Amidan phì đại ở trẻ nhỏ là bệnh lý thường gặp nhưng có thể dẫn đến các vấn đề sức khoẻ hết sức nghiêm trọng. Cụ thể, amidan sưng to sẽ chèn ép đường thở khiến bé khó thở, ho khan, chán ăn, mệt mỏi. Thậm chí tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến thiếu oxy vận chuyển lên não khiến bé kém tập trung, trí nhớ kém, còi cọc, chậm lớn,... hơn bạn bè cùng trang lứa.
Amidan phì đại là gì?
Amidan phì đại là tình trạng hai khối amidan nằm hai bên họng phát triển quá mức so với bình thường. Trên thực tế, bộ phận này đóng vai trò giúp bảo vệ hệ miễn dịch, ngăn chặn vi khuẩn và virus xâm nhập. Tuy nhiên, khi amidan quá to, chèn ép lên cuống họng khiến bé cảm thấy khó thở, nuốt khó, đau rát cổ họng, ho nhiều, chán ăn,....

Amidan phì đại ở trẻ nhỏ là tình trạng 2 khối lympho ở cổ họng sưng to hơn so với bình thường
Tình trạng này xảy ra khi trẻ thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp như viêm họng, viêm xoang, hen suyễn, viêm mũi,... hoặc do viêm amidan mãn tính, dị ứng,... Đây là bệnh lý khá phổ biến, trung bình vào những thời điểm giao mùa, các bệnh viện có thể tiếp nhận từ 100- 300 ca viêm amidan mỗi tháng.
Triệu chứng nhận biết amidan phì đại
Phụ huynh nên chủ động nhận biết các dấu hiệu của bệnh lý qua những dấu hiệu sau:
- Amidan sưng to và tấy đỏ ở cả 2 bên
- Đau rát cổ họng, khó nuốt, ho nhiều, chán ăn, hay bỏ bữa
- Ngáy to khi ngủ, một số bé có thể có bị ngưng thở khi ngủ
- Thở bằng miệng vào ban đêm, dẫn đến khô họng và khô môi.
- Hơi thở có mùi hôi
- Thay đổi giọng nói, giọng bị ngạt, khàn
- Ngủ không sâu, dễ bị tỉnh giấc, hay quấy khóc
- Mệt mỏi
- Sốt
Xem thêm: 10+ Cách trị đau rát cổ họng có đờm hiệu quả, dễ thực hiện tại nhà

Dấu hiệu nhận biết dễ thấy nhất là khi soi họng thấy hai khối amidan sưng to và tấy đỏ
Nguy cơ và nguyên nhân gây amidan phì đại
Có rất nhiều lý do có thể khiến bé bị sưng hay thậm chí là phì đại amidan. Các nguyên nhân có thể kể đến bao gồm:
- Bẩm sinh
- Viêm amidan mãn tính không được điều trị đúng cách khiến bộ phận này sưng to và đẫn dến tình trạng phì đại
- Amidan phì đại là biến chứng của các bệnh nhiễm trùng hô hấp như viêm xoang mạn tính, viêm họng mãn tính, hen suyễn,....
- Dị ứng với các tác nhân như thời tiết, thực phẩm, hoá chất
- Hạch bạch huyết ở một số bé phát triển mạnh, bao gồm nhiều hạch ở cổ và họng, một khi bị viêm dễ dẫn đến viêm amidan phì đại
- Ảnh hưởng từ viêm lợi, sâu răng,...
Biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra
Đây là bệnh lý nghiêm trọng cần điều trị ngay. Bởi nếu để tình trạng này diễn biến trong thời gian dài, trẻ sẽ thường xuyên phải thở bằng miệng khi ngủ tạo ra tiếng ngáy, thậm chí ngưng thở khi ngủ. Mặt khác, trẻ thường xuyên ngủ ngáy có thể làm giảm lượng oxy nhận được khi ngủ khiến lượng oxy nhận được thấp hơn. Kết quả là sự phát triển trí não của bé bị suy giảm, còi cọc, chậm lớn, dễ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp,... hơn.
Đồng thời, amidan bị viêm và phì đại dễ khiến các mô xung quanh dẫn đến tình trạng viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng mạn tính,...
Cách điều trị amidan phì đại cho trẻ nhỏ
Cách điều trị amidan phì đại ở trẻ nhỏ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của trẻ. Các phương pháp chữa trị bao gồm điều trị bảo tồn bằng thuốc và phẫu thuật cắt amidan. Mục tiêu là đẩy lùi triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhi. Trên thực tế lâm sàng, đa số các trường hợp amidan phì đại ở trẻ nhỏ mức độ nhẹ đều được khuyến khích dùng thuốc, trong khi các trường hợp nặng mới cần can thiệp ngoại khoa.
Phương pháp bảo tồn
Bác sĩ chủ yếu sẽ dùng thuốc để điều trị cho bệnh nhân, cụ thể:
- Thuốc kháng sinh cho các ca bệnh amidan quá phát hoặc nhiễm trùng
- Thuốc kháng viêm được dùng để tránh ổ viêm lan rộng
- Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt theo hướng dẫn
Lưu ý: Chỉ dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không lạm dụng

Cách điều trị phổ biến nhất là uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Phẫu thuật cắt amidan
Không phải trường hợp phì đại amidan nào cũng cần cắt amidan. Bệnh nhân chỉ có chỉ định cắt khi amidan đã sưng viêm và không thực hiện được chức năng bảo vệ cơ thể tránh khỏi các bệnh lý đường hô hấp.
Các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng cho hay, phẫu thuật cắt amidan chỉ nên thực hiện với các trường hợp sau:
- Trẻ em trên 4 tuổi và có hệ miễn dịch tốt
- Viêm amidan nặng và tái phát từ 5 - 6 lần/ năm
- Amidan sưng to, chèn ép đường thở
- Bệnh nhân gặp biến chứng của viêm amidan như viêm tai giữa, áp xe amidan, tắc nghẽn đường thở, viêm cầu thận cấp,...
Chăm sóc trẻ sau khi điều trị phì đại amidan như thế nào
Việc chăm sóc trẻ sau điều trị amidan phì đại đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục, dù trẻ sử dụng thuốc hay đã phẫu thuật. Mục tiêu chính là hỗ trợ trẻ giảm khó chịu, ngăn ngừa nhiễm trùng và sớm quay lại sinh hoạt bình thường.
Nếu trẻ điều trị bằng thuốc, phụ huynh cần đảm bảo trẻ uống đủ nước (khoảng 1-1,5 lít/ngày tùy độ tuổi) để giữ ẩm cổ họng, giảm khô rát. Chế độ ăn nên ưu tiên các món mềm, dễ nuốt như cháo, súp, sữa nguội và tránh thực phẩm cay, nóng vì có thể kích thích vùng họng. Ngoài ra, rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý 2-3 lần/ngày sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn còn sót lại, hỗ trợ quá trình hồi phục.
Với trẻ vừa phẫu thuật cắt amidan, 48 giờ đầu tiên là giai đoạn cần nghỉ ngơi hoàn toàn. Phụ huynh có thể cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mát như sữa chua để giảm đau và sưng. Trong 7-10 ngày tiếp theo, cần tránh cho trẻ vận động mạnh để hạn chế nguy cơ chảy máu. Ngoài ra, hãy theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ, nếu sốt trên 38°C hoặc cơn đau kéo dài, cần đưa trẻ đi khám ngay.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải đảm bảo môi trường sống cũng cần sạch sẽ, thoáng mát, tránh khói bụi và khói thuốc để giúp trẻ dễ thở hơn. Phụ huynh nên động viên trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế nói to để bảo vệ vùng họng đang trong quá trình hồi phục.
Có thể nói, amidan phì đại ở trẻ nhỏ là bất thường về mặt sức khoẻ nên được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để bệnh diễn biến nặng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tiêu cực cả về thể chất và tinh thần. Do đó, các bậc cha mẹ cần chú ý các biểu hiện bất thường của bé và đưa bé đến Bệnh viện uy tín để được hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ kịp thời.