Ấu trùng sán lợn: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị

Doan Nguyen

20-09-2023

goole news
16

Bệnh ấu trùng sán lợn, còn được gọi là "bệnh sán lợn" hay "nhiễm ký sinh trùng sán lợn," là một bệnh nhiễm ký sinh thường gặp ở lợn và cũng có thể ảnh hưởng đến người. Bệnh này do sán lợn gây ra, đó là các ký sinh trùng sán thường sống trong ruột chủ thể (lợn hoặc người) và gây ra các triệu chứng khó chịu và sức kháng suy yếu.

Tổng quan về bệnh

Ấu trùng sán lợn hay bệnh sán dây là tình trạng nhiễm ký sinh trùng khá phổ biến gặp ở nhiều nơi trên thế giới. Tổng hợp số liệu thống kê cho thấy có khoảng 100 triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này. Nguyên nhân bệnh này có tỷ lệ người mắc cao đến vậy là do tập quán ăn thịt lợn chưa nấu chín ở nhiều quốc gia. Ở Việt nam, qua báo cáo của các cơ sở điều trị và qua các cuộc nghiên cứu, có ít nhất 55 tỉnh, thành phố có người mắc bệnh ấu trùng sán lợn. 

Nếu ăn thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm trứng sán dây, chúng có thể di chuyển bên ngoài ruột và hình thành các nang ấu trùng xâm nhập vào trong các cơ quan và mô cơ thể. 

Theo các chuyên gia y tế, nhiễm sán thường không sốt, không có triệu chứng điển hình nên người bệnh sẽ không biết. Đến khi bệnh tiến triển mà chưa được phát hiện và điều trị sẽ dẫn đến hậu quả người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, suy giảm thể lực, lâu năm trở nên gầy mòn. 

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, vòng đời của ấu trùng sán lợn trưởng thành có thể là 30 năm trong ký chủ. Nhiễm sán dây ở đường ruột sẽ nhẹ hơn nhưng nếu bị nhiễm ấu trùng xâm lấn vào não, cơ vân, mắt hoặc các mô trong cơ thể có thể gặp một số biến chứng nghiêm trọng. 

Tình trạng nang ấu trùng nằm ở dưới da và trong mắt

Tình trạng nang ấu trùng sán dây nằm ở dưới da và trong mắt

Nguyên nhân gây bệnh

Một số nguyên nhân hình thành bệnh ấu trùng sán lợn trong cơ thể gồm:

  • Ăn phải trứng ấu trùng hoặc sán dây: đây là lý do chính khiến bạn bị nhiễm ký sinh trùng. Khi uống nước hay ăn thức ăn bị nhiễm phân từ động vật hoặc người nhiễm sán dây, bạn có thể ăn phải trứng ấu trùng sán dây.
  • Ăn phải nang ấu trùng trong thịt hoặc các mô cơ: Khi một con vật có sán dây ký sinh trong cơ thể, ấu trùng sán dây sẽ xâm nhập vào trong mô cơ của nó. Khi con vật bị nhiễm đó chưa được nấu chín, hay bạn ăn dưới dạng thịt sống sẽ ăn phải các ấu trùng và theo thời gian chúng sẽ phát triển thành sán dây trưởng thành trong ruột. 

Theo các chuyên gia y tế, ấu trùng sán lợn có trong thịt sống sẽ chết khi được đun sôi trong vòng 2 phút hoặc đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút. Chính vì thói quen ăn uống thiếu sạch sẽ, không vệ sinh như ăn các loại thịt không được chế biến kỹ như nem chua, nem thính… hay ăn sống như gỏi, rau sống, tiết canh… dẫn đến việc mắc bệnh ấu trùng sán lợn vẫn còn lưu hành ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. 

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết

Như đã đề cập ở phía trên, các biểu hiện của bệnh sán dây thường không rõ ràng. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như rối loạn tiêu hóa nhẹ, đau bụng, cảm giác bứt rứt, khó chịu, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ có hình dạng dẹt, màu trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, có thể phát hiện thấy có trứng sán trong phân. 

Theo các chuyên gia y tế, tùy thuộc vào vị trí ký sinh và đóng kén của sán dây mà người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau:

  • Nang sán nằm trong não: người bệnh có thể bị động kinh, liệt nửa người hay liệt tay, chân, nói ngọng, đau đầu dữ dội hoặc rối loạn trí nhớ. Trẻ bị nhiễm ấu trùng sán lợn sẽ bị ảnh hưởng tới khả năng phát triển của não bộ, ảnh hưởng tới vấn đề học tập, đồng thời trẻ có thể bị co giật hay ngất xỉu đột ngột. 
  • Nang sán nằm trong mắt: tăng nhãn áp, chèn ép sau nhãn cầu, thị lực của người bệnh bị giảm hoặc mù.
  • Nang sán nằm ở dưới da, thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ lưng, ngực, cơ liên sườn: gây ra triệu chứng máy, giật cơ. Cần chú ý phân biệt với hạch nếu xuất hiện một số nang đơn lẻ. 

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Bệnh sán dây hay ấu trùng sán lợn là bệnh rất thường gặp ở bất cứ ai trong mọi độ tuổi. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này bao gồm:

  • Vệ sinh kém: không rửa tay, chân hay không tắm rửa thường xuyên sẽ vô tình làm tăng nguy cơ lây nhiễm các chất ô nhiễm vào miệng.
  • Tiếp xúc với vật nuôi: Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở những địa điểm có phân động vật và phân người không được xử lý đúng cách. 
  • Đi du lịch đến những vùng người dân có thói quen sinh hoạt, vệ sinh kém. 
  • Ăn thịt sống hoặc chưa được đun nấu chín kỹ. Trong thịt lợn hoặc thịt bò bị ô nhiễm thường có nhiều trứng sán dây và ấu trùng ký sinh. 
  • Sống trong vùng có bệnh ấu trùng sán lợn lưu hành. 

Biến chứng của bệnh

Một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh sán dây gây ra đối với cơ thể con người bao gồm: 

  • Khiến cơ thể kém hấp thu dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thể lực chậm phát triển, gây suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa. 
  • Biến chứng nguy hiểm nhất của căn bệnh này là khi ấu trùng tấn công vào não và tim gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu ấu trùng chui vào mắt có thể làm tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn. 
  • Trường hợp sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể còn khiến người bệnh bị nhiễm độc thần kinh, gây ra những biến chứng cho hệ thần kinh trung ương như nói ngọng, giảm thị lực, liệt các dây thần kinh, động kinh. Một số trường hợp bị tai biến thần kinh nặng có thể khiến người bệnh tử vong. 

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp dùng để chẩn đoán bệnh sán dây hay bệnh ấu trùng sán lợn gồm có:

  • Phân tích mẫu phân: đối với trường hợp nhiễm trùng sán dây đường ruột
  • Xét nghiệm máu: đối với trường hợp nhiễm trùng mô
  • Xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ, CT não: đối với trường hợp nhiễm trùng ở não
  • Xét nghiệm dưới da: đối với trường hợp nhiễm trùng ở cơ

Việc chẩn đoán căn bệnh này cần dựa vào nhiều yếu tố như xác định chính xác nguồn lây truyền, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học. 

Phương pháp điều trị

Trong một số trường hợp, nhiễm trùng sán dây không cần điều trị vì sán dây tự đào thải ra khỏi cơ thể. Do không có triệu chứng nên nhiều người không nhận ra sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán nhiễm sán dây đường ruột, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc để “tiêu diệt” chúng như albendazole, praziquantel, nitazoxanide. 

Một số phương pháp điều trị khác được áp dụng đối với trường hợp nhiễm trùng xâm lấn gồm có:

  • Thuốc trừ giun sán
  • Điều trị chống viêm
  • Điều trị chống động kinh
  • Đặt shunt với trường hợp nhiễm trùng xâm lấn gây ra tình trạng não úng thủy. 
  • Phẫu thuật để loại bỏ những nang phát triển trong gan, phổi và mắt vì chúng có thể đe dọa đến chức năng của các cơ quan, dễ gây biến chứng nghiêm trọng. 

Theo Bộ y tế, hiện nay ở Việt Nam có đầy đủ các loại thuốc để có thể điều trị khỏi tất cả các thể nhiễm sán nên nếu không may mắc bệnh ấu trùng sán lợn thì người dân cũng không nên quá lo lắng vì bệnh không khó điều trị. 

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc về để tự trị và không nên điều trị bằng thuốc nam, Đông y hay các thuốc cổ điển vì dễ gây biến chứng nguy hiểm. 

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Để chủ động phòng ngừa bệnh sán dây, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện những điều sau:

  • Tuyệt đối không được sử dụng thịt lợn bệnh để chế biến thực phẩm, phải tuân thủ quy tắc “ăn chín, uống sôi”, sử dụng các loại thức ăn đã được chế biến hợp vệ sinh, nấu chín kỹ. 
  • Không ăn các loại thực phẩm sống như thịt lợn, thịt lợn tái, nem chua (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ bị bệnh ấu trùng sán lợn).
  • Quản lý chất thải, phân tươi, nhất là ở những nơi có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột.
  • Không dùng phân gia súc và phân người chưa ủ đúng kỹ thuật để bón cho cây trồng và rau xanh. 
  • Không nuôi lợn thả rông, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ xung quanh người và vật nuôi.
  • Người có sán trưởng thường thành trong ruột phải tiếp nhận điều trị dứt điểm, không phóng uế bừa bãi. 
  • Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lò mổ lợn. 
  • Trước khi chế biến thực phẩm hoặc trước khi ăn phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tắm và vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày. 
  • Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên tẩy giun sán 6 tháng/lần. 
937

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám