Đái tháo đường thai kỳ và những điều cần biết

Kỳ Duyên

08-04-2025

goole news
16

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Trần Văn Minh (Khoa phụ sản) - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông

Đái tháo đường thai kỳ là một mối nguy hiểm mà không người mẹ nào trong thời kỳ mang thai muốn gặp phải. Nếu chẳng may bị tình trạng này, bạn cần được điều trị nhanh chóng để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe có thể xảy đến cho mình và thai nhi. 

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Đái tháo đường thai kỳ hay tiểu đường thai kỳ là tình trạng tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang bầu. Nếu bạn bị đái tháo đường trong thai kỳ, không đồng nghĩa với bạn đã mắc bệnh từ trước lúc mang thai hoặc sau khi sinh con. Tuy nhiên, đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến bạn tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.

Nếu không được điều trị đúng cách, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường ở trẻ, đồng thời gây ra những biến chứng sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.

Nguyên nhân nào dẫn đến đái tháo đường thai kỳ

Nguyên nhân chính xác của đái tháo đường thai kỳ vẫn chưa được biết. Nhiều nghiên cứu cho rằng khi mang thai sự bài tiết các hormon liên quan đến thai như Lactogen, Estrogen, Progesteron, Prolactin do nhau thai tiết ra gây kháng insulin gây tăng đường máu. Nồng độ các hormone tăng dần theo trọng lượng thai dẫn đến đái tháo đường thai kỳ thường xuất hiện ở tuần 24 – 28 của thai kỳ.

Nguy cơ mắc đái tháo đường trong lúc mang bầu của bạn sẽ tăng lên nếu:

  • Bị thừa cân – béo phì trước khi mang thai;
  • Tăng cân rất nhanh trong thai kỳ;
  • Có người thân (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh tiểu đường tuýp 2;
  • Có lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đủ để được chẩn đoán đái tháo đường. Hiện tượng này được gọi là tiền tiểu đường;
  • Có tiền sử mắc bệnh ở lần mang thai trước;
  • Trên 35 tuổi;
  • Từng sinh một hoặc nhiều bé nặng hơn 4kg;
  • Từng bị thai lưu, sinh con bị dị tật, sinh non;
  • Đã hoặc đang bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Đái tháo đường thai kỳ biểu hiện như nào?

Hầu như đái tháo đường thai kỳ không có triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, mẹ bầu có biểu hiện bất thường như sau:

  • Tiểu nhiều lần trong ngày;
  • Mệt mỏi;
  • Mờ mắt;
  • Khát nước liên tục;
  • Ngủ ngáy;
  • Tăng cân quá nhanh so với khuyến nghị

Vậy xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ khi nào?

  • Nếu người mẹ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ, xét nghiệm nên được thực hiện ngay khi chẩn đoán có thai.
  • Nếu người mẹ nguy cơ trung bình, thấp, xét nghiệm đái tháo đường nên được thực hiện vào khoảng tuần 24-28 của thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mẹ và thai nhi?

Đối với mẹ:

  • Tăng huyết áp
  • Tiền sản giật, sản giật
  • Sảy thai, thai lưu
  • Đẻ non
  • Đa ối
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu
  • Tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai tiếp theo
  • Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thật sự trong tương lai

Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh:

  • Thai to
  • Suy hô hấp cấp chu sinh
  • Tử vong chu sinh
  • Dị tật sơ sinh
  • Chậm phát triển trong tử cung
  • Tăng nguy cơ hạ đường huyết khi sinh
  • Hạ canxi máu, đa hồng cầu, tăng Bilirubin máu gây vàng da sơ sinh...
  • Dễ béo phì và tăng nguy cơ mắc tiểu đường trong tương lai

Các biện pháp chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ

Chẩn đoán đái tháo đường nói chung (theo hiệp hội đái tháo đường Mỹ)

Đường máu lúc đói ≥ 7mmol/l hoặc Đường máu bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l

Nếu không đủ tiêu chuẩn trên thì làm nghiệm pháp dung nạp glucose

Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ với 75 g glucose.

Đo đường huyết lúc đói, sau 1 giờ và 2 giờ uống nước đường, thực hiện ở tuần 24-28 của thai kỳ.

Kết quả trị số đường huyết sau làm nghiệm pháp được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ nếu có 1 trong các trị số đường máu sau:

  • Đường máu lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1mmol/l)
  • Đường máu sau 1 giờ uống nước đường ≥180 mg/dL (10 mmol/l)
  • Đường máu sau 2 giờ uống nước đường ≥153 mg/dL (8,5 mmol/l)

Đái tháo đường thai kỳ điều trị như thế nào?

  • Chế độ ăn phù hợp: Duy trì lượng đường trong máu ở giới hạn an toàn, nhưng vẫn cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi. Tăng cân vừa phải 8 đến 12kg trong cả thai kỳ.
  • Tập thể dục: Thực hiện các bài tập ở mức độ nhẹ đến trung bình trong 15 – 30 phút, vào hầu hết các ngày trong tuần để kiểm soát đường máu. Nếu bạn chưa rõ về những bài tập phù hợp với mình, hãy hỏi ý kiến chuyên gia.
  • Kiểm soát đường huyết: Nếu chế độ ăn và luyện tập không kiểm soát đường máu đạt mục tiêu thì bác sĩ sẽ kiểm soát đường huyết bằng insulin ngoại sinh. Dùng theo phác đồ, tuân thủ giờ tiêm và liều lượng. Người bệnh đái tháo đường thai kỳ cần được theo dõi đường máu thường xuyên nhiều lần trong ngày tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Phối hợp của nhiều chuyên khoa: Theo dõi người bệnh đái tháo đường cần có sự phối hợp, có mối liên hệ chặt chẽ giữa các bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, sản khoa, dinh dưỡng, sơ sinh.

Sau sinh cần cho trẻ sơ sinh bú sớm, theo dõi chặt chẽ các biến cố có thể xảy ra. Đối với người mẹ đái tháo đường thai kỳ sau sinh có thể không cần điều trị và kiểm tra lại đường huyết sau 4 đến 6 tuần.

Mẹ bầu cần làm gì để phòng ngừa Đái tháo đường thai kỳ?

  • Chế độ ăn lành mạnh: Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt… là lựa chọn tuyệt vời.
  • Tập thể dục: tập thể dục thường xuyên trước và trong khi mang thai, 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày trong tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Có thể đi bộ, đạp xe..
  • Giảm cân trước khi mang thai: Thừa cân – béo phì tiền mang thai là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường thai kỳ. Do đó, nếu bạn thừa cân và đang có kế hoạch sinh em bé, hãy giảm cân để tạo nền tảng cho một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Tránh tăng cân hơn mức khuyến nghị trong thời kỳ mang thai: Việc tăng cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, nhất là với những thai phụ thừa cân trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ cho biết mức tăng cân hợp lý dành cho bạn, tùy thuộc vào cân nặng cũng như thể trạng của bạn và thai nhi.

Đái tháo đường thai kỳ là một vấn đề nghiêm trọng thường gặp phải trong thai kỳ, gây ra những hậu quả nguy hiểm với thai phụ và sơ sinh. Qua bài viết này Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hy vọng cung cấp đến mẹ bầu những thông tin hữu ích về bệnh Đái tháo đường thai kỳ, những nguy cơ, biến chứng, cách điều trị và phòng bệnh hiệu quả nhất.

Nếu quý khách có thắc mắc về bệnh Đái tháo đường thai kỳ, có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 19001806 hoặc Đặt lịch khám để được nhân viên hỗ trợ nhanh chóng.

49

Bài viết hữu ích?

Chủ đề Tiểu đường

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám