Áp xe gan do amip: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Doan Nguyen

19-09-2023

goole news
16

Áp xe gan do amip là một bệnh nhiễm khuẩn thường gặp. Tại Việt Nam, nguyên nhân gây áp xe gan này chiếm tới khoảng 80% tổng số ca bệnh. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra hàng loạt biến chứng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và cướp đi tính mạng của người bệnh.

Tổng quan về bệnh

Áp xe gan là hiện tượng lá gan xuất hiện những lỗ hổng nhỏ chứa mủ. Trong khi đó, gan là một cơ quan quan trọng với nhiều chức năng, trong đó có dự trữ năng lượng, tạo protein và loại bỏ những độc hại khỏi cơ thể. Khi gan bị nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, nó có thể xuất hiện những lỗ nhỏ có mủ - gọi chung là ổ áp xe gan.

Áp xe gan do amip là bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, khu vực có khí hậu nóng ẩm, sở hữu điều kiện kinh tế xã hội nghèo nàn, tập quán sinh hoạt lạc hậu. Bệnh này chiếm tỉ lệ cao ở các nước Tây Phi, Nam Phi, Đông Nam Á… trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới nhưng thường gặp ở nam, chủ yếu ở trong độ tuổi 20 – 40.

Hình ảnh áp xe gan do amip
Hình ảnh áp xe gan do amip

Biểu hiện lâm sàng của bệnh áp xe gan do amip  khá đa dạng,. Hiệu quả điều trị có thể đạt tối đa nếu bệnh được phát hiện sớm,. Tuy nhiên nếu không can thiệp khắc phục kịp thời, bệnh sẽ tiến triển tương đối nặng nề, thậm chí gây ra các biến chứng dẫn tới tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh

Amip có 2 loại là Entamoeba histolytica ( loại ăn hồng cầu và gây bệnh) và Entamoeba minuta (loại ăn vi khuẩn và cặn thức ăn, không gây bệnh). Sau khi cơ thể nhiễm amip sẽ xuất hiện các tổn thương đặc trưng là loét ở niêm mạc đại tràng. Bệnh có xu hướng kéo dài và tái phát nhiều lần nếu không được điều trị tích cực. 

Do lưu lượng máu của tĩnh mạch cửa phần lớn tập trung vào gan phải nên trên 80% áp xe gan do amip gặp ở gan phải. Ngoài ra amip còn có thể lên gan theo đường bạch mạch hoặc là di chuyển trực tiếp vào tổ chức gan. Thương tổn mạch máu ở đại tràng đã tạo cơ hội cho amip theo tĩnh mạch vào tuần hoàn cửa hoặc hệ bạch mạch đến gan. Tại đây chúng thường bị chặn lại bởi các xoang tĩnh mạch, từ đó gây ra hoại tử ướt để thành lập các ổ áp xe gan. Theo các chuyên gia, bác sĩ, amip rất hiếm khi vào tuần hoàn chung để tạo thành áp xe phổi, não, lách.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết

Triệu chứng thể điển hình của bệnh áp xe gan do amip chính là tam chứng Fontan bao gồm: Sốt, đau hạ sườn phải và gan to. Cụ thể:

  • Sốt: Người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt liên tục hoặc từng cơn hoặc cũng có thể sốt kéo dài ( > 2 tuần ). Sốt thường là triệu chứng đầu tiên, xuất hiện vài ngày trước các dấu hiệu khác như đau bụng vùng hạ sườn phải và gan to.
  • Đau hạ sườn phải: Mức độ đau hạ sườn ở người bị áp xe gam sẽ tùy từng trường hợp, có thể đau âm ỉ,đau từng đợt hoặc đau quặn dữ dội sau đó lan ra vùng thượng vị và vai phải. Cơn đau thường kéo dài nhiều ngày, cường độ đau tăng lên khi bệnh nhân ho, hít thở sâu hoặc khi vận động,…
  • Gan to và đau: Khi thăm khám, bác sĩ có thể nhận thấy người bệnh có gan to, tuy nhiên cũng chỉ to hơn khoảng 3 – 4cm dưới bờ sườn, bờ tù, ấn đau. Một số trường hợp có thể có thêm dấu hiệu ấn kẽ sườn có điểm đau nhói, đó là khi ổ áp xe gần với bao gan gây kích thích cơ quan lân cận, trong đó có cả thành ngực. Đây là dấu hiệu rất có giá trị trong việc chẩn đoán áp xe gan.

Đau hạ sườn phải có thể là triệu chứng áp xe gan do amip
Đau hạ sườn phải có thể là triệu chứng áp xe gan do amip

Ngoài tam chứng Fontan, người bệnh áp xe gan do amip cũng có thể gặp các dấu hiệu lâm sàng khác, chẳng hạn như:

  • Tràn dịch màng phổi: Người bệnh bị tràn dịch màng phổi không quá nhiều. Nguyên nhân của triệu chứng này có thể do ổ áp xe ở vị trí sát cơ hoành và gây phản ứng viêm kế cận dẫn tới xuất tiết dịch viêm vào khoang màng phổi. Ngoài ra ổ áp xe vỡ qua vòm hoành vào khoang màng phổi gây tràn mủ khoang màng phổi cũng có thể gây ra tình trạng trên. Đây là một biến chứng vô cùng nguy hiểm của áp xe gan nói chung và áp xe gan do amip gây ra nói riêng.
  • Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa ở người bị áp xe gan do amip thường biểu hiện giống hội chứng lỵ với các dấu hiệu điển hình là đau quặn bụng, mót rặn, đi ngoài phân lỏng, nhầy máu mũi. Triệu chứng trên có thể xuất hiện trước tam chứng Fontan. Khi soi phân, bác sĩ có thể tìm thấy amip thể gây bệnh.
  • Gầy sút cân: Người bệnh áp xe gan do amip thường sút cân nhiều và nhanh, nguyên nhân là do có ổ nung mủ sâu và do ăn uống kém.

Bên cạnh đó, ở một số trường hợp không điển hình, bệnh nhân áp xe gan do amip vẫn có thể không sốt, nhưng lại có biểu hiện vàng da, suy gan

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Đối tượng có nguy cơ cao mắc áp xe gan do amip chính là:

  • Người có thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Người đang mắc các bệnh về gan, như suy chức năng gan hay nhiễm trùng.
  • Nữ giới có thể có nguy cơ mắc bệnh áp xe gan do amip cao hơn nam giới tuy không nhiều.
  • Độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao là từ 60 đến 70 tuổi.
  • Áp xe gan cũng thường gặp ở trẻ sơ sinh do có liên quan đến thông tĩnh mạch rốn và nhiễm trùng.

 

Đường lây nhiễm

Bệnh áp xe gan không lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, amip gây bệnh này lại có khả năng lây lan nhanh.

Con đường lây truyền của amip gây áp xe gan chính là  đường phân-miệng. Amip sau khi xâm nhập qua niêm mạc ruột của con người và có thể đi vào trong tĩnh mạch cửa đến gan và gây viêm nhiễm.

Biến chứng của bệnh

Bệnh áp xe gan do amip nếu không được can thiệp điều trị sớm và đúng hướng có thể gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Vỡ ổ áp xe vào khoang màng phổi: Khi bị biến chứng này, người bệnh sẽ xuất hiện đau ngực tăng, ho, sốt. Các trường hợp này cần được xử trí khẩn cấp bằng cách dẫn lưu mủ màng phổi để điều trị đồng thời tránh nguy cơ biến chứng dày dính màng phổi.
  • Vỡ vào phổi: Ổ áp xe vỡ vào nhu mô phổi, nếu như thông với nhánh phế quản thì người bệnh sẽ có biểu hiện khạc ra mủ màu sô-cô-la, đây được xem là một hình thức dẫn lưu cho ổ áp xe. Tuy nhiên, nếu như không chăm sóc và hướng dẫn bệnh nhân dẫn lưu theo đúng tư thế và đúng cách thì đây có thể sẽ trở thành yếu tố thuận lợi cho bội nhiễm vi khuẩn, từ đó gây viêm phổi hoặc áp xe phổi.
  • Vỡ vào khoang màng tim: Biến chứng này thường gặp ở các bệnh nhân có ổ áp xe gan trái. Trên lâm sàng, người bệnh có biểu hiện khó thở, tím tái, đau ngực liên tục. Khi thăm khám, bác sĩ phát hiện các dấu hiệu của tràn dịch màng ngoài tim, Nếu lượng dịch ít, có thể chỉ nghe thấy tiếng cọ màng ngoài tim. Ngược lại nếu lượng mủ tràn vào khoang màng ngoài tim nhiều thì hoàn toàn có thể gây chèn ép tim cấp. Lúc này, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, nhịp tim nhanh, tĩnh mạch cổ nổi, thực hiện nghiệm pháp phản hồi gan-tĩnh mạch cổ cho kết quả dương tính, tiếng tim mờ,..... Khi áp xe gan vỡ vào khoang màng ngoài tim thì người bệnh cần được chọc hút dịch màng ngoài tim cấp cứu để tránh nguy cơ chèn ép tim cấp dẫn tới tử vong.
  • Ổ áp xe vỡ vào ổ bụng gây tình trạng viêm phúc mạc toàn thể: Đây là biến chứng thường gặp của bệnh áp xe gan do amip. Trên lâm sàng bệnh nhân có biểu hiện đau bụng đột ngột, dữ dội, đau tăng lan ra khắp bụng, sốt biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc. Khi thăm khám, bác sỹ phát hiện ra các dấu hiệu: bụng chướng, liệt ruột gây bí trung đại tiện và chướng bụng, siêu âm thấy hình ảnh dịch ổ bụng. Trường hợp này, bệnh nhân cần có chỉ định phẫu thuật điều trị, kết hợp dẫn lưu ổ áp xe và làm sạch ổ phúc mạc.
  • Ổ áp xe vỡ vào ổ bụng nhưng được các tạng trong ổ bụng và mạc nối lớn bao bọc lại gây viêm phúc mạc khu trú. Đây là một trường hợp khó chẩn đoán, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: ứ nước, ứ mủ đài bể thận, nang tụy
  • Áp xe dưới hoành: Ổ áp xe gan vỡ ra được các dây chằng của gan và vòm hoành khu trú ổ mủ giữ lại, tạo thành ổ áp xe dưới vòm hoành. Trên lâm sàng, bệnh nhân có các biểu hiện kích thích cơ hoành như: nấc, ho khan, đau ngực tăng lên khi ho, hít thở sâu; kèm theo có các dấu hiệu nhiễm trùng dai dẳng. Trên hình ảnh X-quang ngực xuất hiện hình ảnh vòm hoành bị nâng cao, thường là vòm hoành bên phải. Siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, phát hiện rõ vị trí và tính chất ổ áp xe.

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác bệnh áp xe gan do amip, bác sĩ sẽ kết hợp đồng thời các biện pháp sau:

  • Dựa vào tiền sử và bệnh sử lỵ amip.
  • Chẩn đoán gợi ý khi có tam chứng Fontan: Sốt, gan lớn và đau.
  • Chẩn đoán đặt ra khi trên siêu âm hoặc CT cho hình ảnh áp xe. 
  • Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.

Các xét nghiệm chẩn đoán áp xe gan do amip bao gồm:

  • Xét nghiệm máu thường quy phát hiện thấy bạch cầu tăng cao, máu lắng tăng.
  • Siêu âm gan: Đây là xét nghiệm không xâm nhập, giúp theo dõi tiến triển của bệnh và hướng dẫn điều trị. Hình ảnh trên siêu âm giai đoạn đầu thường là hình ảnh hỗn hợp âm, trong khi giai đoạn sau là ổ trống âm kèm theo có vỏ dày.
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng để thấy rõ hình ảnh áp xe gan
  • Phát hiện amip gây bệnh bằng phản ứng men ELISA.
  • Chọc hút khối áp xe có mủ màu socola để sinh thiết.

Phương pháp điều trị

Điều trị áp xe gan amip cần áp dụng các biện pháp nội, ngoại khoa hoặc kết hợp với thủ thuật thuật chọc hút kèm theo hướng dẫn siêu âm hoặc CT scanner. Kết quả chữa bệnh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân.
  • Giai đoạn phát triển  bệnh.
  • Tình trạng tổn thương gan.
  • Kích thước và vị trí của các ổ áp xe.

Ngày nay 3 biện pháp thường xuyên phối hợp để điều trị áp xe gan do amip đó là:

  • Thuốc đặc trị amip.
  • Loại bỏ ổ mủ áp xe.
  • Kháng sinh kết hợp.

Loại bỏ ổ mủ áp xe khi nó đã hình thành bằng chọc hút kết hợp thuốc diệt Amip được áp dụng trong các trường hợp:

  • Ổ áp xe gan có kích thước quá to với đường kính > 6cm.
  • Bệnh nhân bị áp xe gan do Amip đã trên 1 tháng.

Phương pháp chọc hút mủ cần kèm theo kỹ thuật soi ổ bụng hoặc của siêu âm. Số lần chọc hút có thể là 1,2 thậm chí 3 lần. Thực tế cho thấy có những trường hợp bệnh nhân cần chọc hút tới 2,5 lít mủ phối hợp với thuốc diệt Amip mới có thể khỏi hoàn toàn.

Phẫu thuật kết hợp với thuốc diệt Amip: Mổ áp xe gan hiện nay thường ít được chỉ định, thông thường kỹ thuật điều trị này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể như sau:

  • Khi áp xe gan đã gây ra các biến chứng nguy hiểm.
  • Bệnh nhân áp xe gan nặng, có biến chứng nguy hiểm nhưng vì một lý do nào đó không thể chọc hút mủ ổ áp xe được.
  • Bệnh nhân bị áp xe gan Amip kéo dài trên 4 tháng, đã điều trị nội khoa bằng chọc hút mủ và thuốc diệt Amip những không có kết quả.
  • Ổ áp xe to, gan to quá rốn tới hố chậu và nổi phồng lên, khi dùng tay sờ vào thấy căng như một bọc nước.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Theo các chuyên gia, bác sĩ, chúng ta có thể phòng ngừa hiệu quả bệnh áp xe gan do amip bằng các biện pháp thiết thực như sau:

  • Rửa tay trước khi ăn, uống và sau khi đi vệ sinh. Tuyệt đối không để kén amip vào thức ăn, đồ uống
  • Xử lý phân hiệu quả, tuyệt đối không dùng phân tươi để bón rau quả. Khi ăn rau quả tươi phải rửa sạch, khử trùng hoặc có xử lý bằng tia cực tím để diệt kén amip.
  • Khi phát hiện thất kén amip trong cơ thể, phải điều trị triệt để bằng metronidazol.

Áp xe gan do amip là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bởi vậy, việc phòng tránh bệnh là vô cùng cần thiết. Ngoài các biện pháp thiết thực trên, chúng ta cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh, từ đó có hướng điều trị hiệu quả.

1,550

Bài viết hữu ích?

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn

19001806 Đặt lịch khám