Việc theo dõi cử động của thai nhi là một trong những cách quan trọng để mẹ bầu theo dõi sự phát triển và sức khỏe của bé. Những cử động này không chỉ giúp mẹ cảm nhận được sự gắn kết với thai nhi mà còn là dấu hiệu cho thấy bé đang phát triển bình thường. Trong bài viết này, sẽ chia sẻ những cách đơn giản và hiệu quả để theo dõi cử động của thai nhi, giúp mẹ bầu an tâm và chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của mình và bé yêu.
Cử động thai là gì?
Cử động thai (hay còn gọi là thai máy) là khi thai nhi có những cử động như xoay trở mình, tay chân hay toàn thân ( đạp, đá, rung,lắc lư, cuộn tròn,...) mà người mẹ cảm nhận được.

Tại sao phải theo dõi cử động thai?
Cử động thai là biểu hiện tình trạng sức khỏe của thai nhi. Khi số lần thai cử động giảm đó là dấu hiệu báo động tình trạng sức khỏe kém của thai nhi.
Cử động thai giảm có liên quan với việc tăng tỷ lệ các thai kỳ với kết cục xấu như tử vong thai, thai chậm tăng trưởng, điểm số apgar thấp, cần mổ lấy thai cấp cứu….Việc đếm cử động thai không gây ra lo lắng hay căng thẳng cho thai phụ và có lợi, nên việc hướng dẫn thai phụ quan tâm đến cử động thai là hợp lý.
Theo dõi cử động thai bắt đầu từ thời điểm nào?
Thai nhi có các cử động từ rất sớm, nhưng sản phụ chưa thể nhận biết. Việc nhận biết cử động thai phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan như kinh nghiệm qua các lần mang thai, mức độ chú tâm của thai phụ, điều kiện môi trường yên tĩnh...
Các phụ nữ mang thai sẽ bắt đầu cảm nhận được những cử động thai của thai nhi vào tuần lễ thứ 18 – 20 của thai kỳ. Trong ba tháng giữa này, cử động của thai nhi thường không đều, nhưng càng về sau càng đều hơn. Thời gian cử động thai rõ nhất bắt đầu từ tuần thứ 26.
Thông thường, đếm cử động thai được khuyến cáo thực hiện khi tuổi thai được khoảng 26-32 tuần tùy khả năng chăm sóc sơ sinh của từng điều kiện thực hành cụ thể.
Cách theo dõi cử động thai như thế nào?
Tốt nhất là đếm cử động thai sau ăn no. Nên đếm cử động thai 2 – 3 lần trong ngày, vào những giờ cố định. Dù rằng không thấy sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất của mẹ trên cử động thai, nhưng thời điểm thường được lựa chọn là đầu buổi tối, khi sản phụ có thể chuyên tâm vào việc này.
Khi thai ngủ, cử động thai sẽ giảm hoặc không có. Thời gian thai nhi ngủ khoảng 20-40 phút, thông thường không quá 90 phút.
Cách đếm cử động thai
- Thai phụ cần đi tiểu để bàng quang trông trước khi đếm cử động thai. Đặt tay lên bụng để cảm nhận những cử động của thai.
- Cử động thai được nhận biết tốt hơn khi thai phụ ở tư thế nằm
- Đếm số đợt thai nhi cử động trong vòng một giờ.
- Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ.
- Nếu có ít hơn 4 đợt cử động thai, thai phụ phải nằm nghỉ và đếm cử động thai trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ. Nếu trong 2 giờ tiếp theo, có ít hơn 10 cử động thai, cần đến ngay cơ sở y tế để theo dõi tình trạng thai bằng những phương pháp khác.
Quản lý khi cử động thai giảm
NST và siêu âm là hai test đầu tay khi ghi nhận có giảm cử động thai. Siêu âm giúp loại trừ bất thường về cấu trúc, khảo sát lượng nước ối, đánh giá sinh trắc thai…
- Nếu NST bình thường và thai kỳ không có yếu tố nguy cơ, thai phụ sẽ được hướng dẫn tiếp tục đếm cử động thai mỗi ngày.
- Nếu NST bình thường nhưng thai kỳ có nguy cơ thì nên thực hiện thêm test hỗ trợ khác trong vòng 24 giờ.
- Nếu NST là không điển hình hay bất thường thì test hỗ trợ được khuyên thực hiện sớm nhất có thể
