Bại não: Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị

Doan Nguyen

20-09-2023

goole news
16

Bại não là bệnh lý về thần kinh khá phức tạp, cũng là một trong những rối loạn vận động phổ biến ở trẻ em. Tình trạng kéo dài có thể để lại nhiều di chứng, tàn tật cho trẻ. Vì thế trang bị các kiến thức về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh là hết sức cần thiết.

Tổng quan về bệnh bại não

Bác sĩ chuyên khoa cho biết bại não là một nhóm rối loạn về vận động, phối hợp vận động cùng với tư thế của trẻ. Trong một vài trường hợp mắc bệnh thính giác, thị giác và cảm giác của bé cũng bị ảnh hưởng. 

Bệnh lý bị gây ra bởi tổn thương não bộ không tiến triển theo thời gian, có thể xảy ra trước hoặc trong thời điểm sau sinh. Cần phải nói thêm rằng sự tổn thương não là vĩnh viễn và gần như không thể chữa khỏi. Tuy nhiên hậu quả của căn bệnh thì có thể được kiểm soát chỉ còn ở mức rất thấp.

Bại não là bệnh lý về thần kinh phức tạpBại não là bệnh lý về thần kinh phức tạp

Khi mắc bệnh bại não, bên cạnh việc ảnh hưởng đến khả năng vận động, nhiều trường hợp trẻ nhỏ còn kèm theo một số tình trạng tàn tật khác cần phải thực hiện điều trị. Trong đó có thể kể tới các vấn đề như: Chậm phát triển trí tuệ, động kinh, thay đổi hành vi, mắc vấn đề về thính giác, thị giác, ngôn ngữ. 

Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh bại não là khoảng 2/1000 trẻ mới sinh. Căn bệnh có tỷ lệ mắc ở bé trai cao hơn so với bé gái. 

Nguyên nhân gây bệnh

Xác định các nguyên nhân gây bệnh giúp phát hiện sớm, sàng lọc và phòng ngừa. Nhờ đó giúp hạn chế tối đa tình trạng bại não. Theo bác sĩ chuyên khoa sự phát triển bất thường hoặc quá trình phát triển dẫn tới não bị tổn thương là những nguyên nhân dẫn tới bệnh lý này. 

Các tổn thương có thể diễn ra trước, trong và sau khi sinh. Tuy nhiên nó cũng có thể xuất hiện ở thời điểm suốt 1 năm đầu đời. Các chuyên gia đã tổng hợp và đánh giá các nguyên nhân gây bệnh theo từng thời điểm bao gồm: Nhóm trước sinh, trong khi sinh và sau sinh. 

Trước sinh

  • Trẻ sinh ra nhẹ cân, dưới 2500 gram. 
  • Trẻ sinh non, thiếu tháng, thường dưới 36 tuần. 
  • Người mẹ bị nhiễm trùng bào thai trước khi sinh. 
  • Mẹ bầu lạm dụng thuốc hoặc mắc các chấn thương.
  • Mẹ bầu bị bệnh động kinh, cường giáp hoặc các vấn đề liên quan tới tiền sản giật.
  • Mẹ bầu mang đa thai hoặc bị chảy máu ở thời điểm tam cá nguyệt thứ 3.

Trong lúc sinh

  • Khi sinh mẹ có quá trình chuyển dạ khó khăn, kéo dài. 
  • Mẹ bầu bị sang chấn lúc sinh, vỡ ối sớm. 
  • Các trường hợp mắc chứng rối loạn nhịp tim và thiếu oxy não. 

Sau khi sinh

Các nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh bại não ở trẻ có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

  • Do tình trạng thiếu oxy.
  • Do bệnh lý viêm màng não hoặc viêm não. 
  • Do mắc các bệnh lý liên quan tới rối loạn đông máu. 
  • Do bị chấn thương vùng đầu hoặc nồng độ bilirubin máu quá cao. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh bại não

Triệu chứng của bệnh bại não có thể thay đổi với từng đối tượng. Các biểu hiện có thể diễn biến nặng hơn hoặc nhẹ hơn theo thời gian do còn phụ thuộc vào phần não bị tác động. Dưới đây là tổng hợp những triệu chứng của căn bệnh bại não được chuyên gia cảnh báo.

  • Trẻ nhỏ xuất hiện tình trạng người cứng đờ, tay chân không linh hoạt, khó khăn trong việc tắm rửa, bế ẵm hoặc thay quần áo. 
  • Một số trường hợp có biểu hiện người mềm nhão, đầu khó ngẩng lên. 
  • Trẻ run rẩy và xuất hiện các chuyển động không tự ý. 
  • Trẻ thực hiện các hành động chậm chạp. 
  • Việc đi lại của trẻ bị bại não khó khăn, dáng đi thường khom người với 2 đầu gối bắt chéo nhau hoặc đi không đối xứng. 
  • Bé bị bại não thường có biểu hiện chảy nước dãi quá mức hoặc gặp các vấn đề với việc nuốt. 
  • Trẻ khó khăn khi ăn uống hoặc bú mẹ. 
  • Trẻ nhỏ chậm phát triển, hạn chế giao tiếp do nói khó khăn. 
  • Trẻ khó thao tác với những hoạt động cần sự tỉ mỉ và tinh vi như cài nút áo, nhặt đồ vật. 

Biến chứng của bệnh bại não

Bại não có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của đứa trẻ mắc bệnh. Tình trạng yếu cơ, co cứng cơ hoặc các vấn đề liên quan tới phối hợp vận động có thể gây ra biến chứng trong suốt thời thơ ấu hoặc trưởng thành của trẻ. Một số biến chứng phổ biến bao gồm:

  • Co rút cơ: Tình trạng cơ bắp bị ngắn, co rút hoặc căng cơ. Hiện tượng này có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của xương, dẫn tới biến dạng, trật khớp hoặc bán trật khớp. 
  • Lão hóa sớm: Một vài trường hợp có thể gây lão hóa sớm khi bệnh nhân bại não bước sang tuổi 40. 
  • Thiếu dinh dưỡng: Các vấn đề về nuốt, vận động dẫn tới việc trẻ rất khó khăn trong ăn uống. Do đó trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới quá trình phát triển xương. 
  • Sức khỏe tâm thần: Bệnh nhân bại não thường gặp một số vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tình trạng trầm cảm.
  • Bệnh tim và phổi: Trẻ bại não dễ gặp phải các vấn đề về tim, phổi và hô hấp. 
  • Thoái hóa khớp: Áp lực tác động tới xương khớp cùng với sự biến dạng co rút cơ có thể dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp. 

Biện pháp chẩn đoán bệnh bại não

Các biện pháp chẩn đoán bệnh bại não bao gồm: Thăm khám bệnh sử, khám và đánh giá triệu chứng, kiểm tra tâm thần kinh. Ngoài ra các xét nghiệm khác có thể được chỉ định thực hiện bao gồm:

  • Điện não đồ: Phương pháp nhằm đánh giá hoạt động điện của não. Xét nghiệm chỉ định khi người bệnh có dấu hiệu động kinh, co giật. 
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật nhằm phát hiện những bất thường hoặc tổn thương ở trong não. 
  • CT scan não: Xét nghiệm nhằm phát hiện những tổn thương trong não thông qua các hình ảnh cắt ngang rõ nét về não. 
  • Siêu âm: Phương pháp sử dụng sóng âm tần số cao để có thể tạo ra các hình ảnh cơ bản về não của trẻ. Siêu âm là phương pháp cho kết quả nhanh và có chi phí thực hiện thấp. 
  • Xét nghiệm máu: Áp dụng để tìm ra các rối loạn đông máu nếu có ở bệnh nhân. 

Khi nghi ngờ mắc bại não, bác sĩ khám có thể chỉ định bạn tới khám với các chuyên gia về thần kinh học. Tại đây chuyên gia sẽ chỉ định một số thăm khám khác chuyên sâu hơn. Cũng cần phải lưu ý thêm rằng hầu hết những trẻ sinh ra bị bại não có thể không xuất hiện biểu hiện của bệnh ngay cho tới nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó. Biểu hiện của bệnh sẽ thường xuất hiện trước khi trẻ đạt từ 3 - 4 tuổi. 

Phương pháp điều trị hiệu quả

Để điều trị căn bệnh bại não cần phải có sự phối hợp và hỗ trợ của các chuyên gia, bác sĩ về nhi khoa, thần kinh, chuyên khoa mắt,... cùng với các chuyên gia về ngôn ngữ. Bên cạnh đó hiện nay có nhiều phương pháp chữa bệnh bại não được quan tâm và lựa chọn. 

Trong đó có thể kể tới các biện pháp như ghép tế bào gốc, phục hồi chức năng, châm cứu, bấm huyệt, oxy cao áp. Trong số các phương pháp kể trên, phục hồi chức năng hiện tại đang là biện pháp được đánh giá mang lại hiệu quả tốt nhất cho những bệnh nhân bại não. 

Ngoài ra trong quá trình điều trị gia đình cần phối hợp với các chuyên gia, bác sĩ để thực hiện quá trình phục hồi chức năng vận động, điều hòa cảm giác, trị liệu ngôn ngữ và rèn luyện các kỹ năng cá nhân cho trẻ nhỏ. Dưới đây là những thông tin về 2 phương pháp được nhiều phụ huynh lựa chọn nhằm điều trị bệnh lý bại não ở trẻ.

Ghép tế bào gốc 

Thời gian gần đây ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bại não đã được thực hiện tại nước ta và mở ra triển vọng mới cho nhiều bệnh nhân. Theo chuyên gia, những trường hợp mắc bệnh do nhóm nguyên nhân sau đây nên áp dụng phương pháp điều trị bệnh này. 

  • Bị bại não do thiếu oxy não.
  • Nguyên nhân bệnh vàng da sơ sinh. 
  • Bãi não từ chứng hẹp hộp sọ. 

Xem thêm:

Kết hợp các biện pháp Đông tây y để trị bệnh bại não

Đây là phương pháp kết hợp Đông và Tây y để cải thiện các biểu hiện của căn bệnh bại não. Bước đầu biện pháp này đã cho thấy những kết quả khả quan hơn so với chỉ áp dụng riêng rẽ một phương pháp Tây y hoặc châm cứu.

Tuy vậy mức độ hồi phục của người bệnh vẫn phụ thuộc vào nguyên nhân hoặc mức độ nặng nhẹ của bệnh. Vì thế tốt nhất nên đưa trẻ mắc bại não tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám đánh giá chính xác, cụ thể tình trạng và lắng nghe tư vấn chi tiết các biện pháp điều trị.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Dù gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe nhưng bại não là căn bệnh có thể ngăn chặn. Mẹ bầu có thể chủ động giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng các tăng cường sức khỏe, phòng ngừa một số biến chứng trong quá trình mang thai. Cụ thể các lưu ý nên thực hiện như sau:

  • Thực hiện việc thăm khám, theo dõi thai kỳ thường xuyên nhằm phát hiện sớm các bất thường và có phương án điều trị kịp thời. 
  • Trước khi mang thai người mẹ nên tiêm phòng, nhất là các bệnh về não. 
  • Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng trong chăm sóc phụ nữ có thai, chị em trong độ tuổi sinh đẻ. 
  • Cho trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám nếu thấy xuất hiện tình trạng vàng da. 
  • Chủ động phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng hoặc một số vấn đề về sức khỏe người mẹ có thể gây ra chứng bại não ở trẻ bao gồm: Thủy đậu, sởi, giang mai, mụn rộp sinh dục, nhiễm độc tố trong đất, thực phẩm và phân mèo bệnh. 

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan tới căn bệnh bại não. Hy vọng thông qua bài viết quý độc giả đã có được những kiến thức bổ ích giúp phòng ngừa, hạn chế tình trạng trẻ nhỏ mắc bệnh lý này.

2,168

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám