Áp xe gan: Nguyên nhân, phương pháp điều trị

Doan Nguyen

27-07-2023

goole news
16

Áp xe gan là bệnh khá phổ biến ở những nước có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao và xu hướng ngày càng tăng dù công tác vệ sinh đã nâng cao và các kháng sinh đã được sử dụng rộng rãi. Nắm rõ được bệnh cũng như mức độ nguy hiểm sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe chính mình.

Tổng quan về bệnh

Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng như dự trữ năng lượng, tạo protein, loại bỏ những chất gây hại cho cơ thể. Áp xe gan là tình trạng tổn thương tại gan do lá gan bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm, khi đó gan sẽ bị mưng mủ, hình thành các lỗ nhỏ và tạo thành ổ mủ.

Áp xe gan
Hình ảnh gan bị áp xe

Nguyên nhân gây bệnh

Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh là do vi khuẩn và do amip. Ở các nước phát triển, vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh áp xe gan nhưng tính trên toàn thế giới thì amip mới là nguyên nhân thường gặp nhất.

Áp-xe gan do vi khuẩn

  • Có thể có một hoặc nhiều ổ áp xe, một nghiên cứu cho thấy thùy phải bị ảnh hưởng 74%, thùy trái 16% còn cả 2 thùy là 10%.
  • Hầu hết đều là xảy ra thức phát, tức là do nhiễm trùng từ ổ bụng như viêm đường mật do sỏi, do hẹp hoặc khối u ác tính, viêm túi thừa, viêm ruột thừa, loét dạ dày biến chứng thủng, bệnh Crohn,... gây ra.
  • Có thể xảy ra sau sinh thiết gan, tắc stent/ống thông đường mật.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng răng
  • Người suy giảm hệ miễn dịch.
  • Một nghiên cứu ở Pháp cho thấy, có đến 17,5% người lớn với áp-xe gan có đái tháo đường.
  • Xơ gan cũng là yếu tố gây bệnh.
  • Ở trẻ sơ sinh thì đây là biến chứng của sự thông nối tĩnh mạch rốn. Còn ở trẻ lớn và thiếu niên thì thường là gặp ở người bị suy giảm miễn dịch hoặc chấn thương.
  • Một nghiên cứu tại Pháp cho thấy, có đến 18,4% trường hợp không tìm được nguyên nhân.

Các mẫu bệnh phẩm liên quan tới áp-xe gan do vi khuẩn thường phân lập được nhiều loại vi khuẩn khác nhau và chúng thường có nguồn gốc từ đường ruột. Trong đó, Klebsiella pneumoniae là vi khuẩn thường gặp nhất, ngoài ra còn có các loại vi khuẩn khác như Escherichia coli and Bacteroides, Enterococci. Tụ cầu và phế cầu tán huyết thường gây bệnh sau khi người bệnh nhiễm trùng răng hoặc viêm nội tâm mạc. Còn nấm (thường gặp là Candida spp.) hoặc các vi sinh vật cơ hội thường gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

Áp-xe gan do amip

  • Có 12% dân số thế giới bị nhiễm mạn tính với Entamoeba histolytica. Tình trạng này thường xuất hiện ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới do tình trạng đông đúc, vệ sinh kém, còn được gọi là vùng dịch tế.
  • Lây truyền qua đường phân-miệng: amip xâm nhập qua niêm mạc ruột và có thể đi vào tĩnh mạch cửa.
  • Histolytica gây viêm đại tràng amip và bệnh lỵ còn áp-xe gan là bệnh lý nhiễm ở ngoài đường ruột thường gặp nhất.
  • Áp-xe gan có thể xuất hiện mà không có tiền sử bệnh viêm đại tràng và nó cũng có thể xuất hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm du lịch đến vùng dịch tễ.
  • Ổ áp-xe thường xuất hiện ở thùy phải với tần suất lên đến 80%.

Triệu chứng nhận biết áp xe gan

  • Sốt cao, rét run: người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc vừa (dưới 38 độ), không kèm với biểu hiện run lạnh. Nhưng khi bội nhiễm vi khuẩn sẽ sốt cao 39- 40 độ C kèm lạnh run, chán ăn, sụt cân, buồn nôn, nôn, khó ngủ,...
  • Đau tức vùng gan: vị trí đau chủ yếu là dưới sườn phải, nếu ổ áp xe to cấp tính thì vùng đau có thể lan rộng lên thượng vị hoặc khắp bụng.
  • Gan to đau: áp xe khiến gan to ra dẫn tới người bệnh bị đau tức và nặng dưới vùng dưới sườn bên phải, có thể sờ thấy khối đồng thời người bệnh sẽ thấy khó thở do gan đẩy cơ hoành lên cao.
  • Ấn kẽ sườn thấy đau: khi thăm khám, bác sĩ nắng vào vùng gan bệnh nhân sẽ thấy mức độ đau tăng lên. Khi gõ thất tiếng đục rõ, sờ thấy cả mép của bờ gan.
  • Chụp Xquang: hình ảnh chụp cho thấy cơ hoành phải cao, ít di động, góc sườn hoành phải mờ.
  • Đau bụng lan lên vai phải.
  • Vàng da.
  • Áp xe gan do vi trùng có thể có dấu hiệu sốt không rõ nguyên nhân ở vài bệnh nhân không có dấu hiệu đau sườn phải. Đau chính là điểm nổi bật ở áp xe gan do amip.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Dưới đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị áp xe gan:

  • Nữ giới
  • Độ tuổi từ 60- 70. 
  • Trẻ sơ sinh thực hiện thông tĩnh mạch rốn và nhiễm trùng.
  • Ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Người mắc các bệnh về gan như: nhiễm trùng gan, suy chức năng gan…

Đường lây nhiễm

Bệnh áp xe gan có lây nhiễm nhưng không lây qua không khí hay tiếp xúc thông thường giữa người với người. Áp xe gan gây ra bởi amip chủ yếu lan truyền qua đường phân- miệng, bắt nguồn từ việc ăn uống, sinh hoạt không hợp vệ sinh. 

Do đó người bệnh sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn phải rửa tay sát khuẩn đúng cách.

Biến chứng của bệnh

Áp xe gan là bệnh cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Biến chứng của bệnh chủ yếu là do vỡ ổ áp xe vào các cấu trúc lân cận như:

  • Vỡ áp xe vào màng ngoài tim: ổ áp xe gan vỡ có thể vào tim gây nên triệu chứng khó thở, vã mồ hôi, da tím tái, không nghe rõ tiếng đập của tim. Biến chứng này thường gặp nhất và rất nguy hiểm vì nếu không cấp cứu kịp thời người bệnh sẽ bị tử vong do bị ép tim cấp.
  • Nhiễm trùng ổ bụng: ổ áp xe vỡ vào ổ bụng gây nhiễm trùng toàn bộ ổ bụng với triệu chứng đau bụng dữ dội, bụng cứng, sốt cao,... bệnh nhân cần được đi cấp cứu gấp để dẫn lưu ổ bụng hoặc phẫu thuật để tránh nhiễm khuẩn hoặc tử vong.
  • Vỡ áp xe vào phổi và màng phổi: ổ áp xe vỡ làm cơ hoành bị thủng, mủ tràn vào phổi dẫn đến tình trạng khạc hoặc ọc ra mủ.
  • Vỡ ống tiêu hóa: áp xe gan vỡ vào các phần của ống tiêu hóa như vào dạ dày khiến cho người bệnh nôn ra mủ và máu; vào đại tràng thì đi đại tiện có mủ, máu kéo dài.
  • Vỡ vào thành bụng và rò ra ngoài nhưng trường hợp này rất ít gặp.

Nguy hiểm là vậy nhưng trong hơn 3 thập niên qua, nhờ vào sự tiến bộ trong phát triển y học, cụ thể là chẩn đoán hình ảnh đã giúp làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh áp xe gan do vi khuẩn từ 9- 80% xuống còn 5- 30%. Cũng có số liệu thống kê cho thấy, việc chẩn đoán nhanh và điều trị hiệu quả đã giúp giảm tỷ lệ tử vong vì áp xe do amip còn 1- 3%.

Biện pháp chẩn đoán

Chẩn đoán lâm sàng là bác sĩ dựa vào các biểu hiện như đau tức hạ sườn phải, sốt cao, ho, khó thở,... Còn để chẩn đoán chính xác bệnh cần làm những xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm máu: để tìm dấu tăng bạch cầu, thiếu máu đẳng sắc (hồng cầu bình thường) nhẹ, tốc độ lắng máu.
  • Xét nghiệm tìm sự bất thường của chức năng gan: ALP tăng, Albumin giảm, tăng men gan, bilirubin tăng.
  • Khoảng 50% trường hợp áp xe gan cho kết quả cấy máu dương tính.
  • Xét nghiệm phân: chứa trứng hoặc thể tư dưỡng của histolytica. Nếu nghi ngờ nhiễm histolytica thì cần làm thêm xét nghiệm huyết thanh.
  • Xquang ngực thẳng: nếu áp xe gan sẽ thấy hình ảnh vòm hoành phải nâng cao, có thể xẹp phổi hoặc tràn dịch màng phổi.
  • Siêu âm: cho thấy hình ảnh ô áp xe đồng thời cũng cho phép chọc hút qua da, dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm. Siêu âm cũng giúp bác sĩ kiểm tra đường mật người bệnh.
  • Chụp CT: phát hiện áp xe, cho phép chọc hút, dẫn lưu và phát hiện các áp xe khác trong bụng hoặc đánh giá khả năng khác như bệnh túi thừa, viêm ruột thừa, áp xe nhỏ.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng: chỉ ra vị trí và nguyên nhân gây tắc nghẽn, cho phép đặt stent hoặc dẫn lưu.

Phương pháp điều trị

Hiện nay, điều trị áp xe gan có 2 phương pháp phổ biến đó là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

1. Điều trị nội khoa

  • Thuốc diệt amip ở mô như: emetine, nhóm imidazole hoặc chloroquine
  • Thuốc diệt amip do tiếp xúc như quinoleine và diloxanide furoate
  • Nếu là áp xe gan do vi khuẩn thì điều trị bằng thuốc kháng sinh 

Các biện pháp kết hợp hỗ trợ: nghỉ ngơi điều độ, không làm việc nặng, ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu và đảm bảo nhiều vitamin.

2. Điều trị ngoại khoa

Phương pháp này chính là dẫn lưu rút mủ qua da. Hầu hết bệnh nhân bị áp xe gan do vi khuẩn và áp xe gan lớn do amip không thể hồi phục với kháng sinh đơn thuần và cần dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT.

  • Đối với ổ mủ nhỏ (<5cm): không áp dụng can thiệp ngoại khoa
  • Đối với ổ mủ từ 5-10cm: bác sĩ sẽ đánh giá dựa theo vị trí và từng trường hợp cụ thể: nếu ổ mủ nằm sát bề mặt gan hoặc ở thùy thì sẽ chọc tháo mủ để giảm áo hay dẫn lưu ngoại khoa để tránh biến chứng vỡ ổ mủ.
  • Đối với ổ mủ có kích thước to >10cm: chọc tháo hoặc dẫn lưu ngoại khoa.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Để phòng ngừa bệnh áp xe gan, trong cuộc sống hàng ngày, mọi người cần thực hiện những điều dưới đây:

  • Thực hiện ăn chín uống sôi: tuyệt đối không ăn các loại thức ăn sống, tái như nem, gỏi, tiết canh... Không uống nước chưa đun sôi, không uống nước lã ao, hồ, suối...
  • Không ăn rau sống chưa được rửa sạch, tốt nhất nên ngâm qua nước muối pha loãng.
  • Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Khi cơ thể có dấu hiệu nhiễm khuẩn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán bệnh và điều trị ngay.
  • Khi có dấu hiệu nghi ngờ áp xe gan, nên đi khám sớm nhất có thể để theo dõi và điều trị, tránh để lâu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như: vỡ ổ áp xe gan, nhiễm trùng ổ bụng, vỡ ống tiêu hóa.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến bệnh áp xe gan, mong rằng sẽ giúp mọi người trang bị kiến thức quan trọng về sức khỏe. Liên hệ ngay tới số Hotline 1900 1806 để được thăm khám và điều trị bệnh.

1,653

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám