Mẹ cần làm gì khi bé mọc răng không chịu bú bình?

Nguyễn Thu Hà

26-03-2021

goole news
16

Cảm giác đau nhức khi mọc răng khiến bé vô cùng khó chịu và hay quấy khóc. Nếu bé mọc răng không chịu bú bình mẹ nên làm gì để trẻ không bị sụt cân, mất sức? Hãy theo dõi những thông tin sau đây của BVĐK Phương Đông để tìm lời giải đáp.

Tại sao trẻ mọc răng không chịu bú bình?

Theo các chuyên gia, để một mầm sống “thức dậy” cần rất nhiều năng lượng và quá trình mọc răng cũng tương tự. Trong suốt thời gian mọc răng, enzyme trong cơ thể bé sẽ tập trung để hỗ trợ cho răng nhô lên, vượt qua lợi. Thiếu enzyme tiêu hóa thức ăn, hệ tiêu hóa hoạt động không tốt. Trẻ bú không ngon, không tiêu hóa được dẫn đến việc bỏ bú, bỏ bữa.

Trẻ mọc răng không chịu bú bình là hiện tượng thường thấy
Trẻ mọc răng không chịu bú bình là hiện tượng thường thấy

Ngoài ra, quá trình mọc răng cũng khiến bé ê buốt, đau nhức và không muốn bất cứ thứ gì chạm vào nướu. Mỗi bữa ăn, mỗi cữ bú, nhất là bú bình với bé thực sự là nỗi sợ hãi. Dù bình thường bé vẫn ăn được một chén cháo hoặc vẫn bú ngoan.  

Tìm hiểu thời điểm biếng ăn do mọc răng

Khi bước sang tháng thứ 6, trẻ sẽ bắt đầu mọc răng. Tùy theo từng bé mà khoảng cách giữa chiếc răng đầu tiên đến chiếc răng cuối cùng là thời gian khi bé được 4 - 9 tháng tuổi. Thông thường, răng thường mọc thành từng thời kỳ: 

  • 2 răng đầu tiên: khoảng từ 4 - 8 tháng
  • Mọc nhiều răng hơn: khoảng từ 8 tháng - 1 năm
  • 6 đến 8 răng: khoảng từ 9 tháng đến khoảng 13 tháng
  • Thời kỳ mọc răng hoàn thiện khi bé mọc từ 12 - 20 răng

Đây được xem là khoảng thời gian “khủng hoảng” không chỉ đối với bé mà còn cả với cha mẹ. Thường bé mọc răng không chịu bú bình, biếng ăn khiến mẹ đau đầu, sốt ruột. Thậm chí, dù mẹ dùng thìa đút sữa, bé cũng lắc đầu nguầy nguậy không chịu. Tuy nhiên, nếu biết được cách chăm sóc đúng, cũng như nắm được lịch trình mọc răng của con, cha mẹ có thể giúp bé không cảm thấy khủng hoảng mỗi khi có mầm răng sắp nhú.

Triệu chứng bé sắp mọc răng

Khi trẻ sắp mọc răng mẹ sẽ nhận thấy những dấu hiệu sau: 

  • Nướu (lợi) sưng nứt, có thể bị viêm, tấy đỏ, thậm chí bị loét
  • Trẻ bị chảy nước dãi nhiều bởi tuyến nước bọt phải tiết nhiều hơn để làm dịu nướu 
  • Trẻ gặp tình trạng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, rôm sảy, nổi ban quanh cằm do cơ thể dồn hết năng lượng vào việc mọc răng
  • Trẻ biếng ăn, sốt cao, ho, sổ mũi 
  • Hay quấy khóc, khó chịu, thường xuyên mút tay

Trẻ mọc răng rất hay quấy khóc và thường xuyên bỏ bú
Trẻ mọc răng rất hay quấy khóc và thường xuyên bỏ bú

Những triệu chứng khó chịu như này sẽ khiến trẻ sợ hãi mỗi khi đến cữ bú hoặc bữa ăn dặm. Nếu bé mọc răng không chịu bú bình lâu ngày, bé sẽ bị sụt cân, mất sức. 

Mẹ cần làm gì khi trẻ mọc răng bỏ bú bình?

Bé mọc răng không chịu bú bình là vấn đề luôn khiến các bậc phụ huynh đau đầu. Lúc này cha mẹ cần thật bình tĩnh, tìm hiểu các vệ sinh răng miệng đúng cách và thiết lập cho con một chế độ ăn uống đặc biệt.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Để giảm thiểu tình trạng bé mọc răng không chịu bú bình, sau khi bé bú hoặc ăn, mẹ nên cho bé uống nước ấm. Sau đó vệ sinh răng miệng cho bé bằng khăn mềm hoặc miếng gạc nhúng nước sạch, quấn quanh ngón tay và lau nhẹ vùng khoang miệng bé. Thao tác này sẽ hạn chế việc bé bị viêm nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài. Mẹ cũng nên chuẩn bị sẵn một chiếc khăn mềm chuyên lau nước dãi quanh miệng cho bé.

Ngoài ra, có một số sai lầm phổ biến mà nhiều mẹ mắc phải đó là để bé ngậm bình sữa hay núm vú cao su khi ngủ. Các chuyên gia Nhi khuyến cáo tuyệt đối không làm như vậy bởi vi khuẩn dễ dàng tấn công vào vùng khoang miệng khi bé ngậm núm vú cao su. 

Mẹ cần vệ sinh răng lợi cho trẻ hi sạch sẽ khi bé mọc răng bỏ bú bình
Mẹ cần vệ sinh răng lợi cho trẻ hi sạch sẽ khi bé mọc răng bỏ bú bình

Thiết lập cho con chế độ ăn uống đặc biệt

Khi trẻ mọc răng, nướu sẽ đau do đó mẹ hãy chia nhỏ bữa ăn trong ngày nhưng vẫn cần cung cấp đủ 4 nhóm chất quan trọng. Đặc biệt, mẹ nên ưu tiên những món ăn loãng, mềm như cháo, súp, thức ăn luộc thật mềm, xay nhuyễn… để trẻ không phải nhai, hạn chế va chạm nhiều với nướu.

Trong quá trình phát triển răng của trẻ, canxi là một dưỡng chất quan trọng, cần thiết phải bổ sung hàng ngày. Vì thế, thực đơn cho bé mọc răng nên có những thực phẩm chứa hàm lượng canxi cao như tôm, cua, cá, sữa, phô mai, váng sữa…

Để bé ăn ngon miệng hơn, các chuyên gia khuyên mẹ có thể cho bé uống kẽm, vitamin nhóm A, men tiêu hóa vi sinh…

Ngoài ra, khi mọc răng trẻ có thể bị sốt và dẫn đến tình trạng mất nước. Để bù lại lượng nước kịp thời, mẹ nên tăng cường cho bé bú sữa mẹ hoặc cho bé ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước lọc. Tuyệt đối, không để bé ăn những món quá nóng hoặc quá lạnh khiến quá trình mọc răng bị ảnh hưởng xấu. 

Hãy đồng hành cùng con trải qua giai đoạn mọc răng

Tình trạng đau nhức khi mọc răng khiến bé vô cùng khó chịu và hay quấy khóc. nếu bé mọc răng không chịu bú bình, mẹ có thể cho bé ăn bằng thìa hoặc trộn sữa bột vào các bữa cháo. Mẹ hãy là người bạn đồng hành để quá trình mọc răng không còn là nỗi sợ của bé. Mẹ cần kiên trì dỗ dành, giúp bé ăn và đừng cho bé bỏ bữa. Tuyệt đối không nên ép trẻ ăn để tránh tình trạng biếng ăn tâm lý.

Khi mọc răng, bé cần được mẹ yêu thương, chiều chuộng nhiều hơn
Khi mọc răng, bé cần được mẹ yêu thương, chiều chuộng nhiều hơn

Khi mọc răng, bé thường có cảm giác ngứa lợi và có xu hướng cắn những đồ chơi hay bất cứ đồ vật gì xung quanh mà bé cầm được. Do đó, mẹ có thể thay thế những vật dụng bằng các loại trái cây mềm như chuối, kiwi… cho bé. Bé vừa được thoải mái, vừa có thêm vitamin và chất dinh dưỡng từ trái cây. Để giảm thiểu tình trạng đau nhức ở trẻ, mẹ có thể massage vùng nướu đau cho bé cảm thấy dễ chịu hơn. Đừng quên rửa tay thật sạch trước khi massage cho con mẹ nhé!. 

Những mẹo nhỏ giúp trẻ mọc răng không đau không sốt

Để giúp trẻ mọc răng không đau không sốt, mẹ có thể sử dụng một số mẹo dân gian với các loại dược liệu tự nhiên an toàn, có tính kháng viêm diệt khuẩn tốt như lá hẹ, đậu xanh, rau ngót.

Sử dụng lá hẹ giúp trẻ mọc răng không đau không sốt

Theo Đông Y, lá hẹ là loại thảo dược thiên nhiên có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn rất tốt. Trong khi đó, khi lợi của trẻ tách ra để răng mọc lên sẽ rất dễ bị vi khuẩn tấn công gây đau, sốt. Vì vậy, nếu như mẹ sử dụng lá hẹ đúng cách cũng sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn ở phần lợi bị sưng, từ đó bé sẽ giảm sốt, sưng đau đồng thời không chảy nước miếng khi mọc răng.

Cách thực hiện:

  • Chọn một vài cọng lá hẹ tươi, rửa thật sạch, sau đó cắt nhỏ và giã lấy nước hoặc xay cho mịn.
  • Sau khi trẻ bú được khoảng 30 phút, hãy rửa tay thật sạch và quấn gạc (loại dùng để rơ lưỡi). Tiếp đó chấm tay vào nước cốt lá hẹ và rơ đều lên khu vực lợi của trẻ vài lần là được.

Ngoài cách trên, mẹ cũng có thể đổ thêm một chút nước nóng vào lá hẹ, sau khi lá chín rồi đem giã cho nát và lọc lấy nước. Cách này có thể đảm bảo vệ sinh một cách tối đa cho bé.

Chú ý: Mẹo giúp trẻ mọc răng không đau không sốt chỉ nên thực hiện khi bé được khoảng 3 tháng và có dấu hiệu chảy nước miếng, sưng lợi.

Giúp trẻ mọc răng không đau không sốt bằng đậu xanh

Đậu xanh là một trong những loại ngũ cốc cực kỳ giàu dinh dưỡng và rất an toàn với trẻ. Khi nhận thấy bé có dấu hiệu mọc răng như chảy nước miếng, sưng lợi, các mẹ có thể sử dụng loại thực phẩm này để giúp con không sốt khi mọc răng.

Sử dụng đậu xanh để rơ lưỡi cho bé giúp trẻ mọc răng không đau không sốt
Sử dụng đậu xanh để rơ lưỡi cho bé giúp trẻ mọc răng không đau không sốt

Cách thực hiện:

  • Lấy 1 lạng đỗ nguyên hạt loại đẹp để ngâm khoảng trong nước ấm khoảng 30 phút.
  • Đun đậu chín nhừ rồi giã cho nát hoặc xay mịn.
  • Rửa sạch tay, quấn gạc quanh ngón tay trỏ và quết đều đậu xanh vào lợi bé.

Sử dụng rau ngót

Theo Đông y, rau ngót có tính mát, vị ngọt có tác dụng giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ máu, nhuận tràng, sát khuẩn và tiêu viêm. Chính vì vậy loại rau này cũng được nhiều mẹ sử dụng rơ lợi giúp con giảm đau, giảm sốt.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch lá rau ngót và xay cho nhuyễn.
  • Rửa tay, đeo gạc và nhúng vào nước rau ngót tươi và rơ đều lên lợi cho bé nhiều lần giúp bé giảm triệu chứng sưng đau khi mọc răng.

Chú ý: Chỉ rơ lợi cho trẻ khi trẻ vừa bú sau 30 phút. Động tác này phải thật nhẹ nhàng, nhanh để trẻ không cảm thấy khó chịu và sợ hãi. Bên cạnh đó, các nguyên liệu chuẩn bị trong mẹo giúp trẻ mọc răng không đau không sốt cần được làm sạch kỹ càng, ngâm với nước muối loãng để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây hại.

Trên đây là những chia sẻ về vấn đề bé mọc răng không chịu bú bình. Nếu tình trạng đau nhức kéo dài, trẻ thường xuyên bỏ ăn mẹ nên bình tĩnh đưa bé đến bác sĩ nha khoa tại các cơ sở y tế uy tín để kịp thời điều trị. Hy vọng tình trạng bé mọc răng không chịu bú bình sẽ sớm chấm dứt để bé khỏe, mau ăn chóng lớn mà mẹ cũng đỡ lo lắng hơn. Nếu có bất cứ điều gì thắc mắc, hãy liên hệ ngay theo hotline 19001806 để được hỗ trợ. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
26,573

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám