Polyp cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Phương Loan

22-04-2024

goole news
16

Polyp cổ tử cung là tình trạng phổ biến ở nữ giới trên 20 tuổi, đã sinh từ con thứ 2 trở lên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các khối polyp, có thể kể đến như thay đổi nội tiết tố khi mang thai, nạo phá thai tại cơ sở không uy tín, lạc nội mạc tử cung hay tác dụng phụ của thuốc.

Polyp cổ tử cung là gì?

Polyp cổ tử cung là tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào trên cổ tử cung, là các khối u phát triển từ mô đệm cổ tử cung. Chúng có kích thước từ mm đến cm, hình dạng như ngón tay, bóng đèn, nấm, mọc đơn độc hoặc tạo thành chùm.

Những khối polyp cổ tử cung thường mềm, màu hồng và dễ chảy máu khi chạm vào. Chúng thường nằm trên bề mặt cổ tử cung hoặc bên trong cổ tử cung, trường hợp đặc biệt hơn có thể thò ra ngoài qua cổ tử cung và nằm phía trong âm đạo.

Polyp cổ tử cung là các khối u phát triển từ mô đệm cổ tử cung

Polyp cổ tử cung là các khối u phát triển từ mô đệm cổ tử cung

Đây là bệnh phụ khoa lành tính, không nguy hiểm đến sức khỏe hay tính mạng, khả năng mang thai hay sinh sản sau này vẫn được đảm bảo. Dù vậy, polyp cổ tử cung vẫn cần được theo dõi và áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt, phòng tránh trường hợp diễn tiến lên ác tính, gây ung thư cổ tử cung.

Nguyên nhân gây polyp cổ tử cung

Nguyên nhân polyp cổ tử cung đến nay chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên có thể kể đến 7 yếu tố chính trong bảng sau:

NGUYÊN NHÂN

Hormone estrogen tăng cao

Nồng độ hormone nội tiết tố nữ estrogen tăng cao là nguyên nhân hàng đầu gây polyp cổ tử cung, thường gặp ở phụ nữ mang thai. Bởi khi này, nồng độ hormone estrogen trong cơ thể mẹ gia tăng hơn bình thường, cùng với đó là sức đề kháng kém.

Viêm nhiễm phụ khoa mạn tính

Viêm nhiễm phụ khoa kéo dài khiến niêm mạc tử cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không đạt được độ dày nhất định. Tình trạng này đẩy nhanh quá trình tăng sinh tại niêm mạc tử cung, tạo điều kiện cho các khối polyp cổ tử cung hình thành và phát triển.

Nạo phá thai không an toàn

Chị em phụ nữ từng thực hiện các thủ thuật như đặt vòng tránh thai, nạo phá thai,... tại cơ sở y tế thiếu uy tín dễ mắc polyp cổ tử cung. Đặc biệt nếu để sót nhau sau phá thai, chúng sẽ bám vào bề mặt cổ tử cung và phát triển thành các khối polyp trong thời gian ngắn.

Lạc nội mạc tử cung

Bệnh lý lạc nội mạc tử cung khiến lớp niêm mạc bong tróc không thể thoát ra ngoài cơ thể, lâu dần sẽ hình thành các nên các khối polyp.

Tắc mạch máu

Nếu những mạch máu ở cổ tử cung bị tắc nghẽn sẽ gây tình trạng dồn ứ, làm tĩnh mạch căng phồng lên. Đây là môi trường thuận lợi cho các u mềm cổ tử cung phát triển, gây bệnh polyp.

Tác dụng phụ của thuốc

Nếu chị em sử dụng thuốc kháng sinh (thuốc huyết áp, thuốc điều trị ung thư,...) thường bị tăng cân, thừa cân, việc này làm tăng nguy cơ mắc bệnh polyp cổ tử cung.

Lối sống thiếu khoa học

Một chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, sinh hoạt không điều độ hoặc quan hệ không lành mạnh cũng là tác nhân làm xuất hiện các khối u mềm tại cổ tử cung.

Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân khiến chị em mắc bệnh polyp cổ tử cung, cả chủ quan và khách quan. Với các tác nhân đến từ việc ăn uống, sinh hoạt hay nạo phá thai, bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh.

Dấu hiệu nhận biết bị poly cổ tử cung

Bệnh polyp cổ tử cung không có biểu hiện rõ ràng, khó phát hiện cũng như dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Nếu nhận thấy ra máu âm đạo bất thường trong các trường hợp:

  • Sau khi quan hệ tình dục.
  • Giữa chu kỳ kinh.
  • Sau thụt rửa âm đạo.
  • Sau mãn kinh.

Hoặc xuất hiện dịch tiết âm đạo màu trắng hoặc màu vàng, thường đau bụng dưới, chị em cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Bạn không nên trì hoãn, bởi đây cũng có thể là biểu hiện sớm của ung thư cổ tử cung.

Polyp cổ tử cung có nguy hiểm không?

Đầu bài viết, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã chia sẻ polyp cổ tử cung là bệnh lành tính nhưng vẫn có thể gây nguy hiểm hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Điển hình như:

Các khối polyp hình thành tại cổ tử cung có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe

Các khối polyp hình thành tại cổ tử cung có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe

  • Khối polyp nhỏ có thể làm cản trở tinh trùng gặp trứng.
  • Khối polyp lớn gây tắc, bịt kín cổ tử cung gây nguy hiểm đến sức khỏe.
  • Chất lượng đời sống tình dục suy giảm do ra khí hư nhiều, chảy máu âm đạo.
  • Polyp cổ tử cung làm giảm khả năng sinh sản, thụ thai.

Nguy hiểm hơn, khối u mềm polyp có thể diễn tiến, phát triển ở các vị trí khác nhau trong tử cung (chiếm 1%). Vậy nên, khi được chẩn đoán mắc bệnh, bạn cần tuân thủ hướng dẫn cũng như phác đồ điều trị từ chuyên gia y tế.

Biến chứng polyp cổ tử cung

Polyp cổ tử cung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các bệnh lý khác như lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư. Trường hợp cắt bỏ các khối u mềm tại cổ tử cung, một số vấn đề có khả năng xảy ra như nhiễm trùng, xuất huyết, thủng tử cung.

Phương pháp chẩn đoán polyp cổ tử cung

Khi đến cơ sở y tế có chuyên môn hoặc có chuyên khoa phụ sản, bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng và tình trạng lâm sàng để có chỉ định phù hợp. Thông thường gồm 1 hoặc nhiều hơn 1 phương pháp sau đây:

Hình ảnh siêu âm poly cổ tử cung

Hình ảnh siêu âm poly cổ tử cung

  • Khám phụ khoa: Đây là bước đầu tiên để kiểm tra các vấn đề bất thường tại âm đạo, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, cổ tử cung.
  • Siêu âm: Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thông dụng nhất, thường chỉ định siêu âm qua âm đạo hoặc siêu âm qua tử cung.
  • Soi tử cung: Phương pháp cho hình ảnh rõ nét, chi tiết phía bên trong tử cung, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi tử cung, đưa qua âm đạo và cổ tử cung để tiến vào phía bên trong.
  • Sinh thiết: Bác sĩ sử dụng thiết bị nhựa mềm để lấy mô ở thành tử cung, đem mẫu đi xét nghiệm để kiểm tra, phát hiện tế bào bất thường.

Cách điều trị bệnh polyp cổ tử cung

Phần lớn các khối u polyp ở cổ tử cung đều lành tính, có thể loại bỏ nhanh chóng bằng phương pháp phẫu thuật. Một số cách loại bỏ được áp dụng phổ biến hiện nay có thể kể đến:

Phẫu thuật là phương pháp điều trị polyp ở cổ tử cung phổ biến nhất

Phẫu thuật là phương pháp điều trị polyp ở cổ tử cung phổ biến nhất

  • Dùng vòng kẹp để loại bỏ các khối u.
  • Buộc chỉ phẫu thuật quanh chân polyp rồi cắt bỏ chúng.
  • Xoắn chân polyp trên bề mặt cổ tử cung, tiến hành loại bỏ chúng.
  • Dùng dao điện đốt chân, hoặc nito lỏng, tia laze,...

Với trường hợp polyp cổ tử cung không gây triệu chứng khó chịu, chị em có thể không phải tiến hành phẫu thuật nhưng cần được theo dõi thường xuyên. Người bệnh nên thăm khám đúng lịch hẹn y tế, hoặc đến sớm hơn thời gian quy định khi có biểu hiện bất thường.

Hướng dẫn chăm sóc sau thủ thuật

Một chế độ chăm sóc hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sau thủ thuật, theo đó người thân nên:

  • Dùng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn.
  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ và cay nóng.
  • Sinh hoạt điều độ, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về chế độ nghỉ ngơi, quan hệ tình dục.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, đặc biệt 1 - 2 ngày sau khi thực hiện thủ thuật thường ra máu âm đạo.
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn.

Biện pháp phòng tránh

Chuyên gia lĩnh vực phụ sản cho rằng, bệnh polyp cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng tránh nếu xây dựng, thay đổi theo lối sống sau đây:

  • Giữ gìn vùng kín sạch sẽ, vệ sinh đúng cách.
  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, ưu tiên rau xanh và hoa quả tươi.
  • Hạn chế, không dùng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.
  • Nên sử dụng quần lót được làm từ chất liệu cotton, giữ vùng kín luôn khô ráo, thoáng mát, lưu thông khí tốt.

Ngoài ra, chị em cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Nếu rối loạn kinh nguyệt thường xuyên, bạn cần đến cơ sở y tế trong thời gian sớm, không nên trì hoãn.

Câu hỏi thường gặp

Polyp cổ tử cung là bệnh lý phụ khoa, do cổ tử cung bị viêm hoặc nhiễm trùng mạn tính. Đây là bệnh lành tính, hiếm khi phát triển thành ung thư cổ tử cung nhưng người bệnh vẫn cần chú ý theo dõi, tuân thủ hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe.

Cắt polyp cổ tử cung bao lâu thì được quan hệ?

Thông thường, sau khi cắt các khối u mềm tại cổ tử cung, người bệnh cần kiêng quan hệ tình dục từ 4 - 6 tuần, tùy mức độ và tình trạng sức khỏe. Chị em phụ nữ cũng như đối phương tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bị polyp cổ tử cung không nên ăn gì?

Một chế độ ăn uống phù hợp cũng có thể quyết định đến tình trạng polyp cổ tử cung, khi được chẩn đoán chị em nên:

Những thực phẩm cần tránh khi bị bệnh

Những thực phẩm cần tránh khi bị bệnh

  • Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, thuốc ngủ, thuốc an thần, những loại chứa chất nicotine gây tác động xấu đến khối u.
  • Kiêng đồ uống chứa cồn như rượu bia, đồ nhiều đường như nước ngọt công nghiệp, cản trở quá trình hồi phục.
  • Nói không với các loại dầu, sơn trà, củ cái, mướp đắng,... không tốt cho đường ruột cũng như hệ miễn dịch của chị em.
  • Hạn chế, không đồ ăn vặt, thực ăn nhanh, thực phẩm giàu carbohydrate, gừng, mì chính, đu đủ xanh, nha đam, đậu nành, rau sam,...

Thủ thuật cắt polyp tương đối đơn giản, diễn ra nhanh chóng và không gây đau đớn nên chị em có thể ra về ngay. Dẫu vậy, để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nên tuân thủ những lưu ý nêu trên, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Kết lại, polyp cổ tử cung là tình trạng ở cổ cung xuất hiện các khối u mềm lành tính, có khoảng 2 - 5% phụ nữ mắc căn bệnh này. Người có polyp ở tử cung thường không bị ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát sao để phòng tránh các biến chứng về sau.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,725

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám