Cẩm nang: Những điều cần biết khi mang thai lần đầu

Bạch Dương

30-11-2020

goole news
16

Lần đầu mang thai, cảm giác vui mừng xen lẫn lo lắng, bỡ ngỡ. Khám thai những mốc nào, nên kiêng gì, ăn gì, khi nào nên đi tiêm phòng… Vô vàn những điều cần biết khi mang thai lần đầu sẽ được giải đáp trong bài viết này, mẹ bầu đừng bỏ qua nhé.

Các mốc khám thai định kỳ - Những điều cần biết khi mang thai lần đầu

 Siêu âm thai - những điều cần biết khi mang thai lần đầu

Siêu âm thai định kỳ giúp mẹ theo dõi sự phát triển của em bé và phát hiện dị tật sớm nếu có.

Theo dõi thai kỳ thường xuyên, đặc biệt là không bỏ lỡ các mốc khám quan trọng sẽ giúp ba mẹ nắm được tình hình phát triển của thai nhi, sớm phát hiện bất thường, dị tật (nếu có) và kịp thời can thiệp kịp thời.

Trung bình, mỗi tháng mẹ bầu nên đi khám thai 1 lần. Nếu như mẹ bầu quá bận rộn không thể khám thường xuyên thì có những mốc khám thai quan trọng  nhất định không nên bỏ qua.

Mốc khám thai từ 6-8 tuần

Các bác sĩ tư vấn, chị em nên đi khám thai lần đầu khi đã chậm kinh khoảng 1 tuần, và đã thử que thử thai lên 2 vạch đậm. Lúc này thai đã được khoảng 5 tuần (với những người có chu kỳ kinh nguyệt đều). Nếu như chị em cũng có thể đợi tới khi thai được 6-8 tuần, lúc này chúng ta không chỉ quan sát được em bé đã vào tổ mà còn nghe được tim thai của bé thông qua phương pháp siêu âm. 

Mốc khám thai từ tuần 11-13

Ở mốc khám thai này, bác sĩ sẽ siêu âm màu để đo độ mờ da gáy giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Down. Cũng tại thời điểm này, mẹ bầu có thể làm xét nghiệm Double test để phát hiện một số hội chứng quan trọng như: hội chứng Down, hội chứng Edward và Patau.

Mốc khám thai tuần 21 - 24

Thời điểm này là lý tưởng để kiểm tra khuyết tật bẩm sinh và phát hiện các bất thường ở các bộ phận như hộp sọ, cột sống, phổi, thận, tay, chân... 

Mốc khám thai tuần 30 - 32

Mẹ bầu nên khám thai ở giai đoạn này để tầm soát những dị tật xuất hiện muộn ở thai nhi bao gồm: động mạch, tim, cấu trúc não, đồng thời quan sát, đánh giá tình vị trí nhau thai, nước ối, dây rốn… 

Ngày dự sinh

Những điều cần biết khi mang thai lần đầu - ngày dự sinh

Em bé có thể ra sớm hơn hoặc muộn hơn ngày dự sinh, mẹ đừng quá lo lắng nhé.

Ngày dự sinh - một trong những điều cần biết khi mang thai lần đầu, giúp mẹ xác định được thời điểm sinh bé và có sự chuẩn bị tốt nhất. 

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ, ngày dự kiến sinh chuẩn nhất chính là ngày dự sinh được bác sĩ dự đoán trong lần siêu âm 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài ra, nếu mẹ bầu có kinh nguyệt đều trước khi mang thai, thì có thể xác định được ngày dự sinh chính xác.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5 - 10% bà bầu sinh con đúng ngày dự sinh, còn lại đa số sẽ sinh vào thời điểm trước hoặc sau. Nếu mẹ bị quá ngày dự sinh cũng không cần lo lắng quá mức, điều quan trọng là cần theo dõi thường xuyên để đánh giá tình trạng sức khỏe của 2 mẹ con. 

Ngày dự sinh cũng có thể thay đổi qua mỗi lần siêu âm, và phụ thuộc vào sự phát triển của thai nhi. Thai nhi phát triển chậm hay nhanh sẽ ảnh hưởng tới ngày dự sinh này. 

Chế độ ăn uống cho bà bầu

Chế độ ăn uống cho bà bầu

Mẹ bầu nên tăng cường thực phẩm tốt cho sự phát triển của con

Chế độ ăn uống khi mang thai ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của bé yêu trong bụng mẹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mẹ bầu thì phải ăn nhiều gấp đôi, mà điều quan trọng hơn cả đó là mẹ bầu cần có chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và lành mạnh, chọn những thực phẩm tốt đối với thai nhi. 

Chế độ ăn uống của mẹ bầu nên cân đối các nhóm: Tinh bột, chất đạm, rau xanh, chất béo, đồng thời bổ sung đầy đủ Sắt, Canxi, Axit folic, Vitamin D…, uống đầy đủ 2-3 lít nước mỗi ngày. Trong đó, cần tăng cường lượng đạm từ các nguồn động vật như: sữa, trứng, tôm, cua, cá… hoặc từ thực vật như đậu tương, vừng, lạc…

Những thực phẩm tốt cho sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu cần tăng cường

  • Súp lơ
  • Các loại trái cây họ cam quýt
  • Trứng gà
  • Cá hồi
  • Các loại thịt đỏ
  • Các loại rau lá xanh đậm
  • Măng tây…

Những thực phẩm mẹ bầu cần tránh xa vì có hại cho bé

  • Tránh rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt có gas
  • Tránh những thực phẩm cay nóng như ớt, hạt tiêu, mù tạt.
  • Hạn chế những thực phẩm có tính hàn như nước dừa, rau ngót, rau má… trong 3 tháng đầu
  • Trán những loại cá nhiều thủy ngân không tốt cho thai nhi như cá thu, cá ngừ… 
  • Tránh thực phẩm có thể gây co mắt tử cung như dứa, đu đủ xanh… 
  • Tránh thực phẩm tái, sống như món gỏi, tránh thực phẩm chưa được tiệt trùng 

Lịch tiêm phòng khi mang thai

Tiêm phòng khi mang thai

Tiêm phòng đầy đủ khi mang thai là một trong những điều cần biết khi mang thai lần đầu.

Các bác sĩ sản khoa cho biết, người phụ nữ khi mang thai, sức khỏe và hệ miễn dịch giảm đi đáng kể, nguy cơ nhiễm bệnh cũng từ đó mà tăng lên. Chính bởi vậy, tiêm phòng là cách tốt nhất giúp bảo vệ mẹ bầu khỏi những nguy hiểm rình rập. Trong thời gian mang thai, chị em nên tiêm phòng vắc xin uốn ván và cúm. 

Những điều cần kiêng cữ khi mang thai lần đầu

Chị em nên lưu ý hạn chế/ tránh những hoạt động sau đây để không làm ảnh hưởng tới thai nhi:

  • Không nên massage bụng, xoa bụng bởi có thể kích thích gây sinh non
  • Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, chị em nên xin ý kiến bác sĩ
  • Không nên ngồi, nằm 1 chỗ mà luôn vận động nhẹ nhàng, đều đặn 
  • Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ vẫn có thể quan hệ với chồng nếu như sức khỏe tốt, thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, cần thực hiện nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
  • Các trường hợp bất thường như dọa sảy, chảy máu âm đạo, nhau tiền đạo, tiền sử sinh non, hay các bất thường khác cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Những lưu ý quan trọng mẹ bầu cần nhớ khi mang thai

  • Thăm khám thai định kỳ theo lời hẹn của bác sĩ. Mẹ bầu có thể chọn thai sản trọn gói để được chăm sóc tốt nhất trước - trong và sau sinh.
  • Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như: ra máu âm đạo, ra dịch âm đạo có màu, mùi, lạ… cần được thăm khám và tư vấn chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không nên áp dụng tùy tiện những kinh nghiệm của người khác khi không có ý kiến của bác sĩ.
  • Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước, để chắc chắn rằng thuốc không nguy hiểm cho thai nhi.
  • Để phòng tránh rạn da, chị em nên chăm sóc cho làn da từ tháng thứ 4, bằng cách bôi dầu dừa hoặc kem dưỡng ẩm chiết xuất từ thiên nhiên để đảm bảo làn da không bị rạn nứt, thâm đen
  • Nên đăng ký tham gia lớp học tiền sản để bổ sung các kiến thức cần thiết như: chuẩn bị tinh thần khi làm mẹ, dinh dưỡng khi mang thai, thể dục khi mang thai, chuẩn bị trước khi sinh, học cách rặn đẻ để không mất sức, cách tắm cho bé, cách cho bé bú, cách phòng chống bệnh cho bà bầu...

Trên đây là những điều cần thiết khi mang thai lần đầu, hi vọng sẽ là những kiến thức bổ ích giúp mẹ bầu tự tin hơn, để trải qua hành trình 280 ngày đầy hạnh phúc.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,064

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám