Thủng vách ngăn mũi là sự hình thành lỗ thủng ngay trên vách ngăn giữa 2 lỗ mũi, gây nhiều triệu chứng khó chịu. Hiện nay có hai phương pháp điều trị, nội khoa hoặc ngoại khoa, bác sĩ sẽ dựa vào bệnh tình thực tế để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Thủng vách ngăn mũi là gì?
Thủng vách ngăn mũi là tình trạng biến đổi cấu trúc ở vách ngăn, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông khí trong mũi. Lỗ thủng thường xuất hiện chính ở vùng sụn mỏng phía trước mũi.
Tùy mức độ thủng nặng, nhẹ, kích thước lỗ thủng mà bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng khác nhau:
- Lỗ thủng nhỏ là những lỗ thủng vách ngăn có đường kính dưới 0.5cm.
- Lỗ thủng trung bình là những lỗ thủng vách ngăn có đường kính từ 0.5 - 2cm.
- Lỗ thủng lớn là những lỗ thủng có đường kính ước tính trên 2cm.

Thủng vách ngăn mũi là tình trạng vách ngăn mũi bị biến đổi cấu trúc
Vách ngăn mũi được cấu tạo từ sụn và xương, phân chia hốc mũi thành hai đường dẫn khí phải và trái riêng biệt. Toàn bộ vách ngăn được bao phủ bởi niêm mạc, kết hợp với các cuốn mũi trong giúp làm ấm, ẩm và sạch không khí trước khi vận chuyển xuống phổi.
Triệu chứng vách ngăn mũi bị thủng
Mỗi cá nhân sẽ có triệu chứng thủng vách ngăn mũi khác nhau, nhiều trường hợp không có biểu hiện hoặc biểu hiện nhẹ nên rất khó nhận biết. Bệnh rõ ràng hơn khi lỗ thủng rách lớn, càng gần lỗ mũi hay thủng phía trước vách ngăn, người bệnh càng nhận thức rõ ràng hơn.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết mà bạn có thể tham khảo:
- Khi thở cảm giác nghe được tiếng sáo trong mũi ở bệnh nhân có nhiều lỗ thủng nhỏ.
- Rìa lỗ thủng đóng vảy mũi.
- Khi hít vào có cảm giác thiếu lực hoặc bị hụt hơi.
- Chảy máu mũi.
- Sổ mũi thường xuyên.
- Mũi đau nhức.
- Xuất hiện mùi khó chịu trong mũi.

Dấu hiệu nhận biết vách ngăn mũi bị thủng
Liên hệ hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám tại Bệnh viện Phương Đông, nhận tư vấn, thăm khám từ bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng.
Nguyên nhân gây bệnh
Vách ngăn mũi bị thủng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải đề cập đến:
- Viêm loét, nhiễm trùng hình thành ổ mủ ở vách ngăn không được điều trị kịp thời, dứt điểm.
- Chấn thương mũi làm gãy mũi, sụn xương xô lệch dẫn đến đứt rách niêm mạc hoặc tụ máu vách ngăn.
- Biến chứng của phẫu thuật vách ngăn, đặt ống thông dạ dày,...
- Lạm dụng thuốc xịt mũi chứa steroid hoặc sử dụng không đúng cách.
- Người bị rối loạn tự miễn, đặc biệt với trường hợp u hạt độc wegener.
- Người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại như thủy ngân, asen, amiang, mạ crom,...
- Người gặp biến chứng của các bệnh giang mai, lao,...

Đa dạng nhóm nguyên nhân khiến vách ngăn mũi bị thủng
Ngoài ra, người có tiền sử mắc bệnh tai mũi họng có nguy cơ bị thủng vách ngăn cao hơn người bình thường. Bệnh nhân cần chủ động theo dõi, thăm khám ngay khi có biểu hiện bất thường.
Biến chứng nguy hiểm
Thủng vách ngăn là bệnh lý cần được thăm khám và điều trị sớm, ngừa các biến chứng tác động đến cuộc sống cũng như sức khỏe:
- Tăng nguy cơ viêm họng, viêm thanh quản do dịch mủ từ mũi chảy xuống họng.
- Xơ hóa hoặc hình thành sẹo xấu khi lỗ thủng phát triển lớn.
- Tình trạng tắc mũi, thở khò khè diễn tiến kéo dài.
- Cấu trúc vách ngăn mũi bị phá hủy do lỗ thủng quá lớn.
Phương pháp chẩn đoán
Nếu nghi ngờ bị thủng vách ngăn, bạn cần đến cơ sở y tế thăm khám sớm, loại ngừa các bệnh lý về mũi hoặc hệ hô hấp. Quy trình thăm khám cơ bản diễn ra từ việc khám lâm sàng, khai thác triệu chứng, tiền sử sức khỏe và thói quen sinh hoạt cá nhân.

Khám lâm sàng là bước đầu chẩn đoán thủng vách ngăn
Tiếp đến bác sĩ sẽ sử dụng đèn soi chuyên dụng, kiểm tra và thực hiện một số thao tác kiểm tra vách ngăn mũi. Chuyên sâu hơn sẽ nhờ đến đến máy nội soi mũi, đánh giá chính xác các tổn thương và cấu trúc bên trong mũi.
Dựa vào kết quả quan sát tình trạng hiện tại, bệnh nhân có thể được chỉ định sinh thiết vùng rìa lỗ thủng. Phương pháp này cho kết quả giải phẫu bệnh chính xác, đặc biệt ứng dụng loại trừ ung thư.
Phương pháp điều trị thủng vách ngăn
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị vết thủng vách ngăn phù hợp với bệnh nhân. Mục tiêu điều trị hướng đến giải quyết triệt để các nguyên nhân, thuyên giảm triệu chứng và đóng lỗ thủng.
Điều trị nội khoa và ngoại khoa là hai phương pháp chính được áp dụng:
Điều trị nội khoa
Hướng điều trị nội khoa chỉ nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế bệnh diễn tiến nặng. Phương pháp này không có tác dụng dứt điểm lỗ thủng vách ngăn.
- Tránh xa các tác nhân gây bệnh như các loại hóa chất độc hại, hút thuốc lá, ngoáy mũi hoặc lạm dùng thuốc xịt mũi chứa steroid.
- Làm sạch mũi hàng ngày với nước muối sinh lý.
- Tạo độ ẩm không khí với máy chuyên dụng, tránh làm khô mũi, tắc mũi và ngứa mũi.
- Bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ lên lỗ thủng tránh tình trạng nhiễm trùng.
- Dùng nút bịt lỗ thủng chuyên dụng để hạn chế các triệu chứng bệnh lý. Tuy nhiên cần tháo ra vệ sinh hàng ngày, hạn chế nhiễm trùng thứ phát.

Điều trị vách ngăn bị thủng bằng thuốc
Điều trị ngoại khoa
Triệu chứng thủng vách ngăn tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị bằng phẫu thuật. Việc tiến hành mổ nhằm đáp ứng mục tiêu chỉnh hình lỗ hoặc vết thủng vách ngăn.
Can thiệp ngoại khoa được coi là giải pháp điều trị hiệu quả nhất, đóng dứt điểm lỗ thủng vách ngăn. Bệnh nhân sẽ được sử dụng sụn tự thân như sụn vành tai, sụn sườn, sụn mũi để đóng lỗ thủng.
Tuy nhiên phương pháp này chỉ được thực hiện bởi chuyên gia y tế lành nghề. Xuyên suốt quá trình, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân, giảm thiểu lo lắng hoặc đau đớn khi phẫu thuật.
Hướng dẫn chăm sóc phục hồi
Lỗ thủng vách ngăn nhỏ có thể tự lành lại sau một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian này bạn nên chú ý đến khâu chăm sóc, thực hiện xịt/rửa nhẹ nhàng với nước muối sinh lý, giảm các triệu chứng khó chịu.

Gợi ý chăm sóc, vệ sinh hỗ trợ điều trị vách ngăn mũi bị thủng
Nếu tiến hành phẫu thuật, quá trình phục hồi có thể kéo dài hơn. Bệnh nhân cần đeo nẹp cố định trong mũi từ 1 - 2 ngày, có thể kéo dài lên vài tuần đến khi vách ngăn hoàn toàn lành lại.
Phòng ngừa biến chứng, đẩy nhanh tốc độ phục hồi bạn nên hạn chế các hoạt động gắng sức. Thay vào đó tập trung việc vệ sinh sạch sẽ, đều đặn tái khám với bác sĩ….
Kết luận
Thủng vách ngăn mũi là biến cố mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, bệnh không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và xử lý kịp thời. Bạn nên lựa chọn cơ sở y tế chuyên môn, dày kinh nghiệm để đảm bảo an toàn, giúp hồi phục triệt để lỗ thủng.