Mùa hè nóng bức khiến nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng cao. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc sử dụng điều hòa sai cách có thể gây ra các bệnh lý đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm mũi, viêm họng, viêm xoang. Người lớn tuổi, người có cơ địa dị ứng hoặc làm việc trong môi trường văn phòng kín thường dễ bị ảnh hưởng.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh viêm đường hô hấp trên do điều hòa để bảo vệ sức khỏe trong mùa hè.
Dấu hiệu lâm sàng
- Ngứa họng, ho khan, đau rát họng.
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi liên tục.
- Giọng nói khàn nhẹ, khô miệng.
- Cảm giác khô niêm mạc mũi, họng.
- Có thể kèm sốt nhẹ, đau đầu nếu có bội nhiễm.
- Một số trường hợp tiến triển thành viêm xoang cấp, viêm tai giữa.

Viêm đường hô hấp gây đau rát họng, ho khan, khô miệng.
Chẩn đoán
- Tiền sử sử dụng điều hòa thường xuyên, đặc biệt phòng kín, nhiệt độ thấp.
- Triệu chứng lâm sàng điển hình của viêm đường hô hấp trên.
- Thăm khám họng, mũi: đỏ niêm mạc, tiết dịch.
- Có thể chỉ định nội soi tai – mũi – họng để loại trừ nguyên nhân khác nếu cần.

Viêm đường hô hấp khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị là giảm viêm, làm dịu niêm mạc, phòng bội nhiễm:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý, súc họng bằng nước muối ấm.
- Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid nhẹ (nếu viêm mũi dị ứng).
- Viên ngậm giảm ho, chống viêm họng.
- Kháng histamine nếu có biểu hiện dị ứng.
- Kháng sinh chỉ dùng khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn: sốt cao, dịch mũi mủ, đau xoang.
- Uống nhiều nước, giữ ấm vùng cổ, nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tránh nói to, không uống nước đá lạnh.
Phòng bệnh
- Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp, nên giữ ở mức 26–28°C.
- Không ngồi trực tiếp dưới luồng gió lạnh của điều hòa.
- Vệ sinh điều hòa định kỳ, thay màng lọc 1–2 tháng/lần.
- Tăng độ ẩm bằng máy tạo ẩm hoặc chậu nước trong phòng.
- Mở cửa phòng sau mỗi 2–3 giờ để lưu thông không khí.
- Uống đủ nước, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng.
- Khi ra khỏi phòng điều hòa, nên giữ ấm vùng cổ – mũi – họng.
Sai lầm thường gặp
- Bật điều hòa quá lạnh, dùng liên tục cả ngày.
- Không vệ sinh điều hòa khiến vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
- Ra vào phòng điều hòa không giữ ấm, dễ thay đổi nhiệt đột ngột.
- Lạm dụng thuốc xịt mũi co mạch (naphazolin, oxymetazolin) quá 5 ngày.
- Tự ý dùng kháng sinh không có chỉ định từ bác sĩ.

Nhiệt độ quá thấp có thể là nguyên nhân chính gây ra viêm đường hô hấp.