Bệnh đau cổ vai gáy có thể gây ra cho người bệnh cảm giác đau nhẹ, khó chịu, vùng vai gáy bị mỏi, làm hạn chế những cử động ở vùng cổ và gáy, gây ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng vận động và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này xuất hiện ở khá nhiều người, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một bệnh lý nghiêm trọng. Vậy đau cổ vai gáy là gì, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào?
Bệnh đau cổ vai gáy là một bệnh khá phổ biến, khiến người bệnh rất khó chịu
Đau cổ vai gáy là gì?
Đau cổ vai gáy là một tình trạng cơ ở vùng cổ, vai và gáy bị co cứng, gây ra những cơn đau nhức, hạn chế các cử động như xoay cổ và quay đầu. Các cơn đau này thông thường sẽ xuất hiện vào buổi sáng, do nó có sự liên quan mật thiết đối với hệ thống cơ xương khớp và các mạch máu ở vùng vai gáy.
Khi bị đau ở vùng cổ vai gáy, bệnh nhân lúc đầu chỉ cảm thấy bị đau nhẹ và vùng vai gáy bị mỏi. Tuy nhiên, các cơn đau này sẽ tăng dần lên về mức độ và tần suất xảy ra nếu đã bị trong một thời gian dài. Cơn đau sẽ dễ nhận biết hơn nếu bệnh nhân lao động nặng và phải vận động cổ, vai, gáy nhiều hơn bình thường.
Ngoài ra, tình trạng đau cổ vai gáy thường đột ngột xuất hiện, không biết trước. Sau khi ngủ dậy bệnh nhân sẽ cảm thấy bị mỏi vùng cổ vai gáy và khá khó khăn trong việc vận động ở vùng cổ.
Nguyên nhân gây đau cổ vai gáy
Bệnh đau mỏi cổ vai gáy do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một số nhóm nguyên do phổ biến bao gồm:
Thoái hóa đốt sống cổ
Trường hợp này xuất hiện do cột sống cổ bị thoái hóa do tuổi tác, một hoặc từ hai lỗ liên hợp ở đốt sống trở lên (là nơi các dây thần kinh của cột sống bị thoát ra khỏi ống sống) bị thu nhỏ. Sau đó, các dây thần kinh ở cột sống có khả năng bị viêm hoặc thu hẹp, gây nên những cơn đau mỏi khó chịu và lan dần từ vùng cổ xuống vai.
Xem thêm:
Viêm dây thần kinh cánh tay
Dây thần kinh của cánh tay xuất phát từ vùng cổ dưới, sau đó đi qua vùng vai và phần lưng trên. Nếu bệnh nhân bị tình trạng viêm, sẽ xuất hiện tình trạng đau nhói như điện giật. Mặc dù cơn đau này thông thường chỉ diễn ra ở vùng vai hoặc ở một bên cánh tay của cơ thể nhưng nó cũng có khả năng lan đến phần cổ. Bên cạnh đó, còn có một số dấu hiệu đi kèm, ví dụ như bàn tay, cánh tay, vai,... bị yếu, tê và ngứa ran.
Cổ bị thoát vị đĩa đệm
Đối với nhóm nguyên nhân này, nếu vòng xơ đĩa đệm cổ bị rách, lớp nhân nhầy ở bên trong có dấu hiệu bị rò rỉ ra ngoài và khiến rễ thần kinh bị viêm. Ngoài ra, nếu một trong những đĩa đệm ở cột sống cổ dưới bị thoát vị, cơn đau sẽ xuất hiện ở vùng xương vai đi kèm với cơn đau ở cổ. Sau đây là một vài triệu chứng đi kèm thường gặp như:
- Vùng cổ vai gáy bị nóng rát.
- Vùng cổ vai gáy có cảm giác bị ngứa ran.
- Bị tê mỏi vùng cổ vai gáy.
Bị căng cơ
Các phần cơ liên kết ở vùng cổ vai gáy nếu bị kéo căng quá sẽ xuất hiện cảm giác đau đớn và bị cứng. Cơn đau cũng có thể lan dần dần ra các khu vực lân cận khác dù tình trạng căng cơ chỉ diễn ra ở một trong hai vùng.
Sai tư thế
Thường duy trì các tư thế sai trong một thời gian, thói quen này có thể dẫn đến tình trạng căng cơ và gân ở phần cổ vai gáy, ví dụ như:
- Giật cổ bất ngờ khi đang tập thể dục.
- Tư thể căng cổ về phía trước hoặc ngửa lên khi đang ngồi trước máy tính và xem điện thoại.
- Chồng quá nhiều gối hoặc nằm trên gối quá cao sẽ gây ra hiện tượng đau mỏi cổ sau khi ngủ dậy.
- Chấn thương phần mô mềm.
Đối với các cơn đau mỏi vùng cổ vai gáy do chấn thương mô mềm gây ra, đây là các tổn thương liên quan đến gân, cơ và dây chằng. Một số biểu hiện phổ biến nhất kèm theo bao gồm:
- Cơ bắp bị co thắt.
- Bị cứng ở vùng cổ vai gáy.
- Đau đầu.
Sai tư thế ngồi khi làm việc trước máy tính có thể gây ra tình trạng đau mỏi cổ vai gáy
Các triệu chứng của cơn đau cổ vai gáy
Tình trạng đau mỏi cổ vai gáy xuất hiện kèm theo một vài triệu chứng có tính cơ học bao gồm:
- Mức độ cơn đau tăng lên mỗi khi đứng lên, đi lại, ngồi quá lâu, cử động cột sống cổ hoặc thời tiết thay đổi.
- Cơn đau sẽ lan dần dần xuống phần bả vai, khiến cho cẳng tay, cánh tay và ngón tay bị tê nhức, mỏi, cảm giác rất khó chịu, có thể khi sờ vào sẽ cảm thấy tê cứng bì, đây chính là dấu hiệu của việc cơn đau đã tăng lên. Nếu bị đau quá mức, chỉ cần đi lại hay cử động nhẹ nhàng đã khiến vùng cổ vai gáy bị đau.
Đối với tình trạng này, cơn đau có thể lan xuống bả vai, cánh tay và ngón tay
Các đối tượng có khả năng cao bị đau cổ vai gáy
Sau đây là các đối tượng có nguy cơ cao bị đau mỏi cổ vai gáy:
- Những người có dị tật bẩm sinh liên quan đến vùng cổ, vai và gáy vì thay đổi thời tiết.
- Những người làm các công việc văn phòng, tài xế và lao động nặng là nhóm đối tượng có khả năng cao mắc phải tình trạng này.
- Những trường hợp do các tác động bên ngoài cũng như bên trong cơ thể, ví dụ thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, bệnh lao, ung thư vùng cổ chính là nguyên nhân trực tiếp khiến cho bệnh nhân bị đau mỏi vai gáy thường xuyên.
Các đối tượng làm việc văn phòng thường có nguy cơ cao mắc phải bệnh đau cổ vai gáy
Các biện pháp phổ biến chẩn đoán đau mỏi cổ vai gáy
Đối với tình trạng này, bác sĩ thường tiến hành khám sức khỏe và dựa vào tiền sử bệnh của bệnh nhân để xác định chính xác thời gian cơn đau bắt đầu và các biểu hiện cụ thể. Người bệnh sẽ được yêu cầu cử động phần cổ, vai và cánh tay để đánh giá phạm vi cử động. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác để xác định được kết luận chính xác nhất:
- Xét nghiệm máu.
- Điện cơ đồ (EMG): biện pháp này thường được chỉ định để đo lường mức độ dẫn truyền của dây thần kinh, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác các tình trạng đau cổ, vai, gáy, cánh tay và các hiện tượng tê mỏi và ngứa ran.
- Chụp X-quang: biện pháp này sẽ cho ta thấy được khoảng cách bị thu hẹp giữa hai xương cột sống qua bức ảnh, từ đó có thể phát hiện ra một số bệnh lý thường gặp bao gồm khối u, hẹp ống sống, gãy xương, viêm khớp, trượt đĩa đệm,...
- Chụp MRI và CT: chụp MRI là một biện pháp giúp thu được các hình ảnh chi tiết nhất cho một số bộ phận như gân, dây thần kinh, dây chằng,... Có thể trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp CT thay cho chụp MRI.
- Chọc tủy sống (nếu bác sĩ nghi ngờ có sự nhiễm trùng).
Một số giải pháp điều trị đau cổ vai gáy
Phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra và mức độ của bệnh đau mỏi cổ vai gáy mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất, ví dụ:
- Thực hiện vật lý trị liệu.
- Thực hiện chườm nóng và chườm lạnh ngay tại chỗ.
- Kê thuốc: thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau (Acetaminophen), thuốc chống bệnh trầm cảm, thuốc chống viêm (naproxen, ibuprofen,...),...
- Tiêm thuốc corticosteroid.
- Phẫu thuật (chỉ áp dụng đối với các trường hợp có bệnh liên quan đến tủy sống và rễ thần kinh).
Bên cạnh đó, một số cách chữa tình trạng đau vai gáy tại nhà góp một phần không nhỏ cho quá trình điều trị bệnh.
Vật lý trị liệu là một trong những phương pháp giúp giảm đau mỏi vai gáy
Các cách phòng ngừa bệnh đau cổ vai gáy
Chúng ta có thể hoàn toàn chủ động phòng ngừa tình trạng đau mỏi cổ vai gáy ngày từ ban đầu thông qua một số cách đơn giản mà có hiệu quả:
Hạn chế các hoạt động gây căng thẳng ở vùng cổ, vai, gáy
Một số hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc thói quen ngồi im một chỗ quá lâu có thể gây căng thẳng cho vùng cổ vai gáy và có thể gây ra các cơn đau nhức mỏi khó chịu. Vì vậy, sau mỗi 30 phút, bạn hãy đứng dậy và di chuyển xung quanh, đây là một việc thực sự rất cần thiết. Bên cạnh đó, còn có một số giải pháp khác như:
- Không mang vác đồ quá nặng.
- Hạn chế nghe điện thoại ở tư thế kẹp điện thoại giữa cổ và vai.
- Thường xuyên nghỉ giải lao giữa các giờ làm việc.
- Sử dụng ghế ngồi có chiều cao phù hợp và có thể hỗ trợ hiệu quả cho vùng cổ vai gáy.
Duy trì các tư thế đúng
Có thể phòng ngừa các cơn đau mỏi vùng cổ vai gáy một cách hiệu quả bằng cách duy trì đúng các tư thể mỗi khi ngồi, ngủ, di chuyển, sử dụng máy tính và điện thoại,... Sau đây là một số động tác đơn giản giúp điều chỉnh cơ thể về tư thể đúng nhằm hạn chế gây ra sự căng thẳng cho cổ và vai:
- Bước 1: đứng dựa vào tường, sau đó chỉnh lại vai, hông và gót chân sao cho sát vào tường.
- Bước 2: di chuyển lòng bàn tay áp vào tường cao càng tốt rồi hạ xuống.
- Bước 3: lặp lại 2 bước trên 10 lần rồi di chuyển về phía trước.
Tập thể dục
Việc tập thể dục thường xuyên và đều đặn sẽ giúp vùng cổ, vai và lưng được thư giãn. Nhưng các bài tập phải được thực hiện đúng kỹ thuật để tránh các vấn đề xảy ra không mong muốn như kéo căng cơ, gân và dây chằng quá mức.
Thường xuyên tập thể dục giúp phòng tránh bệnh đau mỏi cổ vai gáy
Các câu hỏi thường gặp
Nếu bị đau mỏi cổ vai gáy thì khi nào đi khám?
Tình trạng đau cổ vai gáy nếu không được chữa trị kịp thời có thể chuyển biến thành bệnh mạn tính, quá trình điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. Vậy khi nào thì nên đi khám?
Nếu bạn đang gặp một số triệu chứng sau đây thì nên đi gặp bác sĩ ngay:
- Sử dụng thuốc nhưng không có sự cải thiện.
- Bị đau mỏi cổ vai gáy hơn 1 tuần.
- Dù không vận động hay đang nghỉ ngơi cũng thấy đau.
- Có một số triệu chứng kèm theo là ù tai, chóng mặt và sốt.
Nếu bị đau cổ vai ngủ thì nên nằm ngủ như thế nào để hạn chế cơn đau?
- Nằm ngửa và duỗi thẳng chân: tư thế này rất tốt cho bệnh nhân, vì nó giúp làm giảm áp lực lên một bên vùng vai và gáy. Từ đó, bệnh nhân sẽ có giấc ngủ sâu và ngon hơn.
- Nằm nghiêng bên trái: tư thế này giúp tăng cường sự lưu thông của máu đi khắp cơ thể, đồng thời hạn chế sức ép lên dạ dày và vùng cổ. Vì vậy, nó có thể hỗ trợ cải thiện các vấn đề của hệ tiêu hóa.
Kết luận
Bài viết này đã chia sẻ một số thông tin về tình trạng đau cổ vai gáy, mong rằng nó sẽ giúp ích cho các bạn. Đau mỏi cổ vai gáy có thể một bệnh bình thường nhưng đồng thời cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho các bệnh lý nghiêm trọng. Chính vì vậy, nếu xuất hiện một số triệu chứng như trên, bạn hãy nhanh chóng đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bạn có thể tham khảo Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được tư vấn tận tình và được điều trị tốt nhất, theo địa chỉ Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội hoặc gọi tổng đài tư vấn: 19001806. Bệnh viện đa khoa Phương Đông cam kết mang lại chất lượng dịch vụ thăm khám sức khỏe tốt nhất và sự hài lòng cho bệnh nhân.