Ấu trùng di chuyển dưới da: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị 

Phan Thị Hoàn

28-06-2024

goole news
16

Bệnh ấu trùng di chuyển dưới da là bệnh nhiễm trùng da do ấu trùng giun móc từ chó, mèo hoặc ở động vật khác gây ra. Khi bị nhiễm bệnh, ấu trùng di chuyển dưới bề mặt da và gây ra các đường hoặc vết đỏ ngứa. Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh ở da khác, nên cần được bác sĩ thăm khám để điều trị đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Ấu trùng di chuyển dưới da là gì?

Bệnh ấu trùng di chuyển dưới da là một hội chứng lâm sàng có thể nhận biết qua vệt đỏ di chuyển theo đường thẳng hoặc hình rắn trên da, một thuật ngữ y khoa thường được gọi là "phun trào leo thang".

Bệnh do ấu trùng giun móc gây ra, với loài Ancylostoma Braziliense thường gặp nhất ở người. Những con giun này thường sinh sống trong ruột của các loài vật nuôi như chó, mèo và sau đó thải trứng qua phân xuống đất, thường là ở vùng cát của bãi biển hoặc dưới nhà. Con người bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc với đất ô nhiễm bởi phân của động vật. Ấu trùng giun móc có thể xâm nhập qua lớp da nguyên vẹn nhưng thường bị giữ lại ở lớp hạ bì da.

Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa và có nguy cơ cao hơn đối với những người thường xuyên tiếp xúc với biển và trẻ em. Sự lan truyền của bệnh phụ thuộc vào hai yếu tố chính là vệ sinh kém và điều kiện môi trường. Đối với sự phát triển của ấu trùng, môi trường cần có nhiệt độ từ 23 đến 30°C, đất mùn tơi, và khu vực râm mát.

Bệnh thường phát triển ở các vùng dưới cơ thể như chi dưới, vùng mông và vùng sinh dục, ít gặp ở các vùng khác như thân và chi trên. Ban đầu, có thể xuất hiện một đốm sẩn đỏ ngứa tại vị trí ấu trùng xâm nhập. Trong vài ngày sau đó, các vệt màu nâu đỏ nổi lên, gây ngứa khó chịu khi ấu trùng di chuyển với tốc độ vài mm mỗi ngày. Các tổn thương có kích thước khoảng 3mm và có thể dài tới 15 - 20mm, với ấu trùng thường đặt trước vết phát ban khoảng từ 1 - 2cm.

Bệnh ấu trùng di chuyển dưới da.

Bệnh ấu trùng di chuyển dưới da.

Nguyên nhân nào dẫn tới ấu trùng di chuyển dưới da?

Giun móc thường tồn tại và gây bệnh trong cơ thể của chó và mèo, sau đó được bài tiết ra môi trường qua phân và phát triển thành ấu trùng. 

Ấu trùng này có thể tồn tại trong môi trường bên ngoài trong khoảng từ 3-4 tuần. Chúng xâm nhập vào da của con người thông qua tiếp xúc trực tiếp khi không có biện pháp bảo vệ an toàn. 

Khi da tiếp xúc với phân của chó, mèo hoặc đất ẩm có chứa ấu trùng giun móc, chúng sẽ xâm nhập vào da và sinh sống dưới da, di chuyển trong lớp thượng bì gây ra các phản ứng viêm dưới da. Rất ít khi có trường hợp ấu trùng xâm nhập sâu hơn và gây tổn thương cho mô hay phổi.

Giun móc thường tồn tại và gây bệnh trong cơ thể của mèo.

Giun móc thường tồn tại và gây bệnh trong cơ thể của mèo.

Những biến chứng của bệnh ấu trùng di chuyển dưới da là gì?

Ấu trùng di chuyển dưới da nếu không điều trị kịp thời có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh mắc phải. Dưới đây là một số biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải. 

  • Biến chứng phổ biến nhất là nhiễm trùng thứ phát xảy ra tại vùng tổn thương. 
  • Có thể xuất hiện phản ứng dị ứng tại chỗ hoặc toàn thân, như mày đay.
  • Người bị suy yếu hệ miễn dịch khi nhiễm trùng thường có biểu hiện xuất huyết lan rộng và tổn thương ban xuất huyết.
  • Biến chứng phổi là một hiện tượng hiếm khi xảy ra của việc ấu trùng da di chuyển xâm nhập vào máu và sau đó lan vào phổi. Biểu hiện thường thấy nhất là ho khan, xuất hiện khoảng một tuần sau khi ấu trùng xâm nhập qua da. Cơn ho có thể kéo dài đến hai tuần. Chụp X-quang ngực có thể phát hiện thâm nhiễm thoáng qua, và tăng bạch cầu ái toan trong máu là một biểu hiện phổ biến.

Ấu trùng di chuyển dưới da không điều trị kịp thời có thể để lại biến chứng nguy hiểm.

Ấu trùng di chuyển dưới da không điều trị kịp thời có thể để lại biến chứng nguy hiểm.

Chẩn đoán bệnh ấu trùng di chuyển dưới da như thế nào?

Chẩn đoán bệnh ấu trùng da di chuyển thường dựa trên lịch sử y tế, tiền căn và khám lâm sàng là chính. Những người bị nhiễm thường có tiền sử tiếp xúc với đất hoặc cát bị ô nhiễm như đi chân trần hoặc tiếp xúc trực tiếp với cát và có các vết thương đặc trưng trên da.

Đồng thời, các xét nghiệm được thực hiện để xác định tình trạng tăng bạch cầu, hoặc sử dụng kỹ thuật Dermoscopy để chụp hình ảnh tổn thương dưới da, phát hiện các cấu trúc, hang rỗng của ấu trùng.

Chẩn đoán bệnh ấu trùng da di chuyển có thể gây nhầm lẫn với nhiều bệnh da khác. Mỗi loại bệnh, mỗi nguyên nhân đều đòi hỏi liệu pháp điều trị cụ thể. Vì vậy, việc thăm khám kỹ lưỡng là cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác và áp dụng liệu pháp phù hợp.

Các bệnh thường bị nhầm lẫn với ấu trùng da di chuyển bao gồm bệnh: giun lươn và Gnathostomas, vảy nến, sán lá gan, viêm da tiếp xúc, chốc lở, ghẻ, nám bàn chân và viêm nang lông. Mỗi loại bệnh có triệu chứng và phương pháp điều trị riêng và việc chẩn đoán chính xác là quan trọng để điều trị hiệu quả.

Trong quá trình chẩn đoán, Bác sĩ sẽ thường hỏi về bệnh sử của bệnh nhân.

Trong quá trình chẩn đoán, Bác sĩ sẽ thường hỏi về bệnh sử của bệnh nhân.

Cách điều trị bệnh ấu trùng di chuyển dưới da

Việc sử dụng liệu pháp tẩy giun sán cho bệnh ấu trùng da di chuyển đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng và giảm khả năng bội nhiễm vi khuẩn.

Sử dụng Ivermectin hoặc Albendazole

  • Các phương pháp điều trị cho bệnh ấu trùng da di chuyển bao gồm sử dụng Ivermectin hoặc Albendazole. 
  • Ưu tiên sử dụng Ivermectin với liều lượng 200mcg/kg uống một lần mỗi ngày trong một hoặc hai ngày. 
  • Một liều Ivermectin duy nhất có tỷ lệ khỏi bệnh từ 94 đến 100%. Bệnh nhân mắc viêm nang lông giun móc nên được điều trị bằng hai liều Ivermectin.

Sử dụng Ivermectin để điều trị bệnh ấu trùng di chuyển dưới da. 

Sử dụng Ivermectin để điều trị bệnh ấu trùng di chuyển dưới da. 

Albendazole

  • Albendazole (400mg uống kèm với bữa ăn giàu chất béo trong 3 ngày) được coi là một lựa chọn điều trị thay thế khi không có sẵn Ivermectin. 
  • Đối với những bệnh nhân có tổn thương lan rộng hoặc nhiều tổn thương, có thể cân nhắc sử dụng liệu trình Albendazole kéo dài trong 7 ngày. 
  • Các triệu chứng thường giảm trong vòng một tuần sau khi điều trị.

Thiabendazole bôi tại chỗ

  • Thiabendazole bôi tại chỗ được coi là có hiệu quả trong việc giảm ngứa và ngăn chặn sự tiến triển của tổn thương, thường thấy kết quả sau khoảng hai ngày. 
  • Thuốc mỡ Albendazole 10% bôi tại chỗ, sử dụng ba lần mỗi ngày trong 10 ngày.

Thuốc kháng Histamin

  • Ngoài các loại thuốc chống ký sinh trùng, thuốc kháng histamin cũng rất hữu ích trong việc kiểm soát ngứa. 
  • Ở những bệnh nhân có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể sử dụng corticosteroid tại chỗ để điều trị triệu chứng.

Phòng ngừa bệnh ấu trùng di chuyển dưới da như thế nào?

Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa bệnh ấu trùng di chuyển dưới da bạn có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe của mình nhé. 

  • Luôn mang dép khi đi trên đất cát, đặc biệt là ở những khu vực có thú nuôi như chó mèo.
  • Tránh nằm hoặc ngồi trên đất cát.
  • Không nên để trẻ em chơi đùa gần hộp cát hoặc các nơi tương tự nơi chó mèo thường xuyên tự do đi lại.
  • Thực hiện tẩy giun định kỳ cho chó mèo.
  • Liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ấu trùng da di chuyển, đặc biệt là khi xuất hiện các vết đỏ ngoằn ngoèo trên cơ thể.

Một số câu hỏi liên quan đến ấu trùng di chuyển dưới da

Những đối tượng nào có nguy cơ mắc ấu trùng di chuyển dưới da?

Các nhóm có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng di chuyển dưới da bao gồm:

  • Những người có nghề nghiệp hoặc sở thích tiếp xúc với đất cát ẩm.
  • Những người đi biển chân trần và tắm nắng.
  • Nông dân.
  • Trẻ em.
  • Người làm vườn.
  • Thợ sửa ống nước.
  • Người chăm sóc thú cưng.

Ấu trùng di chuyển dưới da có nguy hiểm không?

  • Ấu trùng di chuyển dưới da có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và khó chịu cho người bị nhiễm, nhưng không thường gây ra nguy hiểm nghiêm trọng. 
  • Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể gây ra biến chứng như nhiễm trùng da thứ phát hoặc nhiễm trùng máu. 
  • Điều quan trọng là nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Ấu trùng di chuyển dưới da có nguy hiểm không?

Ấu trùng di chuyển dưới da có nguy hiểm không?

Bệnh ấu trùng di chuyển dưới da có tự khỏi không?

  • Bệnh ấu trùng da di chuyển trong một số trường hợp có thể tự khỏi. Nguyên nhân là vì cơ thể con người chỉ là môi trường trung gian cho ấu trùng ký sinh mà không gây ra bệnh.
  • Việc ký sinh dưới da của người là một vòng đời không hoàn chỉnh của ấu trùng và cuối cùng chúng sẽ chết đi. 
  • Các triệu chứng của bệnh thường giảm dần sau khoảng 4-8 tuần. 
  • Một số ít trường hợp hiếm gặp có thể gây ra biến chứng và nhiễm trùng thứ phát. Mặc dù có khả năng tự khỏi, nhưng nếu được điều trị sớm sẽ giúp rút ngắn thời gian bệnh và giảm triệu chứng ngứa ngáy không thoải mái.

Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh Ấu trùng di chuyển dưới da: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa. Với những thông tin vô cùng hữu ích sẽ giúp bạn đọc nắm rõ nguyên nhân gây bệnh để có cách phòng tránh tốt nhất. Nếu như bạn có bất cứ thắc mắc gì về bệnh ấu trùng di chuyển dưới da, hãy liên hệ ngay tới Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 để được tư vấn, thăm khám và điều trị bệnh trong thời gian sớm nhất nhé. Phương Đông luôn sẵn lòng phục vụ bạn!

1,035

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám