Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) đang trở thành một vấn đề sức khỏe tâm thần đáng lo ngại ở trẻ em trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ trẻ mắc ADHD ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều thách thức cho bản thân trẻ, gia đình và toàn xã hội.
Tỷ lệ trẻ mắc ADHD: Thực trạng đáng lo ngại
Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA), ADHD ảnh hưởng đến khoảng 5-7% trẻ em trên toàn cầu. Ở Việt Nam, một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy tỷ lệ trẻ mắc rối loạn này dao động từ 3-8%, với số trẻ nam mắc bệnh cao gấp 3 lần trẻ nữ. Đây là con số đáng báo động, phản ánh xu hướng gia tăng nhanh chóng của rối loạn này trong những năm gần đây. Thậm chí, năm 2022 tỉ lệ chẩn đoán Tăng động giảm chú ý đã lên tới 1/9 trẻ trong thời kì Đại dịch Covid – 19 tại Mỹ.

Báo động gia tăng tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý
Nguy cơ tiềm ẩn và thách thức
Trẻ mắc ADHD thường gặp phải hàng loạt khó khăn:
- Không thể tập trung vào bài học, dễ bị xao nhãng, giảm sút thành tích học tập.
- Hành vi hiếu động quá mức, thường xuyên đứng ngồi không yên, gây ảnh hưởng đến môi trường lớp học.
- Khả năng kiểm soát cảm xúc kém, dễ cáu gắt, nóng giận, xung đột với bạn bè và người thân.
- Nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý khác như lo âu, trầm cảm nếu không được can thiệp kịp thời.
Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân trẻ, ADHD còn gây áp lực nặng nề lên cha mẹ và giáo viên. Việc nuôi dạy một đứa trẻ mắc ADHD đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiến thức chuyên sâu, nếu không, căng thẳng gia đình có thể gia tăng, thậm chí dẫn đến những rạn nứt nghiêm trọng.
Về mặt xã hội, ADHD cũng đặt ra một thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục và y tế. Nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả, nhiều trẻ mắc ADHD có thể bị bỏ lại phía sau, mất đi cơ hội phát triển tối ưu.
Chia sẻ từ chuyên gia
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Nam, chuyên gia Tâm lý – Tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, với gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhấn mạnh: “Việc phát hiện sớm và can thiệp đúng cách có thể giúp trẻ mắc ADHD cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu bất thường của con để có hướng xử lý kịp thời. Khi trẻ bắt đầu đi học, biểu hiện của tăng động giảm chú ý sẽ cho thấy sự hiếu động đáng kể so với các trẻ đồng trang lứa. Về lâu dài, các trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường có kết quả học tập sút kém do giảm tập trung, hoặc trở thành trẻ cá biệt do sự khó kiểm soát hành vi của mình”.
Thạc sĩ Hoàng Quốc Lân kiểm tra và đánh giá các biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ
Thạc sĩ Hoàng Quốc Lân, chuyên gia Tâm lý lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, cũng chia sẻ: “ADHD không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân trẻ mà còn tác động đến gia đình và xã hội. Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về rối loạn này là bước đầu tiên để hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện. Trẻ được phát hiện càng sớm, được can thiệp càng sớm, chất lượng cuộc sống của trẻ có thể không bị ảnh hưởng quá nhiều. Thời điểm vàng để phát hiện và can thiệp trẻ tăng động giảm chú ý là từ 3 – 5 tuổi.”
Những dấu hiệu “cờ đỏ” của rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em
Nếu con bạn có những dấu hiệu dưới đây, hãy lưu ý và đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt:
- Thường xuyên mất tập trung, không thể duy trì sự chú ý trong thời gian dài.
- Liên tục di chuyển, chạy nhảy, không thể ngồi yên dù trong những tình huống cần thiết.
- Nói quá nhiều, ngắt lời người khác, không thể chờ đợi đến lượt mình.
- Bốc đồng, dễ mất bình tĩnh, có xu hướng hành động mà không suy nghĩ.
- Thường xuyên quên đồ, mất sách vở, bút, cặp sách hoặc không làm bài tập.
Đừng chủ quan! ADHD có thể bị nhầm lẫn với sự hiếu động bình thường của trẻ, nhưng nếu không được chẩn đoán và can thiệp đúng cách, hậu quả để lại sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Để ứng biến với tình trạng gia tăng của ADHD, cần có sự chung tay từ nhiều phía:
- Gia đình: Tạo môi trường ổn định, kiên nhẫn và hỗ trợ cho trẻ. Tham gia các khóa học và chương trình tư vấn để hiểu rõ hơn về ADHD.
- Nhà trường: Đào tạo giáo viên về cách nhận biết và hỗ trợ học sinh mắc ADHD. Áp dụng các phương pháp giảng dạy linh hoạt và phù hợp.
- Xã hội: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về ADHD để giảm thiểu kỳ thị và tạo môi trường thân thiện cho trẻ.
Việc nhận thức đúng đắn và hành động kịp thời sẽ giúp trẻ mắc ADHD có cơ hội phát triển toàn diện, đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.

Khi trẻ có dấu hiệu tăng động giảm chú ý (ADHD), thăm khám kịp thời sẽ giúp can thiệp hiệu quả, hỗ trợ trẻ phát triển tốt hơn
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu "cờ đỏ" của rối loạn tăng động giảm chú ý , ba mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời. Để đặt lịch khám cùng chuyên gia Tâm lý hàng đầu và nhận các ưu đãi hấp dẫn, quý khách hàng vui lòng liên hệ với hotline 1900 1806.