Polyp cổ tử cung khi mang thai là gì?
Polyp cổ tử cung là những khối u lành tính mọc trên bề mặt cổ tử cung. Chúng thường nhỏ, dài, hình giọt nước. có kích thước từ vài milimet đến vài centimet, và có thể có cuống hoặc không cuống. Thông thường, khối polyp có cấu trúc mịn, hơi xốp và khi chạm vào có thể chảy máu.
Hầu hết khi bị polyp tử cung sẽ không có những triệu chứng hoặc những triệu chứng không rõ ràng nên khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với một số bệnh phụ khoa khác.
Polyp cổ tử cung khi mang thai là tình trạng các hạt polyp xuất hiện trong giai đoạn mang thai. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp, kích thước và mức độ của polyp sẽ xác định được tình trạng nguy hiểm của bệnh.
Polyp cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ đã sinh nở, sinh nhiều con và sau khoảng 40-50 tuổi. Các trường hợp bị polyp cổ tử cung là lành tính, tuy nhiên có một số polyp có thể tiến triển thành ác tính (ung thư). Chính vì vậy, khi phát hiện có polyp trong cổ tử cung thì cần can thiệp để loại bỏ ngay để tránh những nguy hiểm sau này.
Polyp cổ tử cung khi mang thai là tình trạng ở cổ tử cung xuất hiện các khối polyp trong quá trình mang thai
Nguyên nhân gây ra polyp cổ tử cung khi mang thai
Có một số nguyên nhân có thể gây ra polyp ở cổ tử cung khi mang thai như:
Thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Việc rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là gia tăng nồng độ hormone Estrogen chính là nguyên nhân dẫn đến khả năng khiến mẹ bầu bị polyp cổ tử cung khi đang mang bầu.
Chưa điều trị dứt điểm hoặc có tiền sử mắc các bệnh phụ khoa
Khi phụ nữ có tiền sử lạc nội mạc tử cung chưa được điều trị triệt để có thể hình thành các khối polyp cổ tử cung khi đang mang thai. Sau khi lớp niêm mạc bị tróc nhưng không được đào thải ra ngoài mà sẽ dính vào các bộ phận khác như tử cung, cổ tử cung,... gây nên polyp.
Ngoài ra, khi mang thai sẽ khiến sức đề kháng của mẹ bầu giảm dẫn đến bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung,... Đặc biệt, những bệnh phụ khoa cũng có thể gặp như mẹ bầu không vệ sinh vùng kín đúng cách. Chính vì vậy, khi có bất thường về phụ khoa cần thăm khám và điều dứt điểm để không hình thành polyp cổ tử cung.
Viêm cổ tử cung không điều trị dứt điểm có thể là nguyên nhân gây ra polyp cổ tử cung
Do nạo phá thai không an toàn
Nạo phá thai không an toàn, được thực hiện tại những cơ sở y tế không đảm bảo chất lượng, uy tín có thể gây ra những biến chứng sau này. Từ đó làm tăng nguy cơ hình thành các khối polyp trong cổ tử cung.
Những triệu chứng của polyp cổ tử cung trong quá trình mang thai
Thực tế, hầu hết các mẹ bầu sẽ không phát hiện ra bị polyp cổ tử cung khi mang thai do chúng không có những triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, việc khám thai định kỳ có thể giúp các mẹ có thể phát hiện ra polyp hoặc những bệnh phụ khoa khác. Bên cạnh việc khám thai thường xuyên, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình mang thai, mẹ hãy đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và can thiệp sớm, tránh làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé.
Hầu hết phụ nữ bị bệnh polyp cổ tử cung không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, có một vài trường hợp sẽ có những triệu chứng dưới đây:
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Ra dịch âm đạo.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau lưng dưới.
Hầu hết mẹ bầu không có bất cứ dấu hiệu nào mà chỉ phát hiện khi khám thai
Khi mang thai bị polyp cổ tử cung có ảnh hưởng như thế nào?
Mức độ nguy hiểm của polyp cổ tử cung khi mang thai sẽ dựa vào vị trí, kích thước và mật độ của các khối polyp. Những polyp nhỏ thường không có triệu chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc việc chấp nhận cho mẹ bầu sống chung với chúng thay vì can thiệp điều trị.
Tuy nhiên, đối với những khối polyp lớn hơn có thể tiềm ẩn những nguy cơ tiến triển thành u ác tính, lúc này, bác sĩ sẽ can thiệp để tránh gây nguy hiểm cho quá trình mang thai.
Ảnh hưởng đến mẹ bầu
Bị polyp tử cung khi mang thai có thể tác động đến tâm lý của mẹ bầu, khiến mẹ luôn cảm thấy lo lắng và khó chịu trong suốt quá trình mang thai. Từ đó, vô tình làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Theo thời gian, khối polyp sẽ phát triển lớn và bịt kín cổ tử cung, cản trở đường ra của thai nhi. Vì vậy, có nhiều trường hợp bác sĩ chỉ định sinh mổ để không gây ảnh hưởng đến mẹ và bé.
Ảnh hưởng đến thai nhi
Khi khối polyp phát triển khiến số lượng và kích thước tăng sẽ chiếm nhiều vị trí ở tử cung và cổ tử cung. Điều này khiến chèn ép sự phát triển của thai nhi, làm cho thai nhi không phát triển bình thường, tăng nguy dị tật bẩm sinh, sảy thai hoặc sinh non. Tỷ lệ sinh thai và sinh non của mẹ bầu bị polyp cổ tử cung khi mang thai cao hơn mẹ bầu bình thường.
Thai nhi có thể sinh non nếu mẹ bị polyp cổ tử cung
Xem thêm:
Cách điều trị polyp cổ tử cung khi đang mang bầu
Tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể như các triệu chứng, tình trạng sức khoẻ , vị trí, kích cỡ và sự phát triển của khối polyp mà bác sĩ sẽ chọn phương án điều trị phù hợp.
Đối với những khối polyp nhỏ, không gây ra những triệu chứng và không có dấu hiệu đáng lo ngại, mẹ bầu sẽ tạm “sống chung” với polyp và chỉ thực hiện phẫu thuật loại bỏ sau khi sinh xong. Nếu thực hiện phẫu thuật trong quá trình mang thai thường là những trường hợp bắt buộc và khẩn cẩm để tránh viêm nhiễm, thậm chí là sảy thai.
Đối với những khối polyp có kích thước lớn hoặc có nhiều nguy cơ gây nguy hiểm, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc phương pháp phẫu thuật phù hợp như:
- Xoắn polyp cổ tử cung: Sử dụng kẹp để giữ phần cuống polyp rồi vặn, xoắn nhẹ sau đó kéo polyp ra ngoài. Đây là một tiểu phẫu khá đơn giản và có thể áp dụng ở mẹ bầu bị polyp cổ tử cung khi mang thai.
- Phẫu thuật cắt polyp cổ tử cung: Đối với trường hợp không thể thực hiện xoắn polyp, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ polyp kết hợp đốt chân polyp để ngăn tái phát trong tương lai.
Phương pháp xoắn polyp thường áp dụng ở mẹ bầu bị polyp
Việc điều trị polyp cổ tử cung khi mang thai cần sự chẩn đoán và đánh giá chính xác từ các bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Mẹ bầu không được tự ý sử dụng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị nào khác khi chưa được bác sĩ tư vấn và đưa ra lời khuyên.
Biện pháp phòng ngừa tình trạng polyp cổ tử cung khi mang thai
Khi thực hiện điều trị polyp cổ tử cung trong thời gian mang thai, ngoài thực hiện nghiêm ngặt những hướng dẫn của bác sĩ, mẹ bầu cần lưu ý một số điều sau:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, lựa chọn dung dịch vệ sinh phù hợp, dịu nhẹ và không chứa chất tẩy rửa mạnh.
- Không thụt rửa âm đạo và ngâm mình trong nước quá lâu.
- Sau khi đi vệ sinh, cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín cả trước và sau.
- Có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các loại dưỡng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho mẹ và đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tham gia các hoạt động nhẹ nhàng.
- Tuyệt đối không quan hệ tình dục sau 4-6 tuần sau khi điều trị.
- Thăm khám định kỳ giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi và tình trạng polyp cổ tử cung.
Mẹ bầu nên xây dựng lối sống khoa học để có thai kỳ khỏe mạnh
Polyp cổ tử cung khi mang thai là tình trạng mà mẹ bầu có thể gặp phải và cảm thấy lo lắng trong suốt thai kỳ. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của mẹ và bé, mẹ bầu cần chủ động thăm khám thường xuyên để được phát hiện, chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm và hiệu quả.
Hy vọng qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã cung cấp những thông tin cần thiết về tình trạng polyp cổ tử cung khi mang thai. Trong suốt thai kỳ, cơ thể của mẹ sẽ yếu nên hãy chú ý hơn khi gặp các tình trạng bất thường để có một thai kỳ khỏe mạnh. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ hotline 1900 1806 của Phương Đông để được hỗ trợ kịp thời.