Trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân phải làm sao? Cha mẹ cần làm gì cho trẻ?

Nguyễn Mai Phương

01-06-2021

goole news
16

Tình trạng trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân có thể khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ tìm hiểu nguyên nhân và biết cách chăm sóc để bé nhanh hồi phục.

Trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân có thân nhiệt bao nhiêu?

Nhiệt độ cơ thể bình thường ở người nằm trong khoảng 36,5 - 37,5 độ C. Khi trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân, thân nhiệt gia tăng trong khoảng từ 38,5 đến 39 độ C. Tuy nhiên thân nhiệt cao hay thấp không phản ánh mức độ bệnh nặng hay nhẹ, nhiều khi trẻ sốt cao nhưng không hẳn là bị bệnh nặng.

Sốt là phản ứng miễn dịch của cơ thể, là cách mà cơ thể chống chọi lại sự nhiễm khuẩn, thường kéo dài hơn 2-3 ngày. Trẻ bị sốt thường có một số biểu hiện kèm theo như: người mệt mỏi, quấy khóc, ăn kém, bú kém, bỏ ăn, bỏ bú, ớn lạnh, đổ mồ hôi.

Dưới đây là các mức thân nhiệt của trẻ tương ứng với độ sốt, cha mẹ cần lưu ý:

  • Từ 37,5 - 38,5 độ C: Ở mức này, trẻ đang sốt nhẹ, có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách, không cần dùng thuốc điều trị đặc hiệu.
  • Từ 38,5 - 39 độ C: Mức thân nhiệt này cho thấy trẻ đang sốt vừa.
  • Từ 39 - 40 độ C: Đây là mức nhiệt khi trẻ sốt cao, cần được theo dõi và điều trị.
  • Từ 40 độ C trở lên: Trẻ sốt rất cao, cần được đưa đi khám để điều trị nhanh chóng, kịp thời, đúng phác đồ. Nếu sốt trên 40 độ kèm theo co giật, trẻ có thể bị tổn thương não, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của bé.

Thân nhiệt từ 39 độ cho thấy trẻ đang sốt cao

Thân nhiệt từ 39 độ cho thấy trẻ đang sốt cao

Vì sao không xác định được nguyên nhân trẻ bị sốt?

Muốn điều trị sốt đúng cách để bé nhanh hồi phục, trước tiên cần phải xác định nguyên nhân gây sốt. Tuy nhiên có nhiều trường hợp trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân gây khó khăn cho việc chăm sóc, xác định sai nguyên nhân gây sốt có thể khiến bệnh nặng hơn. Tình trạng sốt không rõ nguyên nhân có thể chia làm 4 loại sau:

  • Trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, không tìm ra nguyên nhân sau hơn 3 lần khám ngoại trú hoặc 3 ngày nhập viện.
  • Sốt xảy ra khi bệnh nhân bắt đầu nhập viện điều trị một bệnh cấp tính khác, sau đó mới bị sốt không rõ nguyên nhân nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng, ủ bệnh khi nhập viện. 
  • Sốt ở người nhiễm HIV, kéo dài hơn 3 tuần. 
  • Sốt do thiếu hụt miễn dịch ở trẻ bị suy giảm miễn dịch, không chẩn đoán được nguyên nhân sau 3 ngày làm các đánh giá cần thiết.

Thông thường khi trẻ sốt, các triệu chứng đi kèm như: ho, sổ mũi, đau mỏi người, chán ăn, phát ban... sẽ giúp gia đình và bác sĩ dễ dàng xác định được vì sao trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ bị sốt nhưng các triệu chứng đi kèm lại không rõ ràng hoặc nhiều triệu chứng xảy ra cùng lúc, thậm chí không có bất kỳ triệu chứng nào kèm theo ngay cả khi đã được làm các xét nghiệm, đánh giá y tế, do đó rất khó xác định được nguyên nhân khiến trẻ bị sốt.

Nhiều trường hợp trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân gây khó khăn cho việc điều trị

Nhiều trường hợp trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân gây khó khăn cho việc điều trị

Những nguyên nhân khiến trẻ bị sốt

Thực tế trẻ bị sốt luôn do một nguyên nhân nào đó, tuy nhiên nhiều trường hợp bố mẹ khó xác định được nguyên nhân thực sự. Dưới đây một số nguyên nhân khiến trẻ bị sốt khác nhau, các bậc cha mẹ cần ghi nhớ để phân biệt, từ đó có cách điều trị, chăm sóc đúng đắn cho trẻ.

Sốt do bé mặc quá ấm:

Không ít cha mẹ cho rằng, trẻ sơ sinh còn non nớt dễ bị lạnh nên tìm mọi cách để giữ ấm cho con bằng nhiều lớp quần áo, đắp chăn, giữ con trong phòng kín cả ngày… Thực tế đây là quan niệm sai lầm bởi hầu hết các bé sinh đủ tháng đều có đủ lớp mỡ dưới da đóng vai trò giữ nhiệt. 

Việc cho bé mặc quá nhiều quần áo ấm làm bé bị nóng, mồ hôi ra nhiều nhưng không thể thoát ra ngoài hoặc không thay quần áo kịp khiến cơ thể bé bị nhiễm lạnh, từ đó dẫn đến cảm, viêm phổi với triệu chứng sốt mà nhiều bố mẹ nghĩ là trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân.

Mặc quá ấm cũng có thể khiến bé nhiễm lạnh và sốt

Mặc quá ấm cũng có thể khiến bé nhiễm lạnh và sốt

Sốt sau tiêm chủng:

Một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân là tác dụng phụ của vắc xin. Một số loại vắc xin phòng bệnh uốn ván, sởi, ho gà… có thể gây sốt cho trẻ sau khi tiêm. Cha mẹ cần theo dõi và áp dụng cách hạ sốt, chăm sóc cho bé theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Sốt do mọc răng:

Sốt do mọc răng thường là sốt nhẹ và sẽ hết sau khoảng 1-2 ngày. Mọc răng gây sưng đau nướu, vì đau nên bé quấy khóc nhiều và biếng ăn, bú ít, khó ngủ, dễ cáu kỉnh...

Sốt do cảm nắng:

Trời nắng nóng làm gia tăng thân nhiệt, trẻ nhỏ dễ bị mất nước gây choáng, sốt, mệt mỏi, nhức đầu... Một nguyên nhân khác là trẻ nhỏ chạy nhảy, nô đùa nhiều, mồ hôi thấm ướt quần áo nhưng không kịp thay nên nhiễm lạnh, dẫn đến viêm phổi.

Sốt do cúm:

Bệnh cúm do virus gây nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ra. Bé bị sốt trên 38 độ C kèm thêm các triệu chứng đau họng, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, hay quấy khóc… Hầu hết các triệu chứng bao gồm sốt sẽ dần thuyên giảm trong vòng 5-7 ngày, tuy nhiên trẻ vẫn còn ho và phải sau 10-14 ngày các triệu chứng mới biến mất hoàn toàn.

Sốt do viêm tai giữa:

Tình trạng nhiễm trùng tai giữa có thể khiến bé bị sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm theo đau tai, chảy mủ, giảm thính lực, kém ăn, nôn trớ. Những bé chưa nói được thường sẽ dùng tay kéo tai, ngoáy tai. Trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa sẽ có biểu hiện quấy khóc, khóc thét khi đặt nằm xuống, bú kém, có thể sốt. Vì vậy nếu thấy trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân kèm theo đau tai, quấy khóc, bú kém, mẹ hãy nghĩ ngay đến khả năng bé bị viêm tai giữa.

Trẻ bị viêm tai giữa bên cạnh sốt sẽ có biểu hiện quấy khóc, bú kém

Trẻ bị viêm tai giữa bên cạnh sốt sẽ có biểu hiện quấy khóc, bú kém

Sốt do viêm phổi:

Bé bị viêm phổi sốt cao đột ngột, thân nhiệt có thể lên tới 41 độ, khó thở, thở nhanh, thở khò khè, tức ngực, ho nhiều, buồn nôn và nôn, bỏ ăn/bú, người ớn lạnh, tím môi và các đầu ngón tay. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và tiến triển rất nhanh, cha mẹ cần nhanh chóng phát hiện để đưa trẻ đi bệnh viện điều trị.

Sốt do sốt xuất huyết:

Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ sốt cao đột ngột, liên tục hơn 3 ngày, ở trẻ nhỏ sẽ có biểu hiện bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn có thể kêu đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, có chấm xuất huyết dưới da, nhức hai hố mắt, chảy máu cam. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán, điều trị.

Chấm xuất huyết dưới da ở bệnh nhân sốt xuất huyết

Chấm xuất huyết dưới da ở bệnh nhân sốt xuất huyết

Sốt do bệnh sởi:

Bé bị sởi có thể sốt cao 39 độ C, ho khan kéo dài, sổ mũi. Từ ngày thứ tư, các ban sởi sẽ xuất hiện trên da bé lần lượt theo thứ tự. Bệnh sởi có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm vì vậy các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý.

Sốt phát ban: Sốt phát ban ở trẻ có thể do virus sởi, rubella... Trẻ có biểu hiện quấy khóc, sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban toàn cơ thể, mắt đỏ, nếu được chăm sóc tốt, bệnh sẽ khỏi sau 3-7 ngày.

Bé bị sốt phát ban

Bé bị sốt phát ban

Sốt do viêm màng não:

Viêm màng não ở trẻ có biểu hiện sốt, biếng ăn, bú giảm, rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi... Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thông thường. Vì vậy cha mẹ cần liên tục theo dõi, nếu trẻ sốt cao thì nên đưa con đi khám với bác sĩ.

Sốt do nhiễm trùng máu:

Bé sốt cao > 38 độ C hoặc giảm thân nhiệt thấp dưới < 35 độ C, da xanh nhợt nhạt, ớn lạnh, nhịp tim nhanh, thở mệt, bỏ ăn/bú, trướng bụng, nôn ói, tiêu chảy, có thể tiểu ra máu... Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, dị tật bẩm sinh là những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu.

Triệu chứng đi kèm khi trẻ bị sốt kéo dài không rõ nguyên nhân

Tình trạng trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân dài ngày bao gồm có triệu chứng sốt là nổi bật nhất, thân nhiệt không dưới 38,2 độ C dù đo ở bất kỳ thời điểm nào, các dấu hiệu khác mờ nhạt hoặc không có. Sốt kéo dài nhiều tuần (ít nhất 2 tuần), thậm chí hàng tháng mà vẫn chưa có chẩn đoán chính xác, ngay cả khi được điều trị bằng kháng sinh và hạ nhiệt nhưng vẫn không hiệu quả.

Trường hợp trẻ sốt kéo dài, được nằm theo dõi, điều trị tại viện trong ít nhất 01 tuần, được làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết mà vẫn chưa tìm được nguyên nhân tức là bé sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân.

Một số nguyên nhân gây sốt kéo dài không rõ nguyên nhân có thể là: 

  • Nhiễm khuẩn, nhiễm trùng: Bệnh lao, bệnh Lyme, viêm màng não, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng đường tiểu, áp xe, lao, thương hàn, sốt rét…
  • Các loại viêm: Viêm khớp dạng thấp, viêm ruột, lupus ban đỏ, bệnh kawasaki...
  • Bệnh ác tính: Các bệnh ung thư, bạch cầu, u hạt...
  • Nguyên nhân khác: ảnh hưởng từ thuốc, do phẫu thuật, nhiễm HIV, nhiễm nấm… hoặc không tìm được nguyên nhân.

Trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân có thể đi kèm những triệu chứng sau:

  • Đổ mồ hôi, người ớn lạnh
  • Tụt huyết áp, tim đập nhanh, thở gấp
  • Đau đầu, cứng cổ, rối loạn tâm thần
  • Đau họng, ho
  • Đau cơ
  • Ho, khó thở, xoang tắc nghẽn
  • Chán ăn, mệt mỏi, da xanh tái

Trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân có thể kèm theo ho, đau họng

Trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân có thể kèm theo ho, đau họng

Cha mẹ cần chăm sóc trẻ sốt không rõ nguyên nhân như thế nào?

Theo khuyến cáo của bác sĩ, trong chăm sóc trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân, bố mẹ có thể hạ sốt cho bé tại nhà bằng các biện pháp dưới đây. 

- Người bệnh sốt, sốt kéo dài thường thiếu nước. Ba mẹ nên cho trẻ bổ sung nhiều nước (2-3 lít ngày) để hỗ trợ thải nhiệt và bù lại lượng nước bị mất. Nếu trẻ còn đang bú mẹ, nên tăng số lần cho bé bú để tăng sức đề kháng.

- Cởi bớt quần áo, bỏ chăn ấm để con hạ bớt nhiệt, mặc quần áo nhẹ, thoáng mát, làm bằng chất liệu thấm hút mồ hôi như cotton cho trẻ.

- Nếu con sốt trên 39 độ, có thể cho bé uống thuốc chứa paracetamol liều từ 10-15mg/kg cân nặng mỗi lần, cách 4-6 giờ cho uống lại nếu còn sốt. Đối với trẻ không uống được do nôn mửa có thể dùng viên hạ sốt nhét hậu môn. Lưu ý việc uống thuốc phải có sự chỉ định từ bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc không kê đơn.

- Chườm mát cho trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân bằng nước ấm như nước tắm của bé, chườm khăn đã nhúng nước vào hai hõm nách và bẹn, dùng một khăn khác lau toàn thân cho bé. Thay khăn thấm nước ấm liên tục cho đến khi thân nhiệt bé giảm và hạ sốt.

Chườm mát cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm

Chườm mát cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm

- Tắm nước ấm cho bé trong khoảng 5-7 phút trong phòng kín gió, sau đó lau khô người và mặc quần áo thoáng mát.

- Nếu bé bị sốt không rõ nguyên nhân dài ngày thường sẽ rối loạn tiêu hóa (chán ăn nôn mửa, đi lỏng, táo bón...) khiến cân nặng giảm sút nhanh, cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nhất là chất đạm. Cha mẹ nên chia chế độ ăn của trẻ thành nhiều bữa trong ngày, thay đổi thực đơn thường xuyên. Thức ăn cần ưu tiên ở dạng mềm, lỏng, nhừ như cháo, súp…

- Khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng mỗi ngày như đi lại, tránh để trẻ nằm lâu, bất động vì có thể làm nghẽn mạch.

- Không nên áp dụng các bài thuốc dân gian, mẹo chữa trị cho trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân chưa có kiểm chứng khoa học. Việc này có thể làm tình trạng bệnh của bé nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trường hợp bé sốt cao và cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, bố mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, không nên tự điều trị tại nhà.

Những lưu ý khi trẻ bị sốt nhưng vẫn chơi bình thường

Vận động khiến trẻ toát mồ hôi giúp hạ sốt hiệu quả. Vì vậy nếu trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân nhưng vẫn có thể chơi bình thường, cha mẹ không cần quá lo lắng, hãy để trẻ tự do chơi đùa. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được theo dõi liên tục để đề phòng những triệu chứng bất thường xảy ra. Những vấn đề cần theo dõi ở trẻ gồm: thân nhiệt, nhịp thở, bé có nôn/ho không, có bị đau đầu hay đau bụng không…

Nếu bé bị sốt nhưng vẫn chơi bình thường, bố mẹ không cần quá lo lắng

Nếu bé bị sốt nhưng vẫn chơi bình thường, bố mẹ không cần quá lo lắng

Ngoài ra, các mẹ cũng cần tránh những việc làm sau để tình trạng sốt của bé không nặng thêm:

  • Không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân khi chưa có chỉ định của bác sĩ, nhất là ngay khi trẻ vừa sốt.
  • Không để trẻ ở lâu trong phòng quá kín, bí hơi, tù túng, nhất là trong những ngày nắng nóng.
  • Không nên áp dụng các bài thuốc dân gian để hạ sốt cho trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân vì có thể khiến bệnh tình nặng hơn.
  • Không dùng aspirin hạ sốt cho trẻ vì có thể gây tổn thương não.

Trong trường hợp trẻ sốt cao, mệt mỏi, không muốn chơi, bỏ ăn uống, tay chân lạnh, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng… cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay vì đây là những dấu hiệu nguy hiểm, cần can thiệp kịp thời.

Khi nào nên đi khám khi bị sốt kéo dài không rõ nguyên nhân?

Đối với trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, cha mẹ cần lưu ý theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi bệnh viện sớm, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện sau:

  • Cơn sốt kéo dài trên 3 ngày không hạ, dùng thuốc hạ sốt không đỡ, đặc biệt khi trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào đi kèm.
  • Ở bệnh nhi có vấn đề về van tim, nhiễm HIV hoặc mắc các bệnh về miễn dịch, nên đi khám bác sĩ ngay cả khi chỉ bị sốt nhẹ kéo dài gây mệt mỏi.
  • Đối với trẻ sơ sinh < 3 tháng tuổi, nếu sốt từ 38°C trở lên cần đi khám ngay.
  • Đối với trẻ từ 3 đến 36 tháng, nên đi khám nếu thân nhiệt từ 38,8°C trở lên, sốt kéo dài > 3 ngày, sốt kèm phát ban hoặc sốt > 37,7°C kèm chán ăn.

Bé bị sốt không rõ nguyên nhân dài ngày, dùng hạ sốt không đỡ cần phải đi khám ngay

Bé bị sốt không rõ nguyên nhân dài ngày, dùng hạ sốt không đỡ cần phải đi khám ngay

Sốt kéo dài sẽ làm bé mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân, nhức đầu, khó ngủ, thậm chí sốt cao có thể dẫn đến tai biến nguy hiểm. Do vậy trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân cần phải được thăm khám tỉ mỉ với bác sĩ có chuyên môn và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh, điều trị đặc hiệu các nguyên nhân gây bệnh. 

Các bậc phụ huynh lưu ý trong các trường hợp trên không nên chủ quan, tự chẩn đoán, điều trị khi trẻ sốt. Việc cần làm là đưa bé tới bệnh viện có chuyên khoa nhi hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân, trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân để bác sĩ thăm khám và cho hướng điều trị hiệu quả nhất. Nếu gia đình đang có nhu cầu thăm khám cho con, vui lòng liên hệ 19001806 để được tư vấn và đặt lịch khám với bác sĩ nhi khoa giàu kinh nghiệm. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
6,024

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám