Cơn đau thắt ngực ổn định là gì? Có gì khác với cơn đau thắt ngực không ổn định?

Nguyễn Phương Thảo

25-03-2025

goole news
16

Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo quan trọng của bệnh tim mạch, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ sự khác biệt giữa đau thắt ngực ổn định và không ổn định. Một số người có thể sống chung với những cơn đau thắt ngực ổn định trong nhiều năm, nhưng tình trạng này vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Hiểu rõ hai loại đau thắt ngực này sẽ giúp bạn nhận diện sớm nguy cơ, từ đó có biện pháp điều trị và phòng ngừa kịp thời.

Tổng quan về cơn đau thắt ngực ổn định 

Cơn đau thắt ngực ổn định (Stable Angina - SA) là một dạng đau ngực xảy ra khi cơ tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết, thường do sự thu hẹp của động mạch vành do mảng xơ vữa. Tình trạng này thường xuất hiện khi gắng sức hoặc căng thẳng, khi nhu cầu oxy của cơ tim tăng lên nhưng nguồn cung cấp lại bị giới hạn. Đây là dạng đau thắt ngực phổ biến nhất và thường có tính chất lặp đi lặp lại với mức độ đau tương tự trong cùng một điều kiện kích thích.

Đau thắt ngực ổn định thường là 1 trong những biểu hiện hoặc dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của bệnh mạch vành tiềm ẩnĐau thắt ngực ổn định thường là 1 trong những biểu hiện hoặc dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của bệnh mạch vành tiềm ẩn

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), đau thắt ngực ổn định có đặc điểm điển hình là xuất hiện khi vận động và giảm dần khi nghỉ ngơi hoặc dùng nitroglycerin. Cơn đau thường kéo dài vài phút và không đột ngột hoặc dữ dội như cơn đau thắt ngực không ổn định hay nhồi máu cơ tim.

Mặc dù không nguy hiểm ngay lập tức, cơn đau thắt ngực ổn định phản ánh sự hiện diện của bệnh động mạch vành và có thể tiến triển nghiêm trọng hơn theo thời gian. Vì vậy, việc theo dõi sát sao và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, cholesterol, tiểu đường là rất quan trọng để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.

Phân loại các cơn đau thắt ngực ổn định

Theo Hiệp hội Tim mạch Canada (CCS), đau thắt ngực ổn định được chia theo các cấp độ sau:

  • Độ I: Hoạt động thể lực bình thường (leo thang, đi bộ) không gây đau thắt ngực. Cơn đau chỉ xuất hiện khi đang gắng sức mạnh hoặc kéo dài. 
  • Độ II: Các hoạt động thể lực bình thường bắt đầu bị hạn chế do đau ngực. Người bệnh có thể cảm thấy cơn đau khi đi bộ nhanh, leo cầu thang từ một tầng trở lên hoặc khi vận động xa hơn bình thường. Cơn đau có xu hướng trầm trọng hơn sau bữa ăn, khi tiếp xúc với thời tiết lạnh hoặc trong tình huống căng thẳng cảm xúc.
  • Độ III: Tình trạng đau thắt ngực trở nên nghiêm trọng hơn, làm giảm đáng kể khả năng vận động. Người bệnh có thể xuất hiện cơn đau khi đi bộ một quãng ngắn (khoảng một dãy nhà) hoặc leo lên một tầng cầu thang thông thường.
  • Độ IV: Đau thắt ngực xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc khi thực hiện các hoạt động nhẹ. Ngay cả những gắng sức tối thiểu, như làm việc nhà đơn giản hoặc di chuyển trong không gian nhỏ, cũng có thể gây ra cơn đau dữ dội.

Triệu chứng cơn đau thắt ngực ổn định 

Cơn đau thắt ngực ổn định thường có đặc điểm điển hình và xuất hiện theo một khuôn mẫu nhất định, đặc biệt trong những tình huống làm tăng nhu cầu oxy của tim. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến:

  • Cảm giác bóp nghẹt, đè nén hoặc đau rát ở vùng ngực, thường ở giữa hoặc hơi lệch về bên trái. Cơn đau có thể lan ra vai, cánh tay (thường là tay trái), cổ, hàm hoặc lưng.
  • Cơn đau thường xảy ra khi vận động mạnh (leo cầu thang, tập thể dục) hoặc căng thẳng tinh thần và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Một số người có thể cảm thấy khó thở, mệt mỏi, đổ mồ hôi lạnh hoặc buồn nôn nhẹ khi xảy ra cơn đau.

Trong hầu hết các trường hợp cơn đau thắt ngực ổn định gây ra cảm giác đau tức ngực khi hoạt động gắng sức hoặc căng thẳng Trong hầu hết các trường hợp cơn đau thắt ngực ổn định gây ra cảm giác đau tức ngực khi hoạt động gắng sức hoặc căng thẳng 

Căn nguyên gây ra đau thắt ngực ổn định 

Nguyên nhân chính gây đau thắt ngực ổn định là bệnh động mạch vành (CAD). Khi quá trình xơ vữa diễn ra trong thời gian dài với sự tích tụ từ các mảng bám vào lòng mạch, làm thành mạch dày lên, cứng lại, giảm sự đàn hồi và giảm lưu lượng máu chảy đến tim. Tim lúc này buộc phải làm việc trong môi trường thiếu oxy, từ đó gây đau thắt ngực. 

Trong điều kiện bình thường, dòng chảy giảm có thể không gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên, khi nhu cầu thể chất tăng lên (tập thể dục, nâng vật nặng) thì khả năng bị cơn đau thắt ngực sẽ tăng đột biến. 

Yếu tố nguy cơ tăng đau thắt ngực ổn định:

  • Tuổi tác, đặc biệt là đối với những người trên 60 tuổi; 
  • Tiền sử có người trong gia đình mắc bệnh tim; 
  • Hút thuốc lá chủ động và thụ động; 
  • Mắc bệnh tiểu đường; 
  • Cao huyết áp; 
  • Rối loạn mỡ máu; 
  • Do lối sống ít vận động, dung nạp các thực phẩm không lành mạnh; 
  • Bị căng thẳng;
  • Bị thừa cân và béo phì;
  • Mắc các bệnh lý như bệnh thận mãn tính, gặp vấn đề về hội chứng chuyển hóa, bệnh động mạch ngoại biên, tiền sử đột quỵ. 

Biến chứng do đau thắt ngực ổn định để lại 

Cơn đau thắt ngực ổn định có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim, khi dòng máu nuôi tim bị tắc nghẽn hoàn toàn. Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như cơn đau thắt ngực kéo dài trên 20 phút, đau lan ra ngoài ngực đến vai, cánh tay, lưng, thậm chí là răng, hàm hoặc ngất xỉu, khó thở, buồn nôn, đổ mồ hôi,...cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức. 

Xem thêm:

Cách chẩn đoán & điều trị cơn đau thắt ngực ổn định 

Để có phác đồ điều trị phù hợp thì việc ưu tiên cần làm là xác định được nguyên nhân gây ra đau thắt ngực ổn định. Nguyên nhân sẽ được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh như: CT - scan, MRI ngực, siêu âm, điện tim, X-quang, điện tâm đồ (ECG), chụp mạch vành bằng đường ống thông,...

Chẩn đoán đau thắt ngực ổn định bằng MRI Chẩn đoán đau thắt ngực ổn định bằng MRI 

Mục tiêu của quá trình điều trị tập trung vào việc giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, cũng như giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hay tử vong. Các phương pháp bao gồm: 

Điều trị nội khoa: Kiểm soát cơn đau thắt ngực ổn định bằng việc sử dụng thuốc theo toa để tăng cường lưu lượng máu đến tim và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ sẽ kê toa nitroglycerin (giúp làm giãn các động mạch vành, tăng nuôi máu đến tim), thuốc điều trị cao huyết áp và cholesterol cao, thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch,...

Can thiệp ngoại khoa: Được sử dụng khi các triệu chứng vẫn tồn tại mặc dù đã điều chỉnh thuốc và lối sống.

  • Đặt stent nong mạch vành: Stent được đưa vào phần đoạn mạch bị hẹp để nong rộng ra, mở đường cho máu đến tim dễ dàng, từ đó làm giảm loại bỏ hoàn toàn chứng đau thắt ngực. 
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ sẽ sử dụng đoạn mạch từ một bộ phận khác của cơ thể để tạo ra tuyến đường mới cho máu chảy đến tim, bỏ qua các động mạch bị tắc. 

So sánh sự khác biệt giữa cơn đau thắt ngực ổn định - không ổn định 

Cơn đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành, được chia thành hai loại chính: cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau thắt ngực không ổn định. Dưới đây là bảng so sánh chi tiết về điểm giống và khác nhau giữa hai loại cơn đau này:

 

Cơn đau thắt ngực ổn định

Cơn đau thắt ngực không ổn định

Giống nhau

  • Cả hai đều là biểu hiện của bệnh mạch vành, xảy ra khi lưu lượng máu đến cơ tim bị suy giảm do tắc nghẽn động mạch vành. 
  • Triệu chứng chính là đau thắt ngực, có thể lan đến vai, cánh tay, cổ hoặc hàm. Cảm giác đau thường đi kèm với khó thở, tức ngực hoặc cảm giác đè nặng ở vùng ngực. Có thể bị kích hoạt hoặc trở nên trầm trọng hơn do các yếu tố như stress, gắng sức hoặc lạnh. 
  • Nếu không được kiểm soát, cả hai loại đau thắt ngực đều có nguy cơ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim hoặc suy tim. 
  • Đều cần được theo dõi và điều trị bằng thay đổi lối sống, thuốc hoặc can thiệp y tế tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Khác nhau 

Định nghĩa:

Xảy ra khi động mạch vành bị hẹp cố định do mảng xơ vữa ổn định, gây giảm lưu lượng máu đến cơ tim khi gắng sức.

Định nghĩa

Xảy ra do mảng xơ vữa bị nứt vỡ, dẫn đến huyết khối gây tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ lòng mạch, làm giảm dòng máu đến tim đột ngột.

Thời điểm xuất hiện triệu chứng

Khi gắng sức, vận động mạnh hoặc căng thẳng tâm lý. Thời gian kéo dài thường từ 2-5 phút và giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch.

Thời điểm xuất hiện triệu chứng

Có thể xảy ra khi nghỉ ngơi, đang ngủ hoặc sinh hoạt bình thường. Thời gian thường kéo dài hơn 10 phút, cường độ đau tăng dần và không giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch

Mức độ nguy hiểm

Ít nguy hiểm hơn nhưng có thể tiến triển nặng nếu không điều trị.

Mức độ nguy hiểm

Nguy hiểm, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột tử nếu không cấp cứu kịp thời.

Khả năng phản ứng với thuốc điều trị cơn đau thắt ngực

Giảm đau đáng kể sau khi sử dụng.

Khả năng phản ứng với thuốc điều trị cơn đau thắt ngực

Ít đáp ứng hoặc không giảm đau đáng kể sau khi sử dụng.

Bằng cách nhận biết sự khác biệt giữa cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau thắt ngực không ổn định sẽ giúp bạn nâng cao được nhận thức về bệnh lý mạch vành. Quý khách có nhu cầu thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có thể liên hệ qua Hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được bộ phận hỗ trợ và tư vấn nhanh chóng

Kết luận  

Dù là đau thắt ngực ổn định hay không ổn định, cả hai đều là dấu hiệu quan trọng cho thấy tim mạch đang gặp vấn đề và cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu đau thắt ngực ổn định có thể kiểm soát bằng thuốc và lối sống, thì đau thắt ngực không ổn định lại tiềm ẩn nguy cơ nhồi máu cơ tim cao và đòi hỏi can thiệp y tế ngay lập tức. Đừng chủ quan trước những dấu hiệu bất thường nào dù là nhỏ nhất, hãy chủ động thăm khám và điều trị kịp thời để bảo vệ trái tim khỏe mạnh.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

52

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám