Cảm giác chán nản, cáu gắt, mất ngủ, lo âu kéo dài trước kỳ kinh nguyệt không chỉ đơn thuần có thể là dấu hiệu của một tình trạng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD). Đây là một rối loạn tâm lý đặc biệt, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trạng, hành vi và chất lượng sống của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. PMDD không chỉ khiến người bệnh mất kiểm soát cảm xúc, mà còn gây ra xáo trộn trong các mối quan hệ cá nhân, công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt PMDD là gì?
Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (tiếng Anh: Premenstrual Dysphoric Disorder, viết tắt là PMDD) là một dạng rối loạn cảm xúc nghiêm trọng, được phân loại chính thức như một rối loạn tâm thần trong Hệ thống phân loại chẩn đoán DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, phiên bản thứ 5) do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) phát hành.
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là tình trạng tâm lý nghiêm trọng xảy ra ở một số phụ nữ trong giai đoạn tiền kinh nguyệt
Trong bối cảnh nghiên cứu y học hiện đại, PMDD được xem là một rối loạn có cơ chế sinh học đặc biệt, trong đó cơ thể phản ứng bất thường với sự dao động nội tiết tố estrogen và progesterone, dẫn đến những thay đổi sâu sắc về cảm xúc và tâm thần. Điều này cho thấy PMDD không chỉ là vấn đề nội tiết thông thường, mà là một rối loạn tâm thần chu kỳ có yếu tố nội sinh và hệ thần kinh trung ương tham gia trực tiếp.
PMDD và PMS giống nhau ở chỗ cả hai đều xảy ra trong 1 hoặc 2 tuần trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu, khi mức độ hormone giảm. Cả hai đều gây ra các triệu chứng về thể chất như chuột rút, đau đầu hay đầy hơi.
Tuy nhiên, khác với PMS phổ biến và nhẹ hơn, PMDD được xem là một rối loạn có thể gây suy giảm chức năng nghiêm trọng trong công việc, học tập, các mối quan hệ xã hội và chất lượng cuộc sống tổng thể của người bệnh. Mặc dù diễn ra theo chu kỳ kinh nguyệt, PMDD không đơn thuần là hiện tượng sinh lý mà là một dạng rối loạn tâm thần đặc thù liên quan đến nội tiết tố nhưng ảnh hưởng đến não bộ và hành vi.
Triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt PMDD
Các triệu chứng PMDD bắt đầu từ một đến hai tuần trước kỳ kinh nguyệt. Mức độ giảm dần sau khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
PMDD có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ của người phụ nữ
Triệu chứng cảm xúc
Các triệu chứng cảm xúc phổ biến bao gồm:
- Thay đổi tâm trạng đột ngột hoặc cực đoan, chẳng hạn như buồn bã, dễ khóc hoặc nhạy cảm hơn với sự từ chối;
- Tăng tính cáu kỉnh, tức giận hoặc xung đột với người khác;
- Cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, vô giá trị hoặc tội lỗi;
- Cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc 'bồn chồn';
- Dễ mất kiểm soát;
- Giảm hứng thú với các hoạt động thường ngày như công việc, trường học, bạn bè hoặc sở thích;
- Khó tập trung.
Triệu chứng vật lý
- Mệt mỏi hoặc năng lượng thấp;
- Thay đổi cảm giác thèm ăn, chẳng hạn như ăn quá nhiều hoặc thèm những loại thực phẩm cụ thể;
- Khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ (mất ngủ);
- Ngực đau hoặc sưng;
- Đau khớp hoặc đau cơ;
- Đầy hơi;
- Tăng cân.
Nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Các nhà nghiên cứu hiện chưa xác định được nguyên nhân của thể gây ra rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Hầu hết cho rằng đó có thể là phản ứng bất thường với những thay đổi hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh có thể liên quan đến sự thay đổi hormone, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và tâm trạng
Các yếu tố nguy cơ PMDD
PMDD ảnh hưởng đến 10% phụ nữ hoặc những người được chỉ định là nữ sau sinh (Assigned Female At Birth - AFAB) trong độ tuổi sinh đẻ. Nhiều người mắc PMDD cũng có thể bị lo lắng hoặc trầm cảm.
Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa PMDD và mức serotonin thấp - một chất hóa học trong não giúp truyền tín hiệu thần kinh. Một số tế bào não sử dụng serotonin cũng kiểm soát tâm trạng, giấc ngủ, sự chú ý và cơn đau. Những thay đổi về hormone có thể gây ra tình trạng giảm serotonin, dẫn đến các triệu chứng PMDD.
Các yếu tố nguy cơ khác của PMDD bao gồm:
- Lo lắng hoặc trầm cảm;
- Hội chứng tiền kinh nguyệt;
- Tiền sử gia đình mắc PMS, PMDD hoặc rối loạn tâm trạng;
- Tiền sử chấn thương, lạm dụng hoặc các sự kiện căng thẳng khác trong cuộc sống.
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống?
PMDD có tác động sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ bị PMDD trải qua sự suy giảm đáng kể về chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe, ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội, sở thích và mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Nguy hiểm hơn, các triệu chứng nghiêm trọng của PMDD có thể gây ra tác động tiêu cực, dẫn đến ý nghĩ tự tử hoặc hành vi tự hại muốn giải thoát cho bản thân khỏi tuyệt vọng, bế tắc.
Chẩn đoán chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác bệnh sử và đánh giá triệu chứng, giúp loại trừ các vấn đề về sức khoẻ và rối loạn khác như rối loạn lo âu/trầm cảm.
Chẩn đoán theo tiêu chuẩn DSM - 5
PMDD được chẩn đoán dựa trên sự xuất hiện của ít nhất 5 triệu chứng, trong đó phải có ít nhất một triệu chứng liên quan đến tâm trạng
Người mắc PMDD phải có ít nhất 5/11 triệu chứng. Trong đó, phải có 1/4 triệu chứng đầu tiên được liệt kê, bao gồm:
- Tâm trạng chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, tự ti;
- Căng thẳng, lo lắng, bất an hoặc bồn chồn;
- Tức giận, cáu kỉnh, dễ xảy ra xung đột với người khác;
- Cảm xúc thay đổi thất thường;
- Giảm hứng thú với các hoạt động đã từng yêu thích;
- Khó tập trung;
- Mệt mỏi, uể oải thiếu năng lượng rõ rệt;
- Chán ăn hoặc rất thèm ăn một số món nhất định;
- Mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ li bì;
- Triệu chứng vật lý: Đau hoặc sưng vú, đau khớp, cơ, đau đầu, tăng cân hoặc cảm giác bị đầy hơi.
Các triệu chứng phải đảm bảo tiêu chuẩn sau:
- Có ảnh hưởng nghiêm trọng tới học tập, công việc, nghề nghiệp hoặc các hoạt động xã hội;
- Triệu chứng phải liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, không phải là sự trầm trọng của các rối loạn khác;
- Xảy ra ít nhất trong kỳ kinh nguyệt liên tiếp.
Kiểm tra rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Để chẩn đoán PMDD, người bệnh có thể cần ghi lại chi tiết các triệu chứng. Đồng thời, cần sử dụng các công cụ hỗ trợ như thang đo, bài test rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Cụ thể:
- PSST - Công cụ sàng lọc triệu chứng tiền kinh nguyệt;
- VAS - Thang đo mức độ đau qua thị giác;
- PROMIS - Hệ thống đo lường các triệu chứng tiền kinh nguyệt;
- COPE - Lịch trình trải nghiệm tiền kinh nguyệt;
- DRSP - Bản ghi hàng ngày về mức độ nghiêm trọng của tiền kinh nguyệt
Các phương pháp điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Việc điều trị PMDD nhằm mục đích ngăn ngừa và giảm thiểu các triệu chứng bằng các phương pháp bao gồm:
Thuốc chống trầm cảm (SSRI)
Các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) như sertraline, fluoxetine và escitalopram là lựa chọn hàng đầu trong điều trị PMDD. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng SSRI giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm, lo âu và thay đổi tâm trạng nghiêm trọng của PMDD. Những thuốc này có thể được sử dụng hàng ngày trong suốt chu kỳ kinh nguyệt hoặc chỉ trong giai đoạn hoàng thể. Cả hai phương pháp đều hiệu quả, nhưng sử dụng liên tục thường cho kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, SSRI có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu hoặc giảm ham muốn tình dục.
Thuốc tránh thai kết hợp
Các thuốc tránh thai kết hợp chứa drospirenone và ethinyl estradiol cũng là một phương pháp hiệu quả trong điều trị PMDD. Nghiên cứu cho thấy khi sử dụng chế độ 24 ngày hoạt động và 4 ngày không hoạt động, các triệu chứng PMDD có thể giảm đáng kể. Việc sử dụng liên tục mà không có giai đoạn không hoạt động cũng đã được nghiên cứu, mặc dù kết quả không nhất quán. Thuốc tránh thai có thể là lựa chọn hiệu quả cho những phụ nữ không muốn hoặc không thể sử dụng các phương pháp khác.
Thuốc chống lo âu
Các thuốc chống lo âu như alprazolam có thể được sử dụng trong điều trị PMDD để giúp giảm lo âu và căng thẳng trong giai đoạn hoàng thể. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống lo âu không phải là phương pháp đầu tay do nguy cơ lệ thuộc thuốc và tác dụng phụ liên quan đến nhận thức. Alprazolam có thể được dùng trong thời gian ngắn và khi các phương pháp khác không đạt được hiệu quả mong muốn.
Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng
Bổ sung dinh dưỡng có thể đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu triệu chứng bệnh
Ngoài việc sử dụng thuốc, chế độ ăn uống hợp lý và bổ sung dinh dưỡng cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng PMDD. Các nghiên cứu cho thấy một số chất dinh dưỡng có thể giúp giảm lo âu và trầm cảm, chẳng hạn như:
- Magnesium: Giúp giảm căng thẳng và hỗ trợ hệ thần kinh, có trong các thực phẩm như hạt hạnh nhân, chuối, và rau lá xanh.
- Vitamin B6: Thúc đẩy sản xuất serotonin, có trong thịt gia cầm, cá, khoai tây và các loại hạt.
- Omega-3: Giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe tâm lý, có trong cá béo như cá hồi và cá thu.
- Vitamin D: Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm và lo âu, và có thể bổ sung qua các thực phẩm như cá béo và lòng đỏ trứng.
- Probiotics: Hỗ trợ sức khỏe đường ruột và có thể giúp cải thiện tâm trạng, có trong sữa chua, kefir và các thực phẩm lên men.
Thay đổi lối sống và các biện pháp bổ sung
Thực hiện các thay đổi trong lối sống cũng là một phần quan trọng trong việc điều trị PMDD. Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập aerobic, có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và mức năng lượng. Yoga cũng đã được chứng minh là giúp giảm đau bụng kinh và các triệu chứng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, giảm tiêu thụ caffeine, đường và rượu có thể giúp giảm các triệu chứng của PMDD, mặc dù bằng chứng về hiệu quả của các thay đổi chế độ ăn uống còn hạn chế.
Kết luận
PMDD không phải là “sự nhạy cảm quá mức” mà là một rối loạn tâm thần thực sự, có thể làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng sống nếu không được nhận diện và điều trị đúng cách. Những thay đổi tiêu cực về cảm xúc, hành vi và thể chất trước kỳ kinh nguyệt không nên bị xem nhẹ. Việc thấu hiểu, đồng hành và can thiệp kịp thời là chìa khóa giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng và sống khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Nếu quý khách còn bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám trực tiếp tại website. Bộ phận tư vấn sẽ tư vấn và hỗ trợ miễn phí.