Bệnh Alzheimer - Nguyên nhân, dấu hiệu và các biện pháp điều trị và phòng ngừa

Doan Nguyen

27-07-2023

goole news
16

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và hành vi của con người. Hiện nay, không có cách nào để trị khỏi bệnh này, nhưng việc phát hiện và can thiệp sớm có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh. Việc tìm hiểu rõ những thông tin cơ bản về Alzheimer là cần thiết với mỗi người, nhất là đối tượng trung niên và cao tuổi.

Tổng quan về bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer được đặc trưng bởi sự mất dần các nơron thần kinh và synap trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chứng giảm trí nhớ ở người già. Alzheimer có xu hướng nặng dần theo thời gian gây ảnh hưởng xấu tới trí nhớ, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, hoạt động ngôn ngữ và tư duy của người bệnh. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 65 tuổi. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp mắc bệnh ở độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi.

Alzheimer là nguyên nhân phổ biến gây chứng giảm trí nhớ ở người già
Alzheimer là nguyên nhân phổ biến gây chứng giảm trí nhớ ở người già

Bệnh được đặt theo tên của bác sĩ tâm thần Alois Alzheimer, ông là người đầu tiên mô tả căn bệnh này. Năm 1906, vị tiến sĩ này phát hiện ra có những thay đổi trong mô não của một phụ nữ đã chết vì một căn bệnh tâm thần bất thường. Các triệu chứng của người này bao gồm mất trí nhớ, không thể kiểm soát được ngôn ngữ và hành vi. Sau khi bệnh nhân qua đời, ông đã kiểm tra não bộ và phát hiện rất nhiều khối bất thường được gọi là mảng vón amyloid cũng các đám rối sợi thần kinh, hoặc đám rối “tau”.

Việt Nam cũng là đất nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm tới 11% tổng dân số. Lão hóa là quy luật của tự nhiên, tuổi thọ càng cao thì tát yếu  tiến trình lão hóa càng gần. Tuy nhiên, Alzheimer hoàn toàn không phải là lão hóa thông thường. Đó là một chứng bệnh khiến phần não dần dần bị teo đi, đặc biệt là hồi hải mã -  nơi lưu giữ và tạo ký ức. 

Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer

Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer hiện chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết về yếu tố làm tăng nguy  cơ mắc bệnh này. Cụ thể:

  • Do sự tích tụ của một loại protein đặc biệt ở trong não dẫn đến chết dần các tế bào não.
  • Quá trình lão hóa gây ra sự phá hủy các myelin, từ đó làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh, cuối cùng là làm chết các tế bào thần kinh.
  • Do quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa trong cơ thể con người bị rối loạn.

Tổn thương thần kinh trong bệnh AlzheimerTổn thương thần kinh trong bệnh Alzheimer

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết Alzheimer

Như đã đề cập ở trên, Alzheimer là bệnh lý tiến triển, không thể nào kìm hãm được Do đó, các triệu chứng nặng hơn theo thời gian. Cụ thể, khi một người mắc Alzheimer, họ sẽ phải trải qua các giai đoạn bệnh với những triệu chứng đặc trưng như sau:

Giai đoạn 1: Triệu chứng Alzheimer chưa xuất hiện ở giai đoạn 1 nhưng bác sĩ có thể chẩn đoán sớm dựa vào tiền sử gia đình. Khi thăm khám về các vấn đề trí nhớ, người bệnh không hề có những dấu hiệu bất thường. Ở giai đoạn này, mọi người sống độc lập và hoàn toàn không hề biết mình mắc bệnh.

Giai đoạn 2: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng sớm như hay quên. Mức độ suy giảm trí nhớ sẽ cao hơn rất nhiều so với lão hóa thông thường. Ban đầu, họ chủ yếu quên những từ quen thuộc, tên thành viên hay tên đồ vật trong gia đình. Tuy nhiên, sự suy giảm trí nhớ giai đoạn này lại không ảnh hưởng quá nhiều nhiều đến công việc và đời sống nên nhiều người thường bỏ qua.

Giai đoạn 3: Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn với thời gian thường kéo dài nhiều năm. Bệnh nhân rất dễ đi lạc, khó nhớ những gì mới đọc và tên người mới quen,… Tuy nhiên, những biểu hiện này cũng chỉ có người thân, tiếp xúc gần gũi mới nhận ra.

Giai đoạn 4: Đa số bệnh nhân thường nhận chẩn đoán mắc Alzheimer khi bước sang giai đoạn 4. Ban đầu, họ chỉ gặp rắc rối với những công việc phức tạp. Lâu dần, tình trạng mất trí nhớ nặng sẽ xuất hiện bà không thể thực hiện những công việc nhà hàng ngày.

Giai đoạn 5: Giai đoạn  Alzheimer này thường kéo dài từ nửa năm tới một năm. Lúc này, người bệnh cần có sự trợ giúp rất lớn từ người khác. Họ bắt đầu quên tên của mình và những người thân trong gia đình, tình trạng đi lạc cũng trở nên thường xuyên hơn. Người bệnh cũng gặp khá nhiều vấn đề trong việc định hướng không gian và thời gian.

Triệu chứng alzheimer điển hình là sa sút trí tuệ một cách nhanh chóng và bất thường
Triệu chứng alzheimer điển hình là sa sút trí tuệ một cách nhanh chóng và bất thường

Giai đoạn 6: Sang giai đoạn này, người bệnh  Alzheimer không thể thực hiện được những công việc hàng ngày, kể cả ăn uống hay mặc quần áo. Họ phụ thuộc hoàn toàn vào người thân của mình, thậm chí còn cói năng khó khăn hơn và mất dần các biểu cảm trên gương mặt.

Giai đoạn 7: Đây là giai đoạn cuối cùng và nặng nhất của căn bệnh Alzheimer. Lúc này bệnh nhân không thể nói được nữa và các cơ mặt đã cứng lại. 

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer sẽ tăng dần lên theo tuổi tác, bắt đầu từ khoảng 65 tuổi. Nhiều nghiên cứu khoa học đã xem xét liệu các hoàn cảnh sống, bệnh tật hoặc thậm chí là hành vi cụ thể có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh hay không. Mặc dù vẫn chưa có bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào, nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng các yếu tố có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường.
  • Stress, căng thẳng và phiền muộn kéo dài.
  • Cholesterol cao.
  • Hút thuốc.
  • Ít giao tiếp xã hội.

Biến chứng của bệnh Alzheimer

Khi bệnh Alzheimer tiến triển đến giai đoạn cuối, những thay đổi của não bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến các chức năng thể chất, chẳng hạn như nhai nuốt, kiểm soát hành vi… Hầu hết những người mắc bệnh này đều không tử vong do bệnh chính mà thường do các bệnh kèm theo, chẳng hạn như:

  • Viêm phổi: Người bệnh có phổi bị phù nề, nhiễm trùng hay hít phải các chất nhầy từ dịch dạ dày, hay từ thức ăn… vào phổi hoặc đường hô hấp.
  • Nhiễm trùng: Bệnh nhân Alzheimer thường đi tiểu không tự chủ nên phải đặt thông tiểu, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường niệu. Biến chứng này nếu không được điều trị sẽ càng nặng hơn, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
  • Bị ngã và gặp chấn thương: Bệnh nhân Alzheimer thường sẽ khó để định hướng khoảng cách. Do vậy nguy cơ bị ngã khi di chuyển và vận động tăng lên. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến các trường hợp có thể gãy xương, gặp chấn thương vùng đầu, cổ nặng, thậm chí còn gây xuất huyết, tụ máu… .Trường hợp chấn thương nặng cần lưu viện để phẫu thuật và chăm sóc nội trú.

Người bị Alzheimer gặp khó khăn trong việc định hướng nên rất dễ bị ngã và gặp chấn thương
Người bị Alzheimer gặp khó khăn trong việc định hướng nên rất dễ bị ngã và gặp chấn thương

Vậy người mắc bệnh Alzheimer sống được bao lâu? Câu trả lời cho thắc mắc này còn dựa vào tình trạng sức khỏe, mức độ và diễn biến bệnh ở mỗi người. Theo nghiên cứu khoa học, tuổi thọ trung bình của người mắc bệnh Alzheimer tính từ thời điểm được chẩn đoán là khoảng 8-10 năm. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải câu trả lời chính xác cho mọi người bệnh. Cũng có một số trường hợp tuổi thọ của người bệnh Alzheimer ngắn hơn hoặc dài hơn tuổi thọ trung bình.

Biện pháp chẩn đoán Alzheimer

Chưa thể chẩn đoán hoàn toàn bệnh Alzheimer bằng việc thực hiện các xét nghiệm hiện có trong khi người đó vẫn còn sống. Căn bệnh này được phát hiện nếu ai đó có các triệu chứng điển hình đồng thời không tìm thấy nguyên nhân nào khác. Việc đánh giá hình ảnh não bằng các kỹ thuật như chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ hoàn toàn không đủ để biết ai đó có mắc bệnh hay không.

Các triệu chứng như hay quên, thay đổi hành vi, nhận thức và các vấn đề với định hướng có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó chúng ta không vội vàng đi đến kết luận việc có mắc bệnh Alzheimer hay không. Các triệu chứng cũng hoàn toàn có thể do trầm cảm hoặc các tình trạng thể chất khác, chẳng hạn như viêm màng não, đột quỵ hoặc chảy máu não. Ngoài ra, sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất, tác dụng phụ của thuốc đôi khi cũng là tác nhân gây ra những triệu chứng trên.

Thông thường bệnh Alzheimer chỉ được chẩn đoán nếu các triệu chứng đã kéo dài hơn 6 tháng đồng thời bất kỳ nguyên nhân nào khác được coi là khó xảy ra. Vì vậy việc khám tổng quát và kiểm tra cận lâm sàng là cần thiết.  Nếu bạn lo lắng mình hoặc người thân đang có triệu chứng của bệnh, hãy đến gặp và tìm sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa về thần kinh. Điều này chắc chắn sẽ hữu ích trong việc chẩn đoán, điều trị và phát hiện bệnh, nhất là khi bệnh vẫn còn ở giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, các phương án tầm soát để nhằm phát hiện sự suy giảm chức năng nhận thức như cũng thường được sử dụng như MMSE, Mini-Cog và MoCA. Cụ thể. Trong đó thang điểm MMSE có điểm cắt chẩn đoán tình trạng sa sút trí tuệ là 26. Ngoài biểu hiện lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán giai đoạn bệnh theo thang điểm MMSE (theo NICE 2011). Cụ thể:

  • Bệnh Alzheimer nhẹ: MMSE 21 – 26
  • Bệnh Alzheimer trung bình: MMSE 10 – 20
  • Bệnh Alzheimer trung bình nặng: MMSE 10 – 14
  • Bệnh Alzheimer nặng: MMSE dưới 10

Các bác sĩ thường chẩn đoán alzheimer dựa trên việc khám tổng quát và kiểm tra cận lâm sàng
Các bác sĩ thường chẩn đoán alzheimer dựa trên việc khám tổng quát và kiểm tra cận lâm sàng

Các bài test đánh giá chuyên biệt thường được bác sĩ áp dụng để xác định chi tiết từng chức năng nhận thức, chẳng hạn như trí nhớ, ngôn ngữ, chức năng điều hành, thị giác cấu trúc, chú ý tập trung. Cụ thể:

  • Đánh giá hoạt động sống hàng ngày: Sử dụng các thang đánh giá hoạt động sống nâng cao (IADL- Instrumental Activity of Daily Living) và cơ bản (ADL- Activity of Daily Living) để kiểm tra sự ảnh hưởng chức năng nhận thức lên hoạt động hàng ngày. 
  • Đánh giá hành vi tâm thần: Trên thực tế, có tới hơn 80% bệnh nhân Alzheimer có biểu hiện rối loạn hành vi tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, ảo giác, hoang tưởng, lãnh đạm, kích động.

Phương pháp điều trị Alzheimer

Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị Alzheimer. Tuy nhiên, vẫn có cách giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người mắc. Cụ thể:

Dùng thuốc duy trì chức năng tâm thần: Những loại thuốc sử dụng điều trị bệnh Alzheimer ở giai đoạn vừa đến nặng hoạt động bằng cách điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh. Các chất hóa học trong thuốc truyền thông điệp giữa các tế bào thần kinh, từ đó giúp giảm các triệu chứng đồng thời giải quyết một số vấn đề về hành vi. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể chỉ mang lại hiệu quả đối với một số đối tượng và trong khoảng thời gian nhất định.

Dùng thuốc kiểm soát hành vi: Các triệu chứng hành vi phổ biến của bệnh Alzheimer bao gồm thường xuyên mất ngủ, đi lang thang, kích động, lo lắng, nóng tính, hung dữ. Các nhà khoa học đã cố hiểu lý do tại sao các triệu chứng này xảy ra và đang nghiên cứu các phương pháp khắc phục, bao gồm cả dùng thuốc và không dùng thuốc để có thể kiểm soát bệnh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc điều trị các triệu chứng hành vi có thể làm cho người bệnh cảm thấy thoải mái hơn đồng thời giúp người chăm sóc cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Thử nghiệm phương pháp điều trị mới: Nghiên cứu về bệnh Alzheimer đã phát triển mạnh đến mức các nhà khoa học đang tìm cách để trì hoãn, thậm chí ngăn ngừa căn bệnh này và điều trị các triệu chứng của nó. Trong số các các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra do NIA hỗ trợ thì các nhà khoa học đang phát triển và tiến hành thử nghiệm một số biện pháp can thiệp khả thi. Một số nghiên cứu về các liệu pháp điều trị bằng thuốc nhắm tới nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm protein beta-amyloid, chức năng mạch máu não hay mất khớp thần kinh và các chất dẫn truyền thần kinh cụ thể, các can thiệp hoạt động thể chất, chế độ ăn uống, rèn luyện nhận thức,....

Bệnh nhan alzheimer cần được người thân trong gia đành dành thời gian quan tâm, chăm sóc nhiều hơn
Bệnh nhan alzheimer cần được người thân trong gia đành dành thời gian quan tâm, chăm sóc nhiều hơn

Biện pháp Phòng ngừa bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer xảy ra do tiến trình lão hóa não bộ do thời gian và tuổi tác. Tuy nhiên, bệnh có thể đến sớm hoặc muộn hơn, mức độ trầm trọng hay giảm nhẹ hoàn toàn là do lối sống và sinh hoạt của người bệnh. Do đó, có nhiều cách để phòng ngừa hiệu quả và kiểm soát biến chứng nguy hiểm của bệnh này. Cụ thể:

  • Phòng ngừa các bệnh tim mạch: Theo nghiên cứu, có tới 80% người bị Alzheimer có các vấn đề liên quan đến bệnh tim mạch. Không chỉ vậy, não bộ của một số người còn xuất hiện những mảng vón và đám rối đặc trưng nhưng lại không hề có biểu hiện của Alzheimer.  Về vấn đề này, theo các chuyên gia các mảng vón và đám rối ấy chỉ phát tác khi hệ mạch máu não cũng có vấn đề. Tức bệnh về tim mạch lchính là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường , rối loạn lipid máu (mỡ máu cao) cần kiểm soát bệnh ngay vì lâu dài, bệnh có thể tiến triển thành bệnh tim mạch.
  • Thường xuyên tập thể dục: Việc tập thể dục có thể giúp trì hoãn các triệu chứng cũng như phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, chúng ta vận động cần theo phác đồ của chuyên gia để giúp nguồn máu và oxy nuôi dưỡng não trở nên dồi dào hơn.
  • Tránh gặp các chấn thương vùng đầu: Khảo sát cho thấy có một mối liên hệ giữa chấn thương đầu nặng với khả năng mắc Alzheimer về sau, nhất là các chấn thương dẫn tới bất tỉnh. Bởi vậy việc bảo vệ vùng đầu và tránh những chấn thương không đáng sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh lý này.
  • Ăn uống khoa học: Một thực đơn cân bằng nhóm chất dinh dưỡng, chứa nhiều rau và trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, đậu phộng, cá, gà, trứng,  dầu oliu, các chế phẩm từ sữa… sẽ giúp tăng cường sức khỏe não bộ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hạn chế ăn các loại thịt đỏ và đường.
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc: Giấc ngủ tốt có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer đến sớm và tiến triển trầm trọng. Bởi vì trong lúc ngủ, não bộ của chúng ta sẽ tiến hành “vệ sinh” các synapse để việc truyền tin được thông thoáng đồng thời lọc bỏ những ký ức không cần thiết, và dọn bớt amyloid β để không tạo ra các mảng vón. Ngủ 8 tiếng mỗi đêm mà không cần dùng thuốc chính là việc lý tưởng để phòng ngừa Alzheimer.

Sự cô đơn, cảm giác tủi thân chính là điều mà người bệnh Alzheimer sợ nhất. Do đó, sự chăm sóc và những mối quan hệ yêu thương chân thành từ gia đình và bạn bè xung quanh đối với họ là vô cùng cần thiết. Khi nghi ngờ người thân mắc bệnh, bạn cần đưa họ đến ngay cơ sở y tế uy tín để thực hiện các bước kiểm tra, chẩn đoán.

1,023

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám