Bướu giáp đa nhân – Nguyên nhân, biểu hiện, phương pháp điều trị

Thu Hiền

30-01-2024

goole news
16

Bướu giáp đa nhân hay phình giáp đa hạt là tình trạng bướu cổ có nhiều nốt nhân. Tình trạng này thường xuất hiện khi tuyến giáp hoạt động quá mức và không điều chỉnh sản xuất hormon giáp (thyroid hormone) như bình thường. Tại bài viết sau đây Bệnh Viện Đa Khoa Phương Đông sẽ chia sẻ khái niệm, nguyên nhân, biểu hiện, phương pháp điều trị bướu giáp đa nhân đến các bạn.

Bướu giáp đa nhân là gì?

Tuyến giáp nằm trước dưới cổ có hình bướm có chức năng sản xuất các hormone kiểm soát nhiều chức năng trong cơ thể. Bất kỳ sự gia tăng nào về kích thước một phần hay toàn bộ tuyến giáp đều gọi là bướu cổ. 

Bướu giáp đa nhân hay phình giáp đa hạt

Bướu giáp đa nhân hay phình giáp đa hạt là tình trạng bướu cổ có nhiều nốt nhân. Các nốt nhân có thể được phát hiện qua siêu âm hoặc nhìn thấy rõ với nốt nhân to. Khi bệnh nhân mắc tuyến giáp đa nhân bác sĩ thường chỉ định sàng lọc ung thư tuyến giáp.

Bệnh nhân bướu giáp đa nhân và tuyến giáp nói chung phổ biến ở đối tượng nữ giới, độ tuổi trên 50. Chỉ định điều trị bệnh tùy thuộc vào kích thước bướu, bướu có gây cường giáp không, có nghi ngờ ác tính không. Phần lớn bệnh nhân không cần điều trị, tuy nhiên phải được bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường theo dõi định kỳ. 

Phân loại bướu giáp đa nhân

Bướu đa nhân tuyến giáp được phân loại dựa trên nồng độ hormone tuyến giáp bao gồm:

  • Bướu giáp độc: Bướu giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp,  gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
  • Bướu giáp không độc: Tuyến giáp to nhưng mức hormone tuyến giáp bình thường là bướu giáp không độc. Nói cách khác, bệnh nhân bướu giáp đa nhân không bị cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) hoặc suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém).

Nguyên nhân gây bệnh bướu giáp đa nhân

Phần lớn các trường hợp bệnh nhân mắc bướu giáp đa nhân đều không có được nguyên rõ ràng. Tình trạng này có thể phát triển từ bướu giáp lan tỏa hoặc bướu giáp đơn thuần. 

Ngoài ra người mắc viêm tuyến giáp Hashimoto (viêm tuyến giáp tự miễn dịch) sẽ có nguy cơ xuất hiện nhân giáp cao hơn người bình thường. Các yếu tố nguy cơ bệnh bướu giáp đa nhân bao gồm: Thiếu iốt, người lớn tuổi (trên 50 tuổi), giới tính nữ, gia đình có người bị bướu giáp, bướu cổ, tuyến giáp. 

Nguyên nhân gây bệnh bướu giáp đa nhânNguyên nhân gây bệnh bướu giáp đa nhân

Các nốt nhân trong bướu giáp được hình thành và phát triển với tốc độ khác nhau. Kết hợp với các yếu tố ăn uống, thuốc, gen tốc độ phát triển sẽ khác nhau. Quá trình này phát triển theo nhiều năm, chính vì vậy số lượng bệnh bướu giáp đa nhân thường gia tăng ở độ tuổi trung niên trở lên. 

Dấu hiệu bệnh bướu tuyến giáp đa nhân

Hầu hết bệnh nhân bướu giáp đa nhân không phát hiện ra triệu chứng bệnh, do biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi nhìn thấy bướu cổ lớn khác thường hoặc khi đi khám sức khỏe định kỳ. Có nhiều trường hợp biểu hiện bệnh thể hiện rõ ràng với khối u phía trước cổ, có thể nhận biết, nhìn thấy ngay. 

Ngoài ra bệnh nhân có thể có các triệu chứng của bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) hoặc suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả). Trong trường hợp cường giáp sẽ có các dấu hiệu như: hay mệt mỏi, sưng mắt, run tay, sụt cân, rối loạn giấc ngủ, lo lắng và các triệu chứng khác. Với trường hợp suy giáp sẽ có các dấu hiệu như: da khô, tăng cân, không chịu được lạnh, chuột rút cơ, táo bón,... 

Khi các nhân và bướu giáp kích thước ngày càng lớn hơn sẽ có cảm giác khó thở, khó nuốt, khàn giọng hoặc có cảm giác thắt chặt quanh cổ họng. Với bướu đa nhân tuyến giáp đa nhân thì ít gây cảm giác khó chịu, hay đau do kích thước tăng nhanh bất thường.

Chẩn đoán bệnh bướu giáp đa nhân 

Bệnh bướu giáp đa nhân có thể được phát hiện qua nhiều phương pháp chẩn đoán, thăm khám khác nhau. Cụ thể: 

Khám bệnh

Các bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh, các yếu tố gia đình, quan sát sờ vào cổ người bệnh. Thông qua các bước chẩn đoán ban đầu bác sĩ có thể cảm nhận kích thước và hình dạng của tuyến giáp.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu nhằm định lượng kháng thể tuyến giáp (Anti TPO), hormone tuyến giáp (TSH, FT3, FT4). 

Với các chỉ số này, sẽ đánh giá được hoạt động của tuyến giáp, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp. Người bệnh cũng có thể cần làm thêm vàu kiểm tra khác như: Chụp CT, siêu âm cổ,... để được chẩn đoán chi tiết hơn.

Chẩn đoán bệnh bướu giáp đa nhân Chẩn đoán bệnh bướu giáp đa nhân 

Chẩn đoán hình ảnh

Sau khi khám và đánh giá lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm siêu âm tuyến giáp. Đây là phương pháp tốt nhất để kiểm tra tuyến giáp. Thông qua kết quả hình ảnh bác sĩ có thể đánh giá các đặc điểm nhân giáp và kích thước của tuyến giáp: kích thước, vôi hóa, số lượng, phản âm, hình dạng, đường viền, ở dạng đặc hay dạng nang. 

Sinh thiết

Bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết nếu phát hiện bất kỳ nhân nào đáng ngờ về khả năng ung thư tuyến giáp. Phương pháp sinh thiết đưa ra 4 kết quả:

  • Không chẩn đoán được: đây là trường hợp không đủ tế bào để xác định chẩn đoán. Sau đó sẽ được chỉ định sinh thiết lại.
  • Lành tính: với kết quả sinh thiết lành tính, người bệnh được theo dõi định kỳ 6 tháng. Bướu đa nhân tuyến giáp lành tính này vẫn có thể phẫu thuật nếu kích thước nhân lớn, gây khó thở, khó nuốt hay mất thẩm mỹ cho người bệnh.
  • Ác tính: đây thường là ung thư tuyến giáp thể nhú, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
  • Không xác định: trườg hợp này bao gồm các dạng: tổn thương nang, tổn thương tế bào Hurthle (một loại tế bào tuyến giáp), khối u nang, tế bào hoặc các khối u không điển hình. Nghĩa là các tế bào này bất thường, không chắc chắn có phải ung thư hay không. Tỉ lệ kết quả FNA (chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ) trả về ở dạng này là 15- 20%.

Biến chứng bướu giáp đa nhân

Bướu giáp đa nhân nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, đúng phương pháp có thể gây ra một số biến chứng sau đây: 

  • Khó nuốt hoặc khó thở: Tình trạng bướu cổ đa nhân hoặc các nhân kích thước lớn có thể cản trở việc nuốt hoặc thở.
  • Cường giáp: Xảy ra khi tuyến giáp hoặc một nhân giáp sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến cường giáp. Tình trạng này gây giảm cân, yếu cơ, mệt mỏi, sợ nóng và lo lắng, kích động. Các biến chứng tiềm ẩn của cường giáp bao gồm: Loạn nhịp tim, nhiễm độc giáp cấp,...
  • Liên quan đến phẫu thuật bướu đa nhân tuyến giáp: Trong trường hợp bác sĩ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ một nhân giáp, bệnh nhân có thể phải đối mặt với tình trạng trị thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.

Phương pháp điều trị bướu giáp đa nhân

Phần lớn các bướu đa nhân tuyến giáp đều lành tính, bệnh nhân chưa cần điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật. Tuy nhiên người bệnh cần đi thăm khám định kỳ tại các bệnh viện uy tín để theo dõi và phát hiện sớm các bất thường. 

Phương pháp điều trị bướu giáp đa nhânPhương pháp điều trị bướu giáp đa nhân

Trong trường hợp bướu giáp đa nhân độc sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp gây cường giáp, chèn ép thực quản, thanh quản, khí quản gây khó thở, khó nuốt, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị phù hợp, an toàn cho người bệnh. Tùy thuộc vào số lượng, kích thước nhân giáp, nhân có độc hay không, có tế bào ung thư hay không, bác sĩ sẽ chỉ định cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. 

Có 3 phương pháp điều trị tuyến giáp đa nhân bao gồm: I-ốt phóng xạ, thuốc kháng giáp hoặc phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn các phương án điều trị phù hợp nhất. Nhiều trường hợp có thể kết hợp cả 3 phương pháp để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. 

Phương pháp i-ốt phóng xạ

Nguyên lý hoạt động của phương pháp này là phá hủy một phần tuyến giáp từ đó thu nhỏ tuyến giáp. Theo chỉ định của bác sĩ người bệnh uống 1 ly nước chứa liều lượng i-ốt phù hợp. Các tế bào tuyến giáp sẽ hấp thụ i-ốt và bị phá hủy. Sau khi điều trị tuyến giáp có thể sản xuất hormone bình thường trở lại. Hoặc bị suy giáp, bệnh nhân cần tiếp tục điều trị với thuốc hormone.

Sử dụng thuốc kháng giáp 

Với phương pháp sử dụng thuốc kháng giáp propylthiouracil và methimazole người bệnh phải dùng trong thời gian dài. Phương pháp điều trị này có thể gây nên một số tác dụng phụ như nhiễm độc gan, giảm bạch cầu hạt, viêm mạch,…

Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ nhân giáp

Bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp tùy vào số lượng nhân giáp, kích thước, nhân giáp có độc hay không, có gây ung thư không,... Trong trường hợp phát hiện nhân giáp ung thư, phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp được ưu tiên hàng đầu. Người bệnh cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp cần dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.

Lời kết: 

Bệnh Viện Đa Khoa Phương Đông vừa chia sẻ thông tin chi tiết về bướu giáp đa nhân đến các bạn. Hy vọng bài viết đã mang đến các thông tin hữu ích đến các bạn.

Hãy liên hệ để được tư vấn theo số điện thoại tổng đài 19001806 nếu có bất kì thắc mắc nào cần giải đáp hoặc để lại thông tin đăng ký tại phần Đặt lịch khám để đặt lịch.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
899

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám