Tổng quan về sán dây chó
Sán dây chó (tiếng Anh: Echinococcus granulosus), là một loại ký sinh trùng thuộc họ Taeniidae, có vòng đời phức tạp bao gồm hai vật chủ chính: chó (hoặc động vật họ chó như sói, cáo) là vật chủ chính, và các loài động vật ăn cỏ như cừu, dê, bò và cả người là vật chủ trung gian. Loài sán này là tác nhân gây bệnh ấu trùng sán dây chó (hay còn gọi là bệnh nang sán Echinococcus) ở người – một căn bệnh truyền nhiễm có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, phổi và các cơ quan khác.
Echinococcus granulosus trưởng thành có chứa trứng
Đặc điểm nổi bật của sán dây chó là kích thước nhỏ ở thể trưởng thành (chỉ dài từ 2 – 7 mm), nhưng khi phát triển thành nang trong cơ thể vật chủ trung gian, chúng có thể tạo nên các nang chứa hàng trăm đầu sán bên trong, ảnh hưởng lớn đến chức năng cơ quan bị xâm lấn. Người bị nhiễm bệnh thường là do nuốt phải trứng sán có trong phân chó thông qua thực phẩm, nước uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với chó nhiễm bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh do sán dây chó gây ra nằm trong nhóm bệnh "bị lãng quên" (neglected tropical diseases - NTDs), chủ yếu xuất hiện ở các khu vực chăn nuôi gia súc với điều kiện vệ sinh kém, như Nam Mỹ, Bắc Phi, Trung Đông, châu Á và một số vùng nông thôn tại Việt Nam. Bệnh tiến triển âm thầm và có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ trước khi xuất hiện triệu chứng, khiến việc phát hiện và kiểm soát trở nên khó khăn.
Chu kỳ phát triển của sán dải chó
Chu kỳ phát triển của sán dải chó
- Tại đây, sán trưởng thành phát triển và sinh sản. Cơ thể sán được chia thành nhiều đốt (segment). Những đốt chín sẽ rụng ra và theo phân ra ngoài môi trường.
- Các đốt sán chứa gói trứng sẽ vỡ ra, phát tán trứng vào môi trường. Trứng này có thể tồn tại trong môi trường và là nguồn lây nhiễm.
- Trong môi trường (đất, thảm, nơi ngủ của thú cưng), ấu trùng bọ chét sẽ vô tình ăn phải trứng sán khi tìm kiếm chất hữu cơ để phát triển.
- Bên trong cơ thể của ấu trùng bọ chét, trứng sán sẽ phát triển thành dạng ấu trùng sán dây (cysticercoid).
- Khi bọ chét lột xác thành thể trưởng thành, ấu trùng sán dây vẫn tồn tại bên trong chúng.
- Trong quá trình vệ sinh cơ thể hoặc cắn bọ chét, chó/mèo sẽ nuốt phải bọ chét chứa ấu trùng sán. Ấu trùng sán sẽ thoát ra khỏi bọ chét trong ruột của vật chủ, rồi phát triển thành sán dây trưởng thành, hoàn tất chu trình.
Bị nhiễm sán dây chó có nguy hiểm không?
Câu trả lời là CÓ. Nhiễm sán dây chó là một bệnh ký sinh trùng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dưới đây là những nguy hiểm tiềm ẩn khi bị nhiễm sán dây chó:
Hình thành nang sán ở nội tạng quan trọng
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, trứng sán nở ra ấu trùng và di chuyển đến gan, phổi, não, xương, lách hoặc các cơ quan khác qua đường máu, nơi chúng hình thành nang sán chứa dịch. Nang có thể phát triển trong nhiều năm và gây tổn thương nghiêm trọng. Theo WHO, gan là cơ quan bị ảnh hưởng phổ biến nhất (chiếm khoảng 70%), sau đó là phổi (khoảng 20%).
Chèn ép cơ học gây biến chứng nguy hiểm
Khi nang sán lớn dần, nó có thể chèn ép cơ học lên các mô và cơ quan xung quanh. Ví dụ:
- Ở gan: Gây đau bụng, vàng da, tổn thương gan.
- Ở phổi: Gây ho kéo dài, khó thở, đau ngực.
- Ở não: Gây rối loạn thần kinh, động kinh, thậm chí tử vong nếu không can thiệp.
- Ở mắt: Suy giảm một bên thị lực, lâu dần dẫn đến mất thị lực hoàn toàn.
Nguy cơ tử vong khi vỡ nang sán
Vỡ nang sán có thể xảy ra tự nhiên hoặc sau chấn thương. Nang vỡ sẽ giải phóng dịch nang chứa kháng nguyên mạnh, gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng, sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong nếu không xử lý cấp cứu kịp thời.
Sán dây chó lây sang người bằng đường nào?
Việc hiểu rõ các con đường lây nhiễm giúp phòng tránh hiệu quả căn bệnh ký sinh trùng nguy hiểm này.
Lây truyền qua đường tiêu hóa là con đường chính
Con người bị nhiễm sán dây chó chủ yếu qua đường tiêu hóa, khi vô tình nuốt phải trứng sán có trong phân chó nhiễm bệnh. Những trứng sán này rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường và có thể tồn tại trong môi trường, đặc biệt là đất, cát, rau sống, nước uống hoặc các vật dụng có nhiễm phân chó. Khi người chạm tay vào các bề mặt này rồi đưa lên miệng hoặc ăn uống mà không rửa tay sạch, trứng sán sẽ vào cơ thể, phát triển thành nang sán ở các cơ quan nội tạng như gan, phổi, não...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người có nguy cơ cao là trẻ nhỏ chơi đùa với chó bị nhiễm mà không rửa tay trước khi ăn, hoặc người sống trong vùng có tỷ lệ chó nhiễm sán cao.
Lây nhiễm gián tiếp qua rau sống, nước và thực phẩm
Ngoài tiếp xúc trực tiếp với chó hoặc phân chó, người cũng có thể nhiễm sán dây chó qua thực phẩm bị ô nhiễm, đặc biệt là rau sống hoặc nước chưa qua xử lý. Trứng sán có thể tồn tại trên bề mặt rau, củ quả được trồng ở nơi có phân chó hoặc tưới bằng nguồn nước nhiễm bẩn. Nếu không rửa sạch hoặc nấu chín kỹ, người ăn phải các thực phẩm này có thể bị nhiễm bệnh.
Rau không được chế biến kỹ và sạch sẽ trở thành nguồn lây nhiễm sán cho con người
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rau sống là một nguồn lây nhiễm không thể bỏ qua trong các ổ dịch liên quan đến sán dây chó, đặc biệt ở các khu vực chăn nuôi gia súc gần nơi sinh sống của người dân.
Không lây trực tiếp từ người sang người
Sán dây chó không lây truyền trực tiếp từ người sang người vì sán chó là loài đặc trưng gây bệnh ở loài chó. Trứng sán chỉ phát triển khi vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, nên tiếp xúc thông thường với người bị bệnh không gây lây lan. Bên cạnh đó, sán cho không thể di chuyển qua đường máu hay qua sữa mẹ nên không thể lây truyền từ mẹ sang con.
Triệu chứng của bệnh sán dây chó là gì?
Khi bị nhiễm sán dây chó, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc bị rối loạn tiêu hoá nhẹ.
Đến giai đoạn bệnh ở mức độ trung bình, sẽ xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, nhức đầu, tiêu chảy, dị ứng, đau thượng vị, chán ăn, khó tiêu, đau bụng.
Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn, bệnh bắt đầu có thêm biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau bụng, giảm cân, tiêu chảy, ngứa xung quanh vùng hậu môn, động kinh, ói mửa, thiếu máu, suy nhược.
Do bệnh sán dây chó không có dấu hiệu đặc trưng nên bệnh nhân sẽ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như: Da liễu, rối loạn tiêu hoá, một số bệnh mạn tính bao gồm viêm ruột, bệnh Crohn’s, hội chứng đại tràng kích thích, bệnh Celiac, viêm tụy, bất dung nạp lactose, hội chứng dạng ung thư, sỏi mật,...
Xem thêm:
Điều trị sán dải chó bằng cách nào?
Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm và triệu chứng bệnh cụ thể để xác định được phác đồ điều trị phù hợp với từng cá nhân. Điều quan trọng là bệnh nhân cần phải thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ để có thể đảm bảo được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Điều trị bằng thuốc
Người bị nhiễm sán dây chó thường được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc Praziquantel hoặc thuốc Niclosamide.
- Với thuốc Niclosamide: Là thuốc có tác dụng trực tiếp lên đầu sán, giúp cản trở sự chuyển hoá năng lượng cho ức chế hình thành ATP (phân tử mang năng lượng), ức chế thu nạp glucose của sán. Từ đó có thể giết chết sán và tống sán ra ngoài theo phân.
- Với thuốc Praziquantel: Thuốc có hoạt phổ diệt sán rộng trên cả sán trưởng thành và ấu trùng sán. Tác dụng làm tăng tính thấm của màng tế bào sán, khiến sán bị mất Ca2+ nội bào. Từ đó, sán bị co cứng, liệt cơ và bị tiêu diệt.
Sử dụng kỹ thuật PAIR
Kỹ thuật này sử dụng kim hoặc ống thông để chọc thủng u nang để dẫn lưu. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm một loại hóa chất chống sán vào u nang rồi dẫn lưu. Quá trình này sẽ được lặp lại cho tới khi u nang đã sạch hoàn toàn.
Phẫu thuật
Trong một trường hợp nghiêm trọng như động kinh hoặc xuất hiện các khối u, bác sĩ sẽ khuyến nghị người bệnh chuyển sang phương pháp phẫu thuật.
Cách phòng ngừa và chăm sóc khi bị nhiễm sán dải chó
Dưới đây là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả và hướng dẫn chăm sóc khi bị nhiễm sán dải chó:
Biện pháp phòng ngừa nhiễm sán dải chó
Tẩy giun sán cho chó giúp ngăn ngừa các bệnh do giun sán gây ra
- Tẩy giun định kỳ cho chó và mèo nuôi trong nhà từ 3–6 tháng để cắt đứt chuỗi lây nhiễm (Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
- Không cho chó ăn nội tạng sống hoặc thịt chưa nấu chín đặc biệt là gan, phổi và nội tạng của động vật bị nhiễm có thể chứa ấu trùng sán.
- Xử lý phân chó đúng cách. Đeo găng tay khi dọn và không để trẻ nhỏ chơi gần nơi chó phóng uế.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với chó mèo
- Rửa sạch rau sống, hoa quả và nấu chín thức ăn kỹ trước khi ăn
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh sán dải chó. Đặc biệt là vùng nông thôn, nơi nuôi chó và giết mổ gia súc diễn ra thường xuyên.
Hướng dẫn chăm sóc khi nghi ngờ hoặc đã nhiễm sán dải chó
- Khám và chẩn đoán tại cơ sở y tế chuyên khoa nếu nghi ngờ nhiễm sán để được chẩn đoán chính xác bằng siêu âm, CT scan, MRI hoặc xét nghiệm miễn dịch.
- Không tự ý điều trị hoặc dùng thuốc tẩy giun phổ thông thông thường. Việc tự dùng thuốc có thể gây biến chứng như vỡ nang, dẫn đến phản ứng phản vệ nguy hiểm.
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ
- Người bệnh cần tái khám theo lịch hẹn để theo dõi tiến triển nang sán, phòng ngừa tái phát hoặc biến chứng.
- Bệnh nhân cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý và hỗ trợ tâm lý vì quá trình điều trị kéo dài có thể gây căng thẳng.
Nếu Quý khách có nhu cầu thăm khám, có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được nhân viên tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.
Kết luận
Sán dây chó có thể lây sang người một cách âm thầm qua thói quen sinh hoạt tưởng như vô hại, đặc biệt là khi tiếp xúc gần gũi với vật nuôi mà không vệ sinh đúng cách. Các triệu chứng của bệnh thường diễn tiến chậm nhưng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu bỏ qua. Việc chủ động phòng ngừa bằng vệ sinh cá nhân, tẩy giun định kỳ cho thú nuôi và nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi mối đe dọa này.