15 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh quấy khóc không ngừng

Nguyễn Thu Hà

01-02-2021

goole news
16

Trẻ sơ sinh quấy khóc không ngừng là hiện tượng thường gặp. Tình trạng này có thể khởi phát do cả nguyên nhân sinh lý lẫn bệnh lý mà phụ huynh nên cẩn trọng. Trong bài viết này, BVĐK Phương Đông sẽ chỉ ra 15 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh quấy khóc nhiều để bạn tham khảo.

Trẻ sơ sinh khóc nhiều có đáng lo không?

Trẻ sơ sinh khóc nhiều là hiện tượng trẻ khóc to bằng miệng kết hợp cả những động tác khua khoắng tay chân. Thậm chí nhiều bé còn vặn mình, vận động cả toàn thân khi khóc mặc dù đã được bố mẹ dỗ dành.

Trẻ sơ sinh khóc nhiều dù khởi phát do bất cứ nguyên nhân nào cũng là điều đáng lo ngại. Bởi việc khóc quá nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Không những thế tình trạng này cũng tác động đến cả tâm lý của trẻ sau này.

Trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày dù khởi phát do bất cứ nguyên nhân nào cũng đều cần khắc phục
Trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày dù khởi phát do bất cứ nguyên nhân nào cũng đều cần khắc phục

Hơn thế nữa, nếu bé khóc do yếu tố bệnh lý thì càng nguy hại hơn. Chắc chắn cơn đau, cảm giác khó chịu đã vượt quá sức chịu đựng của bé, khiến trẻ quấy khóc bất thường. Do vậy, khi bé yêu có triệu chứng quấy khóc liên tục nhiều ngày, tốt nhất bạn nên tìm hiểu rõ nguyên nhân, từ đó tìm phương hướng khắc phục hiệu quả.

Nguyên nhân bé sơ sinh quấy khóc nhiều

Trẻ sơ sinh quấy khóc nhiều có thể do rất nhiều nguyên nhân, kể cả sinh lý lẫn bệnh lý. 

Trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày do ốm 

Trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày rất có thể là do bé ốm. Lúc này mẹ hãy kiểm tra nhiệt độ của bé xem bé có bị sốt hay không và xem những dấu hiệu của các bệnh lý khác. 

Khi bé bị ốm, tiếng khóc khác xa hoàn toàn khi đang đói hoặc khó chịu. Vì thế, nếu tiếng khóc của bé nghe bất ổn, mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra.

Biểu hiện trẻ sơ sinh quấy khóc có liên quan đến yếu tố bệnh lý bao gồm:

  • Lồng ruột: Trẻ khóc từng cơn, kèm theo triệu chứng nôn mửa, đại tiện ra máu là những dấu hiệu cho thấy bé đang bị lồng ruột.
  • Trẻ có bệnh ở não hay màng não: Bé khóc thét liên tục, thỉnh thoảng ngừng một lát nhưng lại tiếp tục, kèm theo tình trạng nôn mửa.
  • Trẻ bị viêm ruột cấp, bệnh về đường tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng (giun): Bé khóc thét, không nhanh, sắc mặt trắng nhợt, vã mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy, không cho sờ vào bụng, nếu ba mẹ cố tình sờ vào thì khóc to hơn.
  • Trẻ bị viêm amidan cấp: Trẻ khóc giọng khàn khàn, khóc liên tục, nhất là về đêm kèm biểu hiện khó thở, sốt bỏ bú.
  • Trẻ bị đau đầu, ngạt mũi, cảm cúm: Trẻ khóc với âm điệu bình thường nhưng dỗ thế nào cũng không nín.
  • Viêm phổi: Trẻ khóc xong lại thở khò khè.
  • Bệnh tim mạch: Trẻ khóc tím tái mặt.
  • Suy tim + viêm phổi: Trẻ khóc yếu ớt, xen lẫn tiếng rên ngắt quãng.
  • Viêm tai giữa: Trẻ khóc không yên, kèm theo biểu hiện sốt, lắc đầu, vò tai, khi ba mẹ lấy tay ép vào vành tai lại càng khóc dữ dội hơn.
  • Còi xương giai đoạn đầu: Trẻ khóc suốt đêm kèm cảm giác sợ hãi, vã mồ hôi nhiều.
  • Mắc giun kim: Trẻ khóc trước khi ngủ.
  • Viêm đường tiểu: Trẻ khóc khi đi tiểu tiện, ba mẹ có thể thấy miệng niệu đạo của bé bị nhiễm trùng, tấy đỏ
  • Niêm mạc lợi bị sưng: Trẻ khóc nhiều, bỏ bú, hễ ngậm vú lại khóc.
  • Trẻ bị rạn nứt hậu môn: Khóc sau khi đi đại tiện.

Trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày do ốm 
Trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày do ốm

Bé bị đói

Đói là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh quấy khóc. Do bú không đủ sữa hoặc khoảng cách giữa các lần bú của bé quá dài. Tốt nhất, mẹ nên chú ý theo dõi những dấu hiệu khi bé muốn ăn, tránh để bé khóc rồi mới cho bú: 

  • Khi mẹ để tay lên môi bé, bé sẽ chu môi lên vì nghĩ đó là ti mẹ hoặc núm ti bình sữa.
  • Khi đói bụng, bé sẽ có 2 thói quen đó là mút ngon tay và đầu bé sẽ quay trái quay phải để tìm kiếm ti mẹ. 
  • Khi được mẹ bế, bé sẽ rúc vào ngực mẹ vì ngửi thấy mùi sữa quen thuộc và đòi ti. Nếu mẹ không đáp ứng kịp thời bé sẽ khóc nhè.
  • Khi bé đã no bụng sẽ ngoan ngoãn nằm chơi hoặc chìm vào giấc ngủ sâu, do đó, mẹ hãy nhanh chóng nhận ra nhu cầu của bé nhé.

Bé bị đau bụng, đầy hơi 

Theo các chuyên gia khoa nhi, các bệnh lý về bụng như đầy hơi, đau quặn bụng… có thể khiến bé khóc rất nhiều. 

Nếu bé thường cáu kỉnh và khóc ngay sau khi được cho bé bú, bé có thể đang bị đau bụng. Nếu bé không bị đau bụng và không bao giờ cáu kỉnh sau khi ăn thì có thể bé khóc vì bị đầy hơi.

Để giảm tình trạng đầy hơi ở trẻ, mẹ có thể vỗ vào lưng bé, nắm hai bàn chân của bé và di chuyển chân bé như tư thế xe đạp. Tuy nhiên, nếu bé chưa hết đau bụng, đầy hơi, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. 

Bé gắt ngủ, buồn ngủ

Khi chơi với bé, nhiều gia đình không để ý đến trạng thái của bé con rất dễ thay đổi. Nhiều người cho rằng khi trẻ chơi mệt có thể lăn ra ngủ vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Thực tế, khi bé quá mệt, một số bé có thể quấy khóc và gắt ngủ. Cha mẹ nên chú ý các biểu hiện của bé để dỗ dành bé nhanh nhất nhé. 

Bé cần ợ hơi

Khi bé bú mẹ hoặc bú bình có thể nuốt sữa và cả không khí vào bụng, từ đó, nhiều hơi trong bụng sẽ khiến bé khó chịu, bé sẽ khóc trong hoặc ngay sau khi ăn. Chính vì vậy, vỗ ợ hơi cho bé trong và sau khi bú là một điều vô cùng quan trọng. 

Mọc răng 

Chiếc răng đầu tiên của bé sẽ mọc khi bé được khoảng từ 4 đến 7 tháng tuổi, do đó, khi có hiện tượng trẻ sơ sinh quấy khóc, mẹ có thể lấy tay sờ nướu của bé, nếu sờ thấy chân rằng thì nguyên nhân bé quấy là do bé đang mọc răng đấy.

Ngoài biểu hiện quấy khóc cả ngày, trẻ sơ sinh đang mọc răng còn chảy nước rãi nhiều bất thường. Ngoài ra, bé cũng thích cắn tay, gặm đồ do cảm giác ngứa ngáy khó chịu ở nướu.

Trẻ sơ sinh quấy khóc bất thường có thể là do bé đang mọc răng

Bé bị nóng hoặc quá lạnh

Nhiều bà mẹ có quan điểm rằng khi cho trẻ mặc càng ấm, càng nhiều áo thì con càng thấy giống như "được làm tổ" trong bụng mẹ. Nhưng điều này hoàn toàn sai, bởi sẽ khiến bé sơ sinh khóc, khó chịu vì nóng. Mẹ hãy mặc cho bé quần áo mỏng, thoáng và điều quan trọng là điều chỉnh nhiệt độ phòng phải thích hợp nhất với bé. 

Bé muốn được yên tĩnh

Không gian xung quanh đôi khi vừa khiến trẻ tò mò, vừa là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh quấy khóc. Bởi đôi lúc, bé sẽ gặp khó khăn khi phải tiếp nhận quá nhiều thứ kích thích từ ánh sáng, tiếng ồn đến việc được người này, người khác bế bồng. 

Trẻ sơ sinh khóc nhiều vì muốn thay tã

Khi tã ướt hoặc bẩn, bé con của mẹ có thể phản đối, khóc lóc, hậm hực vì điều này gây khó chịu, khiến bé cảm thấy bị làm phiền. Mẹ hãy nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân từ đâu, một khi bé lại được khô thoáng, thơm tho sạch sẽ, chắc chắn bé sẽ chơi ngoan. 

Bé muốn được bế

Có rất nhiều cha mẹ thắc mắc rằng ôm bé quá nhiều có khiến bé ỷ lại không? Trong những tháng đầu đời, điều này là không thể. Trẻ nhỏ cần được ôm ấp nhiều bởi bé thích nghe giọng của cha mẹ, nghe nhịp tim đập, thậm chí còn khám phá được cả mùi đặc trưng của cha mẹ. Do đó, khóc là cách để bé yêu cầu được ôm ấp, gần gũi.

Trẻ sơ sinh khóc nhiều có thể do bé đang muốn được bố mẹ bế, âu yếm, chiều chuộng
Trẻ sơ sinh khóc nhiều có thể do bé đang muốn được bố mẹ bế, âu yếm, chiều chuộng

Bé muốn được kích thích nhiều hơn

Có rất nhiều em bé hiếu động, nếu mẹ để bé chơi một mình, bé sẽ quấy khóc. Mẹ có thể thu hút sự chú ý của bé bằng những hoạt động từ môi trường xung quanh. Hãy lên kế hoạch đi chơi với những gia đình khác hoặc chọn những nơi thân thiện với trẻ em như khu vui chơi, bảo tàng hoặc vườn thú để trẻ được khám phá, quan sát thế giới xung quanh. 

Mẹ dung nạp quá nhiều lượng caffeine

Theo chuyên gia, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh đều có thể bị quá liều caffeine. Điều này xảy ra khi nguồn sữa mẹ chứa quá nhiều caffeine.

Trẻ nhỏ khi bị quá liều caffeine có các triệu chứng điển hình là: buồn nôn và cơ liên tục căng thẳng, bé khó ngủ, quấy khóc nhiều. Các dấu hiệu nghiêm trọng hơn của quá liều caffeine ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể đi kèm như: nôn mửa, thở nhanh và sốc. Đó là lý do vì sao các bà mẹ đang cho con bú cần hạn chế lượng caffeine. 

Các cơn khóc co thắt

Nguyên nhân chính trong những tháng đầu khiến trẻ quấy khóc liên tục đó là do các cơn co thắt khi khóc. Tuy nhiên, đây là cơ quấy khóc bình thường hàng này. Nếu điều này xảy ra hơn 3 tiếng/ngày thì các mẹ nên cân nhắc xem liệu có phải trẻ đang đau bụng hay có nguyên do nào khác và cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức. 

Trẻ quấy khóc do quá lạnh hoặc quá nóng

Cũng giống như người lớn, khi cơ thể quá nóng hoặc quá lạnh, trẻ sơ sinh sẽ cảm thấy khó chịu. Vì chưa thể giao tiếp được nên cách duy nhất để bé phát tín hiệu tới bố mẹ chính là quấy khóc.

Trẻ sẽ khóc khi cảm thấy cơ thể đang bị lạnh hoặc nóng, tuy nhiên khi bị lạnh chúng sẽ khóc nhiều hơn, gay gắt hơn. Mỗi khi được bố mẹ thay quần áo hoặc sau khi tắm trẻ sẽ khóc, đây chính dấu hiệu dễ nhận biết nhất việc trẻ đang lạnh.

Nguyên nhân khác khiến trẻ quấy khóc bất thường

Có rất nhiều trẻ "khó tính" ngay từ khi mới chào đời bởi làn da nhạy cảm của bé sẽ không quen khi mặc quần áo hay những sợi chỉ thừa trong quần áo cũng "vô tình" làm bé khó chịu. Nhiều bác sĩ còn tìm ra nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh quấy khóc không rõ lý do đó là một cọng tóc quấn chặt và đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân, gây cản trở lưu thông máu. Vì thế, chỉ từ những điều rất nhỏ ấy thôi cha mẹ cũng nên lưu ý nhé.

Trẻ quấy khóc bất thường có thể do bé đang gặp vấn đề vào đó về da hay bị côn trùng cắn
Trẻ quấy khóc bất thường có thể do bé đang gặp vấn đề vào đó về da hay bị côn trùng cắn

Ba mẹ cần làm gì khi thấy bé quấy khóc nhiều?

Không có bất cứ loại thuốc hay một phương pháp nào có thể chữa trị dứt điểm cơn quấy khóc của trẻ sơ sinh. Tuy vậy vẫn có một vài chiến lược có thể giúp các bậc phụ huynh giải quyết vấn đề này, ít nhất là trong một lúc nào đó. Cụ thể:

  • Cố gắng giữ tâm lý bình tĩnh: Trước tiếng khóc của trẻ, bạn hãy giữ tâm lý bình tĩnh nhất để có thể nhận ra những thông điệp mà bé muốn chuyển tải. Bên cạnh đó, hãy dỗ dành con bằng giọng nói nhẹ nhàng, trìu mến.
  • Gần gũi với bé hơn: Bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng những em bé được bế hay địu ít nhất 3 giờ mỗi ngày thường có xu hướng ít khóc hơn những trẻ không được bế thường xuyên. Việc bế bé không chỉ mang lại cho bé niềm vui thích vì được gần gũi với người thân mà còn giúp bạn hiểu hơn các nhu cầu của bé.
  • Quấn tã cho bé: Việc được bao bọc chặt trong tã hoặc khăn đa số đều khiến trẻ sơ sinh có cảm giác an toàn, thích thú. Bởi vậy, đây cũng là cách để bạn có thể đẩy lùi cơn quấy khóc của bé.
  • Tạo sự thoải mái cho bé: Khi trẻ sơ sinh quấy khóc nhiều, mẹ có thể làm cho bé thoải mái, bình tĩnh hơn bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như đẩy bé đi lòng vòng trong nhà, ra sân, hát hoặc bật âm thanh có nhịp điệu cho bé nghe, cho bé tắm nước ấm, massage cho bé,...
  • Tuân thủ lịch trình sinh hoạt của trẻ: Nếu đang áp dụng lịch sinh hoạt theo một trình tự nhất định cho bé, các mẹ hãy giữ đúng thời gian biểu ăn, tắm, thay tã, ra ngoài, hay đi ngủ cho bé mỗi ngày để có thể xoa dịu cơn khóc của bé.
  • Cho bé ngậm ti giả: Nhiều em bé cần ngậm vú vì yêu thích chứ hoàn toàn không phải do đói. Do đó, mẹ có thể thử cho bé ngậm ti giả mỗi khi bé quấy khóc.

Khi thấy trẻ sơ sinh khóc nhiều, phụ huynh cần giữ tâm lý bình tĩnh
Khi thấy trẻ sơ sinh khóc nhiều, phụ huynh cần giữ tâm lý bình tĩnh

Ngoài ra, để có thể bình tĩnh đối mặt với cơn quấy khóc liên tục của con, các mẹ cũng cần:

  • Sắp xếp các hoạt động trong ngày sao cho hợp lý với lịch trình của con. Ví dụ, nếu bé thường khóc vào một thời điểm nhất định thì đừng bố trí làm việc gì vào lúc này. Thay vào đó hãy cân nhắc làm những việc cần thiết trước thời điểm bé thường khóc.
  • Cho phép bản thân tách khỏi bé một lúc và nhờ người thân hay bạn bè trông hộ bé ít phút. Đây là cách để bạn giảm bớt stress và lấy lại tinh thần để giúp bé vượt qua cơn quấy khóc. 
  • Tranh thủ chợp mắt giây lát khi bé ngủ ngày, nhất là nếu bé thường xuyên quấy khóc ban đêm.

Khi nào cần đưa bé tới gặp bác sĩ

Phụ huynh cần đưa trẻ sơ sinh đi khám bác sĩ để được tư vấn và theo dõi nếu bé xuất hiện một hoặc cùng lúc nhiều triệu chứng như sau:

  • Trẻ sơ sinh quấy khóc sau khi bị ngã hoặc gặp phải một chấn thương nào đó.
  • Trẻ khóc kèm các dấu hiệu bệnh lý như ho, sốt cao, nghẹt mũi, phát ban, nôn trớ,...
  • Bé khóc tím tái mặt mũi.
  • Trẻ sơ sinh quấy khóc kèm theo những thay đổi về hành vi, cách ăn uống và giấc ngủ.

Trẻ sơ sinh quấy khóc không ngừng là biểu hiện cho thấy bé đang có một nhu cầu nào đó về tâm, sinh lý hoặc cũng có thể do bệnh lý. Tuy nhiên, bé không thể nói với bạn cũng như bạn cũng không thể hiểu được những gì bé đang trải qua, xong vẫn có rất nhiều cách bạn có thể giúp bé. Nếu cha mẹ vẫn còn thắc mắc, hãy đặt hẹn ngay với các chuyên gia Nhi khoa tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 19001806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

14,139

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám