Ốm nghén từ tuần thứ mấy? Mẹ bầu cần làm gì khi bị nghén nặng

Đào Thị Huyền

02-02-2021

goole news
16

Ốm nghén là một trong những dấu hiệu nhận biết chính xác việc mang thai. Bởi đa phần các sản phụ đều phải trải qua tình trạng này trong thai kỳ. Vậy thông thường, chị em sẽ ốm nghén từ tuần thứ mấy? Để giải đáp câu hỏi này, hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông theo dõi bài viết dưới đây.

Ốm nghén khi mang thai là gì?

Trước khi tìm lời giải đáp cho thắc mắc ốm nghén từ tuần thứ mấy, chị em cần biết đây là hiện tượng gì, có biểu hiện thế nào. Theo các bác sĩ chuyên khoa phụ sản, ốm nghén là hiện tượng bà bầu xuất hiện hàng loạt các triệu chứng khó chịu nhiều lần trong một ngày như chướng bụng, nôn, buồn nôn, nhạy cảm với mùi vị. Khi thai nhi mới bắt đầu hình thành, tình trạng này xuất hiện rất phổ biến. 

Ốm nghén khi mang thai khiến mẹ bầu luôn trong trạng thái mệt mỏi, chán ăn. Tùy vào thể trạng, tình hình sức khỏe của mỗi người mà các cơn nghén sẽ có cường độ và biểu hiện khác nhau.

Ốm nghén khi mang thai là hiện tượng thường gặp ở bà bầu
Ốm nghén khi mang thai là hiện tượng thường gặp ở bà bầu

Bất cứ chị em nào cũng có thể bị ốm nghén khi mang thai. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu được rằng, một số đối tượng có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn là:

  • Bà bầu có tiền sử ốm nghén ở lần mang thai trước
  • Người dễ bị say tàu xe
  • Phụ nữ mới mang thai lần đầu
  • Người mang bầu đa thai
  • Phụ nữ phải làm việc trong môi trường áp lực căng thẳng.

Nguyên nhân gây nên ốm nghén

Tình trạng ốm nghén khi mang thai có thể là do sự  kết hợp của nhiều nguyên nhân, bao gồm cả thay đổi về thể chất diễn ra trong cơ thể mẹ. Cụ thể:

  • Tiền sử gia đình: Gia đình có người từng bị ốm nghén khi mang thai thì rất có thể bạn cũng sẽ bị ốm nghén.
  • Nhạy cảm với mùi: Nhiều mẹ bầu rất nhạy cảm với mùi như mùi tanh của cá, mùi chiên xào, những mùi này có thể làm kích hoạt phản xạ buồn nôn.
  • Hormone hCG: Hormone hCG (Human chorionic gonadotropin) tăng lên nhanh chóng trong thời gian sớm khi mang thai. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mẹ bầu mang thai 2 trở lên thì nồng độ HCG càng cao, mức độ ốm nghén cũng nặng hơn.
  • Hormone progesteron: Hormone này khiến thức ăn trong dạ dày khó tiêu hóa nên khiến mẹ hay bị chướng bụng, đầy hơi đồng thời hormone progesterone gây ra hiện tượng trào ngược thực quản tạo cảm giác buồn nôn mạnh mẽ.

Sự gia tăng đột ngột của hormone hCG trong 3 tháng đầu thai kỳ là nguyên nhân khiến chị em bị ốm nghén
Sự gia tăng đột ngột của hormone hCG trong 3 tháng đầu thai kỳ là nguyên nhân khiến chị em bị ốm nghén

Chú ý: Do sự hoạt động mạnh mẽ của loại hormone progesterone gây trào ngược dạ dày nên có rất nhiều sản phụ đang nhầm lẫn giữa căn bệnh này với tình trạng ốm nghén. Hai hiện tượng trên đều có những triệu chứng giống nhau là buồn nôn và nôn. Tuy nhiên cần lưu ý, trào ngược dạ dày còn xuất hiện thêm cả tình trạng ợ hơi, đây chính là dấu hiệu quan trọng để chúng ta có thể phân biệt với ốm nghén. Trên thực tế, có tới hơn một nửa mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng của trào ngược dạ dày trong 3 tháng đầu tiên.

Biểu hiện ốm nghén

Triệu chứng ốm nghén rất đa dạng, phổ biến nhất là cảm giác buồn nôn, mệt mỏi, nhạy cảm với mùi vị và chán ăn.

Buồn nôn và nôn

Triệu chứng ốm nghén dễ nhận biết nhất ở phụ nữ mang thai chính là buồn nôn và nôn. Cảm giác này có thể xuất hiện vào bất kể thời điểm nào trong ngày, nhưng tập trung nhiều nhất là vào buổi sáng. Bà bầu đừng ngạc nhiên nếu bản thân bỗng nhiên cảm thấy khó chịu với mùi xe buýt hay sợ đến chỗ đông người vì không thể chịu nổi mùi hơi người tỏa ra từ đám đông.

Dù cơn buồn nôn kéo tới nhiều lần, nhưng không phải lúc nào cảm giác này cũng gây nôn. Trung bình, một thai phụ bị ốm nghén chỉ có triệu chứng nôn khoảng 1 – 3 lần/ngày, nghĩa là dạ dày của họ vẫn giữ lại được thức ăn và chất lỏng. Đồng thời, việc này cũng khiến cân nặng của chị em không bị sụt quá 5% trọng lượng cơ thể so với trước khi mang thai.

Mệt mỏi, uể oải

Theo các bác sĩ chuyên khoa phụ sản, tình trạng nôn ói ở phụ nữ mang thai cũng thường đi kèm với ốm nghén mệt mỏi. Trong tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu nào cũng sẽ bị đảo lộn nếp sinh hoạt hàng ngày. Nhu cầu lớn nhất của họ lúc chính là nghỉ ngơi. Do vậy, những cơn nôn ói hành hạ đã khiến nhiều chị em mệt mỏi, uể oải cơ thể, không thể đến công sở, làm việc nhà hay tập thể dục. Điều này thậm chí có thể dẫn đến chứng trầm cảm khi mang thai, bởi họ cảm thấy mình giống như đang bị cô lập với thế giới xung quanh.

Bà bầu bị ốm nghén thường xuyên mệt mỏi, lười vận động
Bà bầu bị ốm nghén thường xuyên mệt mỏi, lười vận động

Nhạy cảm với mùi vị

Khi mang thai, khứu giác và vị giác của chị em trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường. Chính bởi vậy, họ có thể dễ dàng nhận biết các chất độc hại xung quanh mình và tránh xa chúng. Có thể nói, đây là một trong những cơ chế tự nhiên của phụ nữ khi mang thai. Một số mùi được cho là khiến thai phụ cảm thấy khó chịu nhất bao gồm khói thuốc lá, mùi nước hoa, mùi chất tẩy rửa, nấm mốc hay thậm chí là mùi rượu và cà phê.

Thay đổi khẩu vị

Có khá nhiều bà bầu bỗng dưng cảm thấy chán ghét mỗi khi nghĩ đến thức ăn. Đây cũng là  biểu hiện ốm nghén rất hay gặp. Có những phụ nữ bình thường thích ăn cá nướng, nhưng lúc nghén lại thấy khó chịu với món ăn này. Hay có mẹ bầu trước đây rất thường thèm ăn sushi, sashimi, nhưng khi nghén lại chỉ cần nghĩ tới mấy món này đã muốn nôn ói.

Ngược lại, có những món ăn trước đây thai phụ không thích hay chưa bao giờ ăn nay lại thèm ăn một cách bất thường khi nghén. Triệu chứng này là do sự thay đổi hormone trong cơ thể, từ đó tác động đến khẩu vị của mẹ bầu. Tình trạng trên có thể khiến thai phụ ăn uống thiếu chất, chỉ thích ăn những món mình thèm chứ không quan tâm đến việc món đó có đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng thai nhi hay không.

Chán ăn

Những cơn nôn ói kéo đến liên tục là nguyên nhân khiến thai phụ bị giảm hoặc mất hẳn cảm giác thèm ăn. Bên cạnh đó, hormone của cơ thể thay đổi khi có mầm sống mới trong bụng mẹ bầu cũng góp phần gây ra tình trạng này.

Chứng chán ăn ở mẹ bầu nếu như không được khắc phục sớm sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, thai nhi không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và phải đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai hoặc thiếu cân khi chào đời.

Chán ăn cũng là một trong những biểu hiện ốm nghén
Chán ăn cũng là một trong những biểu hiện ốm nghén

Ngoài các dấu hiệu ốm nghén thường thấy trên, mẹ bầu còn có thể phải đối mặt thêm những triệu chứng sau khi mang thai:

  • Đau hoặc sưng tức vùng ngực.
  • Đau đầu.
  • Chóng mặt, đặc biệt là khi ngồi hoặc đứng dậy đột ngột
  • Thay đổi tâm trạng liên tục, buồn vui thất thường, hay lo âu, căng thẳng.
  • Rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy
  • Hay đổ mồ hôi mặc dù trời không quá nóng hoặc khi không vận động nhiều
  • Xáo trộn giấc ngủ với biểu hiện ngủ không ngon giấc, mất ngủ, ngưng thở khi ngủ,...

Ốm nghén từ tuần thứ mấy?

Ốm nghén từ tuần thứ mấy là thắc mắc chung của rất nhiều chị em? Tình trạng này chủ yếu khởi phát do sự gia tăng đột ngột của hormone gonadotropin được phóng thích liên tục từ nhau thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. Như vậy những triệu chứng ốm nghén có thể bắt đầu sớm nhất vào khoảng tuần 4-6, hoặc muộn nhất là vào khoảng tuần 8-12.

Tuy nhiên trên thực tế cũng có một số trường hợp đặc biệt, với những thai phụ có sức khỏe yếu, cơn ốm nghén có thể kéo dài trong suốt thai kỳ cho đến khi em bé chào đời. Tin vui là phần lớn bà bầu sẽ cải thiện triệu chứng trên vào khoảng tuần 14-20.

Ốm nghén từ tuần thứ mấy là thắc mắc của khá nhiều chị em
Ốm nghén từ tuần thứ mấy là thắc mắc của khá nhiều chị em

Như vậy, câu trả lời cho thắc mắc ốm nghén từ tuần thứ mấy là từ 4 đến 6 tuần. Nếu như đang mang thai trong 3 tháng đầu mà không thấy mình có bất cứ dấu hiệu nào của ốm nghén thì bạn không việc gì phải quá lo lắng. Đôi khi đây lại là điều may mắn vì những triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi không hề dễ chịu chút nào.

Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi

Ngoài ốm nghén từ tuần thứ mấy thì các chị em cũng rất quan tâm đến vấn đề: Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi hay không. Theo các bác sĩ chuyên khoa phụ sản, tình trạng thường không gây hại cho thai nhi nhưng lại làm ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của sản phụ.

Đáng chú ý, các bác sĩ sản khoa cho biết thêm, ốm nghén còn có những lợi ích bất ngờ mà nhiều mẹ bầu không biết. Đây là kết luận được công bố chính thức trên Tạp chí Sinh sản Sinh họcCác nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát theo dõi trên hơn 850.000 phụ nữ mang thai. Tất cả dữ liệu thu thập được cho thấy:

  • Bà bầu nào đã từng trải qua những cơn buồn nôn, ói mửa sẽ ít có nguy cơ sảy thai hơn.
  • Bà bầu bị ốm nghén thường sinh ra những bé con khỏe mạnh hơn.
  • Chỉ 6,4% trong số những bà bầu có xuất hiện tình trạng ốm không may mắn gặp phải tình trạng sinh non. Còn lại, tất cả đều sinh đều sinh nở rất suôn sẻ và bình thường.

Như vậy, các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, nôn ói… xuất hiện thời kỳ đầu mang thai là một dấu hiệu đáng mừng, không gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, loại hormon có tên endokinin sản xuất trong cơ thể bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ đã giúp thai nhi khỏe mạnh. Cụ thể, Endokinin giúp máu lưu thông tốt hơn thông qua nhau thai để cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cho bé. Được biết, loại hormon này đã tác động lên não thai phụ và gây ra các biểu hiện ốm nghén.

Phát hiện mới này về cơn ốm nghén sẽ mang lại “sự hỗ trợ tâm lý” cho những thai phụ. Tuy vậy bà bầu vẫn nên nghỉ ngơi nhiều hơn, uống nhiều nước đồng thời ăn nhiều bữa nhỏ, bổ sung thực phẩm giàu tinh bột và chất xơ… để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé cưng.

Nhìn chung, ốm nghén mệt mỏi buồn nôn là triệu chứng bình thường trong thai kỳ nên thai phụ không cần phải quá lo lắng. Hiện tượng này thường sẽ biến mất khi vào tam cá nguyệt thứ 2. Tuy nhiên, trong trường hợp bà bầu gặp phải các biểu hiệu ốm nghén nặng thì cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn, điều trị kịp thời bởi vì điều này nếu kéo dài có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến mẹ và thai nhi.

Chứng ốm nghén nhẹ không hề gây ại tới sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ
Chứng ốm nghén nhẹ không hề gây ại tới sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ

Những dấu hiệu cho thấy thai phụ đã bị mắc chứng ốm nghén nặng bao gồm:

  • Nôn ói dữ dội nhiều lần ( hơn 3 lần/ngày), đôi lúc nôn ra máu
  • Nôn ra bất cứ thứ gì đã vừa ăn/uống vào, toàn bộ đều không thể giữ lại được gì trong dạ dày
  • Cơ thể bị mất nước nghiêm trọng được biểu hiện qua nồng độ chất xeton trong nước tiểu, hạ huyết áp và tăng nhịp tim.
  • Cơn ốm nghén kéo dài sang sau tuần thứ 12 – 16 thai kỳ.
  • Sụt trên 5% trọng lượng cơ thể khi bị ốm nghén.
  • Thường xuyên ngất xỉu.

Mẹ bầu cần làm gì khi ốm nghén

Thay vì sợ hãi, lo lắng khi bị ốm nghén, mẹ bầu nên chủ động có những biện pháp đối phó nhằm lại giảm các triệu chứng của tình trạng ốm nghén. Dưới đây là một vài gợi ý cơ bản giúp mẹ bầu giảm tình trạng ốm nghén khi mang thai:

  • Tránh các mùi gây kích thích nôn và buồn nôn như: mùi nước hoa nặng, mùi xe hơi, thức ăn có mùi, (đồ chiên xào, rán, dầu mỡ, đồ tanh..)
  • Không nên để dạ dày bị đói: Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và ăn các đồ ăn nhẹ để tránh bụng bị đói, bụng đói gây cồn cào ruột và dễ dấn đến nôn mửa ở mẹ bầu.
  • Tập luyện nhẹ nhàng: mẹ có thể tập yoga, đi bộ giúp sản phụ thư giãn, tránh căng thẳng, mệt mỏi.
  • Sau khi ăn xong mẹ không nên nằm luôn, mẹ nên ngồi một lúc hoặc đi lại nhẹ nhàng để quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn.
  • Bổ sung các loại đồ uống có chứa glucose, kali, muối để bù đắp các chất điện giải bị mất.
  • Tập luyện nhẹ nhàng: mẹ có thể tập yoga, đi bộ giúp sản phụ thư giãn, tránh căng thẳng, mệt mỏi.

Hy vọng qua bài viết trên, các mẹ bầu đã có thêm những kiến thức về ốm nghén cũng như giải đáp được câu hỏi ốm nghén từ tuần thứ mấy. Để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và thai nhi, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cung cấp gói thai sản trọn gói giúp mẹ bầu an tâm hơn vì có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ.

Khi lựa chọn Thai sản trọn gói Phương Đông, mẹ được trực tiếp các chuyên gia sản phụ khoa thăm khám, siêu âm và phát hiện sớm các bất thường. Mẹ có thể dễ dàng, thuận tiện cho quá trình sinh đẻ đặc biệt sau khi sinh trẻ được chăm sóc toàn diện. Để biết thêm chi tiết gói thai sản vui lòng gọi tới tổng đài 1900 1806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
5,877

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám