Bạch cầu cấp: Triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh

Doan Nguyen

27-07-2023

goole news
16

Bạch cầu cấp không phải bệnh lý đơn lẻ mà nó bao gồm nhiều bệnh. Bệnh gây ra bởi các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra các tế bào máu, do đó mà nó còn được gọi nôm na với cái tên là ung thư máu. Bệnh lý này không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng gần đây, với sự phát triển của y học hiện đại, phương pháp điều trị tiên tiến đã cho kết quả điều trị tốt hơn nhiều.

Tổng quan về bệnh 

Bạch cầu cấp hay ung thư máu là bệnh lý do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra tế bào, những tế nào này nhân lên rất nhanh và nếu không được điều trị sẽ gây ứ đọng trong tủy xương, cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường tiếp theo. Do đó, các tế bào ung thư có thể chạy đi rất xa trong cơ thể gây ra hàng loạt triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau.

Bạch cầu cấpBạch cầu cấp

Bệnh bạch cầu cấp tiến triển nhanh và có thể gây tử vong trong vòng vài tuần đến vài tháng nếu không được điều trị. Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu được điều trị sớm và đúng cách thì có thể đẩy lùi được bệnh.

Như đã nói ở trên thì đây là phải là bệnh lý đơn lẻ mà gồm nhiều loại bệnh, hiện nay  có 5 loại bệnh bạch cầu được ghi nhận đó là:

  • Bạch cầu dòng tủy (AML): thường gặp ở trẻ em, người lớn. Đây cũng là loại bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người lớn. Gây ra bởi các tế bào dòng tủy bị ung thư hóa như bạch cầu hạt, hồng cầu, tiểu cầu mà không phải là lympho. Dựa trên hình thái tế bào, bảng xếp loại FAB chia thành 8 thể loại khác nhau của tế bào ung thư máu từ M0- M7.
  • Bạch cầu dòng tế bào lympho (ALL): gây ra bởi tế bào lympho bị tổn thương ung thư và nó phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Bảng xếp loại FAB chia bạch cầu dòng này thành 3 thể khác nhau: L1, L2, L3.
  • Bạch cầu dòng tủy mạn tính: chủ yếu xảy ra ở người lớn, có thể có ít hoặc không có triệu chứng trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
  • Bạch cầu dòng tế bào lympho mạn tính: bệnh bạch cầu mạn tính phổ biến ở người lớn.
  • Bạch cầu tế bào tua và tế bào lympho hạt lớn: loại này rất hiếm gặp.

Ung thư máu cũng do tổn thương gen gây nên, có đến hơn 80% nguyên nhân gây tổn thương gen là do những tác động bên ngoài gây ra. Bệnh có thể di truyền, tuy nhiên tỷ lệ không cao (chỉ khoảng 5%) còn lại hầu hết các trường hợp ung thư máu không phải do di truyền. Vì vậy, ung thư máu không lây nhiễm.

Nguyên nhân gây bệnh

Cho đến nay, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh bạch cầu là gì. Tuy nhiên bệnh có thể hình thành khi các gen trong tế bào máu bị tổn thương bởi các tác nhân như tia phóng xạ.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết

Triệu chứng của bệnh biểu hiện ra thường là khi cơ thể không sản xuất đủ các loại tế bào máu bình thường trong cơ thể. Ngoài ra thì khi các tế bào ung thư lan truyền ra khắp cơ thể cũng gây ra triệu chứng của bệnh. 

Các nhóm triệu chứng thường gặp của bệnh phải kể đến như là:

  • Triệu chứng nhiễm khuẩn: bệnh gây nên hiện tượng suy giảm số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi, mà những tế bào này có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài nên hậu quả tất yếu là người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn.
  • Triệu chứng thiếu máu: nhóm triệu chứng này là đặc trưng của tình trạng giảm số lượng hồng cầu, tế bào có chức năng vận chuyển oxy cung cấp cho cơ thể. Nên khi bị suy giảm đã nên gây ra triệu chứng thở nhanh hoặc thở ngắn khi vận động, hoa mắt, mệt mỏi, nhợt nhạt.
  • Nguy cơ chảy máu: nhóm triệu chứng này đặc trưng cho tình trạng suy giảm tiểu cầu, tế bào có chức năng cầm máu. Khi tế bào này sụt giảm sẽ gây ra triệu chứng chấm xuất huyết nhỏ, mảng bầm dưới da, chảy máu mũi, lợi, nặng hơn có thể là chảy máu nội tạng.
  • Triệu chứng do sự tăng sinh tế bào ung thư máu: có thể kể đến như phì đại cơ quan nội tạng như gan, lách. Khi có sự xâm lấn hệ thần kinh trung ương sẽ kích thích màng não gây đau đầu, nôn mửa.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Ai cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này, tuy nhiên những nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn phải kể đến đó là:

  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh bạch cầu
  • Mắc bệnh di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down
  • Phơi nhiễm phóng dạ hoặc hóa chất, ví dụ như benzen
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm, người sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch
  • Mắc phải một số loại viêm nhiễm như virus Epstein-Barr và nhiễm Helicobacter pylori.

Biến chứng của bệnh

Bạch cầu cấp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị phù hợp.

  • Nhiễm trùng: những người mắc bệnh bạch cầu cấp có thể thường xuyên bị nhiễm trùng, hầu hết là nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc dưới nhưng cũng không loại trừ khả năng bị nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Thiếu máu: hóa trị trị bệnh bạch cầu gây ra tác dụng phụ là thiết máu (số lượng hồng cầu thấp). Một số trường hợp người bệnh mắc bạch cầu dòng tế bào lympho mạn tính có thể phải truyền máu.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác: những người mắc bệnh bạch cầu sẽ có nguy cơ mắc các loại ung thư khác cao hơn người không mắc bệnh. Các ung thư thường gặp phải kể đến như ung thư phổi, đại trực tràng, ung thư biểu mô tế bào vảy,... Biến chứng này thường xuất hiện sau khi bệnh nhân điều trị bằng thuốc fludarabine và cyclophosphamide.
  • Ung thư tăng triển: một số trường hợp người bệnh mắc bạch cầu có thể gặp phải dạng ung thư tăng triển hơn có tên là u lympho (dòng tế bào B lớn lan tỏa). Tình trạng này được gọi với tên khác là hội chứng Richter (RS).
  • Gặp các vấn đề thuộc hệ miễn dịch: một số ít bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu có thể phải đối mặt với vấn đề về miễn dịch, cụ thể là các tế bào có chức năng chống lại bệnh tật thuộc hệ miễn dịch bị nhầm lẫn, thay vì tân công vào các tác nhân ngoại lai thì nó lại tấn công vào các tế hồng cầu hoặc tiểu cầu.

Biện pháp chẩn đoán

Bệnh bạch cầu cấp được chẩn đoán, xác định dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.

  1. Triệu chứng lâm sàng
  • Mắc hội chứng thiếu máu.
  • Mắc hội chứng xuất huyết do giảm tiểu cầu, thường gặp ở da, niêm mạc, đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC).
  • Mắc hội chứng nhiễm trùng: sốt, viêm loét miệng họng, nhiễm trùng da, viêm phổi.
  • Mắc hội chứng thâm nhiễm: gan, lách, hạch sưng to, thâm nhiễm thần kinh trung ương
  • Trạng thái cơ thể: mệt mỏi, sút cân, suy sụp nhanh.
  1. Xét nghiệm
  • Xét nghiệm máu: xác định mức độ bất thường của các tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu.
  • Xét nghiệm tủy xương: tìm các tế bào bệnh bạch cầu bằng cách lấy mẫu tủy xương từ xương chậu.
  • Xét nghiệm di truyền tế bào và sinh học phân tử: xác định đặc điểm của loại bệnh bạch cầu.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị bệnh được bác sĩ dựa vào tuổi, trình trạng sức khỏe người bệnh, loại bệnh bạch cầu và khả năng di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương.

  1. Phương pháp ghép tủy xương

Ghép tủy xương còn gọi là ghép tế bào gốc là phương án duy nhất có khả năng chữa khỏi bệnh bạch cầu. Tuy nhiên phương pháp này thường chỉ áp dụng cho bệnh nhân đã điều trị bằng những phương pháp khác mà không đạt hiệu quả.

Ghép tủy xương tiềm ẩn nguy cơ và tỷ lệ biến chứng cao. Trong quá trình phẫu thuật cấy ghép sẽ sử dụng thuốc hóa trị liều cao để tiêu diệt các tế bào tạo máu trong tủy xương. Tiếp đến là truyền tế bào gốc của người hiến tặng vào dòng máu người bệnh. Những tế bào mới này sẽ tạo ra tế bào máu mới khỏe mạnh thay thế tế bào bệnh.

  1. Phương pháp trị liệu sinh học

Là phương pháp sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể áp dụng sớm nhằm hạn chế biến chứng của các phương pháp truyền thống. Trị liệu sinh học tác động đến tế bào ung thư theo 2 cơ chế:

  • Cơ chế 1: hệ miễn dịch kích thích tấn công tế bào ung thư bằng nhiều cách, trong đó có tiêm hóa chất kích thích tế bào miễn dịch vào cơ thể hoặc huấn luyện tế bào miễn dịch tấn công tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm trước khi đưa chúng trở lại cơ thể.
  • Cơ chế 2: bác sĩ tác động vào tín hiệu phát ra từ tế bào ung thư khiến chúng dễ bị nhận diện bởi hệ miễn dịch hơn.
  1. Phương pháp hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị bệnh ung thư bằng cách dùng thuốc có chứa những hóa chất mạnh để tiêu diệt các tế bào tăng sinh nhanh trong cơ thể. Trong điều trị bạch cầu cấp, người bệnh sẽ được cho dùng kết hợp nhiều loại thuốc gồm đường tiêm, uống hoặc truyền theo chu kỳ. 

Đây được coi là giải pháp đặc biệt cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu và có thể chỉ định trước khi tiến hành cấy ghép tế bào gốc.

  1. Phương pháp xạ trị

Là phương pháp sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để phá hủy tế bào ung thư. Đây không phải phương pháp điều trị chính và hiếm khi áp dụng cho bệnh nhân bệnh bạch cầu.

Xạ trị được chỉ định trước khi ghép tế bào gốc, khi bệnh bạch cầu đã lan đến não, dịch tủy sống hoặc tinh hoàn, ngoài ra thì có trong trường hợp cần giảm đau hoặc giảm sự khó chịu.

  1. Tự chăm sóc tại nhà

Người bị bệnh bạch cầu sẽ phải sống chung với bệnh, quá trình điều trị có thể kéo dài nhiều năm nên ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì người bệnh cũng nên chủ động chăm sóc sức khỏe tại nhà:

  • Trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ trong quá trình điều trị
  • Không tự ý dừng điều trị
  • Đảm bảo bổ sung chất dinh dưỡng
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn về thể chất hoặc tinh thần.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Một số ung thư có thể phòng ngừa bằng cách giảm thiểu tiếp xúc với rủi ro gây bệnh như tránh xa khói thuốc lá, sống lành mạnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nhưng với riêng ung thư bạch cầu thì không có rủi ro rõ rệt để có thể phòng tránh.

Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là cách ly môi trường sống khỏi các tác nhân gây đột biến gen như phóng xạ,  hóa chất độc đồng thời duy trì lối sống khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc ít nhất là 1 năm 1 lần. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần chú trọng đến sức khỏe, khi có dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay tại cơ sở y tế để thăm khám và xác định nguyên nhân.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến bệnh bạch cầu cấp. Quý khách hàng có nhu cầu khám bệnh, khám sức khỏe tổng quát, liên hệ ngay tới số Hotline 1900 1806 của bệnh viện đa khoa Phương Đông để được đặt lịch nhanh chóng.

3,135

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám