Nếu chẳng may bạn là F0 thì hãy làm 1 F0 khỏe mạnh

Lê Thảo

21-02-2022

goole news
16

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 với số ca nhiễm đã gần chạm đích 50.000 mỗi ngày như hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể trở thành F0 nếu không biết tự bảo vệ mình. Nếu một ngày, chẳng may bạn là F0 thì hãy nhớ những điều nên làm và không nên làm cũng như các dấu hiệu chuyển nặng cần báo nhân viên y tế để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của chính mình.

Những việc cần làm ngay khi nhiễm Covid-19

Các chuyên gia y tế cho biết, ngay khi một người trong nhà có xét nghiệm xác nhận dương tính thì việc đầu tiên cần làm đó là test covid 19 cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Làm gì khi trở thành F0?Làm gì khi trở thành F0?

Tiếp đến là chuẩn bị phòng cách ly cho F0. Chỉ cần một người chăm sóc cho F0 còn tất cả những thành viên khác trong gia đình nên được cách ly riêng rẽ với nhau, ngay cả khi ăn cũng nên tránh ăn cùng nhau.

Các F1 khi chăm sóc người bệnh luôn hết sức cẩn thận, tránh để mình bị lây bệnh, vì trong tình huống như hiện nay thì họ chính là chỗ dựa cho những người khác như con cái, cha mẹ,...

ThS. BS Nguyễn Hồng Hà – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết: "dịch bệnh covid-19 hiện nay tại Hà Nội diễn biến hết sức phức tạp nên bất cứ ai cũng có thể trở thành F0 nếu không biết tự bảo vệ chính mình". Khi đó, không nên hoảng hốt mà hãy thực hiện đúng theo các hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế Hà Nội. Cụ thể, người bệnh điều trị tại nhà không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Không dùng chung vật dụng với người khác. Không tiếp xúc gần với người hoặc vật nuôi trong gia đình.

Trong trường hợp cần có người hỗ trợ, chăm sóc thì người đó phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay bằng cồn, nước sát khuẩn hoặc nước rửa tay trước và sau khi chăm sóc. Bên cạnh đó, ngoài việc uống thuốc thì cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động nhẹ nhàng nâng cao sức khỏe để giúp cơ thể sớm chiến thắng COVID-19.

Phương pháp xử trí khi trở thành F0

Xử trí khi có triệu chứng nhẹ, đơn giản

  1. Sốt:
  • Đối với người lớn: nếu sốt > 38.5 độ C hoặc đau đầu, đau người thì uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0.5g và có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày uống không quá 4 viên. Uống Oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể uống thay nước.
  • Đối với trẻ nhỏ: nếu sốt > 38.5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ và không quá 4 lần 1 ngày. Nếu sau 2 lần dùng thuốc hạ sốt không đỡ cần báo ngay cho nhân viên y tế được phân quản lý người nhiễm covid-19 tại nhà để được hỗ trợ, xử lý.
  1. Ho

Dùng thuốc giảm ho theo đơn bác sĩ kê. Có thể dùng thêm vitamin và cũng cần theo đơn thuốc của bác sĩ.

Nếu người bệnh cảm thấy khó thở như thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 ≤ 96% cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.

Khi nào cần thông báo cho nhân viên y tế

Nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu sau cần báo ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ:

- Khó thở, thở hụt hơi

- Nhịp thở tăng:

  • Với người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút
  • Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút
  • Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút.

- Các chỉ số sinh tồn bất thường:

  • Chỉ số bão hòa oxy máu (SpO2) giảm: < 96%
  • Mạch đập nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút
  • Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg.

- Thường xuyên bị đau tức ngực, cảm giác bó thắt ở ngực, đau tăng lên khi hít sâu.

- Ý thức thay đổi như: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt hoặc mệt lả.

- Tím tái ở môi, móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh ở các đầu ngón tay, ngón chân.

- Không thể uống. 

Đặc biệt chú ý các biểu hiện ở trẻ em:

- Thở rên, rút lõm lồng ngực khi thở, cánh mũi phập phồng, thở khò khè, thở rít thì hít vào.

- Trẻ bú kém/giảm, ăn kém, nôn.

- Sốt cao, đỏ mắt, môi, lưỡi

- Ngón tay, ngón chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết…

- Quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

Chế độ ăn uống dành cho F0

Về vấn đề người mắc covid-19 cần làm gì và ăn uống như nào để sớm khỏi bệnh, TS.BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM có chia sẻ như sau, F0 được chia làm 3 loại:

  • Không triệu chứng: ở một mình trong phòng cho đến khi âm tính, sinh hoạt và ăn uống bình thường tập thể dục và tập thở vừa đồng thời theo dõi triệu chứng trở nặng.
  • Có triệu chứng nhẹ và trung bình: nằm nghỉ, ăn đồ ăn ít đạm ít béo để dễ tiêu, không tập thể dục, tập thở rất nhẹ và ngủ nhiều nhất có thể.
  • Triệu chứng nặng và rất nặng: gọi điện cho nhân viên y tế gần nhất đồng thời nằm đầu cao, hạn chế cử động mạnh, hít thở thật nhẹ nhàng và húp nước cháo loãng.

Cần uống đủ nước và đảm bảo chất dinh dưỡng

  • Nước và dinh dưỡng là những thứ vô cùng quan trọng với F0

Người bệnh cần uống nước ấm nhiều lần trong ngày, cứ mỗi 10 phút lại uống vài ngụm sẽ tốt hơn uống đầy bụng. Ngày uống tối thiểu 2 lít, nếu có sốt thì cứ tăng 1 độ cộng thêm 200ml (500ml nếu nhiệt độ môi trường cao, trời nắng nóng). Nhiệt độ nước uống tốt nhất là khoảng 35 độ C (1 sôi 2 nguội). 

Tránh xa các loại nước gây kích thích thần kinh như cà phê, trà,... Nước chanh, gừng, sả, quất,... chủ yếu có tác dụng thông thoáng đường hô hấp nhưng nếu lạm dụng, uống với liều cao trên những cơ địa nhạy cảm thì sẽ làm tăng nguy cơ kích thích đường ruột, thần kinh thực vật, gan thận,... Nên nhớ, những loại nước này không làm tăng khả năng sống sót cho bệnh covid-19, nước tốt nhất chính là nước lọc ấm.

  • Chế độ ăn cho F0 cực kỳ quan trọng

Người bệnh cần ăn cháo loãng, nấu kỹ và mềm nhừ để dễ húp, nuốt, không cần nhai. Món ăn thích hợp là cháo đậu xanh nguyên vỏ vì món cháo này đảm bảo cung cấp năng lượng nhanh và sạch cho các tế bào, không tạo thêm chất chuyển hóa làm cơ thể ứ đọng chất độc. Từ đó tiêu hóa, hấp thu dễ dàng, không làm hệ tiêu hóa bị gắng sức. Cung cấp các chất vi lượng rất ít dự trữ trong cơ thể như vitamin nhóm B, C.

Cách nấu để giữ vitamin tốt nhất là: vo sạch 200g gạo với 50g đậu xanh nguyên vỏ, cho vào nồi rồi đổ 1 lít nước, nấu vừa sôi thì tắt bếp, đậy kín nắp và để đó trong 2 giờ. Mỗi lần ăn lấy ra khoang 100-150ml, nấu sôi lại rồi nêm nếm các mùi vị khác nhau như đường, hành, muối, nước mắm, ruốc,...

Lưu ý

  • Ăn cháo loãng và ấm, không ăn lạnh, đảm bảo dễ nuốt mà không cần nhai. Không cần và cũng không nên ăn những thức ăn nhiều đạm như thịt, cá, tôm, cua,... trong thời gian đang mệt, khó thở và ho nhiều. Có thể ăn chút xíu để có vị đưa cháo cho đỡ ngán. Đa số F0 đều mất khẩu vị nên chỉ cần ăn cháo loãng để dễ nuốt là được, không cần mùi vị đặc biệt. Chia thành nhiều bữa trong ngày, cứ 1- 2 giờ lại ăn khoảng nửa chén cháo sẽ tốt hơn so với việc ăn thành 3 bữa/ngày. Bên cạnh đó thì người bệnh nên ngủ càng nhiều càng tốt, nếu không ngủ được thì cố gắng nằm nghỉ.
  • Khi ngủ cần nằm đầu cao 45 độ, lót từ mông trở lên chứ không phải kê kể ngay tại cổ, ở nơi càng thoáng khí càng tốt như phòng có cửa sổ, ban công. Tư thế thở nằm sấp được áp dụng nếu người bệnh mệt nhiều, khó thở nhiều hơn hoặc khi ngủ không nằm đầu cao được: nằm nghiêng, úp chân từ hông xuống, đầu vẫn giữ ở tư thế nằm nghiêng (giống ngủ ôm gối ôm).

Vấn đề vệ sinh phòng ở và cơ thể

TS.BS Đào Thị Yến Phi lưu ý: người bệnh cần giữ vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý 0.9% để làm thông thoáng đường thở, loại nhỏ chất đờm nhầy gây cản trở không khí ra vào. Nằm nghỉ ở nơi ấm áp, không bị gió lạnh cũng giúp làm giảm phù niêm mạc, đường thở thông hơn.

Phòng ở, nhà cửa đảm bảo thông thoáng, muốn mở cửa sổ và cửa đi nếu có thể.

Không dùng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác. Không để luồng khí thổi từ phòng người bệnh sang không gian chung. Sử dụng quạt hoặc máy lọc không khí riêng.

Rửa tay thường xuyên, đây là cách giảm lây nhiễm covid19 tốt nhất. Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trong ít nhất 30 giây hoặc dùng dịch dịch rửa tay khô có chứa cồn nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây. Những thời điểm cần rửa tay là trước và sau khi nấu ăn, trước và sau khi ăn uống, sau khi ho, hắt hơi, xì mũi, sau khi va chạm vào các vật dụng, bề mặt, sau khi đi vệ sinh, sau khi thu dọn rác thải....

Tất cả đồ đạc, quần áo, vật dụng F0 sử dụng đều để riêng và ngâm xà phòng ít nhất 30 phút trước khi giặt.

Hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách

  • Với người nhiễm: đeo khẩu trang càng nhiều càng tốt, ngay cả khi đang được cách ly để giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus cho người khác.
  • Với người chăm sóc: đeo khẩu trang khi ở cùng phòng hoặc không gian với người nhiễm và những người khác.
  • Các thành viên trong gia đình: đeo khẩu trang mỗi khi ở chung phòng hoặc không gian với người khác.

Hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, do đó nếu chẳng may trở thành F0 thì bạn cũng cần hết sức bình tĩnh, tự theo dõi và chăm sóc theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế để sớm chiến thắng bệnh COVID-19.

CÁC F0 ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ HÃY YÊN TÂM VÌ ĐÃ CÓ BVĐK PHƯƠNG ĐÔNG LUÔN LUÔN BÊN CẠNH VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN! CHÚNG MÌNH SẼ CÙNG NHAU THỰC HIỆN CÁC VIỆC SAU ĐỂ SỚM HỒI PHỤC NHÉ:

  1. Xông mũi, họng 2-3 ngày 1 lần bằng nước sả, chanh, gừng (khoảng 10-15 phút mỗi lần) nhiệt độ xông khoảng 42 độ. Đun sôi và để nguội một lát.
  2. Súc họng nhiều lần trong ngày bằng nước muối đẳng trương hoặc dung dịch Chlorhexidine.
  3. Luôn giữ ấm cơ thể, tắm nước nóng. Sau tắm nhớ sấy nóng vùng đỉnh đầu, sống lưng và vùng ngực.
  4. Chịu khó ăn uống, đảm bảo ăn đủ chất, ăn đồ ấm nóng.
  5. Uống nước ấm nhiều lần, tránh cổ họng bị khô.
  6. Uống Vitamin C, D và ZinC, nước hoa quả hằng ngày để nâng cao đề kháng.
  7. Nếu nóng sốt thì uống thuốc hạ sốt, chườm ấm vào nách hoặc vùng cổ.
  8. Ho: uống thuốc ho.
  9. Khó thở: Ngồi ngay ngắn, hít vào bằng mũi thật sâu, thở ra từ từ bằng miệng trong vài phút (tập các động tác hướng dẫn bổ trợ hơi thở trên kênh của BV Phương Đông nhé).

Qua được 7 ngày là bạn đã qua được nguy hiểm.

CHÚC CÁC BẠN SỚM KHỎI BỆNH. HÃY GỌI  19001806 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN ĐẦY ĐỦ KIẾN THỨC VỀ DỊCH BỆNH NHÉ. TRÂN TRỌNG!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,214

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám