy sản sinh hormone để kích thích tuyến giáp gọi là TSH. Lượng TSH quá nhiều sẽ gây ra phình tuyến giáp.
Với bướu giáp lan toả không độc, chức năng tuyến giáp không bị thay đổi dù tuyến giáp phình đại hoặc có thể phát triển cục bộ. Đa phần loại bướu giáp này là lành tính và không gây ra bệnh lý, Một số ít trường hợp có thể diễn tiến theo thời gian thành bệnh cường giáp, suy giáp ung thư,...
Bướu giáp lan toả nhiễm độc (Toxic diffuse goiter)
Đây là một dạng cường giáp đặc trưng bởi sự phì đại đồng đều của tuyến giáp. Nguyên nhân chính của bệnh này là sự tăng tiết hormon tuyến giáp quá mức. Ngoài ra, các yếu tố như di truyền, nhiễm khuẩn và căng thẳng tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khởi phát bệnh.
Tuỳ vào độ tuổi mà bướu giáp lan toả nhiễm độc có biểu hiện bệnh khác nhau:
- Trẻ em và người trưởng thành: Tuyến giáp to, hay quên, nhức đầu, mất tập trung, chiều cao và xương cốt hoá phát triển nhanh, đặc biệt ở lứa tuổi 13 – 15. Tuy nhiên, các triệu chứng về sinh dục không phát triển. Khi có cơn nhiễm độc hormon giáp kịch phát sẽ thấy run tay biên độ lớn.
- Người lớn tuổi: Rối loạn tim mạch do tổn thương xơ vữa động mạch là những triệu chứng đầu tiên, có trước bệnh Basedow nên thường có rối loạn nhịp tim, bướu giáp vừa lan toả vừa thành nhân, suy tim, đau vùng trước tim. Ngoài ra, còn có các triệu chứng liên quan tới mắt không rõ, tay run không đặc trưng...
Nguyên nhân dẫn đến bệnh bướu giáp lan toả
Tuỳ vào từng loại bướu giáp lan toả là có nhiễm độc hay không mà nguyên nhân cũng sẽ khác nhau. Cụ thể:
Nguyên nhân dẫn đến bướu giáp lan toả không độc
- Bướu cổ sinh lý do dậy thì hay mang thai;
- Thiếu i-ốt;
- Sự phát triển bất thường về hình dạng (Dysmorphogenesis);
- Goitrogens (có trong thuốc trị bướu cổ như acid para - aminosalicylic, bắp cải);
- Tiếp xúc với bức xạ;
- Sự giải phóng của hormon kích thích tuyến giáp;
- Tự miễn dịch;
- Bệnh u hạt.
Nguyên nhân dẫn đến bướu giáp lan toả nhiễm độc
- Thiếu i-ốt;
- Rối loạn tự miễn dịch;
- Hút thuốc lá;
- Di truyền;
- Thuốc (Lithium, iodides, interferon – alpha,...);
- Xạ trị;
- Viêm và nhiễm trùng;
- Bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất);
Bệnh Graves là một rối loạn miễn dịch dẫn đến việc tuyến giáp sản xuất quá mức hormone thyroid, gây ra tình trạng cường giáp
Yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh
- Thừa cân, béo phì;
- Kháng insulin;
- Mắc hội chứng chuyển hóa;
- Tiếp xúc với bức xạ ở vùng đầu cổ;
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
Đối tượng dễ bị bướu giáp lan toả
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này bao gồm:
- Phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 40 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
- Những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về tuyến giáp.
- Sự thiếu hụt i-ốt trong chế độ ăn uống, đặc biệt ở các vùng núi nơi i-ốt bị rửa trôi khỏi đất, cũng làm tăng nguy cơ phát triển bướu giáp lan tỏa.
- Các yếu tố khác: Môi trường nhiễm khuẩn, căng thẳng tinh thần, suy dinh dưỡng và sử dụng một số loại thuốc có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Dấu hiệu người bệnh bị bướu giáp lan toả
Những người bị bướu giáp lan toả có triệu chứng đa dạng từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, thường gặp nhất vẫn là cường giáp do lượng hormone tăng quá cao trong máu. Hormone giáp kích thích mọi cơ quan hoạt động quá mức cần thiết gây ra những triệu chứng như:
- Đổ nhiều mồ hôi;
- Sạm da, da ấm, ẩm;
- Rụng tóc, lông;
- Tiêu chảy;
- Tiểu đêm nhiều lần;
- Nữ bị rối loạn kinh nguyệt;
- Lo lắng quá mức, dễ bị trầm cảm;
- Hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh;
- Mệt mỏi, uể oải ngay cả khi vận động nhẹ.
Ngoài ra, khi tuyến giáp quá to có thể chèn vào các cấu trúc xung quanh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
Nếu chẹn vào khí quản, người bệnh có thể cảm thấy khó thở, lâu ngày dẫn đến suy hô hấp mạn tính. Nếu chèn vào thực quản sẽ thấy khó nuốt, lâu dài bệnh nhân có thể bị suy dinh dưỡng do không ăn được.
Trường hợp khác, có thể không xuất hiện triệu chứng gì ngoại trừ bướu giáp phát triển to làm cổ biến dạng.
Tham khảo:
Cách điều trị bệnh bướu giáp lan toả nhiễm độc
Để chẩn đoán bệnh bướu giáp lan toả, bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết như: Xét nghiệm máu, siêu âm. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Trường hợp bướu giáp lan toả có kích thước nhỏ, không có triệu chứng thì người bệnh không cần điều trị. Tuy nhiên vẫn cần phải được thăm khám và theo dõi định kỳ để tránh các biến chứng ảnh ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Trường hợp bướu giáp lan toả có kích thước lớn, gây chèn ép lên khí quản, thực quản, ảnh hưởng tới việc nuốt thở,...bác sĩ điều trị bằng Levothyroxin liều ức chế TSH để thu nhỏ bướu giáp.
Dùng thuốc kháng giáp
Thuốc kháng giáp giúp giảm triệu chứng và kích thước bướu khi điều trị bướu giáp lan toả
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tuyến giáp và Hiệp hội Nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ, bệnh bướu giáp lan toả nhiễm độc thường ưu tiên chỉ định thiamazole và propylthiouracil. Trong đó, phổ biến hơn là thiamazole.
Nguy cơ tái phát khi sử dụng thuốc có thể là 50 - 55%, thường xảy ra vào năm đầu tiên sau khi bệnh nhân ngưng điều trị.
Một số tiên lượng xấu người bệnh có thể gặp phải như: Cường giáp nặng, bướu cổ lớn,....
Tác dụng phụ khi người bệnh sử dụng thuốc như: Nhiễm độc gan, mất bạch cầu hạt, viêm mạch,...
Sử dụng i-ốt phóng xạ
Phương pháp này được ứng dụng phổ biến trong việc điều trị bướu giáp lan toả nhiễm độc bởi an toàn và hiệu quả cao. Lượng i-ốt phóng xạ sẽ được bác sĩ xem xét tuỳ vào tình trạng của từng bệnh nhân, sao cho phù hợp ở dạng lỏng hoặc viên nang.
Để việc hấp thu i -ốt phóng xạ đạt hiệu quả tốt, người bệnh cần dừng mọi loại thuốc chứa i-ốt và áp dụng chế độ hạn chế i-ốt khi điều trị.
Lưu ý rằng, phương pháp sử dụng i-ốt phóng xạ không phù hợp với người đang mang thai, cho con bú hay nhiễm độc tuyến giáp nặng không kiểm soát.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là một phương pháp hiệu quả để điều trị bướu giáp lan tỏa
Phẫu thuật là phương pháp có hiệu quả điều trị thành công nhất với bướu cổ lan toả nhiễm độc. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần cân nhắc đến các yếu tố như: Suy tuyến giáp, liệt dây thần kinh thanh quản, câm, sẹo mổ,....
Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi hai phương pháp trên không mang lại hiệu quả tốt.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bị bướu giáp lan toả
Kiểm soát chế độ ăn uống với cân bằng dinh dưỡng là vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa bướu giáp lan toả.
Bướu giáp lan tỏa nên ăn gì?
Những thực phẩm mà bệnh nhân bướu giáp lan tỏa nên bổ sung bao gồm:
- Thực phẩm giàu i-ốt: Tôm, cua, cá biển, rong biển, tảo biển, trứng gà, sữa và các chế phẩm từ sữa, muối i-ốt (dùng thay thế muối thường khi nấu ăn).
- Thực phẩm giàu selen: Hạt như hạnh nhân, hạt hướng dương, cá hồi, cá ngừ, cá mòi, nấm, tỏi, hành tây.
- Thực phẩm giàu kẽm: Thịt bò (bệnh nhân bị bướu giáp nhiễm độc không nên ăn), hàu, cua, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám.
- Trái cây và rau xanh: Cam, quýt, dâu tây, việt quất, rau bina, cải bó xôi, súp lơ xanh
- Thực phẩm giàu protein: Ức gà, cá, đậu phụ, trứng, sữa chua.
Bướu giáp lan tỏa kiêng ăn gì?
Những thực phẩm mà bệnh nhân bướu giáp lan tỏa nên tránh bao gồm:
- Thực phẩm giàu iốt (trong trường hợp cường giáp): Rong biển, tảo biển, cá biển, hải sản, muối iốt và các thực phẩm chế biến có chứa iốt;
- Đậu nành và các chế phẩm từ đậu: Sữa đậu nành, đậu hũ, bột đậu nành;
- Rau họ cải sống (nếu bị suy giáp): Bắp cải, cải xoăn, cải brussels, su hào khi ăn sống;
- Thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ: Thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, đồ chiên;
- Cà phê và đồ uống có cồn
- Nội tạng động vật và thực phẩm giàu cholesterol
Tùy vào tình trạng bệnh (cường giáp hay suy giáp), bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Nếu cần một chế độ ăn cụ thể hơn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Quý khách có nhu cầu thăm khám và điều trị bướu giáp lan tỏa có thể liên hệ với Bệnh viện Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được bộ phận hỗ trợ và tư vấn nhanh chóng.
Kết luận
Bướu giáp lan tỏa không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống nếu không được quản lý đúng cách. Nhờ các phương pháp điều trị hiện đại và chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Việc thăm khám định kỳ và lắng nghe cơ thể là chìa khóa giúp bảo vệ sức khỏe tuyến giáp lâu dài.