Co giật nửa mặt kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có thể là dấu hiệu của tổn thương dây thần kinh mặt hoặc các bệnh lý nghiêm trọng. Những cơn co giật không kiểm soát có thể ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thị lực, khả năng giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị co giật nửa mặt. Nắm vững thông tin này sẽ giúp bạn nhận diện sớm và xử lý kịp thời, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Nhận biết dấu hiệu co giật nửa mặt
Triệu chứng đầu tiên của co giật nửa mặt là chỉ co giật một bên mặt không có chủ ý, thường bắt đầu ở mí mắt dưới dạng giật nhẹ. Đây được gọi là chứng co thắt não.
Khi bạn lo lắng hoặc trở nên mệt mỏi, các cơn co giật sẽ trở nên rõ ràng hơn. Đôi khi những cơn co giật mí mắt có thể khiến mắt nhắm lại hoàn toàn hoặc chảy nước mắt.
Tình trạng co thắt nửa mặt (hình 1) và tái sinh bất thường với sự đồng vận động sau liệt dây thần kinh số VII (hình 2)
Theo thời gian, tình trạng co giật có thể trở nên rõ ràng hơn ở các vùng da đã bị ảnh hưởng trên khuôn mặt. Chúng cũng có thể lan sang các bộ phận khác cùng một bên khuôn mặt và cơ thể, bao gồm:
- Lông mày;
- Má;
- Khu vực quanh miệng (ví dụ như môi);
- Cằm;
- Quai hàm;
- Phần cổ phía trên.
Trong một số trường hợp, co giật nửa mặt cũng có thể xảy ra khi đang ngủ. Triệu chứng cụ thể như:
- Giảm thính giác;
- Ù tai;
- Đau tai, đặc biệt phía sau tai;
- Co giật toàn bộ khuôn mặt.
Nguyên nhân khởi phát cơn co giật nửa mặt
Co thắt nửa mặt xảy ra do dây thần kinh mặt bị chèn ép. Dây thần kinh là cơ quan gửi xung điện từ một phần của cơ thể đến phần khác. Mạng lưới tín hiệu điện này tạo nên hệ thần kinh của bạn. Mạng lưới tín hiệu điện này tạo nên hệ thần kinh của bạn.
Thông thường, co giật xảy ra do mạch máu (ống dẫn máu đi khắp cơ thể) đè lên dây thần kinh mặt. Các khối u lành tính (không phải ung thư) ở đầu và cổ cũng có thể đè lên dây thần kinh.
Đôi khi, co giật cơ mặt không có nguyên nhân rõ ràng. Khi không có nguyên nhân rõ ràng, các bác sĩ gọi tình trạng này là co giật nửa mặt vô căn.
Các yếu tố rủi ro bao gồm:
- Chấn thương mặt;
- Chấn thương dây thần kinh sọ số 7;
- Liệt mặt;
- Xơ vữa động mạch;
- Độ tuổi: Ít gặp ở bệnh nhân dưới 40 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao ở độ tuổi từ 50 - 60 tuổi.
Hậu quả của chứng co giật nửa mặt kéo dài gây ra
Chứng co giật nửa mặt kéo dài có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Về mặt thể chất, các cơn co giật liên tục có thể gây biến dạng khuôn mặt, làm mất cân đối giữa hai bên, ảnh hưởng đến tầm nhìn và tăng nguy cơ viêm nhiễm mắt. Những cơn co giật nhẹ có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu, mất tự tin, ảnh hưởng tới việc ăn uống, nói năng của bệnh nhân.
Về mặt tâm lý, tình trạng này thường gây căng thẳng, lo âu và trầm cảm, khiến người bệnh ngại giao tiếp xã hội và giảm hiệu suất công việc. Trong một số trường hợp, việc điều trị không đúng phương pháp, như sử dụng thuốc không phù hợp, châm cứu hoặc tiêm botox không đúng chỉ định, có thể dẫn đến liệt cơ mặt và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Do đó, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần thăm khám sớm, tránh để bệnh kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Cách chẩn đoán chứng co giật nửa mặt
Co giật nửa mặt (Hemifacial spasm - HFS) là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi các cơn co thắt không tự chủ và ngắt quãng của các cơ trên một bên mặt. Dựa trên triệu chứng bệnh, đa phần các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân cũng như mức độ tổn thương thì cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu hơn.
Quá trình chẩn đoán dựa vào sự kết hợp của bệnh sử, khám sức khỏe và xét nghiệm hình ảnh
Đầu tiên, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh của bệnh nhân và thăm khám thần kinh. Tiếp theo, sử dụng MRI từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về phần đầu. Điều này có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây co giật. Thuốc cản quang được đưa vào mạch máu có thể cho biết mạch máu có chạm vào dây thần kinh mặt hay không. Đây được gọi là chụp mạch cộng hưởng từ.
Chẩn đoán co giật nửa mặt không phải lúc nào cũng cần chụp MRI hoặc xét nghiệm hình ảnh khác. Phương pháp này có thể dành cho những người có triệu chứng không điển hình hoặc đang phẫu thuật.
Xem thêm:
Phương pháp điều trị co giật nửa mặt
Tình trạng co giật nửa mặt chủ yếu được điều trị bằng phương pháp nội khoa. Trong trường hợp các tổn thương gây chèn ép các dây thần kinh hoặc bộ phận khác thì cần phẫu thuật. Chi tiết:
Điều trị bằng thuốc
Đối với các cơn co giật nửa mặt dạng nhẹ, không thường xuyên sẽ được chỉ định sử dụng thuốc chống động kinh: Carbamazepine và Topiramate có thể mang lại hiệu quả, giúp ổn định xung động thần kinh. Ngoài ra, thuốc benzodiazepin (thuốc an thần) là diazepam và clonezepam cũng giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng nhưng có thể có tác dụng phụ gây buồn ngủ.
Mỗi bệnh nhân sẽ có khả năng đáp ứng với thuốc và liều lượng khác nhau. Do đó cần phải có thời gian để xác định liều thuốc phù hợp.
Điều trị bằng cách tiêm Botulinum (Botox)
Botulinum toxin được ứng dụng trong việc điều trị co giật nửa mặt vào năm 1980 tại Hoa Kỳ và Cơ quan thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận năm 1989 lần đầu tiên.
Tiêm Botox có thể cải thiện tình trạng co giật cơ mặt trong tối đa 6 tháng
Tiêm botulinum để điều trị co giật nửa mặt giúp làm giảm hoạt động co giật quá mức mà không làm yếu cơ mặt. Thông qua cơ chế này có thể làm thuyên giảm các triệu chứng tạm thời trong khoảng 2-4 tháng. Đây là một phương pháp ít xâm lấn có hiệu quả lên đến 90%. Tuy nhiên, quá trình điều trị có thể trở nên khó khăn khi tình trạng co giật trở nên nặng và lan rộng đến các vùng má và cơ vòng miệng.
Bệnh nhân bị co giật nửa mặt cần phải tiêm 3-4 lần mỗi năm cho tới suốt đời. Tiêm botulinum chỉ được xem như một giải pháp tạm thời vì không giải quyết được chèn ép mạch máu thần kinh gây kích thích gây thần kinh VII.
Phẫu thuật giải ép vi mạch Jannetta
Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật bằng cách di chuyển động mạch đang bị chèn ép ra khỏi dây thần kinh số VII, sau đó đặt một tấm đệm lên để bảo vệ nó khỏi bị tái chèn ép trong tương lai.
Tình trạng co giật nửa mặt được giải quyết đáng kể sau quá trình phẫu thuật
Phương pháp này phù hợp với người trẻ tuổi và người trong giai đoạn đầu của bệnh, mang lại hiệu quả cao. Không chỉ định đối với những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền.
Thủ thuật này cũng có thể gây ra một số biến chứng như nguy cơ bị suy giảm thính giác (1,5 - 8%), bị tổn thương tiểu não, yếu hoặc liệt mặt tạm thời và vĩnh viễn thần kinh mặt (6-10%), chóng mặt (1-6%0, khàn tiếng,....
Với sự tiến bộ của y học, phẫu thuật thần kinh không những điều trị hết bệnh mà còn đảm bảo chức năng của bệnh nhân một cách an toàn, đảm bảo chất lượng cuộc sống cũng như giảm tối đa các biến chứng liên quan tới phẫu thuật.
Để đặt lịch thăm khám tại viện, Quý khách có thể liên hệ với bộ phận tư vấn và hỗ trợ qua hotline 1900 1806 hoặc đặt lịch khám tự động trên website.
Kết luận
Co giật nửa mặt kéo dài không chỉ gây khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề thần kinh nghiêm trọng. Việc thăm khám sớm, xác định nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc, tiêm botox hay can thiệp phẫu thuật sẽ giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng. Đừng chủ quan với những cơn co giật kéo dài – chủ động điều trị là chìa khóa để lấy lại sự tự tin và chất lượng cuộc sống.