Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa có nguy hiểm không?

Hồ Trinh

10-03-2021

goole news
16

Nôn trớ là hiện tượng phổ biến và thường gặp trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Nếu hiện tượng này kéo dài thì sẽ có thể ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe của trẻ. Vậy trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa có nguy hiểm không? Hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu rõ về vấn đề này.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa?

Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa thường xuất hiện ở trẻ dưới 12 tuổi. Cặn sữa là sữa đang tiêu hóa trong dạ dày, trào ra khỏi miệng cùng chất nhớt chính là dịch tiêu hóa của dạ dày thường thấy khi gặp tình trạng nôn trớ.

Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa có thể xuất phát từ nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý.

Nguyên nhân sinh lý

Trẻ sơ sinh bị trớ nhiều cặn sữa thường do các yếu tố sinh lý sau đây:

  • Do dạ dày nằm ngang và hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên dễ bị nôn trớ. Nên nếu trẻ ăn quá no hay đang uống sữa mà thay đổi tư thế đột ngột dễ dẫn đến nôn, ọc sữa.
  • Trẻ bú ăn quá no và bú quá nhanh
  • Trẻ sử dụng sữa công thức: Sữa công thức thường chậm tiêu hóa hơn so với sữa mẹ nên nhiều khi chưa kịp tiêu hóa trẻ đã bị nôn trớ ra. Thường lúc này sẽ xuất hiện cặn sữa, sữa vón cục kèm theo dịch dạ dày khi trẻ nôn trớ ra.

Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa có thể do yếu tố sinh lý
Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa có thể do yếu tố sinh lý

Nguyên nhân bệnh lý

Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh hay bị trớ cũng có thể do nguyên nhân bệnh lý. Cụ thể:

  • Trẻ mắc chứng khó tiêu: Khó tiêu là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ sơ sinh hay bị nôn trớ. Nguyên nhân là hệ tiêu hóa của bé còn yếu hoặc do trẻ bị dị ứng với protein trong sữa.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Trẻ sơ sinh bị nôn trớ cũng có thể là do bé mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này xảy ra khi axit dịch vị có trong dạ dày của bé bị trào ngược lên cổ họng khiến trẻ khó chịu, đau đớn.
  • Hẹp môn vị: Những trẻ sơ sinh bị hẹp môn vị bẩm sinh sẽ thường xuyên bị nôn trớ, ọc sữa. Môn vị là phần dưới của dạ dày, đây là nơi mà thức ăn, đồ uống sẽ đi qua trước khi vào ruột non. Ở đối tượng trẻ sơ sinh, các cơ môn vị vì nguyên nhân nào đó mà to ra khiến môn vị bị thu hẹp. Hậu quả là thức ăn không thể rời khỏi dạ dày để vào ruột non mà trào ngược lên cổ họng khiến trẻ nôn trớ.

Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa có nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa được xem là một biểu hiện bình thường trong quá trình phát triển của trẻ, không phải là bệnh lý. Hiện tượng này thường sẽ hết dần khi các bé lớn hẳn. Hầu hết trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa không quá 3 lần/ngày mà vẫn chơi vui và tăng cân tốt thì mẹ không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, nếu như tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh khởi phát do nguyên nhân bệnh lý thì chắc chắn sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi các bệnh lý đó nếu không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe trẻ cũng có thể khiến bé chán ăn, quấy khóc, thiếu dinh dưỡng trầm trọng dẫn đến sụt cân.

Trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều kèm các triệu chứng bất thường khác là vấn đề cần bố mẹ lưu tâm
Trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều kèm các triệu chứng bất thường khác là vấn đề cần bố mẹ lưu tâm

Bởi vậy, khi trẻ sơ sinh bị nôn trớ thường xuyên, bố mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng bé để kịp thời đưa ra những biện pháp xử lý. Đây cũng là cách tốt nhất để tránh những hệ lụy liên quan đến hệ tiêu hóa cũng như hô hấp của trẻ.

Khi trẻ trớ cặn sữa ba mẹ nên xử lý thế nào?

Với nhiều phụ huynh chưa có kinh nghiệm, khi trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa vẫn còn bối rối không biết phải xử lý thế nào. Dưới đây là một số cách xử lý trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa tại nhà, cha mẹ hãy cùng tham khảo nhé:

  • Không được bế thốc trẻ, hãy cho trẻ nằm nghiêng người sang bên phải hoặc trái để sữa ra ngoài theo khóe miệng mà không bị vào mũi hay tràn vào phổi.
  • Dùng khăn mềm ấm lau sạch vùng miệng, cổ và thay toàn bộ quần áo cho trẻ để không gây mùi hôi khó chịu.
  • Sau khi bé vừa trớ hãy cho bé ăn hoặc bú tiếp sau 30 phút.
  • Khi bú xong hãy bế bé một lúc, không nên cho bé nằm ngay xuống giường.
  • Quan sát dịch nôn hoặc một số biểu hiện bất thường của bé khi nôn trớ để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Dùng men vi sinh cho trẻ: Vì nguyên nhân gây ra nôn trớ ở trẻ chủ yếu là do hệ tiêu hóa chưa phát triển ổn định và đường ruột còn non yếu. Trong men vi sinh có chứa những lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh và cân bằng hệ vi sinh đường ruột nên mẹ hãy sử dụng men vi sinh đúng cách để có hiệu quả tốt.

Sau khi bé vừa trớ, bố mẹ chỉ nên cho bé ăn hoặc bú tiếp sau 30 phút
Sau khi bé vừa trớ, bố mẹ chỉ nên cho bé ăn hoặc bú tiếp sau 30 phút

Một số cách phòng tránh trẻ bị nôn trớ ra cặn sữa

Để tránh trường hợp trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa, cha mẹ hãy lưu ý những điều sau đây:

  • Cho trẻ bú mẹ đúng chuẩn tư thế, vỗ lưng giúp bé ợ hơi. Không cho trẻ ăn quá nhiều mà nên chia thành nhiều bữa nhỏ và đổi món liên tục để bé dễ hấp thu hơn.
  • Nên cho bú mẹ trực tiếp là tốt nhất, hạn chế bú bình khi bé còn quá nhỏ. Điều này sẽ giảm được đáng kể tình trạng nôn trớ không mong muốn. Khi cho trẻ bú hãy kê gối cao tầm 8-10cm, tư thế nằm dốc đầu này sẽ tránh được tình trạng ọc sữa cũng như nôn trớ.
  • Nếu cho trẻ bú bình hãy chọn bình chuẩn, pha sữa đúng theo hướng dẫn và cũng kê cao đầu cho bé. Không cho trẻ bú lúc trẻ buồn ngủ hoặc mệt mỏi.
  • Khi trẻ không muốn ăn nữa thì cũng không nên ép trẻ ăn thê, hoặc không ép trẻ ăn nhiều hơn lượng thức ăn cần nạp vào cơ thể.

Khi nào cần đưa bé đến gặp bác sĩ

Trẻ sơ sinh bị trớ nhiều cặn sữa cần được đưa đến bệnh viện để thăm khám bác sĩ khi:

  • Trẻ sơ sinh bị nôn trớ trên 3 lần mỗi ngày và liên tục trong nhiều ngày.
  • Trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa kèm dịch vàng. Dịch vàng này chính là dịch tiết ra từ dạ dày, ruột của trẻ.
  • Trẻ nôn trớ nhiều kèm triệu chứng sốt, phát ban da, tiêu chảy, đau bụng, quấy khóc.

Mong rằng những thông tin về trẻ sơ sinh trớ nhiều cặn sữa trên đây sẽ giúp các mẹ không bị lo lắng cũng như luống cuống khi xử lý tình huống. Hiện, Khoa nhi tại Bệnh viện đa khoa Phương Đông là địa chỉ tin cậy chuyên tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải. Với trang thiết bị nhập khẩu hiện đại, không gian vô trùng đảm bảo an toàn, việc thăm khám giờ đây không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

32,349

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám