Trẻ ăn vào là bị nôn: Cha mẹ cần nắm vững các nguyên tắc xử lý để đảm bảo an toàn cho con

Hồ Trinh

16-03-2021

goole news
16

Trẻ ăn vào là bị nôn thường khiến cha mẹ rất lo lắng bởi dấu hiệu này liên quan đến nhiều bệnh lý đường tiêu hóa. Vậy nguyên nhân khiến trẻ bị nôn và cách xử lý như thế nào để đảm bảo an toàn cho con. Các bậc phụ huynh hãy cùng theo dõi trong bài viết dưới đây nhé!

Thế nào là nôn trớ ở trẻ em?

Nôn trớ rất thường xảy ra ở trẻ em trong những năm đầu đời. Trớ dễ gặp hơn, đó là khi luồng thức ăn bị trào ngược đơn thuần sau ăn, bắt nguồn từ nguyên nhân thực quản không có sự co bóp của các cơ vân. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, có tới 50% trẻ dưới 3 tháng tuổi và khoảng 67% trẻ 4 tháng tuổi bị trớ tối thiểu 1 lần/ngày.

Nôn hay gặp ở trẻ lớn hơn, là hiện tượng thức ăn đã xuống dạ dày nhưng vẫn bị đẩy lên thực quản rồi trào ra khỏi miệng do quá trình co bóp của cơ trơn dạ dày ruột và sự co thắt của cơ trơn thành bụng.   

Nôn trớ sau khi ăn là tình trạng rất thường gặp ở trẻ trong những năm đầu đời

Nôn trớ sau khi ăn là tình trạng rất thường gặp ở trẻ trong những năm đầu đời.

Nguyên nhân gây nên tình trạng nôn trớ ở trẻ sau khi ăn

Trẻ trớ sinh lý

Không phải tất cả các trường hợp trẻ nôn trớ đều là bệnh lý. Với trẻ sơ sinh, hiện tượng trớ hay xảy ra do tứ thế bú hoặc cách cho ăn sai. Cha mẹ có thể tự điều trị ở nhà bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, phương pháp cho ăn,...

Trẻ bị nhiễm trùng tiết niệu 

Hiện tượng nôn trớ xảy ra do thức ăn trong dạ dày bị kích thích đẩy lên thực quản và trào ra ngoài miệng. Nhưng đó có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị nhiễm trùng tiết niệu nếu cùng với nôn ói, trẻ bị sốt cao, đôi khi đi tiểu thấy đau rát kèm mùi khó chịu.

Trẻ bị viêm dạ dày ruột và ngộ độc thức ăn

Trẻ ăn vào là bị nôn có thể là do viêm dạ dày hoặc ngộ độc thức ăn. Do dấu hiệu nôn của 2 bệnh lý này khá giống nhau là đều bị nôn ồ ạt 5-30 phút/ lần. Vậy để phân biệt rõ hơn, cha mẹ nên chú ý thêm các biểu hiện sau ở trẻ:

- Với trẻ bị viêm dạ dày:

+ Thường bị đau bụng nôn đột ngột, có thể sốt cao sau đó.

+ Thời gian nôn thường kéo dài khoảng 3 ngày. 

+ Ở ngày đầu và ngày thứ 2 trẻ có thể bị tiêu chảy.

- Với trẻ bị ngộ độc thức ăn:

+ Sau khi ăn phải những thức ăn có chất độc hại, kém chất lượng  từ 2-12 tiếng trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng nôn.

+ Trẻ không có dấu hiệu sốt, nhưng có thể có hoặc không bị tiêu chảy.

+ Nếu trẻ bị nôn kèm sốt cao kéo dài thì nguyên nhân không phải do ngộ độc thực phẩm.

Trẻ ăn vào là bị nôn nguyên nhân có thể do ngộ độc thực phẩm.

Trẻ ăn vào là bị nôn nguyên nhân có thể do ngộ độc thực phẩm.

Trẻ bị nôn do lồng ruột

Thông thường, trường hợp bé ăn vào là nôn ra mà nguyên nhân do lồng ruột sẽ chỉ xuất hiện ở một số trẻ dưới 4 tháng tuổi. Bên cạnh nôn trớ, cha mẹ để ý thêm các dấu hiệu nhận biết gồm:  

 - Da trẻ nhợt nhạt, chân thường co về phía bụng. 

 - Trẻ đi ngoài phân lỏng. 

 - Trong phân có thể kèm theo máu. 

Trẻ bị tắc ruột nên nôn 

Tuy hiếm gặp nhưng bé ăn vào là nôn do bị tắc ruột rất nguy hiểm cần được theo dõi sát sao để đưa đi chữa trị kịp thời. Cùng với tình trạng nôn vọt, lúc này trẻ sẽ có các triệu chứng như sau:  

 - Trẻ đau bụng dữ dội, đau từng cơn đột ngột hoặc liên tục.

 - Nôn mật vàng, mật xanh.

 - Không đi đại tiện được.

 - Vã mồ hôi nhiều, sắc mặt nhợt nhạt.

 - Tình trạng ngày càng nặng.

Trẻ bị nôn do trúng gió, cảm lạnh

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị nôn sau ăn thường gặp. Bởi thực tế câu hỏi trẻ bị trúng gió nôn phải làm sao được rất nhiều phụ huynh tìm kiếm. Nếu trẻ bị nôn do trúng gió, cảm lạnh thì cha mẹ sẽ thấy con có nhiều nước mũi. Nước mũi chảy xuống họng hoặc trẻ nuốt xuống bụng gây khó chịu khiến trẻ ho nhiều nên trẻ ăn vào là bị nôn.

Trẻ bị nôn sau ăn kèm dấu hiệu sốt cao cần được theo dõi sát sao và đưa đi thăm khám với bác sĩ.

Trẻ bị nôn sau ăn kèm sốt cao cần được theo dõi sát sao và thăm khám với bác sĩ.

Những nguyên tắc khi xử lý trẻ ăn vào là bị nôn

Nguyên tắc xử lý chung

Phụ huynh thấy trẻ ăn vào là bị nôn ra thì điều đầu tiên cần làm là lấy khăn vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo cho con (nếu cần). Các bữa ăn sau đó nên quàng khăn vào cổ trẻ nhằm hạn chế tình trạng quần áo, cơ thể trẻ bị bẩn do nôn trớ. Đặc biệt, để tránh gây nguy hiểm cho trẻ, cha mẹ cần ghi nhớ các nguyên tắc quan trọng khi xử lý trẻ bị nôn sau ăn dưới đây:

- Không bế xốc trẻ nên khi trẻ đang nôn dễ khiến dịch nôn bị đi ngược vào phổi gây nguy hiểm cho trẻ.  

- Nếu thấy trẻ nôn ra lượng lớn thức ăn hoặc sữa thì nhanh chóng đặt trẻ nằm nghiêng về một phía để dịch không tràn vào phổi.

- Không lớn tiếng la mắng khiến trẻ sợ hãi, hãy nhẹ nhàng trò chuyện, dỗ dành con.

- Thực hiện vuốt nhẹ ở lưng hoặc ngực theo chiều từ trên xuống. 

- Có thể vỗ tay, hoặc làm hành động gì đó gây chú ý để trẻ quên đi và dừng việc nôn trớ. 

- Trẻ vừa mới nôn xong thì không nên tiếp tục cho trẻ ăn ngay mà phải vệ sinh mũi miệng, quần áo, giúp trẻ sạch sẽ, hạn chế mùi khó chịu từ dịch nôn.

- Tuyệt đối không tự ý mua các loại thuốc chống nôn cho trẻ.

Xử lý đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi

- Nếu trẻ đang bú mẹ thì mẹ có thể tiếp tục cho bé bú nhưng không cho bú quá no, nên cho trẻ bú khoảng 2 phút/lần.

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa cần bổ sung nước. Mẹ chỉ cần cho con bú đầy đủ.

- Không để trẻ bị mất nước. Dấu hiệu trẻ mất nước gồm: Miệng khô, tiểu ít.   

Xử lý đối với trẻ từ 7-12 tháng tuổi 

- Nếu trẻ vẫn bú sữa mẹ hãy tiếp tục cho bé bú mẹ để bù lượng nước đã mất do nôn trớ, hạn chế dùng nước thay thế sữa mẹ.  

- Có thể cho trẻ uống thêm các loại nước bù điện giải.

- Giai đoạn này trẻ đã bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể cho bé ăn trái cây hoặc bánh quy ăn dặm để hạn chế nôn.  

Trẻ bị nôn nhiều, cha mẹ nhất định phải tìm cách bổ sung nước cho con.

Trẻ bị nôn nhiều, cha mẹ nhất định phải tìm cách bổ sung nước cho con.

Xử lý tình trạng đối với trẻ từ trên 12 tháng tuổi 

- Tầm 20 phút sau khi bé bị nôn, mẹ hãy cho uống khoảng 30ml dung dịch bù nước.  

- Nếu thấy trẻ tiếp tục nôn thì mẹ cần tăng cường bù nước (Nước đun sôi để nguội, nước hoa quả, dung dịch điện giải).

- Tuyệt đối không vì chiều mà cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga hay nước khoáng.  

- Khoảng 6 tiếng sau nôn nếu thấy bé không nôn nữa, mẹ có thể cho bé ăn bánh mì, súp hoặc khoai tây nghiền; tránh các loại thực phẩm giàu chất xơ như đậu vì sẽ khiến trẻ khó tiêu.  

Xử lý khi trẻ có những triệu chứng bất thường

Nếu trẻ bị nôn kèm theo các triệu chứng mất nước, miệng khô, đi tiểu ít- Trẻ ăn vào là bị nôn liên tục kèm theo các dấu hiệu mất nước kèm theo sốt trên 38 độ C, khó thở, tiêu chảy,... thì ngay lập tức cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Trẻ bị nôn nhiều lần trong ngày cha mẹ phải làm sao? 

Theo dõi dấu hiệu mất nước 

Cũng giống như người lớn, nếu trẻ bị nôn nhiều sẽ gây mất lượng nước lớn trong cơ thể. Lúc này, cha mẹ không phải quá lo lắng, hãy bù nước cho con ngay. Còn nếu trẻ có dấu hiệu như khóc không có nước mắt, môi khô, không đi tiểu trong vòng 6 giờ, hay mắt trũng sâu cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay.

Chế độ ăn

- Khi trẻ ăn vào là bị nôn khiến trẻ không muốn muốn ăn gì nữa. Lúc này các mẹ cần chuẩn bị đồ ăn dễ tiêu hóa, dễ ăn, nếu trẻ còn bú sữa thì nên khuyến khích trẻ bú nhiều sữa mẹ. Tránh để trẻ đói quá khiến cơ thể thêm mệt mỏi. 

- Nên chọn những thực phẩm dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng để chế biến đồ ăn cho trẻ với một lượng phù hợp nhất định, không ép trẻ ăn nhiều.   

Chỉ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa sau khi trẻ đã hết nôn khoảng vài tiếng.

Chỉ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa sau khi trẻ đã hết nôn khoảng vài tiếng.

 

Bù nước

Ngoài bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước lọc, cha mẹ cũng có thể cho trẻ uống thêm nước hoa quả hoặc dung dịch oresol (nước điện giải) để nhanh chóng bù lại lượng nước, điện giải đã mất. 

Nằm cao đầu 

Đối với những trẻ ngồi chưa vững, khi cho trẻ ăn, cần kê gối cao phần đầu và phần thân trên để giảm quá trình trào ngược thức ăn. Cha mẹ nên tránh cho trẻ nằm ăn. Ngoài ra không nên mặc quần áo hay bỉm quá chật tránh trường hợp làm tăng áp lực phần bụng.

Phòng ngừa lây lan

Trong trường hợp trẻ ăn vào là bị nôn do vi trùng hay siêu vi gây ra, cha mẹ cần chăm sóc trẻ cẩn thận, luôn sát khuẩn tay thường xuyên tránh lây nhiễm cho mình và những người xung quanh.

Khắc phục tình trạng ăn vào là nôn ở trẻ 

Với trẻ đang bú sữa mẹ

- Để tránh tình trạng trẻ ăn vào là nôn bị tái diễn liên tục, mẹ nên cho con bú từ từ và tránh bú quá no.

- Mẹ cho con bú đúng tư thế: Mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi đối diện với núm vú đồng thời người và đầu trẻ phải nằm trên một đường thẳng. Mẹ dùng tay đỡ mông và ôm sát con vào người đảm bảo môi dưới của trẻ ở dưới núm vú. 

- Nên bế bé (vỗ ợ hơi cho bé được thì càng tốt) ít nhất 15 phút sau khi ăn rồi mới cho trẻ đi ngủ hoặc nằm chơi. 

- Mẹ nên cho bé bú bên vú trái trước rồi chuyển sang vú phải, bởi vì trẻ không nên nằm nghiêng bên phải khi ăn no, dễ gây trào ngược dạ dày.   

Vỗ ợ hơi là cách giúp giảm tình trạng nôn trớ sau ăn ở trẻ.

Vỗ ợ hơi là cách giúp giảm tình trạng nôn trớ sau ăn ở trẻ.

Đối với trẻ đang bú bình 

Với trẻ bú bình, tình trạng nôn trớ thường xảy ra do khi bú bình trẻ nuốt phải quá nhiều không khí vào dạ dày. Để khắc phục tình trạng này thì mẹ nên chú ý chọn loại bình tốt, hạn chế có không khí lọt vào. Đồng thời, mẹ nên giữ bình nghiêng sao cho lượng sữa trong bình ngập cổ bình suốt quá trình con bú.   

Đối với trẻ đang ăn dặm 

Giai đoạn ăn dặm được coi là một bước lớn lên của trẻ, khi trẻ chuyển từ chỉ uống sữa sang làm quen với nhiều thực phẩm khác nhau. Mẹ phải hiểu rằng tùy từng giai đoạn trẻ sẽ ăn được thực phẩm khác nhau với lượng thức ăn khác nhau. Trước khi cho con ăn dặm, mẹ hãy tìm hiểu kỹ điều này để điều chỉnh cho phù hợp nhằm tránh khiến trẻ gặp các rủi ro do dị ứng, ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, mẹ không nên ép con ăn quá nhiều khiến con đầy bụng cùng tâm lý sợ hãi gây trào ngược nôn trớ. Tốt nhất mẹ nên chia nhỏ lượng thức ăn cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết thay vì ép trẻ ăn quá nhiều một bữa.  

Còn một điều nữa trong giai đoạn ăn dặm mà cha mẹ cần chú ý để tránh khiến trẻ bị nôn sau ăn đó là để bữa ăn kéo dài quá lâu. Bởi ăn lâu cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến biếng ăn hoặc chán ăn gây nôn trớ. Tốt hơn hết, cha mẹ hãy tập cho con thói quen ăn uống mỗi bữa chỉ trong khoảng 30 phút và ngồi ăn tại một chỗ. 

Chú ý cho con dùng thêm các loại sữa chua ăn hoặc sữa chua uống để bổ sung men vi sinh có lợi cho đường tiêu hóa, hạn chế nôn trớ.  

Cho con ăn lượng thức ăn phù hợp với lứa tuổi, chọn các đồ ăn mềm và không ép con ăn.

Cho con ăn lượng thức ăn phù hợp với lứa tuổi, chọn các đồ ăn mềm và không ép con ăn.

Khi nào các mẹ cần đưa bé đến khám bác sĩ?

Như đã nói ở trên, với các trường hợp trẻ bị nôn nghiêm trọng, cha mẹ cần đưa con tới cơ sở Y tế gần nhất để thăm khám ngay. Đặc biệt khi trẻ có triệu chứng dưới đây:  

- Trẻ ói ra dịch mật xanh, mật vàng.

- Trẻ có hiện tượng nôn kéo dài hơn 24 tiếng.

- Trẻ không chịu ăn, không chịu uống được trong vài tiếng.

- Trẻ có dấu hiệu mất nước trong nhiều giờ mà cha mẹ không thể bù nước.

- Trẻ bị đau bụng quằn quại.

- Sốt liên tục trên 38.4°C trong nhiều giờ mà không có dấu hiệu giảm, hoặc đưa đi khám ngay nếu trẻ sốt từ 39°C.

- Trẻ lừ đừ, cơ thể mệt mỏi không vui chơi, ngủ gà.

Tùy vào từng triệu chứng xuất hiện đồng thời với hiện tượng trẻ ăn vào là bị nôn mà cha mẹ sẽ có cách xử lý đúng đắn như thông tin bài viết đã cung cấp. Điều quan trọng hơn để đảm bảo an toàn cho con chính là đưa trẻ đi khám ngay nếu có những biểu hiện bất thường. Ở Hà Nội, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm thăm khám, điều trị kịp thời. Nếu cần tư vấn thêm, cha mẹ hãy liên hệ hotline 19001806 hoặc đăng ký TẠI ĐÂY.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

2,604

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám