Barrett thực quản là bệnh lý thường gặp ở những người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản mạn tính. Bệnh nếu để lâu dài mà không can thiệp điều trị dứt điểm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào lót phần dưới của thực quản - nguyên nhân gây ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Tổng quan về bệnh Barrett thực quản
Barrett thực quản thuộc nhóm các bệnh lý về đường tiêu hóa. Bệnh thường xuất hiện ở những người đang mắc bệnh trào ngược dạ dày trong thời gian dài. Điều này đã dẫn tới kích thích niêm mạc trong lòng thực quản, gây ảnh hưởng đến các tế bào lót phần dưới của thực quản. Hậu quả nghiêm trọng nhất của tình trạng trên là dẫn tới ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ tỷ lệ nhỏ những người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ phát triển thành bệnh Barrett thực quản. Do đó, có nhiều nguyên nhân có thể gây Barrett thực quản.
Bệnh Barrett thực quản có liên quan trực tiếp đến bệnh trào ngược dạ dày
Vậy bệnh Barrett thực quản có nguy hiểm không đối với sức khỏe hay không? Về vấn đề này theo các chuyên gia, bác sĩ, bệnh Barrett thực quản có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản. Mặc dù biến chứng này rất hiểm gặp những người bệnh cũng không nên chủ quan. Tốt nhất khi bị chẩn đoán mắc Barrett thực quản, bạn cần tái khám thường xuyên các tế bào tiền ung thư. Trường hợp các tế bào tiền ung thư được phát hiện kịp thời, việc điều trị sớm có thể ngăn ngừa ung thư thực quản tiến triển nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh Barrett thực quản
Nguyên nhân chính xác gây bệnh Barrett cho tới nay vẫn chưa thể xác định chính xác. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, hầu hết những người mắc bệnh này đều mang trong mình chứng trào ngược dạ dày thực quản mãn tính.
Các chuyên gia lý giải, axit trào từ dạ dày ngược lên thực quản đã gây ra những tổn thương mô thực quản. Khi các kháng thể cố gắng tự chữa lành vết thương, các tế bào tại lớp lót có thể đã thay đổi tính chất và cấu trúc từ đó gây ra triệu chứng Barrett thực quản.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ một tỷ lệ nhỏ những bệnh nhân trào ngược dạ dày sẽ mắc Barrett thực quản. Ngoài ra cũng có một số người bệnh được chẩn đoán Barrett thực quản nhưng chưa bao giờ xuất hiện triệu chứng ợ nóng hoặc trào ngược axit. Đối với các trường hợp đặc biệt này, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể phát hiện được nguyên nhân gây ra bệnh.
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết Barrett thực quản
Các triệu chứng và dấu hiệu của Barrett thực quản rất dễ nhầm lẫn với chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Cụ thể:
- Thường xuyên ợ nóng, ợ hơi, ợ chua gây cảm giác khó chịu, cồn cào.
- Khó nuốt thức ăn, thậm chí người bệnh còn có cảm giác bị nghẹn ở cổ.
- Đau tức ngực, khó thở.
- Đi ngoài ra phân đen, nát.
- Triệu chứng nặng: Nôn ra máu hoặc chất lỏng màu cà phê.
Người bị Barrett thực quản thường xuyên có triệu chứng ợ nóng
Chú ý: Không ít người bệnh Barrett thực quản không xuất hiện bất cứ triệu chứng gì cho đến khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Barrett thực quản
Những đối tượng có nguy cơ bệnh Barrett thực quản thường gặp những vấn đề về sức khỏe sau:
- Mắc chứng ợ nóng mãn tính.
- Bị trào ngược axit dạ dày.
- Người lớn tuổi có sức đề kháng kém.
- Nam giới có nguy cơ mắc bệnh Barrett thực quản hơn nữ giới.
- Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh Barrett thực quản cao hơn những người thuộc chủng tộc khác.
- Người thừa cân.
- Người nghiện thuốc lá.
Biến chứng của bệnh Barrett thực quản
Những người mắc chứng Barrett thực quản có nguy cơ mắc ung thư thực quản. Tuy nhiên, biến chứng này khá hiếm gặp bởi hầu hết người bệnh nếu được điều trị đúng thời điểm sẽ có thể kiểm soát tốt tình hình sức khỏe.
Chúng ta cần lưu ý, ung thư thực quản thường khó phát hiện, trong trường hợp được chẩn đoán trễ thì thường có tiên lượng là xấu. Do đó, chúng ta cần thiết phải theo dõi và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để được điều trị ngay khi có thể.
Biện pháp chẩn đoán Barrett thực quản
Biện pháp chủ yếu để chẩn đoán Barrett thực quản chính là nội soi thực quản – dạ dày. Với cách này, một ống nhỏ, mềm với camera ở đầu (ống nội soi) sẽ được luồn qua miệng xuống thực quản. Hình ảnh thu được trong quá trình nội soi sẽ hiển thị trực tiếp lên màn hình máy tính để bác sĩ quan sát.
Thông thường, niêm mạc thực quản bình thường sẽ hồng nhạt và trơn láng. Trong khi niêm mạc của người bệnh Barrett thực quản sẽ có màu đỏ như rượu vang. Cũng trong quá trình nội soi, bác sĩ lấy một phần niêm mạc nhỏ (sinh thiết) để xác định mức độ biến đổi tế bào. Xét nghiệm này chính là hoạt động giải phẫu bệnh.
Kết quả giải phẫu bệnh Barrett thực quản được chia thành:
- Không loạn sản: Tức tế bào bị biến đổi trong Barrett thực quản nhưng không phải là tế bào tiền ung thư.
- Loạn sản mức độ nhẹ: Tế bào có những thay đổi nhỏ và có nguy cơ thành tế bào tiền ung thư.
- Loạn sản mức độ nặng: Tế bào có nhiều biến đổi gợi ý ung thư, đây là kết quả xấu, đòi hỏi người bệnh cần can thiệp các biện pháp điều trị tích cực, chuyên sâu nhất.
Phương pháp điều trị Barrett thực quản
Phương pháp điều trị Barrett thực quản được áp dụng phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ biến đổi tế bào và tổng trạng cơ thể. Cụ thể
Điều trị Barrett thực quản không loạn sản
Biện pháp điều trị Barrett thực quản không loạn sản khá đơn giản, chẳng hạn như:
- Theo dõi với nội soi thực quản – dạ dày: Trường hợp kết quả sinh thiết không loạn sản, người bệnh có thể được theo dõi bởi nội soi sau 1 năm và sau đó mỗi 3 năm nếu như bác sĩ không thấy có sự thay đổi tế bào.
- Điều trị trào ngược dạ dày – thực quản: Nếu Barrett thực quản xuất hiện do nguyên nhân này, người bệnh cần dùng thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt để giúp giảm triệu chứng. Ngoài ra, phẫu thuật thắt cơ tâm vị để làm giảm dòng acid dạ dày trào ngược cũng có thể được cân nhắc.
Điều trị Barrett thực quản loạn sản mức độ nhẹ
Nếu người bệnh Barrett thực quản chỉ loạn sản mức độ thấp, bác sĩ sẽ đề nghị nội soi lại trong vòng 6 tháng, sau đó theo dõi cẩn thận mỗi 6 đến 12 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, vì tăng nguy cơ ung thư thực quản,nên các phương pháp ưu tiên để điều trị bệnh trong giai đoạn này thường bao gồm:
- Cắt bỏ lớp niêm mạc Barrett qua nội soi.
- Phá hủy lớp niêm mạc Barrett bằng cách sử dụng sóng cao tần: Với phương pháp này, sóng cao tần sẽ được chiếu vào vùng tổn thương do Barrett thực quản để phá hủy nó bằng nhiệt.
Mục tiêu của những phương pháp này điều trị Barrett thực quản trên là phá hủy mô tổn thương, kích thích thực quản sản sinh ra lớp tế bào khỏe mạnh thay thế lớp cũ. Trường hợp thực quản bị viêm nặng trong lần đầu nội soi, người bệnh sẽ được điều trị khoảng 3 đến 4 tháng để làm giảm trào ngược sau đó nội soi kiểm tra.
Điều trị Barrett thực quản loạn sản mức độ nặng
Loạn sản mức độ nặng thường được xác định là giai đoạn tiền ung thư thực quản. Vì lý do này, bác sĩ thường đề nghị người bệnh cắt bỏ niêm mạc qua nội soi và/hoặc hủy mô bằng sóng cao tần.
Ngoài ra, một số phương pháp điều trị khác cũng có thể được áp dụng như:
- Áp lạnh: Thông qua nội soi thực quản, bác sĩ sẽ dùng khí lạnh/chất lỏng lạnh áp lên vùng niêm mạc bất thường. Tiếp đó, các tế bào được làm ấm rồi lại áp lạnh. Lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, các tế bào bất thường tại thực quản sẽ bị phá hủy hoàn toàn.
- Liệu pháp quang động học: Đây là phương pháp điều trị Barrett thực quản bằng cách dùng một chất nhạy cảm ánh sáng tiêm vào tĩnh mạch của người bệnh. Sau đó, thông qua nội soi, ánh sáng và laser sẽ được chiếu vào niêm mạc bất thường để phá hủy nó.
- Phẫu thuật: Bác sĩ tiến hành cắt bỏ đoạn thực quản bị tổn thương, và sau đó nối lại phần thực quản khỏe mạnh còn lại vào dạ dày.
Biện pháp phòng ngừa bệnh Barrett thực quản
Để hạn chế nguy cơ mắc Barrett thực quản, việc làm đầu tiên là chúng ta cần phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày - thực quản quả bằng cách sau:
- Luôn gối đầu khi ngủ. Độ dày của gối cần vừa phải, không nên quá cao hoặc quá thấp.
- Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, tuyệt đối không để cơ thể quá béo vì thừa cân gây áp lực lên bụng, từ đó kích thích ạ dày và làm nặng nề thêm tình trạng trào ngược dạ dày.
- Không ăn quá no bởi việc ăn quá nhiều sẽ làm cho dạ dày dễ trào ngược, gây triệu chứng ợ nóng.
- Mặc quần áo thoải mái, việc mặc đồ quá chật làm tăng áp lực lên bụng, gây chèn ép dạ dày khiến dịch vị dễ trào ngược lên thực quản.
- Tránh ăn đồ cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ như: ớt cay, hành, tỏi, đồ chiên, nướng.
- Tránh xa rượu bia, đồ uống có gas và chất kích thích.
- Không hút thuốc vì khói thuốc có thể dẫn tới tăng lượng acid dạ dày.
- Không nằm luôn sau khi ăn.
- Hạn chế hút thuốc
Barrett thực quản là bệnh lý thường gặp, gây ra những triệu chứng khó chịu như ợ hơi, ợ chua, đau tức ngực, đi ngoài phân đen,...Đáng chú ý, người bệnh còn có thể đối mặt với biến chứng nguy hiểm là ung thư thực quản. Do vậy, khi nghi ngờ các triệu chứng của Barrett thực quản, bạn cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám ngay.