Virus HMPV: Triệu chứng, biến chứng và cách phòng ngừa

Bích Ngọc

09-01-2025

goole news
16

Gần đây, đợt bùng phát bệnh do virus HMPV ở Trung Quốc gây hoang mang trên toàn cầu khiến nhiều người lo lắng về sự lây lan và mức độ nguy hiểm. Thực tế, virus HMPV không phải là loại virus mới, tuy nhiên hiện này chưa có vaccine phòng ngừa nên có mối nguy hiểm tiềm ẩn. Vậy virus HMPV là gì? Khi nhiễm có những triệu chứng như thế nào? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết sau.

Virus HMPV là gì?

Virus HMPV (Human Metapneumovirus) là một loại virus đường hô hấp, thuộc họ Paramyxoviridae, phân họ Pneumovirus, chi Metapneumovirus (cùng nhóm với virus hợp bào hô hấp PSV). Chúng gây ra các triệu chứng giống với cảm lạnh như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Đối với một vài đối tượng có hệ miễn dịch yếu (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền) có thể phát triển thành những triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Virus HMPV không phải là một loại virus mới, chúng đã được phát hiện từ những năm đầu của thế kỷ 21 và là tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Tuy nhiên, loại virus này đã lưu hành ở người từ rất lâu trước đây. Theo nghiên cứu đã chứng minh sự hiện diện của kháng thể với HMPV ở người hơn 50 năm trước khi được phát hiện và hầu hết tất cả trẻ em đều đã nhiễm một lần trước khi lên 5 tuổi. 

Virus HMPV thường phát triển và lây lan mạnh mẽ vào những tháng mùa đông hoặc mùa xuân, tương tự các loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp khác như RSV, cúm,... 

Theo các chuyên gia cảnh báo, hầu hết mọi người đều sẽ nhiêm HMPV một lần trong giai đoạn đầu đời. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý vì trẻ em có hệ miễn dịch non nên, dễ bị tổn thương khi nhiễm virus HMPV. Sau khi mắc lần đầu, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể khiến các lần nhiễm sau đó có triệu chứng nhẹ và ít nguy hiểm hơn. 

Bệnh virus HMPV không phải là loại virus mới Bệnh virus HMPV không phải là loại virus mới 

Virus HMPV lây truyền qua đường nào?

Tương tự nhiều loại virus khác trong họ Paramyxoviridae, HMPV lây lan qua giọt bắn hô hấp khi người nhiễm virus ho, hắt hơi, nói chuyện,... Đây chính là con đường lây nhiễm virus HMPV chính ở người. 

Ngoài ra, virus HMPV có thể tồn tại trong không khí trong thời gian khá lâu, người bệnh có thể vô tính để lại virus sua khi tiếp xúc với bề mặt và các đồ vật xung quanh. Do đó, tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật có virus rồi sau đó chạm vào miệng, mắt hoặc mũi cũng có thể khiến virus xâm nhập vào cơ thể. 

Mùa đông và mùa xuân là thời điểm virus HMPV phát triển, lây lan mạnh mẽ vì nhiệt độ, khí hậu rất thuận lợi cho sự tồn tại và lây lan của virus. 

Đối tượng có nguy cơ mắc virus HMPV cao

Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng nhiễm virus HMPV nhưng có một số đối tượng có nguy cơ cao hơn. Bao gồm: 

  • Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi: Đây là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của HMPV do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ để chống lại virus. Hơn nữa, trẻ sơ sinh chưa được tiếp xúc với các loại vi sinh vật nên khả năng bảo vệ tự nhiên yếu. HMPV là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh hô hấp nghiêm trọng, có thể dẫn đến viêm phổi và viêm phế quản ở trẻ. 
  • Người lớn tuổi (trên 65 tuổi): Do tuổi cao nên sức đề kháng tự nhiên của cơ thể suy giảm khiến dễ bị nhiễm trùng ở mức độ nặng. Khi nhiễm HMPV, khả năng bệnh chuyển biến thành viêm phổi hoặc suy hô hấp cao hơn đáng kể. 
  • Người bị hen suyễn sử dụng steroid: Người mắc bệnh hen suyễn thường gặp tình trạng viêm mãn tính ở đường hô hấp. Sử dụng steroid giúp giảm viêm nhưng có thể làm suy yếu khả năng tự vệ của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng như HMPV. 
  • Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Người mắc bệnh thường phải đối mặt với các tổn thương nghiêm trọng ở nhu phổi và đường thở khiến phổi không hỏa động bình thường. Nếu bị nhiễm HMPV, người bệnh trải qua nhiều đợt cấp nghiêm trọng gây suy hô hấp, thậm chí tử vong. 
  • Người có hệ thống miễn dịch yếu do bị ung thư, HIV, ghép tạng: Nhóm người có hệ miễn dịch suy yếu đều nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HMPV cao. Ở nhóm này, hệ miễn dịch gần như không thể chống chọi được virus khiến bệnh tiến triển nhanh chóng và nguy hiểm.

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ nhiễm virus caoTrẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ nhiễm virus cao

Những triệu chứng mà virus HMPV gây ra

Khi nhiễm virus HMPV, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng ban đầu ở đường hô hấp trên và có nguy cơ tiến triển nặng, ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới, gây ra những biến chứng nghiêm trọng. 

Một số triệu chứng khi nhiễm virus HMPV bao gồm:

  • Ho kéo dài
  • Sốt nhẹ đến vừa
  • Đau họng
  • Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
  • Khó thở nhẹ đến vừa
  • Mệt mỏi, đau cơ
  • Viêm phổi hoặc viêm phế quản ở một số trường hợp

Nếu nhiễm virus HMPV nhẹ, cơ thể người bệnh thường hồi phục dần sau vài ngày (thường từ 2 – 5 ngày) mà không cần điều trị y tế hoặc nhập viện.

Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng bao gồm sốt cao, thở khò khè, ho có đờm đặc, khó thở, da có thể chuyển tím tái, suy hô hấp,.. Kéo dài hơn 2 tuần hoặc ngày càng trở nên nghiêm trọng, người bệnh cần sớm thăm khám bác sĩ để được can thiệp điều trị kịp thời.

Một số biến chứng nguy hiểm của virus HMPV

Virus HMPV trở thành mối quan tâm lớn không chỉ tốc độ lây lan mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Một số biến chứng nguy hiểm thường gặp khi mắc phải virus này bao gồm: 

  • Viêm phế quản và viêm phổi: Đây là một trong những biến chứng phổ biến và gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi nhiễm HMPV. Người bệnh có thể xuất hiện hàng loạt những triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt phức tạp hơn nếu bệnh nhân mắc các bệnh lý nền. Viêm phổi và viêm phế quản do HPMV gây ra có thể gây nhiễm trùng huyết, suy hô hấp hoặc tổn thương phổi vĩnh viễn. 
  • Hen suyễn hoặc COPD bùng phát: Virus HMPV có thể tác động tiêu cực đến các bệnh lý nền về hô hấp gây ra tình trạng khó thở nặng nề có nguy cơ nhập viện. 
  • Viêm tai giữa: Virus HMPV không chỉ gây bệnh ở đường hô hấp mà còn có thể gây nhiễm trùng khác như viêm tai giữa, đặc biệt thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được can thiệp kịp thời có thể giảm thính lực ở trẻ. 

Viêm phổi là một trong những biến chứng phổ biến nhất khi nhiễm HMPVViêm phổi là một trong những biến chứng phổ biến nhất khi nhiễm HMPV

Xem thêm:

Phương pháp chẩn đoán và điều trị khi mắc virus viêm phổi HMPV

Virus HMPV có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. 

Phương pháp chẩn đoán nhiễm virus

Bác sĩ thường chẩn đoán nhiễm virus HMPV dựa vào triệu chứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Tuy nhiên, do HMPV có triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như ho, sốt, khó thở, thở khò khè, việc phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác thông qua thăm khám thông thường trở nên khó khăn. 

Ngoài ra, bác sõ có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp khác như: 

  • Nội soi phế quản
  • Chụp X-quang ngực
  • Phương pháp PCR (phản ứng chuỗi polymerase)
  • Xét nghiệm kháng nguyên nhanh

Trong đó, phương pháp PCR là kỹ thuật phổ biến giúp xác định HMPV trong mẫu dịch đường hô hấp, như dịch mũi họng hoặc dịch phế quản. Đây là phương pháp nhạy và chính xác, phát hiện trực tiếp RNA của virus. 

Phương pháp điều trị khi nhiễm HMPV virus

Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay kháng virus khi nhiễm HMPV. Phần lớn trường hợp điều trị tập trung vào việc giảm triệu chứng cho đến khi cơ thể hồi phục. Người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng bằng cách uống nhiều nước và dùng thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau, thuốc thông mũi… theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp triệu chứng nặng, người bệnh cần được can thiệp y tế và nhập viện để được điều trị chuyên sâu. Một số biện pháp có thể được chỉ định bao gồm:

  • Liệu pháp oxy nếu bệnh nhân gặp khó thở, bác sĩ sẽ cung cấp oxy qua ống thở hoặc mặt nạ khí.
  • Truyền dịch tĩnh mạch để cung cấp đủ nước cho cơ thể.
  • Sử dụng corticosteroid để giảm viêm và một số triệu chứng.

Cần lưu ý rằng kháng sinh không được sử dụng để điều trị HMPV, vì kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị viêm phổi do HMPV bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ sẽ cân nhắc việc kê đơn kháng sinh để điều trị hiệu quả.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu khi nhiễm virusHiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu khi nhiễm virus

Biện pháp phòng tránh nhiễm virus HMPV

Hiện nay, virus HMPV vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh nên việc kiểm soát sự lây lan virus đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh bệnh. Để ngăn ngừa lây nhiễm virus hiệu quả cần ngăn ngừa sự lây lan virus, một số thói quen giúp hạn chế sự lây nhiễm bao gồm: 

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất khử khuẩn và nước tối thiểu 20 giấy. 
  • Hạn chế đưa tay chạm vào mắt mũi và miệng. 
  • Tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. 

Dù chưa có vaccine phòng ngừa bệnh nhưng vẫn có thể hạn chế nguy cơ nhiễm virus HMPV bằng cách tăng cường khả năng miễn dịch hệ hô hấp bằng phòng tránh bằng việc tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh lý về đường hô hấp như: 

  • Vaccine cúm mùa
  • Vaccine phế cầu khuẩn
  • Vaccine viêm phổi do Hib
  • Vaccine bạch hầu, ho gà
  • ….

Tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông triển khai tiêm chủng dịch vụ cao cấp và luôn có đầy đủ các loại vaccine phòng tránh các bệnh quan trọng ở trẻ và người lớn. Các vaccine được nhập khẩu chính hãng với số lượng lớn, đồng thời đảm bảo bảo quản an toàn vơi sheej thống kho lạnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Nếu Quý khách có nhu cầu tiêm chủng các loại vaccine phòng ngừa bệnh có thể liên hệ Trung tâm Tư vấn & Tiêm chủng BVĐK Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được nhân viên tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Chủ động tăng cường khả năng miễn dịch hệ hô hấp bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine Chủ động tăng cường khả năng miễn dịch hệ hô hấp bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine 

Hiện nay, với tốc độ lây lan nhanh chóng của virus HMPV, mọi người cần đề cao cảnh giác để có biện pháp dự phòng tốt nhất cho cộng đồng. Dù chưa có vaccine điều trị đặc hiệu nhưng bệnh vẫn có thể kiểm soát nếu được can thiệp và điều trị kịp thời giúp giảm tiến triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm. 

Qua bài viết của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về virus HMPV. Chủ động phòng ngừa chính là cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ lây nhiễm và các biến chứng nghiêm trọng. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

1,052

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám