Áp xe não: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp chữa trị

Doan Nguyen

19-09-2023

goole news
16

Áp xe não là căn bệnh vô cùng nguy hiểm mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng hướng người sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong do vỡ ổ áp xe hoặc các biến chứng nguy hại khác.

Tổng quan về bệnh Áp xe não

Áp xe não là bệnh lý đặc trưng bởi sự hình thành mủ trong mô não. Não có mủ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của hệ thần kinh trung ương từ đó gây nguy cơ tử vong rất cao.

Não bộ chính là cơ quan điều hành mọi hoạt động của cơ thể. Bản thân não bộ được bảo vệ bởi sọ não cùng các lớp mô xung quanh và hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, nhiều vi khuẩn và một số sinh vật vẫn có thể vượt qua lớp bảo vệ trên để tấn công não, từ đó nên tình trạng nhiễm trùng. Lúc này, não bộ sẽ phản ứng lại sự xâm nhập của các vi khuẩn bằng cách hình thành nhiều khoảng trống nhỏ có chứa mủ. Khoảng trống chứa mủ này chính là các ổ áp xe não.

Hình ảnh áp xe não
Hình ảnh áp xe não

Nguyên nhân gây bệnh Áp xe não

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra áp xe não, trong đó thường gặp nhất là:

Chấn thương hoặc phẫu thuật: Những người từng phẫu thuật thần kinh hoặc bị chấn thương sọ não sẽ có nguy cơ cao bị áp xe ở não. Ngoài ra, trường hợp bị đánh vào đầu dẫn tới vỡ xương sọ, những mảnh xương này có nguy cơ đâm vào các tế bào não và gây ra hiện tượng áp xe. 

Có dị vật lạ trong não: Người có dị vật lạ trong não, chẳng hạn như viên đạn nếu  không được loại bỏ sẽ có nguy cơ dẫn tới viêm nhiễm và hình thành áp xe. 

Các bộ phận khác bị nhiễm khuẩn, lan rộng lên não: Đây được cho là nguyên nhân phổ biến gây bệnh áp xe não. Khi tình trạng nhiễm trùng xuất hiện ở một bộ phận nào đó trong cơ thể, mầm bệnh hoàn toàn có thể qua đường máu xâm nhập lên não và lây nhiễm vào bộ phận  này. Chính vì thế, đối với những trường hợp này khởi phát bệnh do nguyên nhân trên, bác sĩ cần phải tìm ra được nguồn bệnh, vi sinh vật gây bệnh từ đó điều trị tận gốc. 

Ngoài ra, những trường hợp có hệ miễn dịch kém cũng có khả năng xảy ra áp xe não vì nhiễm trùng máu. Đó thường là những đối tượng sau đây:

  • Người nhiễm bị nhiễm HIV/AIDS.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa trị.
  • Người dùng thuốc steroid dài hạn.
  • Bệnh nhân đã tiến hành ghép nội tạng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. 

Một số trường hợp nhiễm trùng phổ biến gây ra áp xe ở não có thể kể đến như viêm phổi; nhiễm trùng phổi, van tim; viêm phúc mạc; viêm vùng chậu; viêm bàng quang,…Bên cạnh đó, não cũng có thể bị nhiễm trùng nếu bạn đang bị viêm tai giữa, nhiễm trùng tai giữa, nhiễm trùng xương sau tai hay viêm xoang,… mà không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết Áp xe não

Khi bị áp xe não, người bệnh sẽ có những triệu chứng, dấu hiệu đặc trưng sau đây:

  • Sốt, nhức đầu
  • Gặp những bất thường về thần kinh: Khó khăn trong giao tiếp, hay nhầm lẫn, mất phương hướng,...
  • Xuất hiện cảm giác ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn.
  • Co giật.
  • Cơ bắp bị mất chứng năng làm giảm khả năng vận động.
  • Cứng cổ.
  • Tâm lý thay đổi, ít nói hơn bình thường và có những hành vi bất thường. 
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Suy giảm thị lực.
  • Phản xạ kém..
  • Đối với trẻ nhỏ, áp xe não khiến bé có các biểu hiện: Chân tay bị co cứng, nôn hoặc buồn nôn ngay sau khi tiêm, quấy khóc liên tục,…

Người bị áp xe não thường có biểu hiện sốt, nhức đầu liên tục
Người bị áp xe não thường có biểu hiện sốt, nhức đầu liên tục

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Áp xe não

Bệnh áp xe não căn là bệnh nguy hiểm, hiếm gặp và bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này. Cụ thể đó là những người đang gặp phải một hoặc nhiều vấn đề về sức khỏe như:

  • Bị chấn thương ở vùng đầu .
  • Bị nhiễm trùng ở khu vực gần vị trí đầu như: tai, mũi, mũi, mặt
  • Bị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh mãn tính.
  • Bị bệnh tim bẩm sinh.
  • Bị viêm màng não.
  • Lạm dụng thuốc giảm đau, điều trị bệnh.
  • Có hệ miễn dịch yếu hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch do bệnh lý nặng, ung thư, nhiễm HIV AIDS…

Theo các chuyên gia, bác sĩ, đối tượng chủ yếu mắc bệnh áp xe não là những người có hệ miễn dịch yếu. Trường hợp những đối tượng khỏe mạnh bị áp xe não thường do nguyên nhân chính là nhiễm vi khuẩn. Theo thống kê tỷ lệ mắc áp xe não nhiều nhất là ở những người nằm trong độ tuổi từ 30 – 45 tuổi.

Biến chứng của bệnh Áp xe não

Bệnh áp xe não nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như:

  • Hội chứng nhiễm trùng: Người bệnh sốt cao từ 39 - 40 độ C. Tình trạng sốt cao này thường xuất hiện khi ổ áp xe ở giai đoạn lan tỏa.
  • Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Người bệnh bị đau đầu âm ỉ, đau lan ra khắp đầu nhất là ở khu vực ổ áp xe khu trú. Tình trạng đau đầu thường tăng lên về đêm hoặc bất cứ khi nào người bệnh thay đổi tư thế.
  • Hội chứng thần kinh khu trú: Liệt dây thần kinh sọ não hoặc xuất hiện các cơn động kinh cục bộ. Trường hợp ổ áp xe ở một bên bán cầu, người bệnh sẽ bị liệt nửa người. Nếu ổ áp xe ở hai bên bán cầu, người bệnh sẽ bị liệt tứ chi. 

Biện pháp chẩn đoán Áp xe não

Các biện pháp thường được bác sĩ áp dụng để chẩn đoán bệnh áp xe não bao gồm:

  • Chụp CT scan: Biện pháp chẩn đoán này không cung cấp nhiều thông tin nếu ta so sánh với cộng hưởng từ MRI. Tuy nhiên, việc chụp CT scan có thể được áp dụng một cách nhanh chóng và phù hợp với những tình huống cấp cứu.
  • Cộng hưởng từ MRI: Cộng hưởng từ MRI có tiêm thuốc cản từ sẽ giúp ích nhiều cho việc chẩn đoán áp xe não bởi chúng cung cấp những hình ảnh về não bộ đặc biệt là khảo sát tốt nhu mô não.
  • Chọc dò dịch não tủy thắt lưng: là phương pháp lấy mẫu dịch não tủy thông qua kim từ ngoài da vào vùng thắt lưng. Mẫu dịch não tủy được đánh giá và đưa đến các phòng xét nghiệm.
  • Các xét nghiệm máu, sinh hóa: Việc áp dụng các xét nghiệm máu và sinh hóa sẽ giúp bác sĩ tìm các dấu hiệu nhiễm trùng đồng thời đánh giá về chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
  • Giải phẫu bệnh: Phương pháp này giúp cung cấp thông tin cho việc chẩn đoán xác định. Tuy nhiên cần có mô bệnh và thường chỉ được tiến hành sau khi thực hiện phẫu thuật.
  • Các xét nghiệm vi sinh: Bao gồm nhuộm gram, nuôi cấy, tìm vi trùng lao, kháng sinh đồ,… từ mủ hoặc các bệnh phẩm thu được.

Phương pháp điều trị Áp xe não

Phương pháp điều trị bệnh áp xe não phổ biến hiện nay là điều trị nội khoa và phẫu thuật. Tùy vào từng trường hợp, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ chữa bệnh phù hợp

Điều trị nội khoa

Phương pháp điều trị nội khoa thường áp dụng cho những trường hợp sau:

Ổ áp xe nhỏ đồng thời vị trí áp xe ở sâu trong não.

Ổ áp xe đã vỡ khiến tình trạng mũ đã lan rộng.

Thể trạng người bệnh quá yếu nên không thể phẫu thuật.

Nguyên tắc chung trong điều trị nội khoa áp xe não là dùng kháng sinh mạnh, phổ tác dụng rộng. Bên cạnh đó cũng cần phối hợp nhiều kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn Gram (-) và Gram (+). Kháng sinh thường được dùng trong trường hợp này thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3 hoặc 4 kết hợp với nhóm quinonone.

Ngoài kháng sinh ra, người bệnh cũng cần phải điều trị chống phù não, nuôi dưỡng và săn sóc bệnh nhân cẩn thận để chống viêm phổi do nằm lâu, chống loét; cho thuốc an thần, thuốc giảm đau và hạ sốt.

Phẫu thuật

Có 3 phương pháp phẫu thuật điều trị áp xe hiện nay đó là chọc hút; dẫn lưu và lấy toàn bộ bọc áp xe não.

Chọc hút ổ áp xe não: Là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay. Ưu điểm của chọc hút ổ áp xe là không gây tổn thương nhiều tổ chức não lành. Cách điều trị này được chỉ định khi ổ áp xe lớn ở sâu trong tổ chức não, ổ áp xe nhiều ngăn, khi tình trạng bệnh tiến triển quá nặng. Nhược điểm của chọc hút ổ áp xe não là không lấy triệt để nên dễ tái phát.

Dẫn lưu ổ áp xe: Biện pháp điều trị này được chỉ định trong các trường hợp áp xe ngoài màng cứng, áp xe tụ mủ DMC và ổ áp xe lớn ở sâu hoặc ở nông so với vỏ não.

Lấy bỏ toàn bộ bọc áp xe: Là phương pháp triệt để tuy nhiên lại thực hiện khó khăn. Nó có thể gây tổn thương nhiều tổ chức não lành, gây thủng vỡ bọc áp xe nếu kỹ thuật bác sĩ không tốt. Lấy bỏ toàn bộ bọc áp xe được chỉ định trong trường hợp bọc áp xe có bao xơ chắc nằm không sâu so với tổ chức não, áp xe não do vết thương hoả khí. Tức trong bọc áp xe có thể bao gồm các mảnh kim khí, mảnh xương hoặc các dị vật khác.

Biện pháp phòng ngừa bệnh Áp xe não

Để phòng ngừa hiệu quả bệnh áp xe não tốt nhất, bạn nên áp dụng đồng thời các biện pháp sau:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách.
  • Phòng ngừa và điều trị triệt để các bệnh liên quan đến răng miệng.
  • Điều trị dứt điểm tình trạng viêm xoang, viêm tai giữa.
  • Đối với những người có hệ miễn dịch kém, chẳng hạn như bệnh nhân bị HIV/AIDS, có nguy cơ cao mắc bệnh áp xe não cần thường xuyên uống thuốc chống virus theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bị nhiễm HIV cũng nên thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, tránh lây nhiễm bệnh.

Bài viết này đã cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản về căn bệnh áp xe não. Có thể thấy đây là căn bệnh nguy hiểm và mỗi chúng ta nên có ý thức phòng ngừa bệnh ngay từ hôm nay, nhất là việc điều trị dứt điểm tình trạng viêm xoang, viêm tai giữa,viêm phổi, viêm phế quản,…

1,617

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám