Điều trị covid 19 tại nhà?
Bộ Y tế đã có công văn về cho cho phép F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà nhằm giảm tải cho hệ thống y tế. Đối tượng quản lý tại nhà là người mắc Covid-19 mới có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính và đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Cách ly, điều trị covid-19 tại nhà
Khi đủ điều kiện cách ly tại nhà, người nhiễm covid-19 sẽ được cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà tiếp cận; để phát tờ rơi nhằm hướng dẫn những điều cần tuân thủ. Cách tự chăm sóc cũng như theo dõi sức khỏe tại nhà, cấp phát thuốc điều trị theo quy định (F0 không có triệu chứng được cấp ngay gói A, F0 có triệu chứng nhẹ được cấp gói A-C).
Đồng thời người bệnh sẽ được hướng dẫn khi cảm thấy khó thở như thở hụt hơi; khó thở tăng lên khi vận động; nhịp thở khi nghỉ > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96% phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ và đánh giá tình trạng. Nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói B) trước khi chuyển đến viện.
Ai là người có thể tự điều trị covid tại nhà?
Tiêu chí để người nhiễm covid-19 được cách ly, điều trị tại nhà gồm:
-
Mức độ bệnh
- Không có triệu chứng hoặc triệu chứng bệnh nhẹ.
- Không bị suy hô hấp như Spo2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút
- Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19: nếu có bệnh nền thì tình trạng bệnh phải đang trong giai đoạn ổn định, không bị béo phì.
- Đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng covid19; hoặc tiêm đủ liều nhưng chưa đủ 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng; thì phải đảm bảo là đối tượng trẻ em trên 1 tuổi hoặc người lớn dưới 50 tuổi; không có bệnh, không trong tình trạng đang mang thai, không bị béo phì.
Ai là người thuộc nhóm được điều trị tại nhà
-
Có khả năng tự chăm sóc bản thân
- Người bệnh có thể tự làm các công việc hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…
- Biết cách đo thân nhiệt, mạch và nhịp thở.
- Tự biết cách dùng thuốc theo đơn của bác sĩ
- Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế khi cần thiết, đặc biệt là khi có tình trạng cần cấp cứu.
- Có sẵn và biết sử dụng các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính,... để cần khi phải cấp cứu.
- Trong gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền, béo phì, phụ nữ mang thai…
Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không có khả năng tự chăm sóc; thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm hỗ trợ.
-
Đủ điều kiện về cơ sở vật chất
- Được các thành viên trong gia đình và chính quyền địa phương đồng ý.
- Nơi cách ly điều trị là nhà ở riêng lẻ, phòng trọ, chung cư nhà tập thể; có phòng riêng để tách biệt với các thành viên khác.
- Phòng cách ly riêng và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình; thông thoáng khí, hạn chế tối đa các đồ đạc, vật dụng trong phòng.
- Cài đặt ứng dụng hỗ trợ cách ly tại nhà để khai báo và nhận hỗ trợ khi cần thiết.
Thực hiện khai báo y tế
Với địa phương nơi cư trú
Sau khi được chẩn đoán nhiễm covid-19, người bệnh cần khai báo ngay với địa phương mình cư trú các thông tin như sau họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư, tình trạng sức khỏe hiện tại, thông tin về người tiếp xúc gần,...
Các thông tin về sức khỏe liên quan đến bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở, tức ngực,...
Việc khai báo có tác dụng:
- Giúp địa phương quản lý tốt tình hình dịch; khoanh vùng và có phương án xử lý nhằm ngăn chặn sự lây lan.
- Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương nắm được thông tin về người bệnh. Từ đó thực hiện các biện pháp hỗ trợ, xem xét tình trạng xem có thể điều trị tại nhà hay cần đến bệnh viện, hướng dẫn về việc cách ly.
- Thông báo cho các F1 để cách ly, theo dõi sức khỏe.
Thông tin khai báo được phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Do vậy người bệnh cần khai báo trung thực và chính xác, chịu hoàn toàn trách nhiệm với thông tin khai báo.
Cập nhật khai báo y tế điện tử hàng ngày
Khai báo y tế điện tử hàng ngày
Ngoài việc khai báo cho địa phương nơi cư trú; người bệnh cũng cần khai báo y tế điện tử hàng ngày, cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân.
Người bệnh có thể khai báo bằng ứng dụng PC-Covid trên điện thoại hoặc đường link https://khaibaoyte.bvubhn.vn trên máy tính.
Chuẩn bị
Về nơi ở
Để được phép điều trị covid 19 tại nhà, bạn cần có phòng riêng và nhà vệ sinh khép kín để tránh lây nhiễm cho người trong gia đình. Duy trì tắm rửa vệ sinh cơ thể hàng ngày với xà phòng sát khuẩn.
Đảm bảo nơi ở thông thoáng, luôn mở cửa sổ nếu có. Không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm mà thay vào đó là sử dụng quạt hoặc máy lọc không khí. Tránh để luồng khí thổi từ phòng F0 vào không gian chung.
F0 điều trị tại nhà cần có phòng ở riêng
Tự vệ sinh bề mặt môi trường sống sạch sẽ ít nhất 2 lần/ngày. Làm sạch sàn nhà, tường và bề mặt bằng dung dịch khử khuẩn rồi lau lại bằng nước sạch.
Đồ dùng, vật dụng cơ bản
Theo hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà do Bộ Y tế ban hành. Ngay khi được thông báo về việc cách ly, điều trị F0 tại nhà thì cần chuẩn bị các vận dụng sau:
- Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng trong 2 - 3 tuần)
- Găng tay y tế sạch (tối thiểu đủ dùng trong 2 - 3 tuần)
- Thùng có nắp đậy để đựng chất thải lây nhiễm và túi nilon màu vàng để lót bên trong
- Dụng cụ cá nhân như: bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bát đũa dùng ăn uống riêng; xà phòng, máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.
Thuốc
TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y đưa ra lời khuyên cho người bệnh covid cần dự phòng một số loại thuốc để điều trị tại nhà như:
- Thuốc hạ sốt: Efferalgan, Panadol…
- Nhóm thuốc chữa ho
- Nhóm thuốc tiêu chảy
- Nước súc miệng
- Cồn sát trùng
- Thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho tối thiểu 4 tuần)
- Thuốc xịt mũi
- Vitamin C, kẽm, các loại thảo dược có tác dụng trị cảm, ho
- Nước bù điện giải.
Các loại thuốc cần chuẩn bị khi F0 điều trị tại nhà
Thiết bị y tế
Bên cạnh việc chuẩn bị các loại thuốc thì TS.BS Hoàng Thanh Tuấn cũng khuyên người dân nên dự phòng một số thiết bị y tế để tiện cho việc theo dõi sức khỏe và điều trị Covid tại nhà như:
- Nhiệt kế
- SpO2- máy đo nồng độ oxy trong máu
- Que test nhanh covid
- Khẩu trang
- Găng tay y tế
- Các máy theo dõi bệnh nền.
Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng
Chế độ sinh hoạt
Tập luyện các bài tập phù hợp giúp tăng cường chức năng hô hấp. Việc này cần thực hiện hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe.
Chế độ sinh hoạt gồm có các bài tập thở, vận động tại giường; bài tập giãn cơ bài tập thể lực nhằm tăng sức bền.
-
Tập thở
- Thở kiểu chúm môi: hít vào thật sâu bằng mũi rồi chúm môi thở ra từ từ cho đến hết khả năng.
- Thở kiểu cơ hoành: hít vào bằng mũi đồng thời bụng phình lên. Sau đó thở ra, môi chúm lại đồng thời hóp bụng.
- Kiểu thở bụng:
- Một tay đặt lên ngực, tay còn lại đặt lên bụng (để cảm nhận di động của ngực và bụng).
- Hít vào bằng mũi (mím môi), bụng phình ra (cảm nhận tay ở bụng đi lên).
- Thở ra bằng miệng một cách từ từ, môi chúm lại (giống như thổi sáo), bụng xẹp xuống (cảm nhận tay ở bụng đi xuống).
- Hít vào theo nhịp đếm 1- 2, thở ra theo nhịp đếm 1-2-3-4 (tử là thời gian thở ra gấp đôi hít vào).
Chú ý:
- Không cần gắng sức quá mức mỗi khi hít vào và thở ra.
- Kết hợp thở chúm môi với thở bụng hoặc thở ngực kết hợp tay trong một lần hít thở và luyện tập thường xuyên, ít nhất 3 lần/ngày và mỗi lần 5- 10 phút.
- Cả 2 động tác này đều có thể thực hiện trong cả lúc ngồi hoặc nằm.
Hướng dẫn tập thở khi điều trị covid-19 tại nhà
Thở chím môi: trong khoảng 5- 10 phút để đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra phế quản lớn hơn.
Tròn miệng hà hơi: 5- 10 lần, tốc độ tăng dần nhằm đẩy đờm ra khí quản.
Ho: hít hơi vào thật sâu, nín thờ và ho liên tiếp 1- 2 lần. Lần 1 ho nhẹ còn lần 2 thì ho mạnh để đẩy đờm ra ngoài.
- Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động
Thở có kiểm soát: hít thở nhẹ nhàng trong thời gian 20- 30 giây.
Căng giãn lồng ngực: Hít thật sâu bằng mũi, nín thở trong 2- 3 giây rồi thở ra nhẹ nhàng, lặp lại như vậy 3-5 lần.
Hà hơi: hít thật sâu, nín thở 2-3 giây rồi tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài. Lặp lại 1- 2 lần.
-
Tư thế nghỉ ngơi
- Nếu kết quả đo ôxy máu (SpO2) nhỏ hơn 94% hoặc thấy mệt, khó thở, người nhiễm bệnh có thể áp dụng tư thế nằm sấp, nằm đầu cao. Khi thay đổi tư thế thì vẫn tiếp tục theo dõi ôxy máu.
- Tư thế nằm sấp: chêm gối ở vùng cổ, hông và cổ chân để tạo sự thoải mái. Duy trì 1- 2 giờ trong mỗi 4 giờ, tối đa là 14 giờ trong ngày.
Tư thế nghỉ ngơi khi nhiễm SARS-CoV-2
- Tư thế nằm đầu cao: nằm cao đầu 30- 60 độ hoặc ngồi dựa lưng vào giường hoặc ghế.
- Tư thế nằm nghiêng: chèn gối ở các vị trí đầu, cổ, hông và giữa 2 chân để tạo sự thoải mái.
Trong quá trình tập luyện mà người bệnh có các biểu hiện bất thường như mệt, khó thở hay đau ngực thì cần dừng việc theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên ngay cả nghỉ nghỉ thì cần báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi.
-
Tập vận động tại giường
Người nhiễm COVID-19 dù là nhẹ hay vừa thì cũng được khuyến cáo nên nghỉ ngơi tại giường và vận động vừa sức.
Việc vận động này sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu và giúp thư giãn, giảm căng thẳng.
Dinh dưỡng
Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch thì người bệnh ngoài theo dõi sức khỏe thường xuyên thì cần thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng thể nhẹ thì việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thực sự rất cần thiết.
Chú ý chế độ dinh dưỡng khi điều trị covid
Dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện hàng rào bảo vệ cơ thể như hệ thống miễn dịch; các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng cho người bệnh; tránh diễn biến nặng, biến chứng.
Nguyên tắc chung về dinh dưỡng cho người nhiễm covid mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đó là ăn uống bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng cách đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng và thể chất.
- Nên bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa, chế phẩm từ sữa. Đặc biệt khi bị giảm sút cân do sốt, ho, mệt mỏi,...
- Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein như thịt, cá nạc, đậu đỗ, các loại hạt.... nhằm ngăn ngừa tình trạng teo cơ và tăng sức đề kháng.
- Tăng cường các loại trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh; gia vị như tỏi, gừng để tăng sức đề kháng.
- Uống đủ trung bình 2 lít nước/ ngày. Nếu bị số hoặc tiêu chảy thì cần uống nhiều hơn.
Hướng dẫn cách xịt mũi và súc họng
Trước khi SARS-CoV-2 xâm nhập vào phổi và gây ra các hậu quả nguy hiểm cho người bệnh thì chúng sẽ phải đi qua đường hô hấp. Và vùng mũi, họng được xem là chốt chặn góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của chúng.
Do đó, việc vệ sinh đường hô hấp trên như xịt mũi, súc họng đúng cách và thường xuyên; nhất là khi bản thân nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả để bảo vệ cơ thể. Khi thực hiện đúng cách sẽ hạn chế một cách tối đa lượng virus đi từ mũi, họng xuống phổi; từ đó làm giảm khả năng nhiễm bệnh hoặc bệnh nặng.
Xịt mũi
Việc chăm sóc mũi đúng cách không chỉ hạn chế lây nhiễm SARS-CoV-2 mà còn có lợi trong việc chăm sóc, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa viêm mũi cấp và mạn tính; viêm xoang cấp và mạn tính, hậu phẫu thuật mũi xoang,... Nhất là với nhân viên y tế, hốc mũi chứa nhiều tác nhân gây bệnh nên cần chăm sóc mũi để tránh lây nhiễm cho người khác.
Xịt mũi thường xuyên để hỗ trợ điều trị covid-19
Dung dịch dùng để xịt mũi hàng ngày là nước muối sinh lý. Y học cộng đồng đã nghiên cứu và cho biết, nước muối sinh lý có hiệu quả trong việc phòng và hỗ trợ điều trị bệnh về đường hô hấp. Dụng cụ được sử dụng để xịt mũi là bình xịt mũi nước muối sinh lý dạng phun sương pha sẵn (nasal spray).
Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Xịt 1 bên mũi 3 nhát. Lưu ý là chúc đầu xịt hướng xuống, dùng khăn giấy sạch để lau đầu xịt.
- Bước 2: Bịt bên mũi còn lại để hỉ mũi bên đã xịt. Lặp lại tương tự khoảng 2- 3 lần cho mỗi bên.
Một số lưu ý khi thực hiện:
- Nếu nước muối dư chảy ngược lại và đọng vào chân đầu xịt thì phải lấy đầu xịt ra và lau khô bình xịt.
- Sau khi dùng xong hãy cất bình xịt ở nơi khô ráo
- Bình xịt là dụng cụ vệ sinh cá nhân nên không dùng chung, nhất là với trẻ em. Nhắc nhở con em biết đây là dụng cụ cá nhân.
- Người đang bị nhiễm Covid-19 cần thực hiện xịt mũi ở phòng vệ sinh riêng; tránh để phát tán giọt bắn khi hỉ mũi.
Súc miệng, súc họng
Việc súc miệng thì dễ thực hiện nên hầu hết mọi người đều có thể tự làm đúng. Đó là cho nước vào miệng, ngậm miệng rồi súc "ục, ục, ục" sau đó nhổ nước ra. Tư thế khi súc là đầu thẳng, không cần ngửa cổ và súc miệng trước rồi mới đến súc họng.
Súc họng đều đặn hàng ngày khi cách ly, điều trị covid-19
Nếu là súc họng ngày ngày cho người bình thường, không có dịch tễ tiếp xúc với người nhiễm covid-19 thì dùng nước nước sinh lý; loại này dùng được cho cả trẻ nhỏ. Các loại nước muối sinh lý có thể sử dụng như chai nước muối sinh lý y tế pha sẵn. Nước muối sinh lý tự pha tại nhà theo công thức: 1 muỗng cà phê muối đầu với 1 lít nước sôi để nguội. Với dung dịch nước muối tự pha thì chỉ nên sử dụng trong ngày vì để qua đêm có thể bị nhiễm khuẩn.
Nếu là bệnh nhân COVID-19 hoặc người có tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19 thì các bác sĩ sẽ chỉ định súc họng bằng dung dịch có chất khử khuẩn như: povidone iodine, chlorhexidine.
Các bước thực hiện súc họng:
- Bước 1: Cho khoảng 5- 10ml nước súc họng ra ly
- Bước 2: Đưa lượng nước này vào miệng, ngậm lấy và súc trong vòng 1 phút.
- Bước 3: Để việc súc họng đảm bảo hiệu quả thì ngoài tư thế ngửa cổ; cần thè lưỡi ra trước khi kêu “khò… khò… khò...”. Động tác quan trọng này giúp nước len qua khe hở xuống họng miệng. Nếu không thè lưỡi ra trước thì dù có ngửa cổ tối đa, chúng ta chỉ súc miệng chứ chưa súc họng.
- Bước 4: Nhổ bỏ phần nước vừa súc họng.
Lưu ý:
- Súc họng ít nhất 5 lần: sáng, tối, sau 3 bữa ăn bởi đây là các thời điểm họng đọng dịch nhầy từ mũi, họng mũi hoặc các chất kích thích trong thức ăn.
- Súc họng ngay khi ra ngoài về nhà; sau khi nói chuyện hoặc tiếp xúc với người ngoài; ngay sau khi bơi lội,…
Hướng dẫn Điều trị Covid 19 bằng thuốc
Ngày 26/08/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4109/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 v/v ban hành hướng dẫn tạm thời “Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà”.
Các thuốc chỉ định gồm có: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng như vitamin, khoáng chất, bù điện giải, thuốc sát khuẩn hầu họng, thuốc kháng viêm corticoid, thuốc kháng đông bằng đường uống, thuốc kháng virus (trong một số các tình huống có chỉ định).
Người bệnh covid-19 điều trị tại nhà cho người trên 18 tuổi gồm 3 gói thuốc (A, B, và C).
- Gói thuốc A: là những thuốc thông dụng như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng.
- Gói thuốc B: gồm thuốc chống viêm và chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt.
- Gói thuốc C: gồm thuốc kháng vi rút, liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.
Gói thuốc điều trị F0 tại nhà
Gói thuốc A
Cấp ngay cho F0 khi tiếp nhận thông tin và sử dụng trong vòng 7 ngày.
1. Paracetamol 500mg:
Uống 1 viên khi sốt trên 38,5 độ C, có thể lặp lại mỗi 4- 6 giờ nếu vẫn còn sốt.
2. Các loại vitamin (như vitamin tổng hợp, vitamin C)
Uống ngày 1 lần 1 viên với vitamin tổng hợp hoặc ngày 2 lần sáng và trưa nếu là vitamin C 500mg.
Gói thuốc B
Gói thuốc này chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị covid-19 tại quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 06/10/2021 của Bộ Y tế.
Người bệnh khi cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên mỗi khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi là > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 97% phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh, trường hợp có chỉ định nhập viện thì bác sĩ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (là gói thuốc B) trước khi nhập viện.
3. Dexamethasone 0,5mg x 12 viên
Uống 1 lần (tương đương 06mg)
Hoặc
Methylprednisolone 16mg x 01 viên
Uống 1 lần 1 viên
4. Rivaroxaban 10mg x 01 viên
Uống 1 lần 1 viên
Hoặc
Apixaban 2,5mg x 01 viên
Uống 1 lần 1 viên
Hoặc
Dabigatran 220mg x 01 viên
Uống 1 lần 1 viên.
Lưu ý: thuốc số 3 và 4 KHÔNG sử dụng trong các trường hợp sau: phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người mắc một trong các bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý gây chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu đường tiết niệu và các bệnh dễ gây chảy máu khác.
Gói thuốc C
Là thuốc kháng virus được chỉ định trong trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, thuốc này được BYT cung cấp trong Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát sử dụng cho người từ 18 tuổi. Đối với người thuốc nhóm nguy cơ thấp ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (gồm không có triệu chứng và có triệu chứng nhẹ).
5. Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg
Uống ngày 2 lần: buổi sáng 800mg, buổi chiều 800mg, uống liên tục trong 5 ngày.
Hoặc
6. Favipiravir viên 200mg
Uống ngày đầu tiên: sáng 1.600mg, chiều 1.600mg
Uống từ ngày 2 đến ngày 7: buổi sáng 600mg, buổi chiều 600mg.
Lưu ý:
- Khi chỉ định thuốc Molnupiravir cho F0; các cơ sở y tế cần hướng dẫn cho F0 ký phiếu chấp thuận tham gia “Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc covid-19 triệu chứng nhẹ” trước khi cấp phát.
- Thuốc Molnupiravir KHÔNG sử dụng cho phụ nữ có thai, có kế hoạch có thai, đang cho con bú. Người suy gan, viêm gan siêu vi cấp, suy thận, viêm tụy cấp hoặc cần cần có ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
- Thuốc Favipiravir KHÔNG sử dụng trong trường hợp phụ nữ có thai, có kế hoạch mang thai, cho con bú, suy gan, suy thận nặng.
Một số lưu ý đối với bệnh nhân covid tự điều trị tại nhà
Điều trị F0 tại nhà hiện nay đang dần được mở rộng. Do đó, mọi người cần nhớ kỹ những lưu ý dưới đây để việc tự điều trị tại nhà đảm bảo hiệu quả và an toàn.
- Lưu số của bác sĩ điều trị hoặc cơ sở y tế gần nhất.
- Các triệu chứng đau nhức, mệt mỏi không nguy hại đến sức khỏe.
- Không vật vã, hoảng sợ, để dành oxy cho tim, gan, thận, não,...
- Không uống bất kỳ loại thuốc nào nếu không có chỉ định của bác sĩ. Chỉ uống thuốc hạ sốt nếu sốt cao trên 38,5 độ C.
- Tập thở ngực và bụng sẽ rất tốt cho hệ hô hấp.
- Uống đủ nước và đảm bảo chất dinh dưỡng hàng ngày.
- Trong thời gian người bệnh đang mệt, khó thở, ho nhiều,... thì chỉ nên ăn cháo loãng và ấm, không ăn đồ lạnh và hạn chế ăn đồ nhiều đạm.
- Ngủ càng nhiều càng tốt, nếu không ngủ được thì nên nằm nghỉ.
- Không vận động mạnh.
- Vệ sinh phòng ở và cơ thể hàng ngày.
- Đeo khẩu trang thường xuyên, dù ở riêng 1 phòng để giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus cho người khác.
- Khi có biểu hiện lạ như khó thở, thở nhanh, thở gấp, thở hụt hơi,... cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ gấp.
Trên đây là toàn bộ thông tin về việc hướng dẫn điều trị covid 19 tại nhà đối với F0. Mong rằng những kiến thức trong bài viết sẽ giúp người bệnh tự tin hơn trong việc điều trị bệnh để sớm hòa nhập cộng đồng.